Trồng Mãng Cầu Ta Thái ở Vùng Chuyên Canh Cây Có Múi
Có thể bạn quan tâm
Nếu như mọi người xung quanh trồng chuyên canh cây bưởi, cây chanh không hạt thì gia đình chị Sáu Trinh (Nguyễn Thị Mộng Trinh), ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, đã chuyển đổi sang mô hình trồng cây mãng cầu ta (na) Thái đang có thu nhập khá.
Chị Trinh bên bườn mãng cầu ta của gia đình.
Chị Trinh cho biết vườn mãng cầu của chị có hơn 500 gốc giống Thái, với diện tích 5.500m2 chuyển đổi từ đất trồng bưởi sang cây mãng cầu. Giống mãng cầu này còn được nhiều người gọi với nhiều cái tên khác nhau như mãng cầu ta, mãng cầu na Thái, mãng cầu dai, sa lê, phan lệ chi, hay na “Nữ Hoàng”… Điểm đặc biệt của giống trái cây này là khi chín rất thơm, vỏ ngoài của trái có màu vàng, da căng, hình dáng trái cũng giống như những loại mãng cầu khác, nhưng trọng lượng trái lớn gấp 3-4 lần giống mãng cầu thường. Trái đạt từ 500 gram đến 1 kg/trái, cá biệt có trái nặng tới 1,3-1,5kg, khi chín vỏ trái rất mỏng, ít hạt, thịt mềm, dày, vị ngọt thanh.
Là loại cây trồng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chịu nắng không chịu ngập úng, thích nghi với vùng đất địa phương nên khi thu hoạch năng suất trái rất cao. Nếu trồng giống cây ghép, cây chiết cành được chăm sóc đủ phân, đủ nước thì sau 14-16 tháng trồng là mãng cầu bắt đầu ra hoa đậu trái cho thu hoạch lứa đầu tiên, những năm tiếp theo cây cho 2 lứa trái/năm. Với nhiều ưu điểm như thời gian trồng không quá dài, ít sâu bệnh, năng suất cao và ổn định, được thị trường ưa chuộng bán với giá khá cao, nếu bà con nông dân cần trồng giống mãng cầu này thì chị Trinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Đức (chồng chị Trinh) cũng cho biết thêm cây mãng cầu ta Thái là loại dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Năng suất trái bình quân khoảng 300-400kg/công/lứa trái đầu tiên và sẽ tăng dần ở các năm tiếp theo do tán cây phát triển rộng, quy trình chăm sóc giống mãng cầu ta Thái tương tự mãng cầu ta truyền thống. Sau khi thu hoạch, nông dân chủ động tỉa cành, bón phân vào những thời điểm thích hợp để nuôi cây, đặc biệt cây mãng cầu ta Thái ít bị sâu bệnh nên chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, trên cây mãng cầu vẫn có một số loại sâu bệnh gây hại, chủ yếu là rệp sáp hại trái sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái. Do đó, nông dân cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện rệp sáp và có biện pháp xử lý để đảm bảo năng suất, chất lượng trái theo yêu cầu.
Thời gian gần đây, trái mãng cầu ta Thái được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, bởi trái có trọng lượng lớn, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon dùng để ăn hay làm quà biếu. Một trong những điểm đặc biệt của giống cây mãng cầu này là có thể chủ động được thời gian ra hoa, kết trái bằng việc cắt, tỉa cành, thúc đẩy cây ra hoa, cho trái. Vì vậy, để đảm bảo nguồn thu nhập, vợ chồng chị Trinh thường xử lý cho cây mãng cầu ra hoa, cho trái chín đúng theo ý muốn vào dịp Tết Nguyên đán, hay mùng 5 tháng 5 âm lịch, hoặc ngày rằm sẽ bán được giá hơn. Thông thường giá mãng cầu ta Thái được thương lái vào tận vườn thu mua từ 40.000-80.000 đồng/kg thì những ngày như mùng 5, ngày tết, ngày rằm… giá có thể tăng lên hơn 100.000 đồng/kg.
Dạo một vòng tham quan khu vườn mãng cầu của anh Đức đang thời kỳ phát triển trái non, chúng tôi còn thấy anh trồng xen thêm hàng trăm cây cóc Thái trong vườn mãng cầu. Anh Bảy Thới, người hàng xóm của anh Đức, đi cùng nhìn tôi rồi nói: “Với cách làm vườn tổng hợp cây trồng của vợ chồng anh Đức, xem ra cũng lạ mà hay. Thông thường nông dân làm vườn ở đây chỉ biết trồng độc canh một cây, một giống ít ai trồng 2-3 thứ cây trên cùng diện tích như vợ chồng anh Đức bao giờ”. Riêng các giống cây ăn trái đặc thù, ngoài các loại cây có thu nhập cao như bưởi và mít thì cây mãng cầu ta, đối với bà con địa phương đã xem như là giống cây trồng mới, giờ có thêm cây cóc trồng chung diện tích cây mãng cầu thì lại càng mới hơn. Về lâu dài kết quả chưa biết ra sao, còn hiện tại thì thấy các giống cây đều phát triển tốt, nếu như mô hình mà vợ chồng anh Đức đang thực hiện thành công thì trong tương lai gần chắc chắn vợ chồng anh sẽ có nguồn thu lớn mỗi năm. Anh Đức, chị Trinh thì cho rằng mô hình trồng kết hợp sẽ có nhiều cái lợi hơn trồng độc canh một giống, ngoài yếu tố cây đồng hấp thụ phân bón để lớn, người trồng còn có thể tiết kiệm được thêm nhiều khoản chi phí đầu tư chăm sóc và chủ vườn có trái cây theo mùa bán được quanh năm.
Trao đổi với chúng tôi, một số lãnh đạo xã Phú Tân cho rằng nhiều năm qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân, không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, mà còn góp phần xây dựng quê hương ngày càng thêm đổi mới.
Bài, ảnh: QUANG HẢI
Từ khóa » Hình ảnh Mãng Cầu Ta
-
Cây Mãng Cầu Ta (cây Na Dai) | Cây Ăn Trái Dễ Trồng
-
Cây Mãng Cầu Xiêm (mãng Cầu Gai) | Cây Ăn Trái Dễ Trồng
-
Cây Mãng Cầu Ta - Chợ Hoa Online
-
Cây Mãng Cầu Ta (Na) - Gia Đình Nông Dân
-
Cây Na - Mãng Cầu Ta
-
Mãng Cầu Xiêm | Cây Cảnh - Hoa Cảnh - Bonsai - Hòn Non Bộ
-
Mãng Cầu Ta: 8 Lợi ích Cho Sức Khỏe Toàn Diện - Hello Bacsi
-
Cây Mãng Cầu
-
Hình ảnh Quả Mãng Cầu
-
Hình Ảnh Cây Na - BeeCost
-
MÃNG CẦU XIÊM - CÂY ĂN TRÁI
-
Mãng Cầu - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
Cây Mãng Cầu Na Thái Lan (Mãng Cầu Nữ Hoàng)