Trục Vớt Bảo Vật Dưới đáy Biển, Chuyên Gia Nể Phục - SOHA

BẢO VẬT NẰM DƯỚI ĐÁY BIỂN

Trong cuộc khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cách đây hơn 20 năm (1999 – 2000), các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật gốm sứ quý hiếm có niên đại từ thế kỷ XV. Trong số những cổ vật phát hiện được, có chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là chiếc bình lớn nhất và nguyên vẹn nhất trong bộ sưu tập độc bản vớt lên từ con tàu cổ.

Trục vớt bảo vật dưới đáy biển, chuyên gia nể phục: Óc sáng tạo thần tình của người Việt - Ảnh 1.

Cổ vật trong con tàu đắm Cù Lao Chàm dưới đáy biển. (Nguồn: Báo Khoa học phát triển)

Không chỉ lớn nhất và nguyên vẹn nhất, chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này được xem là tiêu biểu nhất còn sót lại khi cổ vật này thể hiện được trình độ đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Lê Sơ. Chiếc bình là hiện vật độc bản, có đường nét hoa văn tinh xảo, đề tài trang trí sinh động.

Với giá trị to lớn, bình gốm hoa lam vẽ thiên nga đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là chiếc bình gốm đầu tiên được công nhận là bảo vật quốc gia.

SỨC SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA

Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga được chế tác vô cùng tinh xảo, đường nét mềm mại, dáng cao, vai phình, thân thuôn, nhỏ dần xuống đáy, toát lên vẻ thon thả hài hoà thể hiện nét đặc trưng trong kỹ thuật tạo hình gốm men thời Lê Sơ.

Về kích thước, chiếc bình có đường kính miệng là 23,8cm; đường kính đáy là 25,8cm và cao 56,5cm.

Nhìn vào phần miệng, cổ và thân bình, có thể thấy chiếc bình gốm hoa lam này được trang trí những hoa văn đặc sắc, là những nét vẽ mô tả hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, hình khánh cách điệu, phong cảnh, cây và hoa lá, sóng nước, lá đề.

Nhìn từ xa, dễ thấy rằng chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này được làm theo hình búp sen với sắc trắng chủ đạo, điểm trên đó là những hoa văn xanh lam trên thân bình. Tất cả những hoạ tiết trên bình, tất nhiên, đều được vẽ tay; những đường nét này được giới chuyên gia đánh giá là vô cùng tinh xảo và cầu kỳ.

Trục vớt bảo vật dưới đáy biển, chuyên gia nể phục: Óc sáng tạo thần tình của người Việt - Ảnh 2.

Hoa văn tinh xảo trên thân bình. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Các tác phẩm nghệ thuật thường được trang trí theo chủ đề, và chiếc bình này cũng không phải ngoại lệ.

Theo giới chuyên gia, chiếc bình được trang trí theo chủ đề phi minh túc thực, với bốn tư thế của thiên nga trong khung cảnh cây cỏ, khóm tre mang đặc điểm riêng. Đây cũng là những nét rất riêng, không hề giống với cách trang trí cùng đề tài trên những món đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản.

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Phi - Minh - Túc - Thực biểu đạt những ý nghĩa cơ bản của cuộc sống con người, trong đó: con đang dang cánh bay (Phi) là biểu tượng cho kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất trong cuộc sống; con đang nghển cổ kêu (Minh) là biểu tượng cho giao tiếp tình cảm; con đang ngủ (Túc) là thể hiện nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, hồi phục năng lượng để sinh tồn; con đang kiếm ăn (Thực) là thể hiện nhu cầu cơ bản để tồn tại trong cuộc sống.

Đây cũng là cách chơi chữ của người xưa khi mượn từ đồng âm để gửi gắm những ước nguyện tốt lành, mong muốn thăng tiến, tiền đồ xán lạn, giàu có, no đủ.

Những hoa văn, phong cảnh trên thân bình mang hồn Việt rất rõ như cảnh sơn thủy, khóm tre, ruộng đồng... Chính những hoa văn này là lời khẳng định rằng chiếc bình cổ có xuất xứ Việt Nam và được chế tác bởi bàn tay của những nghệ nhân người Việt.

