Trùng Quang Đế – Wikipedia Tiếng Việt

Trùng Quang Đế重光帝
Vua Việt Nam
Hoàng đế Hậu Trần hoàng đế được các tướng lĩnh người nghệ an tôn lên làm vua
Trị vì20 tháng 4 năm 1409 – 31 tháng 3 năm 1413(3 năm, 345 ngày)
Thượng hoàngGiản Định Đế
Tiền nhiệmGiản Định Đế
Kế nhiệmNhà Hậu Trần sụp đổLê Thái Tổ (Hậu Lê)
Thông tin chung
Mất3 tháng 5 năm 1414
An tánglàng Biện Thịnh, xã Ngô Xá, huyện Chân Phúc Lăng mộ Trùng Quang Đế hiện tại ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An
Tên húy
Trần Quý Khoáng
Niên hiệu
Trùng Quang (重光 1409-1413)
Hoàng tộcHoàng tộc Trần
Thân phụTrang Định vương Trần Ngạc

Trùng Quang Đế (chữ Hán: 重光帝 ? – 3 tháng 5 năm 1414[1]) là vị hoàng đế thứ hai và là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Hậu Trần, một triều đại được dựng lên ở miền nam Đại Việt để chống lại sự đô hộ của đế quốc Minh sau năm 1407. Ông có tên húy là Trần Quý Khoáng (陳季擴) hay Trần Quý Khoách[2], là cháu nội của Trần Nghệ Tông. Khi chú ông là Giản Định Đế dựng nhà Hậu Trần (1407), ông giữ chức Nhập nội thị trung. Năm 1408, các tướng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình với Giản Định Đế mới vào Nghệ An lập Trần Quý Khoáng lên ngôi vua. Trần Quý Khoáng tôn Giản Định Đế làm Thái thượng hoàng, cùng tiến quân ra bắc đánh Minh, đến năm 1409, Thượng hoàng bị địch bắt giết.

Trong suốt thời gian giữ ngôi, Trùng Quang Đế cùng các tể thần Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy đã tận lực chiến đấu chống quân đội Minh do Anh quốc công Trương Phụ chỉ huy. Các ông từng đánh bại quân Minh ở La Châu, Hạ Hồng, nhân đà truy kích tới tận Bình Than, nhưng cuối cùng bị thiệt hại nặng, phải lui về Nghệ An và Hóa Châu. Sau trận thư hùng đẫm máu ở kênh Thái Đà năm 1413, lực lượng Hậu Trần tan vỡ, Trùng Quang Đế chạy sang Lão Qua nhưng bị Trương Phụ bắt giữ. Tháng 4 năm 1414, trên đường áp giải về Đại Minh, Trùng Quang Đế trầm mình xuống biển tự tử. Nhà Trần diệt vong.

Tuy thất bại nhưng Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng vẫn được các bộ sử sau này của nước Đại Việt coi là vị vua chính thống nối nghiệp nhà Trần, được nhân dân phối thờ trong đền Trần (nơi thờ các vua nhà Trần). Sử thần đời Hậu Lê Ngô Sĩ Liên trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư (hoàn tất năm 1479) đã ca ngợi tấm gương của Trùng Quang Đế là "quốc quân chết vì xã tắc".[3]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Quý Khoáng là con của Trang Định vương Trần Ngạc (anh trai vua Trần Thuận Tông) và là cháu nội vua Trần Nghệ Tông. Cuối đời Trần, chính sự suy yếu, Đồng bình chương sự Hồ Quý Ly được Nghệ Tông tin tưởng nên nắm hết đại quyền trong triều. Nhiều tôn thất hoàng gia chống đối Quý Ly đã bị sát hại, trong đó có Thái úy Trang Định vương Ngạc (1391).[4] Năm 1399 Hồ Quý Ly giết vua Trần Thuận Tông (chú của Trùng Quang Đế), năm sau Hồ Quý Ly lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Hồ.[5]

