Trồng Cây Thằn Lằn (vẩy ốc) Leo Tường Phủ Xanh ... - Thích Làm Vườn

Cây thằn lằn hay còn gọi là cây vẩy ốc, là loại dây leo mảnh mai nhưng khá chắc chắn, có khả năng phủ xanh tốt, được nhiều người yêu thích, lựa chọn để trang trí.

  • Ý nghĩa cây lưỡi mèo và cách chăm sóc mang lại may mắn

Không chỉ đẹp, công dụng của cây thằn lằn còn rất đa dạng.

Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta cùng điểm qua một vài đặc điểm cũng như cách trồng, chăm sóc cây thằn lằn nhé.

Đặc điểm cây thằn lằn (vảy ốc)

Hiểu rõ đặc điểm và đặc tính sống là một trong những điều quan trọng nhất khi bạn muốn chăm sóc một cây cảnh nào đó. Dưới đây là vài đặc điểm chính của cây thằn lằn.

  • Tên: Cây thằn lằn
  • Tên gọi khác: Cây vảy ốc, Cây trầu cổ
  • Họ: Họ Dâu tằm (Moraceae)
  • Chi: Sung (Ficus)
  • Tên khoa học: Ficus pumila

Tuy thuộc họ Moraceae nhưng cây thằn lằn lại không có vẻ ngoài cổ thụ giống những cây cùng họ như cây sanh, cây duối hay bàng Singapore…

Cây thằn lằn hay còn gọi là cây vẩy ốc
Cây thằn lằn hay còn gọi là cây vẩy ốc

Cây thằn lằn là dạng cây dây leo, các nhanh nhỏ và mọc dài, có khả năng bám rất chắc lên các bề mặt mà nó vươn tới như bờ tường, mặt đá, cây gỗ lớn… Nhờ vậy mà nhiều người trồng cây để trang trí cho không gian nhà cửa.

Thân cây bên trong có mủ trắng, lá nhỏ và gốc lá có hình trái tim, nhỏ như vảy ốc nên còn được gọi là cây vảy ốc. Cây thường ra hoa, kết trái vào mùa hè và mùa thu.

Là loài ưa sáng, cây thằn lằn có tốc độ sinh trưởng khá nhanh nếu có môi trường phù hợp.

Nhu cầu nước của cây không cao, có khả năng chịu hạn, phù hợp nhiều loại đất, nhờ đó mà quá trình chăm sóc cây thằn lằn cũng khá đơn giản.

Công dụng của cây thằn lằn

Cây thằn lằn hay vảy ốc có tốc độ sinh trưởng nhanh, lá dày, nhờ đó mà khả năng phủ xanh rất tốt. Kèm với đó là khả năng leo bám tốt trên nhiều bề mặt nên nhiều người thường trồng cây thằn lằn ở sân vườn để làm đẹp cho tường nhà.

Ngoài ra, bạn còn có thể trồng cây thằn lằn để trang trí cho hàng rào, lối đi, cắt tỉa làm đường viền sân vườn… những bức thảm vảy ốc xanh mướt sẽ làm tăng vẻ cổ kính cho ngôi nhà của bạn.

Cây được dùng để phủ xanh bờ tường, hàng rào
Cây được dùng để phủ xanh bờ tường, hàng rào

Không chỉ có tác dụng làm cảnh, theo nhiều ghi chép Đông Y, cây thằn lằn còn được điều chế làm nhiều vị thuốc như cố tinh, tráng dương bổ thận, tiêu thủy, giải độc, viêm xương khớp…

Rất nhiều công dụng tuyệt vời đúng không nào.

Cách trồng cây vẩy ốc

Để cây con sinh trưởng nhanh, sống khỏe thì bạn nên chọn phương pháp giâm cành, điều kiện là bạn phải có cây mẹ trước. Nếu không có thì mua một cây ở đại lý về trồng cho nhanh.

Đầu tiên cần chuẩn bị đất, cây thằn lằn có thể sống trên nhiều loại đất nên chuẩn bị không khó khăn lắm. Chỉ cần trộn thêm xơ dừa, ít phân chuồng để đảm bảo dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước là được.

Từ cây mẹ, chọn ra 1 – 2 cành bánh tẻ, chồi lên tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh. Sau đó cắt ra một đoạn khoảng 20cm, cắm vào chậu đất đã chuẩn bị từ trước.

Đặt chậu ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng gay gắt, tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm, sau khoảng 2 tuần là cành sẽ phát triển thành cây mới.

Trồng cây thằn lằn bằng phương pháp giâm cành
Trồng cây thằn lằn bằng phương pháp giâm cành

Bạn tiếp tục chăm sóc khoảng 2 tuần nữa cho cây con thực sự cứng cáp thì có thể tách cây khỏi chậu để trồng ra khu vực mong muốn.

Chỉ cần đào hố, đặt cây xuống, lấp đất lại, nén hơi chặt và tưới nước đều đặn là xong.

Trong thời gian đầu có thể làm giàn hoặc gắn cọc để hỗ trợ cây leo bám tốt hơn.

Cách chăm sóc cây vẩy ốc

Như đã thông tin ở trên thì cây vẩy ốc (thằn lằn) có khả năng sinh trưởng nhanh mà không cần phải chăm sóc quá nhiều. Dưới đây là vài kinh nghiệm bạn có thể tham khảo.

Tưới nước: cây thằn lằn không chỉ có khả năng chịu hạn mà khả năng chịu úng cũng rất tốt. Do đó bạn không cần tưới nước quá thường xuyên. Khi cây còn nhỏ thì có thể tưới 2 – 3 lần mỗi tuần, còn khi cây đã lớn thì mỗi tuần tưới 1 lần là đủ.

Ánh sáng: là loài cây ưa sáng, bạn nên đảm bảo đầy đủ không gian cho cây thằn lằn sinh trưởng. Rất may là cây thường được trồng ở bờ tường, hàng rào, sân vườn nên yếu tố ánh sáng khá phù hợp.

Đảm bảo đủ không gian và ánh sáng cho cây phát triển
Đảm bảo đủ không gian và ánh sáng cho cây phát triển

Dinh dưỡng: bạn không cần phải bón phân cho cây thường xuyên. Phù hợp nhất thì khoảng 2 tháng lại bón cho cây một ít phân bón lá, như vậy là đủ.

Phòng trừ sâu bệnh: với đặc điểm là mọc càng dày càng đẹp, bạn không cần phải cắt tỉa cây hoặc chỉ cắt tỉa khi cây mọc xa khỏi khu vực mong muốn. Cây cũng ít khi bị sâu bệnh, thi thoảng nếu gặp rệp sáp thì bạn mua thuốc về phun nhé.

Trên đây là những thông tin về cây thằn lằn hay cây vảy ốc, hy vọng qua đó bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự tay trồng cho mình một dàn thằn lằn tuyệt đẹp bên tường nhà.

Cũng không khó lắm đâu, chúc bạn thành công.

Từ khóa » Cách Trồng Cây Vẩy ốc Leo Tường