Tru Di Tam Tộc, Tru Di Cửu Tộc Là Gì

  • Trang Chủ
  • NGUỒN GỐC TỪ - NGỮ
  • Tầm Nguyên Tự Điển
  • Tru di tam tộc, tru di cửu tộc là gì?
Cập nhật lần cuối vào ngày 26/08/2023 Tru di tam tộc, tru di cửu tộc là gì? Quang Nguyễn Quang Nguyễn

Tru di tam tộc (xử tử cả 3 họ) và tru di cửu tộc (xử tử cả 9 họ) là hình phạt tàn bạo và nặng nhất thời phong kiến.

Tru di tam tộc là gì Những vụ án tru di tam tộc, tru di cửu tộc thường có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bị giết cùng một lúc.   Tru di tam tộc nghĩa là đem ra xử tử, giết sạch cả nhà của người phạm tội gồm 3 đời: cha, con, cháu; hoặc 3 họ của người phạm tội bao gồm: họ cha, họ mẹ và họ vợ (hoặc họ chồng).  Tru di cửu tộc nghĩa là đem ra xử tử, giết sạch 9 họ của người phạm tội, bao gồm: cao (ông sơ), tằng (ông cố), tổ (ông nội), khảo (cha), kỷ / kỉ (mình, tức phạm nhân), tử (con), tôn (cháu), tằng (chắt), huyền (chút); hoặc giết sạch 4 hạng người thuộc họ cha, 3 hạng người thuộc họ mẹ, 2 hạng người thuộc họ vợ (xem chi tiết bên dưới).

Tru di nghĩa là gì?

Tru di là phiên âm Hán Việt của từ  夷 [zhū  ] được Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh giảng là: "giết kẻ có tội"; trong khi Hán Việt Tân Từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là "giết hết, không để sót lại". Về từ tru , Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng gồm các nghĩa sau: ① Giết, kể rõ tội lỗi ra mà giết đi gọi là tru. ② Giết cả kẻ nọ kẻ kia không những một người cũng gọi là tru.   Từ di  cũng được Thiều Chửu giảng là: "Giết hết, xưa ai có tôi nặng thì giết cả chín họ gọi là di".   Như vậy, tru di 夷 trong tru di tam tộc, tru di cửu tộc đều cùng mang nghĩa là "giết sạch". Khi một người phạm tội bị kết án tru di tam tộc hoặc tru di cửu tộc thì những người trong cả 3 họ của người đó (nếu là tru di tam tộc) hoặc 9 họ của người đó (nếu là tru di cửu tộc) sẽ bị giết từ trẻ đến già. Đó là lý do vì sao trong lịch sử, khi xảy ra những vụ án tru di tam tộc, tru di cửu tộc thì thường có hàng trăm, thậm chí có đến hàng ngàn người bị giết cùng một lúc, kể cả những người có quan hệ họ hàng khá xa với người phạm tội cũng bị đem ra xử tử.

Tam tộc nghĩa là gì?

Theo Từ nguyên (một bộ từ điển tiếng Hán ra mắt năm 1915), tam tộc có ít nhất bốn cách hiểu như sau: 1. Cha mẹ, anh em, vợ con là tam tộc (Phụ mẫu, huynh đệ, thê tử vi tam tộc) 2. Họ cha, họ mẹ, họ vợ là tam tộc (Phụ tộc, mẫu tộc, thê tộc vi tam tộc) 3. Cha, con, cháu (= con của con) là tam tộc (Phụ, tử, tôn vi tam tộc) 4. Anh em của cha, anh em của mình, anh em của con là tam tộc (Phụ côn đệ, kỷ côn đệ, tử côn đệ vi tam tộc) Vì có nhiều cách hiểu như trên cho nên ngay vụ án Nguyễn Trãi vào năm 1442 cũng được người thời nay hiểu khác nhau. Cao Huy Giá khi dịch Đại Việt sử ký toàn thư đã viết như sau: "Ngày 16 (tháng 8 năm Nhâm Tuất), giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”(1). Ba đời đương nhiên chỉ có thể là đời cha, đời con và đời cháu (ứng với nghĩa 3 của Từ nguyên) mà thôi. Còn Phan Huy Lê thì lại viết: "(…) Nguyễn Trãi bị ghen ghét gièm pha, có lần bị hạ ngục và cuối cùng bị tru di ba họ"(2). Ba họ, theo cách hiểu thông thường là họ cha, họ mẹ và họ vợ (ứng với nghĩa 2 của Từ nguyên), đương nhiên phải nhiều và nặng hơn ba đời vì ba đời chỉ thuộc có một họ mà thôi.

Cửu tộc là gì? 

