Trồng Cây Lạ Xứ Lạnh ở Xứ Nóng, Hái Trái đen Như Cục Than Bán, ông ...

Trồng cây lạ xứ lạnh ở xứ nóng, hái trái đen như cục than bán, ông nông dân Ninh Thuận thu tiền triệu/ngày

Ông Nguyễn Văn Trinh 60 tuổi ở phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) trong một lần đi chơi Đà Lạt thấy loài cây lạ là cây phúc bồn tử cho trái ăn ngon nên đưa về vùng đất 'nắng gió như rang' trồng thí nghiệm và không ngờ thu tiền triệu mỗi ngày...

Theo lời giới thiệu của Hội nông dân phường Văn Hải, chúng tôi tìm về vườn cây phúc bồn tử đen của ông Nguyễn Văn Trinh, ở phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). Có thể nói, đây được xem là vườn phúc bồn tử đen đầu tiên ở Ninh Thuận và cho thu nhập cao.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn phúc bồn tử đen xanh mướt được trồng bài bản trong nhà lưới, ông Trinh cho biết, vườn cây này đã được ông trồng gần hai năm, đang cho trái và khoảng hai ngày ông hái một lần từ 7-8kg.

Lão nông Nguyễn Văn Trinh, phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) thu hái quả phúc bồn tử đen tại vườn. (Ảnh: Đức Cường)

"Trong một chuyến du lịch ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tôi tình cờ được ăn thử phúc bồn tử đen rồi cảm thấy rất ngon và lạ mắt. Qua thời gian tìm hiểu tôi biết được đây là giống cây trồng thuộc họ dâu tằm, quả khi chín có thể ăn tươi chứa nhiều vitamin mang giá trị dinh dưỡng cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Từ đó, tôi quyết định đưa về quê trồng thử ở quê mình", ông Trinh chia sẻ.

Qua tìm hiểu thông tin và hướng dẫn kỹ thuật từ sách báo và internet, ông Nguyễn Văn Trinh đã đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước ngầm, lắp đặt các thiết bị đo nhiệt độ. Đồng thời cải tạo 500 mét vuông đất của gia đình để trồng phúc bồn tử đen.

Sau 8 tháng trồng lứa đầu tiên, 250 cây phúc bồn tử đen của ông bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng 3-4kg trái trong một lần thu hoạch. Với giá bán 150.000 đồng/kg thì trung bình mỗi lần thu hoạch gia đình ông có từ 450.000 – 600.000 đồng.

"Tuy sản lượng lứa đầu không như kỳ vọng do kỹ thuật chăm sóc còn chưa quen nhưng trái cây sau khi hái được tiêu thụ rất nhanh. Trung bình hai ngày tôi hái một lần khoảng 7-8kg nhưng vẫn không đủ bán cho người tiêu dùng đặt trước...", ông Trinh cho biết.

Cận cảnh trái phúc bồn tử đen khi chín. (Ảnh: Đức Cường)

Bất ngờ làm chơi nhưng ăn thật, ông Trinh quyết định mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử đen lên 1000 mét vuông (1 sào). Bằng những kinh nghiệm tích lũy được từ mùa trước, ông bắt đầu áp dụng thời gian bón phân, tưới nước phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, chăm sóc và cắt cành theo đúng kỹ thuật chu kỳ đơm hoa kết trái của phúc bồn tử đen.

Ngoài ra, bằng kinh nghiệm thực tế từ lứa trước ông chủ động loại bỏ cách làm giàn đỡ theo hình chữ V để chuyển sang làm giàn đỡ theo phương thẳng đứng nhằm giúp cây hấp thụ đầy đủ ánh sáng, tạo lối đi thông thoáng khi di chuyển giữa các hàng khi thu hoạch trái.

Cùng với lứa phúc bồn tử trước đó, qua thời gian chăm bón tỉ mỉ, 1 sào phúc bồn tử đen của ông Trinh bắt đầu cho sản lượng 7-8kg trong một lần thu hoạch. Với thời gian hai ngày ông hái một lần, gia đình ông thu nhập từ 1 đến 1,2 triệu đồng.

Hiện nay, 1000 mét vuông phúc bồn tử đen của ông Trinh cho thu hoạch 2 ngày 1 lần. (Ảnh: Đức Cường)

"Nếu được chăm sóc tốt thì cây phúc bồn tử đen sẽ cho năng suất cao hơn, trung bình trên 10kg trái mỗi lần thu hoạch. Và thông thường vào lứa trái thứ 3 trở đi thì sản lượng cho trái bắt đầu tăng lên", ông Trinh chia sẻ.

Cũng theo ông Trinh, tuy vốn đầu tư ban đầu khá cao khoảng 50 triệu đồng/1.000 mét vuông nhưng đổi lại đầu tư một lần rồi sẽ cho thu hoạch nhiều năm sau đó nếu được chăm sóc tốt. Sau khi hái trái, có thể cắt cành thì cây sẽ ra cành mới và đâm hoa kết trái từ nhánh mới hình thành đó.

Thuần hóa cây xứ lạnh trên vùng đất đầy nắng và gió

Chỉ tay về những hàng cây phúc bồn tử xanh mướt, ông Trinh cho biết, ban đầu ông rất lo lắng vì nhiệt độ trong nhà lưới luôn rất cao vào mỗi ngày nắng gắt. Tuy nhiên, qua thời gian theo dõi và chăm sóc thì thấy cây vẫn phát triển bình thường, cành lá xum xuê. Thậm chí tỉ lệ ra hoa và đậu trái không thua kém gì so với cây trồng ở Lâm Đồng.