Tháng 9 âm lịch năm 1406, lấy cớ khôi phục nhà Trần, đế quốc Minh-Trung Quốc mang 80 vạn quân do Tân Thành hầu Trương Phụ, Tây Bình hầu Mộc Thạnh đánh chiếm nước Việt. Hai vua Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương liên tục thua trận, đến tháng 5 (âm lịch) năm 1407 thì đều bị bắt về Trung Quốc.[6] Ngày 2 tháng 10 âm lịch năm 1407, con thứ Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng đế ở Mô Độ (Ninh Bình), dựng nhà Hậu Trần, lấy hiệu là Giản Định Đế. Không lâu sau, vua Giản Định bị quân Minh đánh bại, phải chạy vào Nghệ An. Các hào kiệt về theo khá đông trong đó có Quốc công Đặng Tất và Đồng Tri khu mật tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân. Được hai tướng họ Nguyễn, Đặng trợ giúp, Giản Định làm chủ khu vực phía nam nước Việt từ Nghệ An vào Thuận Hóa, sau đó tiến ra bắc đụng độ quân tiếp viện Minh một trận lớn ở bến Bô Cô (1408). Quân Giản Định thắng to, người Minh chạy về cố thủ Đông Quan.[7]

Năm 1409, do nghe lời gièm pha của hoạn giả Nguyễn Quỹ và học sinh Nguyễn Mộng Trang, Giản Định giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung (con của Đặng Tất) và Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) bất bình với vua Giản Định, bèn về Nghệ An tôn Trần Quý Khoáng làm vua mới. Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư do sử thần đời Lê Ngô Sĩ Liên soạn, ở thời điểm năm 1409 Trần Quý Khoáng làm chức Nhập nội thị trung ở Nghệ An.[8]

Lên ngôi

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 17 tháng 3 âm lịch (tức ngày 20 tháng 4 dương lịch) năm 1409, Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng đế ở Chi La, nay thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tân hoàng đế đặt niên hiệu Trùng Quang (重光), phong Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã.[8] Bấy giờ Giản Định đang đóng giữ thành Ngự Thiên; Trùng Quang sai Nguyễn Súy đem quân đánh úp, bắt được Giản Định. Ngày 7 tháng 4 âm lịch cùng năm, Hưng Khánh thái hậu (mẹ của Giản Định Đế) liên kết với Hành khiển Lê Triệt và Lê Nguyên Đỉnh dấy quân ở Hát Giang, định đánh úp vua Trùng Quang. Người Nghệ An là Nguyễn Trạo phát giác báo cho Trùng Quang Đế. Nhà vua giết Triệt và Đỉnh nhưng tha hết quân của họ.[8] Đối chiếu sự kiện này với việc Giản Định giết 2 tôn thất theo Minh là Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Giao cùng hơn 500 thuộc hạ ở Diễn Châu, Nghệ An (1407), sử thần đời Lê Ngô Sĩ Liên cho rằng vua Trùng Quang có phẩm chất lãnh đạo tốt hơn Giản Định:[9]

"Thiên hạ đại loạn, nhân dân Nghệ An, Diễn Châu biết ai là chân chúa. Thúc Dao là con người tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, nhận quan tước của nhà Minh, giữ đất, trị dân, dân không theo có được không? Giết Thúc Dao và Nhật Chiêu là phải, còn bọn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, thì chúng không cảm kích ơn đức đó hay sao? Thế là lại giết nhiều như vậy, sao gọi là quân nhân nghĩa được? Xem như Lê Tiệt và Lê Nguyên Đỉnh nhầm họp quân ở Hát Giang, mưu đánh úp Trùng Quang Đế, mà Trùng Quang Đế chỉ giết có Tiệt và Nguyên Đỉnh thôi, còn đều tha cả, so với Giản Định Đế thì đằng nào hơn?"