Bên cạnh tính chất cung đình, kinh viện của nền mỹ thuật Đại Việt ở thế kỷ 15, Đường nét hoa văn được đánh giá là diễn tả theo lối bay bổng, phóng khoáng, giúp người chiêm ngưỡng cảm nhận được sự tươi mới và sáng tạo trong mỹ thuật dân gian Việt Nam. Với những điểm nổi trội này, chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga được coi là một tác phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật gốm thời Lê Sơ của thế kỷ XV.

Trục vớt bảo vật dưới đáy biển, chuyên gia nể phục: Óc sáng tạo thần tình của người Việt - Ảnh 3.

Trang trí thiên nga trên bình gốm. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chiến đã nhận xét như sau khi nói về đồ gốm trong con tàu đắm Cù Lao Chàm: Khi thì tỉa vẽ thật chi tiết, khi thì phóng bút nhanh và thoáng. Lối thể hiện không gian ba chiều, luật viễn cận trong hội hoạ đều như được sử dụng rất nhuần nhuỵ. Chỉ đôi ba nét bút chấm phá đã vẽ nên cảnh non sông gấm vóc.

Rõ ràng, chỉ bằng sự quan sát thần tình thế giới tự nhiên mới có thể vẽ nên cảnh gà chọi nhau, khỉ mẹ bồng con, sinh động đến thế. Lạ kỳ thay, chủ đề thế giới chim muông, tôm cá, côn trùng, ong bướm, chuồn chuồn của miền nhiệt đới lại được phô bày sinh động và đa dạng đến như vậy trên gốm hoa lam Cù Lao Chàm.

DẤU HỎI CHƯA LỜI GIẢI

Trục vớt bảo vật dưới đáy biển, chuyên gia nể phục: Óc sáng tạo thần tình của người Việt - Ảnh 4.

Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga thể hiện đỉnh cao nghệ thuật chế tạo đồ gốm thời Lê Sơ. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Hiện vẫn có nhiều dấu hỏi đặt quanh nguồn gốc của chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này.

Có thể nêu tới ý kiến của Tiến sĩ Bùi Minh Trí (Trung tâm nghiên cứu kinh thành) khi chuyên gia cho rằng chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này được sản xuất từ khu vực lò gốm của kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã nhận định chiếc bình gốm có xuất xứ từ lò gốm Chu Đậu(*).

Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản Văn hoá đã ghi lại: Chiếc bình gốm này được sản xuất tại làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của nước ta, ra đời vào thế kỷ XIV và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XV - XVI, chuyên sản xuất gốm cao cấp, phục vụ cho tầng lớp quý tộc và xuất khẩu ra nước ngoài. Những đề tài trang trí trên bình đã thoát ra khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển được thể hiện mang tính phóng khoáng, sáng tạo, đậm yếu tố dân gian, truyền thống vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga không chỉ quý hiếm mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật to lớn. Thể hiện nghệ thuật chế tạo đồ gốm thời Lê Sơ đã vươn tới đỉnh cao, thoát khỏi khuôn khổ thường thấy trên các đồ gốm sứ khác. Đề tài trang trí mang đậm màu sắc dân gian với khung cảnh cây cỏ, khóm tre, mang đặc đặc trưng của Việt Nam không sử dụng những điển tích, điển cố của Trung Quốc. Đường nét hài hoà, tinh tế và nhẹ nhàng đã làm nên chất riêng của bình gốm hoa lam vẽ thiên nga. Đồng thời chiếc bình còn là nguồn sử liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu về hoạt động giao thương, kỹ thuật chế tạo gốm sứ thời Lê Sơ, là nguồn tư liệu trong phục dựng đời sống trong hoàng thành Thăng Long xưa.

(*) Làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của đất nước ta ra đời vào thế kỷ 14 và phát triển rực rõ nhất vào thế kỷ 15-16. Làng gốm Chu Đậu sản xuất những loại gốm cao cấp, gốm mỹ nghệ, phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Dòng gốm Chu Đậu có sự kết hợp của nhiều kỹ thuật trang trí như đắp nổi, chạm, dán ghép, khắc chìm, vẽ lam, vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Các loại men sử dụng với nhiều sắc độ khác nhau như: men trắng vẽ lam, men nâu, xanh lục, men ngọc, men trắng vẽ tam thái hoặc kết hợp vẽ vàng kim trên men. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Xem thêm:

Tin liên quan

Dưới TT thương mại Vincom lưu dấu công trình kỳ vĩ của người xưa: Đây là minh chứng!

Từ khóa » Cách Vẽ đáy Biển