Trung Du Và Miền Núi Bắc Bộ Sẽ Hướng đến Phát Triển Xanh

Ngày 15/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giải đáp ba câu hỏi lớn: Vì sao Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển vùng trung du và niền núi Bắc Bộ vào lúc này? Những ý tưởng, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết là gì? Cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có hiệu quả và biến nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Theo Tổng bí thư, Việt Nam có 6 vùng kinh tế - xã hội, với tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức riêng. Bên cạnh chủ trương phát triển chung cả nước, cần có chính sách phù hợp với từng vùng, "để khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất, bình đẳng".

Trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm 35% diện tích tự nhiên cả nước, có nhiều tài nguyên, khoáng sản; dân số 14,7 triệu, chiếm hơn 15% cả nước. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.

Thời gian qua, hạ tầng giao thông trong vùng đã được đầu tư, cải thiện kết nối giữa các tỉnh và với vùng khác. Một số địa phương phát triển bứt phá. Tuy nhiên, Tổng bí thư chỉ rõ, lợi thế của vùng chưa được khai thác hiệu quả. Đây vẫn là "vùng trũng" và "lõi nghèo" của cả nước; liên kết vùng còn yếu. Khoảng cách trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong vùng với cả nước tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng phát triển vùng theo hướng "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...".

Thực tế này đặt ra yêu cầu tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 26 của Bộ Chính trị khóa XI và ban hành nghị quyết mới về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Tổng bí thư, Bộ Chính trị xác định trung du và miền núi Bắc Bộ là địa đầu, phên giậu, lá phổi của đất nước; có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa đặc sắc; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế xã hội; môi trường sinh thái lẫn quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, cần phát triển nhanh và bền vững vùng, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân so với vùng khác.

Chiến lược phát triển vùng cần bền vững, tăng trưởng xanh; hình thành các hành lang kinh tế, một số vùng động lực, cực tăng trưởng; phát triển chuỗi ngành kinh tế, vùng đô thị và công nghiệp, tạo bứt phá. Các tỉnh trong vùng phải cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; ưu tiên vốn nhà nước cho hạ tầng giao thông và địa bàn xa, khó khăn.

Mục tiêu là đến năm 2030, trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển xanh, bền vững, toàn diện; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu, du lịch... Năm 2045, vùng là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó 50% số tỉnh nằm trong nhóm phát triển khá.

Để đạt những mục tiêu trên, Tổng bí thư nêu rõ phải đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; cơ chế, chính sách đặc thù; phân bổ nguồn lực; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước. Cán bộ, người dân cần được khơi dậy truyền thống cách mạng, yêu nước, sáng tạo, tự lực, tự cường, vươn lên.

Thể chế, chính sách phát triển vùng cần được hoàn thiện trên cơ sở đổi mới tư duy và nhận thức. Các đơn vị xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng xanh, bền vững, toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ban cán sự đảng Chính phủ được giao chỉ đạo xây dựng và ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết; trước mắt ưu tiên sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng. Tổng bí thư "tha thiết mong đợi và tin tưởng sau hội nghị, các địa phương trong vùng sẽ nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa".

Tổng bí thư\: Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tổng bí thư: Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải chủ động tấn công, xử lý nghiêm tiêu cực, đồng thời "có cơ chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

Viết Tuân/vnexpress.net

Từ khóa » Dân Số Vùng Trung Du Và Miền Núi Bắc Bộ 2020