"Ai cũng cho rằng giống cây này chỉ trồng được ở xứ lạnh nhưng đâu ngờ khi tôi đem về Ninh Thuận lại phát triển rất tốt. Chất lượng trái chín lại có vị chua ngọt và thơm hơn so với vị chua và chát khi trồng ở Đà Lạt."

Để chứng minh lời mình nói là sự thật, ông Trinh chỉ tay vào đồng hồ nhiệt kế đặt trong vườn phúc bồn tử đen ở mức 40 độ nhưng cây trồng vẫn xanh mướt, trái chín trĩu cành. Bằng kinh nghiệm trồng và chăm sóc phúc bồn tử đen của mình, ông Trinh cho rằng đây là loại cây trồng khá phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương, chỉ cần cây được chăm sóc tốt, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây thì cây sẽ phát triển tốt và cho trái đều.

Đồng hồ đo nhiệt độ trong nhà lưới ở mức 40 độ nhưng cây vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh. (Ảnh: Đức Cường)

"Mỗi địa phương đều có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng đất khác nhau, ở Đà Lạt người ta trồng trong nhà màng bằng nilon để tạo không gian kín nhằm giữ nhiệt độ ấm hơn bên ngoài. Còn ở Phan Rang-Tháp Chàm thời tiết nắng nóng hơn, nên chỉ sử dụng nhà lưới giúp thoáng khí hơn và giảm cường độ ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây, giúp cây phát triển tốt hơn", ông Trinh bộc bạch.

Mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử gắn với du lịch trải nghiệm

Với phương pháp trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đầu ra nên chất lượng phúc bồn tử đen của ông Trinh luôn đắt hàng mỗi khi thu hoạch. Hiện, sản phẩm phúc bồn tử đen của gia đình ông đã có mặt tại nhiều shop trái cây chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và các shop hàng quen ở Hà Nội và TP.HCM.

Và để sản phẩm phúc bồn tử đen ngày càng được nhiều người biết đến hơn, lão nông Nguyễn Văn Trinh đang ấp ủ dự định liên kết với các hộ nông dân trong vùng để mở rộng diện tích, đồng thời xây dựng thương hiệu quả phúc bồn tử đen ở địa phương.

Trái phúc bồn tử khi chín sẽ ngã từ màu đỏ sang màu tím đen. (Ảnh: Đức Cường)

Song song đó, bản thân ông cũng đang định hướng học tập mô hình trồng phúc bồn tử đen kết hợp du lịch trải nghiệm cho du khách khi đến với miền nắng gió Ninh Thuận.

"Ai có nhu cầu, tôi đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để trồng và chăm sóc phúc bồn tử đen. Hiện tại tôi đã hướng dẫn bạn bè và một số hộ trồng thành công phúc bồn tử đen, trong đó cũng có hộ mạnh dạn trồng để áp dụng hình thức du lịch trải nghiệm bên cạnh việc thu hoạch từ bán trái trong thời gian tới. Nếu thành công, đây sẽ là hướng đi mới cho nông dân địa phương trong việc nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất, giúp nông dân "sống tốt" trong thời buổi kinh tế thị trường", ông Trinh mạnh dạn nói.

Việc áp dụng làm giàn đỡ thẳng đứng giúp dễ dàng trong việc đi lại khi thu hoạch, thuận tiện hơn nếu áp dụng cho khách du lịch vào tham quan trải nghiệm. (Ảnh: Đức Cường)

Ông Trần Ngọc Minh, chủ tịch UBND phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm cho biết, bên cạnh những loại cây trồng chủ lực ở địa phương hiện tại như Măng tây, nha đam, nho, táo thì cây phúc bồn tử đen là một loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

"Sắp tới địa phương sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tìm hiểu thêm về quy trình kỹ thuật chăm sóc để có bà con nông dân có thêm kiến thức về một cây trồng mới, giúp bà con có thêm lựa chọn về giống cây trồng mới trong chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi ở địa phương...", ông Minh cho biết.

Phúc bồn tử có tên khoa học là Rubus Idaeus, ở Việt Nam còn được biết đến với tên gọi là quả mâm xôi. Có 2 loại phúc bồn tử gồm phúc bồn tử đỏ (mâm xôi đỏ, tên tiếng anh là rasberry) và phúc bồn tử đen (mâm xôi đen, tên tiếng anh là blackberry) đây là loại cây thuộc họ dâu thường được trồng nhiều ở các tỉnh có khí hậu lạnh ở Việt Nam ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Lâm Đồng.

Quả phúc bồn tử nói chung và quả phúc bồn tử đen nói riêng có nguồn gốc xuất xứ từ Israel, trái chín màu tím đen, vị chua ngọt, thơm ngon được xem là"hoàng hậu"của các loại quả nhờ chứa nhiều loại vitamin có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như: các acid hữu cơ đa phần là acid citric, malic, salicylic và tanin, vitamin C, vitamin K, pectin, fructose, acid ellagic và acid hữu cơ khác giúp chống oxy hóa, ngăn ngừa các loại bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường, cải thiện thị lực, hỗ trợ chức năng sinh sản…

Nguồn: hongbien60s.com

Từ khóa » Cay Xu Nong