Trồng Mãng Cầu Xiêm Bằng Hạt - Báo Hậu Giang

Hiện nay, do khoa học kỹ thuật phát triển đã giúp nông dân có những cách làm mới để nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình trồng mãng cầu xiêm bằng hạt ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đang cho hiệu quả kinh tế cao được xem là một điển hình.

Mãng cầu trồng bằng hạt luôn có giá cao hơn so với ghép gốc bình bát.

Trong vài năm trở lại đây, mãng cầu xiêm phát triển mạnh ở vùng đất Hòa Mỹ, từ việc trồng chỉ để ăn, đến nay diện tích trồng được mở rộng lên 40ha. Gia đình có gần 3ha đất ruộng và vườn tạp, ông La Văn Nhiều, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, cũng như nhiều nông dân ở vùng đất này sau nhiều năm loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp thì cách đây khoảng 3 năm được hỗ trợ về nguồn vốn cũng như kỹ thuật của Hội Nông dân xã, ông Nhiều đã trồng thử nghiệm hơn 100 gốc mãng cầu xiêm dọc hai bên bờ bao. Nhận thấy cây phát triển tốt, ông đã mạnh dạn cải tạo đất vườn kém hiệu quả để trồng thêm. Ông Nhiều cho hay: “Vùng đất Hòa Mỹ còn nhiễm phèn nên nhiều loại cây không phù hợp. Trước đây, gia đình cũng trồng nhiều loại cây nhưng thấy không mang lại hiệu quả cao, từ khi chuyển sang trồng mãng cầu thì thấy cây xanh tốt, trái to nên gia đình mới mở thêm diện tích. Đặc biệt, khi mãng cầu xiêm trồng bằng hạt thì trái còn ngon hơn so với trồng bằng gốc ghép”.

Ở Phụng Hiệp, tùy theo từng vùng đất mà nông dân có thể chọn trồng cây mãng cầu bằng giống tháp gốc bình bát hoặc bằng hạt. Đối với cây giống tháp gốc bình bát thì thích hợp ở những vùng đất trũng nhiễm phèn, nhưng hạn chế của loại cây này là cho trái ít trong mùa nắng. Còn cây mãng cầu trồng bằng hạt mà nhà vườn ở Hòa Mỹ áp dụng thì cho trái gần như quanh năm, tỷ lệ trái tròn đều, mang vị ngọt thanh. “Cây mãng cầu được trồng bằng hạt có sức chống chịu tốt hơn so với mãng cầu tháp bình bát. Bên cạnh đó, việc xử lý cho trái cũng dễ dàng hơn. Năng suất trái đạt tương đương nhau, nhưng chất lượng trái của cây trồng bằng hạt luôn đạt cao, vì thế giá bán cũng cao hơn mãng cầu ghép từ 2.000-3.000 đồng/kg”, ông Nhiều cho biết thêm.

Sau khi trồng từ 1,5-2 năm cây bắt đầu cho trái, trung bình mỗi cây cho hơn 50kg/năm. Năng suất sẽ tăng dần theo quá trình phát triển và kỹ thuật canh tác hợp lý. Chính từ hiệu quả mang lại mà từ 26ha trong năm rồi, đến nay diện tích trồng mãng cầu của xã Hòa Mỹ đã lên gần 40ha. Ông Võ Văn Phải, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Tuy vùng đất Hòa Mỹ này còn bị nhiễm phèn, nhưng nếu xử lý tốt thì cây mãng cầu vẫn có thể trồng được, hiệu quả cũng đạt khá cao. Mãng cầu cho trái gần như quanh năm nên ít bị rớt giá khi thu hoạch rộ”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay: Trong công tác quy hoạch chuyển đổi của Phụng Hiệp thì cây mãng cầu xiêm ở Hòa Mỹ cũng được chọn là cây trồng khuyến khích nông dân chuyển đổi, vì thế mà diện tích trồng ở địa phương này luôn tăng theo từng năm. Hiện nay, để tiện lợi cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, địa phương đã củng cố Tổ hợp tác 19 Tháng 5, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ chuyên về trồng mãng cầu, đây sẽ là điểm để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các nhà vườn trồng mãng cầu trên địa bàn xã.

Hiện nay, phải thừa nhận rằng, cây mãng cầu không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn cho những diện tích vườn tạp ở xã Hòa Mỹ nói riêng huyện Phụng Hiệp nói chung.

Bài, ảnh: THANH DUY

Từ khóa » Trồng Mãng Cầu Xiêm Bằng Hạt