Trống đồng Ngọc Lũ - Bảo Tàng Nhân Học

  • Trang nhất
  • Nghiên cứu
  • Bảo vật quốc gia
  • Trống đồng
Trống đồng Ngọc Lũ MOA 2021-06-15T16:40:18+07:00 https://ma.ussh.vnu.edu.vn/vi/nghien-cuu/trong-dong/trong-dong-ngoc-lu-27.html https://ma.ussh.vnu.edu.vn/uploads/ma/nghien-cuu/2021_06/trong-dong-ngoc-lu-1.jpg Bảo tàng Nhân học Thứ ba - 15/06/2021 16:09
Trống đồng Ngọc Lũ
Bảo vật Quốc gia Tên gọi: Trống đồng Ngọc Lũ Quyết định công nhận bảo vật: số 1426/QĐ-TTg ngày 01/12/2012 Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội Phát hiện: Phát hiện khi đắp đê Trần Thủy tại xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) năm 1893, sau đó được đưa về thờ tại đình làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tháng 4 năm 1903, trống được Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm và đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội). Niên đại: Trống thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm Kích thước: Đường kính mặt: 79,3 cm; đường kính chân: 80 cm; cao: 63 cm Trống đồng Ngọc Lũ. Bản vẽ mặt đứng trống đồng Ngọc Lũ. Hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Mặt trống trang trí hình mặt trời 14 tia, giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công. Tiếp đến là 16 vành hoa văn, phân cách giữa các vành là những đường gờ nổi. Hình mặt trời 14 tia giữa mặt trống. Xen giữa mỗi tia là họa tiết lông đuôi chim công.
  • Vành số 1, 5, 11, 16 là hoa văn chấm nhỏ. Vành số 2, 4, 7, 9, 13, 14 là hoa văn vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành số 3 là hoa văn hình chữ N gấp khúc nối tiếp.
  • Vành số 6, 8, 10 là các vành hoa văn chủ đạo.
  • Vành số 6 trang trí hình người nhảy múa, nhà cầu mùa mái vòm, nhà sàn mái cong, người giã gạo, cảnh đánh trống đồng… đối xứng qua tâm, chia thành 5 nhóm:
  1. Nhóm thứ nhất trang trí hình người nhảy múa, từ trái sang phải, có 6 đến 7 người. Trong số đó, có 1 người không đội mũ, 6 người còn lại đội mũ lông chim; 5 người cầm giáo. Nhóm 6 người đối xứng với nhóm 7 người, đều đội mũ lông chim, mặc váy hai vạt, vừa đi vừa múa, 1 người cầm rìu, 1 người thổi khèn, và 4 người cầm giáo.
Hình người hóa trang lông chim, tay cầm nhạc cụ hoặc vũ khí trong tư thế chuyển động về phía trước. Nhạc công đầu đội mũ lông chim vừa chơi nhạc, thổi khèn, vừa nhảy múa. 2. Nhóm thứ hai là hình nhà cầu mùa mái vòm, trang trí người búi tóc, trong tư thế hành lễ, hai bên vách là họa tiết vòng tròn chấm giữa. Hình nhà cầu mùa mái vòm. Hai bên vách trang trí vòng tròn chấm giữa. Trong nhà có người đứng hành lễ, hai tay cầm vật gì đó giơ lên. Hình nhạc công với chim mỏ ngắn, đầu tròn bay ở phía trên. 3. Nhóm thứ ba trang trí hình đôi trai gái đang cầm chày giã gạo. Bên trái có một người hướng về phía ngôi nhà mái vòm, trên đầu có 1 con chim đang bay. Hình đôi nam - nữ giã gạo. 4. Nhóm thứ tư trang trí hình nhà sàn mái cong, trên nóc nhà có 1 con chim đuôi dài đậu. Đối xứng với chim đuôi dài là một ngôi nhà sàn mái cong khác, trên nóc nhà có cặp chim trống - mái. Trong nhà có 2 người ngồi đối diện trong tư thế đầu ngẩng cao, ngửa ra sau, tóc xõa, đang hát giao duyên hoặc chơi trò chồng nụ chồng hoa. Bên phải, phía dưới hiên nhà có 1 người ngồi, đối diện có 1 chiếc trống đồng nằm ngang. Hình nhà sàn mái cong với chim đuôi dài đậu trên nóc. Trong nhà có hai người tóc xõa ngồi đối diện, đang hát giao duyên hoặc chơi chồng nụ chồng hoa. Đầu hồi bên phải có một người ngồi đánh trống. Phía hồi đối diện có một chiếc trống đồng nằm nghiêng. Hình nhà sàn mái cong với một cặp chim trống - mái đậu trên nóc. Trong nhà có hai người ngồi đối diện, đang hát giao duyên hoặc chơi chồng nụ chồng hoa. Kế bên có một người ngồi đánh trống. 5. Nhóm thứ năm trang trí cảnh đánh trống đồng đối xứng. Cảnh thứ nhất gồm 4 người búi tóc ngồi phía bên phải, tay cầm gậy dài chấm đến sàn. Cảnh thứ hai cũng có 4 người, trong đó có 1 người đứng, tay cầm gậy. 3 người còn lại ngồi tay cầm gậy dài chấm đến sàn. Phía dưới có 4 chiếc trống đồng xếp thành một dãy. - Vành số 8 có 2 nhóm hươu, tổng cộng 20 con, mỗi nhóm 10 con, đực cái xen kẽ, xen kẽ giữa các nhóm là 14 con chim lạc, với hai nhóm 6 con và 8 con, hướng ngược chiều kim đồng hồ. - Vành số 10 là 36 con chim, trong đó có 18 con bay và 18 con đậu, ngược chiều kim đồng hồ. - Vành số 12, 15 là hoa văn răng cưa. Viền mặt trống không có hoa văn, có vết con kê hình vuông không đều nhau. Tang trống có 10 vành hoa văn. Vành số 1, 6, 8, 10 là hoa văn vòng tròn chấm nhỏ. Vòng số 2, 5 là hoa văn răng cưa. Vành số 3, 4 là hoa văn vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến song song. Vành số 7 là hoa văn người hóa trang lông chim đua thuyền và chim cốc. 6 hình thuyền đi từ trái sang phải, thuyền thứ 1 có 5 người, thuyền thứ 4 có 6 người, thuyền thứ 2, 3, 5, 6 có 7 người, các nhân vật như thuyền trưởng, thủy thủ, người cầm lái, người bắn tên, người giết tù binh, tù binh... Hình thuyền chiến 1. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 4 người và 1 con chó săn. Giữa thuyền có thể là người chỉ huy, một tay cầm dùi đánh trống da, tay còn lại cầm rìu chiến. Phía đuôi thuyền có 1 người cầm lái. Một chiến binh ngồi trước mũi thuyền, tay cầm rìu chiến. