Trực Chiến ở Bệnh Viện Dã Chiến - Báo Nhân Dân

Bệnh viện Dã chiến số 6 tại TP Hồ Chí Minh là nơi đang điều trị hơn 3.000 F0. Chỉ với 200 nhân viên y tế và 100 dân quân tự vệ, có thể thấy khối lượng khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ ăn uống cho số F0 là cực kỳ khủng khiếp.

6:00

Bữa sáng ngon quá! Quả thật là dù cho trong hoàn cảnh nào, bữa ăn mùa dịch cũng khiến chúng tôi ngon miệng, khi số F0 được ra viện nhiều thêm. Và tôi chỉ có 15-30 phút vệ sinh cá nhân, lót dạ, sau đó là hàng trăm công việc không tên kéo dài đến khuya.

Trong Bệnh viện dã chiến số 6 này, từ Ban Giám đốc cho đến nhân viên, đều kiêm tất cả mọi thứ từ A-Z và khi cần, giám đốc vẫn tham gia vận tải hàng hóa.

6:45

Tôi đọc xong các báo cáo của bác sĩ trực Khoa lâm sàng 2 và 3 (hai khoa do chúng tôi quản lý). Từ báo cáo trực này, tôi tổng hợp thông tin để báo cáo lãnh đạo. Nội dung bao gồm: số nhân viên hiện hữu, số nhân viên nhiễm Covid-19 trong công tác, số lượng F0 do nhóm chúng tôi điều trị, điều kiện bảo hộ cho nhân viên; điều kiện ăn ở, sinh hoạt, trang thiết bị và thuốc điều trị cho F0…

Có một công việc rất xót xa là mỗi khi có nhân viên bị nhiễm Covid-19, tôi còn phải làm thêm báo cáo gửi về tổ điều tra dịch tễ. Và điều này mỗi khi phải làm, đều để lại trong chúng tôi nhiều đau đớn. Mới đây nhất, đó là Nguyễn Văn Thành, bác sĩ tai mũi họng (Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 6).

Thành giỏi, có tư duy tổ chức và thương người bệnh nên tôi đã đề cử em làm “Trưởng khoa lâm sàng 2”. Với vai trò này, em đã tổ chức tốt mọi việc (từ nhập viện, điều trị, xét nghiệm và ra viện cho người F0) để các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em cũng “mát tay” đào tạo các bác sĩ trẻ và là người đứng ra giải quyết để mọi hoạt động của toàn khu A2 và A3 (với hơn 2.000 người bệnh) được diễn ra thuận lợi. Giờ tôi chỉ còn biết cầu mong em bình an!

Các bác sĩ tham gia vận chuyển đồ

Các bác sĩ tham gia vận chuyển đồ

7:00

Gạt bớt những mối lo nghĩ cho Thành và những người đồng đội mắc Covid-19, tôi tâp trung đọc các báo cáo của thư ký về: số lượng F0 đang điều trị, số lượng F0 mới nhập, số giường trống, số F0 xuất viện-chuyển viện (trong 24 giờ qua); báo cáo của khoa hồi sức tích cực và khoa cấp cứu (tổng số F0 đang điều trị tại đó, số F0 nặng cần chuyển, số máy thở đang sử dụng, số máy thở còn trống,…)

Đúng 7 giờ, số liệu báo cáo toàn Bệnh viện dã chiến số 6 phải được gửi cho Giám đốc Phan Minh Hoàng và phó giám đốc chuyên môn. Nếu có thắc mắc gì, các anh gọi, là tôi phải có ngay số liệu cập nhật, bổ sung.

Sau đó, tôi có khoảng 20 phút đi một vòng quanh các khoa, nắm thêm tình hình đêm trực vừa qua. Ở đây, mọi việc đều có thể xảy ra, vì F0 nào cũng mệt mà thiếu người nuôi bệnh, nên gánh nặng trút lên vai điều dưỡng, y tá, tình nguyện viên.

7:30 - 8:00

Trong buổi giao ban từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ, ban giám đốc và trưởng các khoa lâm sàng, khoa dược-vật tư y tế, khoa xét nghiệm... luôn nắm tình hình hoạt động chung, những khó khăn, tình hình nhân sự, tình hình hoạt động…

Sau đó, từ khoa, phòng, chúng tôi sẽ đề xuất các nhu cầu, đề xuất các giải pháp. Thậm chí đến từng quy trình hoạt động và điều trị, hầu như chúng tôi phải xây dựng mới vì căn bệnh này là mới với thế giới, chưa có quy trình chuẩn cho “nó”.

