Trồng Cây Sanh: Cách Trừ Các Loại Sâu Bọ

Hướng dẫn chăm sóc cây sanh khỏi sâu bọ

Khi trồng cây sanh, khó có ai tránh khỏi việc bị các loài sâu bọ “thăm viếng”. Dưới đây, chúng tôi liệt kê một số loài sâu bọ hại cây phổ biến cũng như các triệu chứng nhận biết và các phòng trừ phù hợp.

  • 3 phút tìm hiểu kỹ thuật trồng cây sanh
  • Ghép cây sanh: 4 cách đơn giản nhất

Sâu đục thân

Sâu đục thân có nhiều loại, nhưng đặc trưng của chúng đều là ăn hết lớp lõi gỗ bên trong cây, khiến cây sanh yếu dễ đổ gãy và ngăn cản quá trình vận chuyển dinh dưỡng khiến cây có thể bị héo rồi chết.

Triệu chứng

Sâu thường thải mùn gỗ màu nâu trắng qua lỗ đục trên cây. Nếu bạn thấy một lớp như mùn cưa quanh gốc cây sanh chắc chắn cây của bạn đang bị sâu đục thân. Dò theo lớp mùn sẽ thấy một cái lỗ mà từ đó sâu chui vào.

Thường thì khi phát hiện ra mùn thì tức là đã bị nặng rồi, tốt nhất là 15-20 ngày kiểm tra định kỳ quanh thân cây nếu thấy có một lỗ hổng nào thì cần xử lý ngay.

Sâu bệnh xuất hiện khi bạn trồng cây sanh

Phương pháp phòng trừ

  • Thường xuyên dọn cỏ quanh gốc cây để sớm phát hiện phân sâu đùn ra.
  • Không bón phân chưa hoai và chưa phơi nắng.
  • Buổi tối 19h – 21h thắp điện ngoài vườn dụ xén tóc bay tới và diệt bớt.
  • Để phòng bệnh, có thể dùng thuốc có tính dẫn lưu như Busudin bón quanh gốc cây, thuốc sẽ ngấm vào cây, sâu gặm cây sâu chết! (Cách này không nên dùng bởi hại cho người chăm sóc)
  • Khi phát hiện sâu đục thân, mua VIBAM loại dùng để diệt trùng tuyến. Dùng dây mây hoặc dây phanh xe đạp luồn vào trong lỗ, ngoáy cho chết sâu. Lấy kim tiêm hoặc bình xịt nước xịt thuốc vào trong lỗ đó. Thêm vào đó ta tẩm thuốc vào bông và bịt lỗ lại.

Bọ trĩ ống đùi gai

Có 2 loại là Androthrips ramachandrrai Karny và Gynaikothrips uzeli Zimm, chúng đều thuộc bộ cánh lông họ bọ trĩ ống. Đây là bệnh rất phổ biến trên cây sanh, hầu như cây nào cũng mắc phải.

Đặc điểm sinh học

Bọ trĩ trưởng thành màu nâu đen, dài 1,5mm – 2,5mm, đuôi nhọn, có 6 chân nhìn gần gần giống như con bọ cạp tí hon! Chúng thường hút nhựa trên lá non làm lá gấp lại rồi đẻ ấu trùng bên trong. Lá bệnh có những chấm đen, hơi ngả vàng. Bạn tách lá ra sẽ thấy cả bọ và trứng bên trong đó.

Bọ trĩ hại cây sanh

Phương pháp phòng trừ

  • Ngắt bỏ lá bị bệnh và đem đốt.
  • Bọ trĩ chỉ ăn lá non, trong thời kỳ cây phát lộc cần phun thuốc trừ sâu để phòng ngừa. Bọ trĩ rất dễ chết, chỉ cần dùng tỏi + ớt ngâm trong cồn vài ngày rồi phun lên lá ngày 1 lần trong 4-5 ngày liên tiếp là bọ chết hết. Hoặc dùng thuốc sữa Derris hoặc Rogor hoặc DDVP 0,1% hoặc Sumithion 0,05% phun là khỏi. Cũng có thể dùng lá sồi, lá thầu dầu đun sôi lấy nước để phun.

Bệnh gỉ sắt

Bệnh gỉ sắt là bệnh nguy hiểm, gây rụng lá, khô cành và rụng quả.