Ngày 20 tháng 4 âm lịch, Giản Định bị dẫn về Nghệ An, Trùng Quang khiêm nhường mặc thường phục xuống thuyền đón rước, tôn Giản Định làm Thái thượng hoàng.[8] Ở thời Trần, tên nước là Đại Việt, từ khi nhà Hồ soán ngôi đã đổi thành Đại Ngu.[10] Sử Việt không chép tên nước của Trùng Quang Đế; tuy nhiên, trong Hoàng Minh thực lục có ghi Trùng Quang Đế là "ngụy hoàng đế Đại Việt", vậy chứng tỏ Trùng Quang Đế đã dùng quốc hiệu Đại Việt.

Tháng 7 âm lịch năm 1409, vua Trùng Quang cùng Thượng hoàng chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng hoàng Trần Ngỗi đóng ở Hạ Hồng (Ninh Giang, Hải Dương), vua Trùng Quang đóng ở Bình Than. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh. Trùng Quang sai quân đi tuần tra 4-5 ngày 1 lần. Hai vua được hào kiệt các lộ ủng hộ nhiệt liệt, duy chỉ có Tri phủ Tam Giang là Đỗ Duy Trung vẫn theo Minh.[8] Đến khi vua Minh sai Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đeo ấn Chinh Di tướng quân đem quân cứu viện, quân Minh lại mạnh lên. Thượng hoàng thấy liền rời thuyền chạy lên trấn Thiên Quan, Trùng Quang nghi ngờ Thượng hoàng có lòng khác, liền sai người đuổi theo. Nguyễn Súy đuổi theo không kịp, nhưng Trương Phụ lại bắt được Thượng hoàng Trần Ngỗi, giải về Kim Lăng giết chết.[8]

Tháng 8 âm lịch năm 1409, vua Trùng Quang chống nhau với Trương Phụ ở Bình Than. Nhà vua sai Đặng Dung trấn giữ cửa Hàm Tử. Quân Việt thiếu lương thực trầm trọng, Đặng Dung bèn chia quân đi gặt lúa sớm để cấp cho binh lính. Trương Phụ nhân lúc quân Việt đang yếu liền đem thủy quân đánh vào cửa Hàm Tử. Đặng Dung thua to. Trùng Quang nghe tin, tự liệu chống không nổi, bèn dẫn quân lui về Nghệ An.[8][2]

Đại Việt Sử ký Toàn thư kể Trùng Quang Đế có một bà phi mất vào tháng 6 âm lịch năm 1409.[8]

Tận lực chống Minh

[sửa | sửa mã nguồn]

Đế quốc Minh muốn đánh chiếm Đại Việt lâu dài nên năm 1410, Tổng binh Trương Phụ sai quân mở đồn điền ở địa bàn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Tam Giang tạo lương thực cho quân, lại cấp ruộng đất cho các thổ quan đầu hàng để họ thu tô thay cho bổng lộc, cấp ruộng đất cho quân đội để cày cấy lấy lương thực.[11] Ngoài ra, Trương Phụ thực hiện chính sách đàn áp rất tàn bạo để khủng bố tinh thần người Việt, như Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại:

"Phụ đi đến đâu, giết chóc rất nhiều, có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò, thậm chí có đứa mổ bụng lấy thai, cắt lấy hai cái tai để nộp theo lệnh. Kinh lộ các nơi lần lượt đầu hàng. Những dân còn sót lại bắt hết làm nô tỳ và bị đem bán, tan tác khắp bốn phương cả".[8]

Đại Minh còn cấp bằng ghi công trạng cho các thổ quan đi đánh dẹp quân khởi nghĩa người Việt. Vì vậy có một bộ phận người Việt là thổ quan, hàng tướng phản bội, cùng với những người đã từng tiếp tay cho người Minh diệt nhà Hồ, nay lại tiếp tay cho Trung Quốc đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang Đế, khiến cuộc khởi nghĩa gặp trăm ngàn khó khăn. Nhưng vua tôi Trùng Quang vẫn dũng cảm chiến đấu.[11][12]

