“Trừ Lùi” Trong Xuất Khẩu Cà Phê: Tiềm ẩn Nhiều Rủi Ro

Một thực tế mà các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đang áp dụng phương thức bán hàng “trừ lùi”, chính cách thức bán hàng này đã khiến các doanh nghiệp cà phê không có lãi nhiều.

Các doanh nghiệp cà phê không lãi do “trừ lùi”

Trong năm 2010 cà phê Việt Nam xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, nhưng nhiều doanh nghiệp cà phê vẫn chưa được lợi nhuận cao, thậm chí thua lỗ, đây là bài học nghịch lý cho ngành cà phê Việt Nam. Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng do nhiều doanh nghiệp đã bán cà phê với phương thức “trừ lùi”.

Bán hàng trừ lùi là phương thức kinh doanh cho phép người mua hoặc người bán chốt giá tại thời điểm nào đó trong tương lai. Nếu một doanh nghiệp cà phê trong nước bán cà phê cho một doanh nghiệp cà phê nước ngoài với giá mà thị trường hiện tại ở thời điểm đó, sau đó trừ lùi một khoản. Ví dụ, hiện tại một doanh nghiệp ký với giá là 2.200 USD/tấn và mức trừ lùi là 50 USD/tấn thì thực tế doanh nghiệp này bán là 2.150 USD/tấn. Khoản trừ lùi này sẽ được doanh nghiệp hai bên tính toán khi doanh nghiệp phía Việt Nam xuất khẩu ở thời điểm trong tương lai, giá lên hay xuống sẽ được tính theo mức giá hiện tại ở tương lai.

Lý giải nguyên nhân tại sao lại có khoản này, một doanh cà phê cho biết, vì hàng hóa của Việt Nam chưa thật sự đảm bảo chất lượng, cà phê hái cũng chưa đạt độ chuẩn, phương thức giao hàng còn chậm so với thời gian…nên các doanh nghiệp nước ngoài dùng đó đế ép các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp Việt cũng cần vốn để hoạt động để kinh doanh, dùng phương pháp “trừ lùi” để có được hợp đồng để vay vốn ngân hàng.

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Thương mại và chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong niên vụ 2009-2010 hầu như tất cả các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam đều bán theo cách thức trừ lùi và trừ xa, với mức trừ lùi khá cao với hy vọng giá cà phê trong tương lai sẽ tăng. Nhưng thực tế giá lại không tăng, nếu không có chương trình tạm trữ 200.000 tấn cà phê thì không biết giá cà phê sẽ còn tiếp tục rớt xuống đến mức nào.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Intimex thì phương thức bán “trừ lùi” này đã làm cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lẫn nhau, để chiếm khách hàng các công ty cứ tăng khoản trừ lùi nên đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người nông dân trồng cà phê. Ông Nam cũng khẳng định cứ dùng phương pháp này thì bao giờ cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê có lãi.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) rất lo lắng trước thực trạng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng cách thức bán hàng này. Điều này cũng dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã bị lợi dụng để ép giá. Cũng với cách bán trừ lùi trên, các doanh nghiệp trong nước đã thua lỗ hàng trăm tỉ đồng trong các năm trước. Khi đó thiệt hại của ngành cà phê không chỉ còn là vấn đề riêng của doanh nghiệp, mà người trồng cà phê cũng ảnh hưởng nặng.

Hướng đi cho các doanh nghiệp thoát cảnh “trừ lùi”

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thì giải pháp để giúp các doanh nghiệp cà phê Việt Nam không phải bán “trừ lùi” thì cần có sự tham gia giúp đỡ của Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để có thể duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, về lâu dài, việc thành lập quỹ bảo hiểm cà phê xuất khẩu, hay chương trình tạm trữ cà phê sẽ được đưa thành một chính sách chủ chốt trong chiến lược phát triển cà phê Việt Nam trong những năm tới.

Còn theo ông Nam thì các doanh nghiệp phải thực sự xây dựng cho mình một hình ảnh công ty chuyên nghiệp, chất lượng cà phê phải đảm bảo, giao hàng đúng hẹn…lấy đó làm lợi thế để không phải sử dụng phương pháp trừ lùi nữa. Để đảm bảo được chất lượng cà phê thì các công ty phải thống nhất với người trồng cà phê không được hái khi cà phê còn xanh, để đảm bảo chất lượng.

Theo một số chuyên gia, các thương gia nước ngoài thường sử dụng sức mạnh tài chính để khống chế và ép giá xuống. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu cà phê nên đoàn kết, thống nhất giá bán, từ đó tạo nên sức mạnh để các nhà đầu cơ không thể gây sức ép. Trong xu thế giá giảm kiên quyết không giao dịch theo hợp đồng trừ lùi mà bán theo hình thức giao ngay.

Lan Trinh

Từ khóa » Trừ Lùi Là Gì