Trong Mắt Người Nước Ngoài: Trễ Giờ Không Thể Là Bình Thường!

Trong mắt người nước ngoài: Trễ giờ không thể là bình thường! - Ảnh 1.

Nên thay đổi thói quen xấu

Tôi từng có thời gian làm việc tại Việt Nam và một trong những điều khiến tôi khó chịu nhất ở các đối tác người Việt là không tôn trọng giờ giấc. Có những người đến trễ 5-10 phút, nhưng cũng có những người trễ nửa tiếng.

Ban đầu, tôi khá bực mình vì thấy đối tác đến trễ nhưng không có vẻ gì là quá áy náy mà chỉ cười xuề xòa cho qua chuyện. Dần dà, tôi mới hiểu ra đây là một trong các thói quen làm việc của người Việt.

Họ xem đi trễ là chuyện bình thường. Một trong những lý do thường xuyên được các đối tác người Việt của tôi đưa ra để giải thích cho sự đi trễ của họ là... kẹt xe!

Trong khi đó, người nước ngoài rất quan trọng việc đúng giờ vì họ quý trọng thời gian. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã được gia đình và nhà trường dạy về việc phải tôn trọng giờ giấc. Hơn nữa, đó là cách thể hiện sự tôn trọng của mình dành cho người khác, dù đó là đối tác kinh doanh hay là bạn bè.

Tôi cho rằng người Việt nên thay đổi thói quen thường đến trễ giờ vì việc đến đúng giờ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Bạn nên canh thời gian để đến được nơi hẹn và loại trừ các yếu tố có thể gây trễ giờ như kẹt xe, giờ cao điểm...

Nếu dự kiến đến trễ, bạn nên thông báo sớm với đối tác, chứ đừng chờ đến sát giờ mới báo, hoặc tệ hơn là không báo. Trong các cuộc phỏng vấn xin việc tại công ty nước ngoài, ứng viên còn thường được yêu cầu đến sớm 15-20 phút so với giờ hẹn.

Dù bạn có làm việc tốt hay nổi tiếng đến mức nào, việc đến trễ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh và cách người khác nhìn nhận bạn, đặc biệt là trong mắt các đối tác nước ngoài. Đúng giờ là một trong những quy tắc căn bản khi bạn làm việc với người khác.

Chị ALISA M. (người Mỹ, nhiếp ảnh gia)

Trong mắt người nước ngoài: Trễ giờ không thể là bình thường! - Ảnh 2.

Ông Roger Baddeley (người Úc)

Đúng giờ là chuyên nghiệp

Ở Úc, người dân chúng tôi thích sự đúng giờ và mọi người kỳ vọng điều này ở bạn. Trong trường hợp bạn trễ hẹn cũng nên có một cử chỉ lịch thiệp là thông báo trước cho người hẹn biết mình trễ độ bao nhiêu phút, để họ có thể sắp xếp.

Khi ở Việt Nam, điều tôi ngạc nhiên nhất là có nhiều người mặc trang phục công sở hoặc đồng phục ngồi ở quán cà phê trong giờ làm việc!

Tôi không phiền nếu ai đó trễ vài phút trong cuộc hẹn bình thường với mình, nhưng tôi khá lo lắng vì cứ hình dung họ bị tai nạn hay gặp sự cố nào đó... Vì thế tôi rất thích được thông báo trước về việc trễ hẹn để biết chắc chắn là người đến trễ vẫn ổn.

Dù vậy, tôi cho rằng việc trễ hẹn nên là điều bất thường chứ không nên xem là điều bình thường.

Trong công việc, đúng giờ là biểu hiện của sự chuyên nghiệp. Bạn hay trễ giờ chứng tỏ bạn ít để tâm đến công việc, kỹ năng quản lý thời gian kém, không biết ưu tiên chuyện gấp, chuyện quan trọng với chuyện vặt. Đối tác sẽ không nghe/tin lời giải thích của bạn.

Tốt hơn hết, ngoài việc sắp xếp công việc cá nhân, bạn còn phải dự trù cả những tình huống phát sinh bên ngoài để đảm bảo mình chắc chắn đúng giờ.