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng ngược hướng thuyền chạy, hai tay giơ cao cung nỏ. Dưới đài có trống đồng để ngửa và bình đồng. Hình thuyền chiến 2. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người và 1 con chó săn. Giữa thuyền là người chỉ huy, một tay đánh trống da, một tay đang túm tóc kéo lê 1 tù binh lõa thể và 1 chiến binh một tay cầm giáo, một tay kéo lê 1 tù binh lõa thể khác. Phía đuôi thuyền có 1 thủy thủy cầm lái. Một chiến binh ngồi trước mũi thuyền, tay cầm rìu chiến. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng ngược hướng thuyền chạy, hai tay giơ cao cung nỏ. Dưới đài có trống đồng để ngửa. Hình thuyền chiến 3. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 6 người. Giữa thuyền là người chỉ huy, một tay đánh trống da, một tay kéo lê 1 tù binh lõa thể, 1 chiến binh đang một tay cầm rìu, một tay cầm giáo chuẩn bị đâm tù binh. Phía mũi thuyền có 1chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng xuôi hướng thuyền chạy, hai tay giương cung bắn tên. Người cầm lái cũng cầm cung tên. Hình thuyền chiến 4. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người. Giữa thuyền là người chỉ huy, một tay đánh trống da, một tay kéo lê 1 tù binh lõa thể, 1 chiến binh cầm giáo chuẩn bị đâm tù binh. Phía mũi thuyền có 2 chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến. Đuôi thuyền có 1 người cầm lái. Trên đài quan sát có 1 chiến binh đứng xuôi hướng thuyền chạy, hai tay giương cung bắn tên. Dưới đài có một chiếc bình đồng. Hình thuyền chiến 5. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người. Giữa thuyền là người chỉ huy, hai tay thúc trống da và 1chiến binh một tay túm tóc, một tay cầm giáo đâm vào đầu tù binh. Phía mũi thuyền có 2 chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến. Đuôi thuyền là người cầm lái. Chiến binh giương cung đứng trên đài quan sát xoay ngược hướng thuyền chạy. Dưới đài có một chiếc trống đồng. Hình thuyền chiến 6. Kiểu thuyền mũi cong, có bánh lái, mắt thuyền hình vòng tròn đồng tâm chấm giữa. Trên thuyền có 7 người. Giữa thuyền là người chỉ huy một tay đánh trống, một tay túm đầu tù binh, 1 chiến binh một tay cầm giáo đâm ngập đầu tù binh, tay còn lại cầm giáo huơ cao. Phía mũi thuyền có 1 chiến binh ngồi, tay cầm rìu chiến và 1 chiến binh đứng sau, một tay cầm giáo, tay kia cầm cờ. Người cầm lái trong tư thế ngồi. Chiến binh giương cung đứng trên đài quan sát xoay xuôi hướng thuyền chạy. Dưới đài có trống đồng đặt úp. Hình chiến binh trên thân trống, được thể hiện trong 8 ô, mỗi ô có hai chiến binh đầu đội mũ lông chim, một tay cầm rìu chiến, một tay cầm mộc. Thân trống có 10 vành hoa văn. Vành số 1, 3, 5, 10 là hoa văn chấm nổi, vành số 2 là hoa văn chữ V lồng nhau, hoa văn chấm, giữa hoa văn gân lá có hoa văn hai vòng đồng tâm tiếp tuyến, chia làm 8 ô theo chiều dọc. Mỗi ô có 2 người múa. Trên đầu người múa đội mũ, mặc váy, tay trái cầm mộc, tay phải cầm rìu, vừa đi vừa múa. Hình chim đầu tròn mỏ ngắn đang bay và cặp hươu đực - cái xen kẽ. Hình chim Lạc đang bay xen kẽ chim mỏ ngắn đang đậu. Hình người ngồi trên sàn cao đánh trống đồng, hoặc đang phá khuôn sau khi đúc trống đồng. Phần chân trống trơn không trang trí hoa văn. Bốn quai trống dẹt, trang trí văn thừng tết. Trống đồng Ngọc Lũ thuộc loại HI theo phân loại của học giả người Áo F.Héger. Theo phân loại của học giả Việt Nam là trống kiểu A1 với dáng cân đối, hài hòa, chia ba phần rõ rệt, chiều cao của tang và lưng xấp xỉ nhau, có kích thước lớn. Hoa vãn trang trí phong phú, tinh tế, bố cục hài hòa. Ngoài hoa văn hình học, các vành hoa văn chính ở mặt, tang và lưng có cảnh người, vật, động vật thể hiện theo phong cách tả thực. Chính phong cách tả thực này trên trống giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu phần nào về đời sống vật chất và tinh thần của người Đông Sơn như nhà ở, đi lại, nghề thủ công, kiểu dáng trang phục, sinh hoạt đời thường, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, nghi lễ, nhạc cụ, trò chơi…Cách thức tạo hoa văn cho thấy tư duy hình học, tư duy trừu tượng, hiểu biết về thiên văn học… của những người sản xuất và sử dụng trống đồng. Đây là chiếc trống đẹp, tinh xảo, nguyên vẹn và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện. Ngoài chức năng chính là một loại nhạc cụ quan trọng, cũng như các trống đồng Đông Sơn khác, trống đồng Ngọc Lũ còn là biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn. Trống đồng Ngọc Lũ không chỉ thể hiện trình độ đúc đồng đỉnh cao mà còn là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho tài năng sáng tạo của người Việt cổ, lả biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Lâm Anh sưu tầm và biên soạn Nguồn tài liệu tham khảo
  1. http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1001/19707/bao-vat-quoc-gia-viet-nam-trong-djong-ngoc-lu.html
  2. Hà Văn Tấn (cb) 1994, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Trống đồng Ngọc Lũ Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu 5 Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Sắp xếp theo bình luận mới Sắp xếp theo bình luận cũ Sắp xếp theo số lượt thích Bạn cần đăng nhập với tư cách là Thành viên chính thức để có thể bình luận