Tháng 5 âm lịch năm 1410, Trùng Quang Đế và Nguyễn Cảnh Dị đem quân tới La Châu, Hạ Hồng, đánh bại quân Minh do Đô đốc thiêm sự Giang Hạo chỉ huy. Thừa thắng, nhà vua truy kích đến bến Bình Than và đốt phá thuyền trại của người Minh.[11][12] Đoàn quân của Trùng Quang Đế được nhiều hào kiệt hưởng ứng, nổi bật nhất là Đồng Mặc người Thanh Hóa, giữ chức Lỗ Lược Tướng quân, đã đánh bại và bắt chỉ huy quân Minh là Tả Địch. Đồng Mặc được Trùng Quang Đế giao cai quản phủ Thanh Hóa. Ngoài ra còn có Nguyễn Ngân Hà, Lê Nhị, Lê Khang, Đỗ Cối và Nguyễn Hiêu chỉ huy dân chúng đánh quân Minh tổn thất rất nhiều. Tuy nhiên, quân Hậu Trần không được tổ chức bài bản nên cuối cùng bị quân Minh đánh bại, nhà vua phải chạy về Nghệ An.[13]

Tháng 7 âm lịch năm 1411, Trùng Quang Đế và Nguyễn Súy chia quân đánh các cửa biển, bắt nhóm thổ quan theo Trung Quốc là Nguyễn Chính ở Bài Lâm, chém bêu đầu cảnh cáo.[11] Cùng năm, nhà vua gả chị gái là Quốc tỷ Trưởng công chúa cho người Hóa Châu là Hồ Bối. Ông còn phong Hồ Bối chức Tư đồ rồi sai đem quân đánh Minh ở Thanh Hóa.[14]

Trong thời gian giữ ngôi, Trùng Quang Đế từng sai Hành khiển Nguyễn Nhật Tư, Thẩm hình Lê Ngân sang Minh cầu phong. Vua Minh bắt giết cả hai. Về sau, Trùng Quang Đế phái Hành khiển Hồ Ngạn Thần, Thẩm hình Bùi Nột Ngôn đem biểu văn, lễ vật và hai tượng người bằng vàng, bạc đi thay. Khi sứ đoàn vào Yên Kinh, Minh Thành Tổ sai Hồ Nguyên Trừng giả vờ hỏi thăm vua Trần, tiện dò la nội tình Đại Việt. Hồ Ngạn Thần tiết lộ hết tình hình cho Nguyên Trừng, Bùi Nột Ngôn không nói. Minh Thành Tổ giả cách phong Trùng Quang làm Bố chính sứ Giao Chỉ, Ngạn Thần làm Tri phủ Nghệ An. Ngạn Thần nghe theo. Về nước, Bùi Nột Ngôn hặc tội Ngạn Thần, Trùng Quang sai bắt giam Ngạn Thần rồi xử tử.[14][13]

Tháng 6 âm lịch năm 1412, Trương Phụ, Mộc Thạnh dẫn quân đánh Nghệ An gặp quân của Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung và Hồ Bối ở Mô Độ vùng Ninh Bình, Nam Định. Chưa phân thắng bại thì Nguyễn Súy, Cảnh Dị rồi Hồ Bối đều bỏ chạy, Đặng Dung phải dùng thuyền nhẹ rút lui ra biển. Trương Phụ lại đem quân vào đánh phá hành tại ở Nghệ An, bao vây các thành tại Thanh Hóa, Diễn Châu, Nghệ An bị chiếm.[15]

Tháng 1 âm lịch năm 1413, nhà vua cùng Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị đưa quân theo đường biển tới Vân Đồn, Hải Đông và các vùng ven biển Bắc Bộ nhằm thăm dò, tìm lương thực và đánh tiêu hao quân đội Minh. Chiến dịch này thất bại nặng nề. Ngày 4 tháng 3 âm lịch, nhà vua về hành tại ở Nghệ An, quân đi 10 phần về chỉ còn 3-4 phần.[15]