Trong Hán Việt từ điển (sđd), Đào Duy Anh giảng cửu tộc là "Chín họ. Lấy người trong họ cha làm hạn thì gồm bà con trực hệ do bản thân suy lên đến cao tổ bốn đời, dưới suy đến huyền tôn là bốn đời; bà con bàng-hệ thì từ bản thân suy ngang ra đến anh em ba từng. Kiêm cả nội ngoại thì gồm ông ngoại, bà ngoại, con gì [dì], cha vợ, mẹ vợ, con cô, con chị, em gái, cháu ngoại, cùng bản-thân mình" (Xem tr. 125). Tương tự như tam tộc có nhiều thuyết khác nhau, cửu tộc cũng có ít nhất hai thuyết như sau: Thuyết thứ nhất: Cửu tộc gồm chín hạng người liên hệ thân thuộc với người phạm tội gồm: • 4 hạng người thuộc họ của cha gồm:  1. Cha mẹ, anh chị em, con trai con gái. 2. Cô ruột. 3. Con chị em gái. 4. Cháu ngoại. • 3 hạng người thuộc họ của mẹ gồm:  1. Ông ngoại. 2. Bà ngoại. 3. Dì ruột.  • 2 hạng người thuộc họ của vợ gồm:  1. Cha vợ. 2. Mẹ vợ.  Thuyết thứ hai: Cửu tộc cũng là cửu huyền trong cửu huyền thất tổ, lấy người trong họ của cha, bà con trực hệ làm căn bản, từ bản thân suy lên 4 đời và từ bản thân lấy xuống 4 đời, tổng cộng là 9 đời, gồm: 1. Cao Tổ: ông sơ. 2. Tằng Tổ: ông cố. 3. Tổ Phụ: ông nội. 4. Phụ / Khảo: cha. 5. Ngang với phạm nhân: anh em trai ruột (thân huynh đệ), anh em họ trai khác họ (biểu huynh đệ), anh em họ trai cùng họ (đường huynh đệ/nhị tòng huynh đệ, tức những người cùng ông nội, ông cố), có thể lấy đến chung 3 thế hệ (tam tòng huynh đệ, tức là những người cùng ông sơ - tức kỵ nội) 6. Nhi / Tử: con. 7. Tôn: Cháu nội. 8. Tằng tôn: Chắt 9. Huyền tôn: Chút.

Vụ án tru di thập tộc duy nhất trong lịch sử

Ngoài các vụ án tru di tam tộc, tru di cửu tộc, trong lịch sử phong kiến Trung Quốc từng ghi nhận vụ án tru di thập tộc mà thi hào Nguyễn Du từng nhắc đến trong bài thơ Kỳ Lân Mộ 騏麟墓 với câu thơ "Bạo nộ nhất sính di thập tộc" (暴怒一逞夷十族 - Để hả một cơn giận, giết cả mười họ người ta). Đó là vụ án Phương Hiếu Nhụ vào năm 1402 đời nhà Minh với tổng cộng 873 người đã bị giết chỉ vì một câu nói “lỡ lời” của chính Phương Hiếu Nhụ.   Chuyện rằng sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương qua đời, nhà Minh đã xảy ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn trong hoàng tộc giữa Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn và Yên Vương Chu Lệ. Sau 4 năm tranh đoạt ngôi vua khốc liệt, cuối cùng, vào ngày 13/06/1402, quân nổi loạn của Yên Vương Chu Lệ đã phá được thủ đô Nam Kinh. Trong khi hầu hết các đại thần của Kiến Văn Đế đều đầu hàng Yên Vương thì Phương Hiếu Nhụ nhất quyết không đầu hàng nên bị Chu Lệ cho giam vào ngục. Một tháng sau, Yên Vương Chu Lệ lên ngôi vua, nhưng theo thông lệ phải có người đạo cao đức trọng thay mặt vua viết biểu lên ngôi. Phương Hiếu Nhụ là người có ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức cả nước nên được Yên Vương triệu ra khỏi ngục, nhờ viết biểu lên ngôi. Ai ngờ, Phương Hiếu Nhụ viết trên biểu chữ: "Yên tặc thoán vị" (Giặc Yên cướp ngôi) rồi hét lớn: “ Dù ta có chết cũng không bao giờ viết chiếu thư lên ngôi cho Yên tặc”. Không nén được cơn giận, Yên Vương đã mắng Phương Hiếu Nhụ: "Ngươi không nghĩ đến tình máu mủ 9 họ của mình sao? Cả giận mất khôn, Phương Hiếu Nhụ đã gào lên đáp trả Yên Vương: "Cho dù có tru di đến 10 họ, ta cũng chẳng sợ”. Thế là sau đó, Phương Hiếu Nhụ trở thành người duy nhất bị tru di thập tộc, khiến cả 10 họ của ông bị giết sạch. Ngoài 9 họ như chúng tôi đã phân tích ở trên, bạn bè và môn đồ của Phương Hiếu Nhụ bị tính thành 1 họ để gộp cùng 9 họ nội ngoại của ông thành 10 họ. Phương Hiếu Nhụ là người bị giết cuối cùng với hình thức lăng trì (lóc từng miếng thịt) ngay trước ngọ môn, sau khi chứng kiến 10 họ của mình bị giết sạch chỉ vì câu nói của ông!  Chú thích (1) Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 3, Hà Nội, 1972, trang 131 (2) Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi (tập kỷ yếu), Hà Nội, 1982, trang 75 Bình luận (0) Gửi bình luận Xem tất cả bình luận Thông tin đăng nhập Để gửi bình luận, vui lòng cung cấp tên hiển thị và địa chỉ email liên hệ. Email sẽ không hiển thị và chỉ được Ban Biên Tập sử dụng để liên hệ với bạn trong trường hợp cần thiết. ĐÓNG GỬI BÌNH LUẬN OK Có thể bạn quan tâm Tha ma là gì | Atabook.com Tha ma là gì? SOS là gì | Atabook.com Ét o ét (SOS) là gì? Trend ét o ét bắt nguồn từ đâu? Bá đạo là gì | Atabook.com Bá đạo là gì? A Di Đà Phật nghĩa là gì | Atabook.com A Di Đà Phật nghĩa là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa áo cà sa | Atabook.com Nguồn gốc và ý nghĩa áo cà sa

Từ khóa » Tru Di Thập Tộc Là Gì