Những tin mới hơn

  • Trống đồng Hoàng Hạ

    (17/06/2021)
  • Trống đồng Cảnh Thịnh

    (19/06/2021)
  • Trống đồng đền Hùng

    (20/06/2021)
  • Trống đồng Cẩm Giang I

    (21/06/2021)
  • Trống đồng Hữu Chung

    (23/06/2021)
  • Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng

    (23/06/2021)
  • Đôi trống đồng Lô Lô

    (25/06/2021)
  • Trống đồng Pha Long

    (25/06/2021)
  • Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh

    (11/07/2021)
  • Trống đồng Quảng Chính

    (11/07/2021)
logo footer
  • https://ma.ussh.vnu.edu.vn/uploads/ma/logo-btnh_1.png N/A
  • Bảo tàng Nhân học (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)
  • Địa chỉ: Tầng 3 & 4, Nhà D, Trường ĐHKHXH&NV, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
  • Điện thoại: 024-355-89744 Email: btnhxhnv@gmail.com
  • Trang chủ
  • Sitemap
  • Feeds
  • Liên hệ
Bản quyền ©2004 Bảo tàng Nhân học Xây dựng trên mã nguồn NukeViet hỗ trợ bởi VINADES.,JSC Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây cron Giới thiệu bài viết cho bạn bè

Từ khóa » Hoa Văn Trên Trống đồng Ngọc Lũ