Trục Lợi Tín Ngưỡng ở đền Đá Thiên - Tiền Phong

Dấu hiệu trục lợi

Dân nhiều vùng lân cận vài năm nay rỉ tai nhau về đền Đá Thiên tại thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ngôi đền nằm ở vị thế khá đẹp trên ngọn đồi nhìn ra khu ruộng và đồi núi xung quanh. Đền thu hút ngày càng đông khách do dân kháo nhau “thiêng lắm”. Tính thiêng của ngôi đền do dân gian tin rằng nơi này chôn cất ông Hoàng Bảy. Đền Bảo Hà (Lào Cai) dù được ghi danh Di tích quốc gia thờ ông Hoàng Bảy, nhưng ở đó không có phần mộ.

Đền Đá Thiên mới nổi vài năm gần đây, nhanh chóng có tiếng và ngày càng thu hút du khách thập phương. Xe ô tô biển số từ Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội... đổ về đền cả trong ngày thường lẫn những dịp đông đúc như tháng Bảy và dịp lễ hội. Phía trong ngôi đền bài trí ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ. Ngay phía tay phải cổng vào là gian thờ có ngôi mộ được cho là của ông Hoàng Bảy.

Trục lợi tín ngưỡng ở đền Đá Thiên ảnh 1 Chuyện bi hài khi Ban quản lý Đền Đá Thiên bị ngồi rìa. Ảnh: Nguyên Khánh

Ngay khi nhìn thấy đền Đá Thiên, đập vào mắt du khách là tấm biển “gia đình đang sửa chữa, không đón khách”. Cổng đền ngay lối vào được khóa lại, bên trong để chật vật liệu cũ. Khách vào lễ phải đi cổng bên cạnh. Trong các gian thờ có đặt hòm công đức, khách tự ghi sổ công đức nhưng tờ giấy ghi khá mập mờ, không có số vào sổ, phía dưới có tên thủ nhang Hoàng Thị Lý. Trong khi đó Ban quản lý đền lại nằm... ngoài cổng. Bàn làm việc, hòm công đức và sổ sách đặt dưới gian nhà lợp tôn tạm bợ gần 20m2.

Một số người dân trước đó phản ánh những dấu hiệu trục lợi tại ngôi đền này. Cụ thể, khách muốn thực hiện nghi lễ hầu đồng tại đền phải nộp “tiền cung” cho nhà đền coi như tiền xếp lịch là 1 triệu đồng. Dịp tháng 7 mỗi ngày có hàng chục người đăng ký. Trước khi vào đền cả dãy hàng quán bán đồ lễ phía ngoài, ngựa lớn xếp hàng cả dãy. Tuy nhiên, một vài hộ kinh doanh cho hay, người muốn hầu đồng tại đền phải mua sắm đồ mã theo mối của gia đình thủ nhang phía trong, không được mua đồ bên ngoài.

Đem thắc mắc về những khoản thu vô lí này hỏi BQL đền Đá Thiên, ông Vũ Đăng Khoa, Trưởng BQL cho hay, một số đối tượng đứng ra thu tự phát, không nằm trong quy định của chính quyền. Câu chuyện thu chi công đức thiếu minh bạch, có những dấu hiệu trục lợi này diễn ra vài năm nay nhưng chưa được giải quyết thấu đáo và dứt điểm.

Bất lực

BQL đền Đá Thiên gồm 13 thành viên, do cư dân bầu ra, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau làm trưởng ban. Ông Đinh Xuân Giang (74 tuổi) là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi Tổ 7 thị trấn Trại Cau, một trong số thành viên BQL cho hay từ khi ông về đây năm 1968 đã thấy ngôi đền. Ông Hoàng Văn Hòa gần 90 tuổi là một trong những thủ nhang đầu tiên của đền nói, từ năm 1943 ông đã thấy ngôi miếu. Ông là một trong những người được giao việc trông coi. Khoảng năm 1969, ông Hòa cùng bà Hoàng Thị Lý được giao làm thủ nhang tới nay, đến 2004 ông Hòa giao hẳn cho bà Lý trông coi. Bà Lý cũng được dân bầu vào BQL hiện tại. Gần đây do sức khỏe ngày càng yếu, người nhà bà Lý tự tiếp quản đền, tự ý thu chi tiền công đức và ngăn cản BQL vào đền làm việc.

“Chỉ khi có công việc, có người của chính quyền vào đền chúng tôi mới vào được bên trong, còn không chỉ ngồi ngoài cổng”, ông Nguyễn Văn Thọ 64 tuổi, thành viên BQL thừa nhận. Chúng tôi hỏi “giữa BQL và nhà đền từng có tranh chấp, xô xát nào nghiêm trọng không?”, ông Thọ cho hay không có xô xát nào nhưng người nhà đền mỗi lần đi qua các thành viên đều buông lời xéo xắt khó nghe. Nhiều thành viên trong BQL cũng họ hàng với gia đình bà Lý thủ nhang nên không có động thái quyết liệt.

Sở Nội vụ Thái Nguyên công nhận đền Đá Thiên là cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Cư dân bầu ra BQL đền để quán xuyến việc, tuy nhiên BQL lại bị “ra rìa” và rơi vào tranh chấp kéo dài với nhóm cá nhân nhà đền.

“Chúng tôi rất buồn thừa nhận BQL dù được thành lập nhưng bất lực”, ông Vũ Đăng Khoa Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, Trưởng BQL đền Đá Thiên thẳng thắn. Ông Khoa nói, lượng khách đổ về đền ngày càng đông đòi hỏi vai trò quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý nguồn công đức theo quy định của nhà nước. Ban quản lý đền được thành lập tới lần thứ ba, theo đúng trình tự và quy định của nhà nước nhưng chưa thể thực hiện chức năng và nhiệm vụ.

Đối với những dấu hiệu trục lợi tín ngưỡng nêu trên, ông Khoa nói: “Ban quản lý đề nghị các cấp quản lý, đặc biệt là cơ quan điều tra tiến hành thu thập chứng cứ để có cơ sở xử lý các đối tượng vi phạm theo pháp luật”. Ông Khoa cho hay, trước mắt yêu cầu gia đình nhà đền mở cổng, tháo biển thông báo với ngụ ý đây là cơ sở tín ngưỡng của gia đình khỏi đền. Ông xác nhận tài liệu địa chính địa phương cho thấy đền nằm trên khu đất công, do UBND thị trấn Trại Cau quản lý. Ông Hoàng Văn Hòa nêu ý kiến “cứ theo pháp luật mà làm” khi thấy hiện tượng BQL bất lực với nhóm đối tượng trục lợi tín ngưỡng này.

Thông tư liên tịch số 04/2014 của Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ quy định: Người phụ trách (trụ trì), BQL cơ sở tín ngưỡng phải có phương thức thu nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức đúng mục đích, công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch.

Tỉnh ủy Thái Nguyên có văn bản yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, xác minh thông tin về những dấu hiệu trục lợi từ tín ngưỡng tại đền Đá Thiên. Huyện ủy Đồng Hỷ cũng có văn bản giao UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND thị trấn Trại Cau khẩn trương chỉ đạo BQL đền Đá Thiên phát huy vai trò chủ thể, thực hiện quyền quản lý đền theo chức năng, nhiệm vụ đồng thời có kế hoạch kiểm tra, xử lý đối với hiện tượng vi phạm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại đây.

Nguyên Khánh

Từ khóa » Mộ ông Bảy ở Thái Nguyên