Trụ điện Dự ứng Lực Không Chịu Nổi Bão Mạnh - Báo Tuổi Trẻ

Trụ điện dự ứng lực không chịu nổi bão mạnh - Ảnh 1.

Trụ điện dự ứng lực ở đường Phù Đổng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị gãy - Ảnh: P.S.NGÂN

Ông Nguyễn Cao Ký - tổng giám đốc Công ty CP Điện lực Khánh Hòa - cho biết hầu hết các công trình chính của Điện lực Khánh Hòa đều được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn quy định là phải đảm bảo chịu đựng được bão gió giật lên đến cấp 12.

Tuy nhiên, cơn bão số 12 đổ vào Khánh Hòa vừa qua gió giật lên tới cấp 14-15, vượt quá khả năng thiết kế chịu lực nên nhiều trụ điện bị đổ ngã, gãy.

Ông Nguyễn Thanh Hải - phó giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Bêtông ly tâm điện lực Khánh Hòa - giải thích trước đây trụ điện bêtông được làm có cốt sắt, thường là loại sắt tròn hay sắt rằn có "phi" (cỡ tròn) lớn, có độ mềm dẻo cao nhưng độ cứng lại thấp. Khi bị đổ ngã, các loại trụ sắt này thường đổ cong nhưng không đứt lìa.

Ông Nguyễn Thanh Hải còn nói từ nhiều năm qua, ở Việt Nam và các nước thay đổi công nghệ, đúc trụ điện bằng bêtông dự ứng lực với mác ximăng có cường độ chịu nén cao hơn rất nhiều, đồng thời có lõi thép rất cứng bên trong, gấp rất nhiều lần lõi sắt tròn hay sắt rằn.

Loại trụ điện này chỉ bị quật ngã đổ bởi gió bão rất mạnh, cường độ lớn nhưng bị gãy ngang (cả lõi thép cứng và giòn bên trong) khi không chịu đựng nổi sức gió cực mạnh.

Trong khi đó, một lãnh đạo Điện lực Phú Yên cho biết: "Trụ bêtông ly tâm dự ứng lực có ưu điểm là tiết kiệm nguyên liệu, giá thành thấp, chịu lực thẳng đứng tốt, nhưng có nhược điểm là lực uốn kém nên khi bị gió bão thổi ngang thì trụ gãy ngang, rồi dễ kéo theo những trụ liền kề gãy đổ. Do đó, trụ bêtông ly tâm dự ứng lực không được sử dụng cho những vị trí xung yếu như góc, néo...".

Theo vị này, trụ bêtông ly tâm dự ứng lực đang được không ít công ty điện lực đưa vào sử dụng, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc.

"Việc có nhiều trụ điện bêtông ly tâm dự ứng lực gãy đổ trong các trận bão gần đây chính là kiểm nghiệm thực tế mà tôi nghĩ Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tập đoàn Điện lực VN phải có đánh giá đối với công nghệ sản xuất trụ điện mới này. Cá nhân tôi cho rằng nên hạn chế loại trụ điện dự ứng lực ở những địa phương thường hay có bão đổ bộ", vị lãnh đạo Điện lực Phú Yên cho hay.

Giải thích việc dư luận cho rằng gãy đổ trụ điện ly tâm dự ứng lực là do cốt thép quá nhỏ, ông Lê Nam Hải - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung - nói loại cột này sử dụng thép cường độ cao nên tiết diện thép nhỏ hơn thép của cột bêtông ly tâm thường, khi ngã đổ thấy thép bé hơn.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét cả yếu tố kinh tế lẫn kỹ thuật để có giải pháp tăng cường khả năng chịu lực ở các vị trí xung yếu của lưới điện sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của các tỉnh miền Trung.

Gãy do nhiều nguyên nhân

Theo ông Nguyễn Cao Ký, đặc thù mạng lưới cấp điện ở Khánh Hòa, nhất là tại các vùng nông thôn, được xây dựng qua nhiều giai đoạn và nhiều nguồn khác nhau.

Trong khoảng 1.900 trụ điện trong toàn tỉnh bị hư hại do bão vừa qua cũng thuộc nhiều hệ khác nhau.

Trong số đó có trụ vuông, trụ tròn, trụ bêtông cốt sắt rằn được dựng từ thời hợp tác xã, theo chương trình điện nông thôn thời bao cấp chuyển giao lại.

Đó là chưa kể gió bão làm số lượng cây xanh, công trình xây dựng ngã đổ nhiều, kéo theo trụ điện ngã đổ.

Từ khóa » Trụ Dự ứng Lực