Cùng lúc đó, Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn cầm đầu quân khởi nghĩa "áo đỏ" chặn đường giao thông, giết chết được Tham chính người Việt là Mạc Thúy (tổ 4 đời của Mạc Đăng Dung) và tiêu diệt được khá nhiều quân Minh. Nguyễn Liễu ở Lý Nhân chiêu tập người các huyện Lục Na, Vũ Lễ đánh quân Minh trong mấy năm nhưng do thiếu sự liên kết với vua nên các thế lực này dần tan vỡ.[15]

Tháng 4 âm lịch năm 1413, Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế phải rút về Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong, đến Nghệ An bị Trương Phụ bắt giữ, Nguyễn Biều tức giận mắng Trương Phụ và bị Phụ giết chết.[15] Thái phó Đại Việt là Phan Quý Hữu đầu hàng quân Minh, được 1 tuần thì chết. Trương Phụ cử con Quý Hữu là Liêu làm Tri phủ Nghệ An và ban thưởng hậu hĩnh cho gia đình Liêu. Liêu bèn kể hết cho Phụ về thực lực các tướng, quân số của Trùng Quang Đế và địa thế Hóa Châu.[16][2] Trương Phụ, Mộc Thạnh liền đem quân thủy bộ vào Hóa Châu, mất 21 ngày thì tới.[17][16]

Tháng 9 âm lịch năm 1413, Nguyễn Súy dàn trận tại kênh Thái Đà, đánh nhau ác liệt với Trương Phụ. Nửa đêm Đặng Dung dùng voi đánh úp dinh của Phụ, định nhảy lên thuyền Phụ bắt sống mà không nhận được mặt, Phụ nhảy lên thuyền nhỏ trốn mất, quân Minh tan vỡ quá nửa, thuyền chiến vũ khí bị đốt phá gần hết. Thế nhưng Nguyễn Súy không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu, mà quân thì còn rất ít. Trương Phụ thấy vậy xua tàn quân phản công, thay đổi cục diện. Quân Đặng Dung tan chạy, ẩn nấp trong hang núi, không còn sức đánh lớn. Tháng 11 âm lịch năm 1413, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị định chạy sang Xiêm La nhưng bị quân Minh bắt. Khi trông thấy Phụ, Nguyễn Cảnh Dị luôn mồm quát mắng: "Bổn tướng lâu nay muốn giết ngươi, nào nghĩ hôm nay lại bị ngươi bắt!". Trương Phụ tức giận, giết rồi ăn gan Nguyễn Cảnh Dị. Trương Phụ chiếm được Tân Bình, Thuận Hóa, bèn đặt quan cai trị, điều tra dân số, làm sổ dân đinh và tâu xin vua Minh tăng cường quân trấn giữ.[18]

Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại:

Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy, đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không? Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang, vì sao vậy? Bọn Dung vì nghĩa không thể cùng sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng, hết sức giúp đỡ Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!

Ngày 10 tháng 3 âm lịch năm 1414, Trùng Quang Đế chạy sang nước Lão Qua, Nguyễn Súy chạy sang châu Minh Linh, sau đều bị người của Phụ bắt.[19][18] Người của Thuận Hóa cũng ra hàng, từ đó vương triều Hậu Trần chấm dứt.

Tháng 4 âm lịch năm 1414, Trương Phụ thu quân về Đông Quan, sai người giải vua Trùng Quang, Đặng Dung và Nguyễn Súy về Trung Quốc bằng đường biển. Giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống biển tự tử. Hai tể tướng Đặng Dung, Nguyễn Súy sau đó cũng đều nhảy xuống biển tự tử.[18] Tuy nhiên, theo Hoàng Minh thực lục, ngày 16 tháng 8 năm 1414, Trùng Quang Đế và các tướng lĩnh trong đó có Đặng Dung đều bị giải tới Yên Kinh và xử tử.[20]

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]

Đời Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông), sử quan Ngô Sĩ Liên có lời khen ngợi Trùng Quang Đế nhà Hậu Trần:[3]

Vua gặp thời loạn lạc, gắng chí mưu việc khôi phục, nhưng vì trời không giúp nhà Trần nữa, nuốt hận mà chết, thương thay!

Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao? Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh! Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với nước, thực đúng là "quốc quân chết vì xã tắc", mà các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả. Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh vua, đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước đi báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta giết chết. Than ôi, người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghĩa không có tội gì, mà để lại tiếng thơm mãi mãi, còn bọn bất trung phản quốc, không khỏi tránh khỏi chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế.

— Ngô Sĩ Liên

Sử thần Ngô Thì Sĩ đời Lê Trung hưng cũng bình luận về vị vua cuối nhà Hậu Trần:[21]

Đến vua Trùng Quang quật khởi lên được, duy chỉ 2 tướng Nguyễn và Đặng phụ trì hai bên, ngoài ra đều là người chắp tay xem thế sự; chỉ có một xó Nghệ và Diễn là nơi ra vào công thủ, ngoài ra không còn mảnh đất nào để dụng võ; lặn nội ở góc biển chân non, trận thắng ở La Tân, Bình Than không bù lại được những trận thua ở Linh Trường, Nguyệt Thường; tuy lũ Dung và Xuất [Súy] có chí không chịu lùi, nhưng mà quân giặc vẫn chiếm phần tiện nghi hơn; đất Quảng, Thuận hiểm trở coi như có thể tựa nương được, nhưng tình thế đất ấy nào đã bị quân phản bội chỉ rõ cho giặc rồi, tai nạn bị bắt ở Lão Qua thật cũng đáng thương!

— Ngô Thì Sĩ

Trùng Quang Đế còn là vị vua yêu thơ văn chữ Nôm, các tác phẩm của ông có nội dung trong sáng, đề cao tinh thần thượng võ của dân tộc. Trong nhiều sách còn ghi lại bài thơ tiễn Nguyễn Biểu đi sứ và bài văn tế Nguyễn Biểu của vua, thể hiện lòng cảm kích của vua với khí tiết đáng trân trọng của Nguyễn Biểu.

Tôn vinh

[sửa | sửa mã nguồn]

Trùng Quang Đế được nhân dân thờ phụng tại đền Hậu Trần trên đất Mô Độ xưa, nay thuộc Ninh Bình. Đền Hậu Trần nằm ở thôn La, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình nên còn được gọi là đền La. Đền thờ 2 vua nhà Hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang Đế, ngoài ra còn phối thờ công thần Trần Triệu Cơ. Thôn La còn có phủ thờ Bối Mai Công chúa dưới chân núi Cái Sơn. Bà là con gái Giản Định Đế, người có công tổ chức việc khẩn hoang, khuyến khích việc nông trang, xây dựng xóm làng. Cách phủ thờ Bối Mai Công chúa là khu lăng mộ Giản Định Đế. Khu lăng ngày trước rộng đến 8 ha. Trước lăng có tấm biển đề: "Hậu Trần Hoàng đế lăng". Xã Yên Thành lại còn một cái giếng mang tên Giếng Dặn (có từ thời Giản Định Đế) và lăng mộ Hoàng hậu Đỗ Thị Nguyệt. Lễ hội đền La tưởng nhớ các vị anh hùng thời Hậu Trần được mở từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lăng mộ Trùng Quang Đế hiện tại ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam chọn cái chết oanh liệt khi chống ngoại xâm thất bại. Cái chết của ông để người Minh thấy rằng dù chiếm được nước Đại Ngu nhưng họ không thể nào khuất phục được người Việt.