8:30 - 11:30

Khoảng thời gian dài nhất này tôi cần làm việc với khoa lâm sàng 2 và 3 về những vấn đề: tình hình F0, nhân viên (công việc, bảo hộ đầy đủ hay không, ăn uống và nghỉ ngơi ổn không?,…); tình hình xét nghiệm thực hiện ra sao, tình hình xuất viện ổn không? Đôi khi tôi còn phải chọc cười anh em, giảm áp lực căng thẳng vì ca làm việc kéo dài đến 14 giờ, làm họ tạm quên nguy hiểm vì phải tiếp xúc với F0 thường xuyên.

12:00

Bữa cơm trưa hôm nay, mỗi người ngồi cách xa nhau, tự ăn mà ai cũng đau đáu trăm bề. Tôi biết mỗi người đều có gia đình, đều thèm bữa cơm quây quần, nhưng giờ chúng tôi đến ăn cũng không còn được thoải mái nữa. Đôi lúc tôi nghĩ, giờ được hít không khí trời bình thường thôi đã là hạnh phúc. Chỉ riêng việc hít vào, thở ra thôi đã là mơ ước của hàng nghìn người bệnh ở đây.

Trước tình cảnh này, nhiều “sáng chế bắt buộc” phải ra đời kịp thời, vì chúng tôi đang đứng trước sinh mạng của đồng bào mình.

Đó là sáng chế bình oxy đặc biệt của bác sĩ Phan Trung Hiếu (Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện Bệnh viện dã chiến số 6). Chúng tôi hay gọi anh là Hiếu Rebell vì bác sĩ này hay chạy xe Rebell đi làm. Và anh cũng có nuôi cá kiểng nên hay dùng oxy chăm các bể cá.

Trong tình thế thiếu thốn, việc anh “buộc phải chế” ra hệ thống một bình oxy cung cấp cùng lúc cho nhiều F0, là phương pháp tốt nhất lúc này. Mà anh cũng không nề hà việc gì, khi hóa thân thành công nhân sửa thang máy bị kẹt, cho đến chuyện đi tìm bệnh nhân đi lạc. Thậm chí khuân vác trang thiết bị, thực phẩm… anh cũng “làm tất”.

Suốt buổi làm việc chiều, tôi soạn thảo và ban hành các quy trình trong bệnh viện, cập nhật số liệu nhập lên cổng thông tin của Sở Y tế.

Your browser does not support this video

Hệ thống một bình oxy cung cấp cùng lúc cho nhiều F0. (Ảnh: PTH)

Hệ thống một bình oxy cung cấp cùng lúc cho nhiều F0. (Ảnh: PTH)

17:00

Tôi lại đi một vòng thăm hỏi và động viên. Tối, nếu vào kíp trực lãnh đạo, chúng tôi hội chẩn ca nặng trong bệnh viện và đề xuất chuyển viện. Nhưng do quá tải, cũng cần liên hệ các bệnh viện có thể nhận ca nặng để chuyển.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn hội chẩn ca nặng với các bệnh viện thu dung khác, hội chẩn nhận những bệnh nhân F0 có bệnh lý nền với các trung tâm y tế khác.

Sau đó, tôi làm việc với lực lượng dân quân thường trực bảo đảm vòng ngoài của bệnh viện. Hàng ngày, anh em phải vận chuyển ba cữ cơm, nước uống lên các phòng từ lầu 3 tới lầu 14 (nhiều block chung cư) cho hơn 3.400 F0. Vì thế, nhiều việc cũng phải xử lý, từ đề xuất “cái ấm đun siêu tốc để ăn mì tôm ban đêm”, cho đến quy trình chuyển vật tư, cách thức tiếp nhận thực phẩm cho bác sĩ và F0 ăn. Thực tế là ở đây, ai cũng thiếu thốn. Thành phố không còn ai mua bán dịch vụ ăn uống, nói gì đến chọn món….

23:00

Công việc cứ kéo dài mải miết đến khuya. Rã rời, tôi ngủ trên chiếc ghế xếp được đặt ở phòng khách gần lối ra vào một block nhà độc lập bên trong Bệnh viện dã chiến.

Những ngày này, chứng kiến sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành y và sự thương yêu của nhân dân, tôi càng có thêm niềm tin. Dù cuộc đời có sóng gió đến tột cùng, chúng tôi vẫn mỉm cười và luôn cố gắng vì những điều thiêng liêng của người thầy thuốc!

Từ khóa » Dã Chiến Số 6