Triệu chứng

Mặt dưới lá xuất hiện những vết nhỏ màu vàng nhạt, đưa ra ánh sáng thấy trong như những giọt dầu. Dần dần trên mặt lá sẽ xuất hiện lớp bột màu nâu vàng như gỉ sắt. Lá bệnh hơi bị xoăn, nếu bệnh nặng lá sẽ rụng hết.

Trồng cây sanh bị lá gỉ sắt

Đặc điểm sinh học

Bệnh gỉ sắt trên sanh, đa, si do nấm gỉ sắt Uredo sp thuộc lớp bào tử đông, bộ nấm gỉ sắt gây ra. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển là 26oC, độ ẩm trên 90%. Bệnh phát sinh trong khoảng tháng 3-12. Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa.

Phương pháp phòng trừ

  • Rung cây cho lá rụng, quét và đốt đi để giảm nguồn gây bệnh.
  • Mùa đông sau khi lá rụng dùng hợp chất lưu huỳnh+vôi 2o – 5o phun lên cây để giảm bớt nguồn lây bệnh cho năm sau.
  • Khi cây bị bệnh phun vào lá non nước Boocdo 0,5% hoặc Vitavax hoặc Topsin hoặc Benlate 0,1% hoặc Sumi Eight 12.4WT.

Bệnh đốm đen

Triệu chứng

Ban đầu lá xuất hiện đốm màu đen, sau lớn dần và bên trong đốm khô như bị cháy. Lá sẽ vàng dần rồi rụng.

Trồng cây sanh bị đốm lá

Đặc điểm sinh học

Bệnh đốn đen do nấm bào tử liền (Alternaria tenuis Nees) thuộc lớp bào tử sợi, bộ nấm bào tử sợi gây ra. Nhiệt độ thích hợp là 20oC, độ ẩm 90%, nếu nhiệt độ trên 35oC và độ ẩm dưới 70% bệnh sẽ giảm xuống. Bệnh thường phát sinh vào tháng 2-5, nếu trời mưa nhiều bệnh sẽ nặng.

Phương pháp phòng trừ

  • Rung cây cho lá rụng, quét và đốt đi để giảm nguồn gây bệnh.
  • Mùa đông sau khi lá rụng dùng hợp chất lưu huỳnh+vôi 2o – 5o phun lên cây để giảm bớt nguồn lây bệnh cho năm sau.
  • Khi cây nhiễm bệnh phun thuốc Boocdo 1% hoặc Daconil 0,2% 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Hoặc phun thuốc nội hấp Ridomin Gold phun theo hướng dẫn.

Ngài đốm đỏ

Đặc điểm sinh học

Ngài đốm đỏ (Phauda flammans Walker) thuộc bộ cánh vẩy, họ ngài đốm. Sâu trưởng thành dài 13mm, sải cánh rộng 31mm – 34mm. Bụng màu đen, có lông, cánh trước màu đỏ, cánh sau trong suốt. Mỗi năm đẻ 2 lứa, lứa đầu từ tháng 4 – tháng 6, lứa sau từ cuối tháng 6 tới giữa tháng 7. Trứng đẻ trên lá, mỗi khối có 7 – 42 trứng. Qua đông bằng sâu non tuổi già kết kén trong lòng đất.

Con ngài đốm đỏ hại cây sanh

Phương pháp phòng trừ khi trồng cây sanh

  • Mùa đông xới xáo đất diệt kén.
  • Bảo vệ thiên địch, sau kỳ phát dịch không nên phun thuốc.
  • Khi phát bệnh, dùng thuốc Rogor 0,1% và Dipterex 0,1% luân phiên sử dụng.

Ngài độc cánh trong

Đặc điểm sinh học

Ngài độc cánh trong (Perina nuda Fabrricius) thuộc bộ cánh vẩy, họ ngài độc. Ngài cái có sải cánh rộng 41mm – 45mm, ngài đực sải cánh 30mm – 38mm. Râu đầu ngài hình răng lược màu nâu đen. Cánh trước trong suốt, mạch cánh màu nâu đen. Cánh sau màu vàng nhạt. Trứng màu hung đỏ, đẻ trên cành và cuống lá. Sinh sản mạnh nhất vào tháng 5- tháng 6.

Biện pháp phòng trừ

  • Dùng nhân công bắt và diệt sâu non.
  • Phun thuốc Sevin 0,3% hoặc Dipterex 0,1% hoặc DDVP 0,1%.

Tham khảo: Bonsai Ninh Bình

Originally posted 2016-03-03 11:52:40.

Từ khóa » Các Loại Sâu Bọ Hại Cây Cảnh