Trồng Cây Mắt Nai Tạo Sắc Tím Cho Sân Vườn Thêm đẹp

Cây mắt nai với vẻ ngoài rực rỡ, là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn tô điểm không gian công cộng hay sân vườn gia đình.

  • Trồng cây lim xẹt làm cảnh công trình phủ bóng mát

Vậy loài cây cảnh này có điểm gì nổi bật?

Chúng ta cùng tìm hiểu đặc điểm, công dụng và cách chăm sóc cây mắt nai qua bài viết dưới đây nhé.

Đặc điểm cây mắt nai

Cây mắt nai còn có tên gọi là cây mắt nhung, tên khoa học là Alternanthera dentata, đây là một loài cây thân thảo thuộc họ Dền (Amaranthaceae), có nguồn gốc từ Ấn Độ và khu vực Nam Mỹ. Một vài loài cùng họ với mắt nai có thể kể tới như cây cẩm thạch, hoa mào gà hay cúc bách nhật…

Cây mắt nai
Cây mắt nai

Về đặc điểm, cây mắt nai nổi bật với màu tím toàn thân, từ thân, cành cho đến lá. Thân cây nhỏ, mọng nước và khá mềm, phân làm nhiều cành nhánh rồi phát triển thành bụi lớn, cao chỉ từ 20 – 50cm tùy môi trường sống.

Mắt nai có lá mọc theo cặp đối xứng nhau, cuống dài 2 – 3cm mọc trực tiếp từ thân, lá dài từ 3 – 6cm, có dạng trái xoan, nhọn dần về đầu lá. Bề mặt lá hơi nhám, gân lá nổi rõ, có lông tơ phủ đều, mép lá nguyên.

Không chỉ có thân và lá đẹp, hoa của cây mắt nai cũng rất đặc sắc. Hoa cây có dạng bông nhỏ, tập trung ở ngọn hoặc nách lá, màu trắng nhẹ nhàng. Cây thường ra hoa vào mùa hè, sau khi hoa tàn cây sẽ cho quả màu nâu láng, kích thước khá nhỏ, bên trong là 1 hạt.

Mắt nai có sức sống mãnh liệt, sinh trưởng nhanh, phù hợp với nhiều loại đất và môi trường sống. Cây phát triển tốt nhất trong môi trường ẩm, nhiều ánh sáng, chịu úng kém.

Bạn có thể nhân giống cây mắt nai từ hạt hoặc giâm cành.

Công dụng của cây mắt nai

Với sắc tím rực rỡ, lại phát triển thành bụi rộng, cây mắt nai nhanh chóng tạo cho bạn một thảm thực vật nổi bật. Bởi vậy cây được ưa chuộng trồng làm cây cảnh công trình tại các khu vực công cộng như công viên, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học hay làm cây trang trí sân vườn biệt thự.

Bạn có thể trồng làm đường viền, cắt tỉa và phối màu với các loại cây cảnh khác để trang trí theo gu thẩm mỹ của mình.

Cây được trồng cảnh ở nhiều khu vực công cộng
Cây được trồng cảnh ở nhiều khu vực công cộng

Không chỉ có tác dụng thẩm mỹ, cây mắt nai còn được biết đến là loại cây cảnh có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn, mang tới không gian sống trong lành, mát mẻ.

Chừng đó công dụng cũng đủ để bạn đưa cây mắt nai vào danh sách cây cảnh muốn trồng rồi đúng không!

Cách trồng và chăm sóc cây mắt nai

Có sức sống tốt, nên quá trình trồng và chăm sóc cây mắt nai không có gì quá khó khăn. Dưới đây là vài kinh nghiệm cơ bản trong quá trình đó.

Trồng cây mắt nhung

Như đã thông tin ở trên, bạn có thể trồng cây mắt nai bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành, trong đó giâm cành có nhiều ưu điểm hơn cả.

Đầu tiên cần chuẩn bị đất trồng, bạn có thể chọn đất gì cũng được, sau đó trộn thêm ít xơ dừa, mùn và phân chuồng, phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước. Nếu nhân giống trong bầu thì bầu cây cần có lỗ thoát nước bên dưới.

Tiếp đó, từ bụi cây mẹ, bạn chọn cành mới, mập mạp, có 2 – 3 cặp lá, sau đó dùng dao sắc cắt một đoạn 15 cm rồi giâm vào phần đất đã chuẩn bị từ trước.

Tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm, chỉ sau 1 – 2 tuần là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng thành một bụi mới.

Trồng cây bằng phương pháp giâm cành
Trồng cây bằng phương pháp giâm cành

Cách chăm sóc cây mắt nai

Để chăm sóc cây mắt nai đúng cách, bạn chỉ cần lưu ý một vài yếu tố chính như nước tưới, ánh sáng, hay phòng trừ sâu bệnh.

  • Tưới nước: mắt nai là loài ưa ẩm nhưng không chịu được ngập dúng. Khi cây còn nhỏ, bạn nên duy trì tưới mỗi ngày một lần. Khi cây đã phát bụi, bạn có thể giãn cách khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần là được. Khi tưới cần chú ý không tưới quá nhiều, gây úng rễ.
  • Bón phân: cây mắt nai có nhu cầu dinh dưỡng không cao, sống tốt trong môi trường khô cằn. Nhưng nếu muốn cây phát bụi nhanh thì định kỳ 3 – 4 tháng bạn nên bón cho cây ít phân chuồng hoặc phân NPK.
  • Ánh sáng: bạn phải đảm bảo đủ ánh sáng để cây mắt nai phát triển bởi đây là loài ưa sáng. Cây cũng có thể sống tốt trong môi trường râm bán phần. Ánh sáng càng nhiều thì màu sắc cây và lá càng sặc sỡ, đẹp mắt.
  • Phòng trừ sâu bệnh: trong thời gian chăm sóc, bạn cần thường xuyên cắt tỉa để tạo dáng cho bụi cây. Cùng với đó là quan sát và nhanh chóng phát hiện cành lá héo úa để cắt bỏ, nếu cây bị rệp sáp hoặc sây bệnh tấn công thì có biện pháp mua thuốc về phun.
Đảm bảo đủ ánh sáng cho cây mắt nai
Đảm bảo đủ ánh sáng cho cây mắt nai

Trên đây là những thông tin cơ bản về cây mắt nai cũng như cách trồng và chăm sóc sao cho hiệu quả, đẹp mắt.

Nếu bạn có một không gian rộng cần trang trí, đừng bỏ qua cây mắt nai trong bộ sưu tập cây cảnh nhé.

Từ khóa » Cây Mắt Nai Có Tác Dụng Gì