Bây giờ tôi đã về hưu, thỉnh thoảng tôi chạy thêm xe Uber để gặp gỡ mọi người cho cuộc sống bớt buồn chán. Là người lái xe bán thời gian, tôi thấy đúng giờ và đúng cam kết là điều rất quan trọng.

Khi bạn làm việc, hẹn đối tác hay khi phải tham dự các cuộc họp, trách nhiệm trước tiên của mọi người là phải đến đúng giờ vì không thể bắt cả tập thể chờ đợi một người.

Thời gian, xét cho cùng là tiền bạc, là cơ hội. Bạn có thể mất hợp đồng, không được tuyển dụng vì trễ giờ và theo đó bao nhiêu cơ hội, tiền bạc cũng mất đi.

Ông ROGER BADDELEY (người Úc)

ông-ong-kian-soon--2-9-3(read-only)

Ông Ong Kian Soon (người Singapore)

Đúng giờ là quy chuẩn đạo đức

Ở Singapore, việc đúng giờ là một quy chuẩn đạo đức, nên mọi người xem việc bạn đến trễ là thể hiện sự không tôn trọng người khác. Sống ở Việt Nam một thời gian, nhưng tôi chưa bao giờ "thích nghi" với chuyện đi trễ của nhiều người Việt. Đó luôn là một trải nghiệm khó chịu.

Cá nhân tôi không quá đặt nặng chuyện bạn bè hay đồng nghiệp hẹn nhau rồi đến trễ. Tuy nhiên, nếu những người cung cấp dịch vụ chậm trễ thì với tôi đó là vấn đề lớn.

Sẽ khá tệ nếu bạn mất cả ngày trời đợi người tới sửa cái gì đó trong nhà mà họ đến trễ mấy tiếng hoặc không thèm đến. Trong một số trường hợp ngành dịch vụ, tôi thấy một số người thường hay "hứa lèo". Họ có khi nhận quá nhiều việc rồi làm không mấy hiệu quả hoặc phải mất nhiều thời gian hơn để sửa đi sửa lại.

Tôi nghĩ do tâm lý ai cũng sợ không có việc, nên họ thường nhận càng nhiều việc càng tốt, để đến khi quá nhiều việc lại làm không kịp hoặc vội vàng làm ẩu, phải sửa đi sửa lại càng mất thời gian và tiền bạc hơn...

Ông ONG KIAN SOON (người Singapore)

Đối tác đến trễ là tôi bỏ về!

Tôi là người kiên quyết phản đối chuyện trễ giờ, trễ hẹn trong công việc. Nếu đối tác kinh doanh tới trễ trong cuộc họp, tôi sẽ ra về, cho dù sau đó người ta có đến.

Tôi nghĩ không có lý do gì biện hộ cho chuyện trễ nải cả, chỉ là một thói quen xấu mà thôi. Đã là quan hệ công việc thì họ phải đến đúng giờ, trừ khi họ nhìn chung không phải là đối tác kinh doanh đáng tin cậy.

Khi tôi chủ trì một cuộc họp với nhân viên mình, tôi và những người đến đúng giờ sẽ im lặng đợi, để những người đến trễ thấy xấu hổ khi thấy tất cả mọi người đang phải chờ mình. Và biện pháp đó rất có tác dụng. Trong trường hợp nhiều người vắng, tôi sẽ bỏ đi.

Trong văn hóa nước tôi, đến trễ có nghĩa là bạn không tôn trọng người khác và bản thân bạn là người không đáng tin cậy.

Ông PIERRE SIQUET (người Bỉ)

'Kẹt xe hoài làm tụi con trễ giờ học'

TTO - “Sáng nào con cũng phải dậy rất sớm để đi học vì đường kẹt xe mà nhiều khi vẫn bị trễ. Con mong các cô chú lãnh đạo quan tâm nhiều hơn về việc này để tụi con được đến trường đúng giờ hơn”.

Từ khóa » Tác Hại Của Việc Trễ Giờ