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trùng Quang tâm sử là một phim truyền hình của đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), dựa theo tác phẩm cùng tên của Phan Bội Châu, về cuộc kháng chiến thời vua Trùng Quang Đế.[22] Vai Trùng Quang Đế do diễn viên Huỳnh Anh Tuấn đóng.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo ngày kỵ ở đền Tức Mặc (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) thì ngày mất của vua Trùng Quang là ngày 14 tháng 4 âm lịch năm Giáp Ngọ (1414).
  2. ^ a b c Trần Trọng Kim 1971, tr. 79.
  3. ^ a b Nhiều tác giả 1993, tr. 322.
  4. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 284-285.
  5. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 294-296.
  6. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 307-310.
  7. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 313-315.
  8. ^ a b c d e f g h i Nhiều tác giả 1993, tr. 315-316.
  9. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 313.
  10. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 74.
  11. ^ a b c d Nhiều tác giả 1993, tr. 317.
  12. ^ a b Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 115-117.
  13. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 344-345.
  14. ^ a b Nhiều tác giả 1993, tr. 318.
  15. ^ a b c d Nhiều tác giả 1993, tr. 319-320.
  16. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 346.
  17. ^ Nhiều tác giả 1993, tr. 320.
  18. ^ a b c Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 345-347.
  19. ^ “Entry”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  20. ^ “Entry”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  21. ^ Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 116-118.
  22. ^ “Hôm nay, phát sóng "Trùng Quang tâm sử" trên HTV7”. VNExpress. 25 tháng 4 năm 2002. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2021.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nhiều tác giả (1993). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.
  • Ngô Thì Sĩ (1991). Việt sử tiêu án. Nhà Xuất bản Văn Sử.
  • Phan Huy Chú (2007). Lịch triều hiến chương loại chí. 1. Nhà Xuất bản Giáo dục.
  • Phan Huy Chú (2007). Lịch triều hiến chương loại chí. 2. Nhà Xuất bản Giáo dục.
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Hà Nội: Nhà Xuất bản Giáo dục
  • Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Xuất bản thuộc Bộ Giáo dục
Trùng Quang Đế
Tiền nhiệm:Giản Định Đế Vua nhà Hậu Trần1409-1413 Kế nhiệm:Không có
  • x
  • t
  • s
Vua nhà Trần
Nhà TrầnThái Tổ · Thái Tông · Thánh Tông · Nhân Tông · Anh Tông · Minh Tông · Hiến Tông · Dụ Tông · Hôn Đức công · Nghệ Tông · Duệ Tông · Phế Đế · Thuận Tông · Thiếu Đế
Nhà Hậu TrầnTrần Thiêm Bình · Giản Định Đế · Trùng Quang Đế · Trần Cảo
Vua Việt Nam • Hùng Vương • An Dương Vương • Nhà Triệu • Trưng Vương • Bắc thuộc • Nhà Tiền Lý • Tự chủ • Nhà Ngô • Nhà Đinh • Nhà Tiền Lê • Nhà Lý • Nhà Trần • Nhà Hồ • Nhà Hậu Lê • Nhà Mạc • Chúa Trịnh • Chúa Nguyễn • Nhà Tây Sơn • Nhà Nguyễn
  • x
  • t
  • s
Nhà Trần
Quân chủThái Tông • Thánh Tông • Nhân Tông • Anh Tông • Minh Tông • Hiến Tông • Dụ Tông • Hôn Đức công • Nghệ Tông • Duệ Tông • Phế Đế • Thuận Tông • Thiếu Đế
Sự kiệnHoài Vương khởi binh • Chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt (lần 1 • lần 2 • lần 3)  • Sáp nhập Ô Lý • Vụ án Huệ Vũ vương • Biến loạn Đại Định • Chiến tranh Việt – Chiêm (1367–1396) • Phế Đế Xương Phù • Nhà Trần sụp đổ
Các lĩnh vực Chính trị • Hành chính • Quan chế  • Quân sự • Pháp luật • Văn học • Nghệ thuật • Kinh tế (Thủ công nghiệp • Thương mại • Nông nghiệp • Tiền tệ)  • Giáo dục • Tôn giáo (Thiền phái Trúc Lâm) • Ngoại giao • Văn hóa Lý–Trần
Di tích Hoàng thành Thăng Long • Hành cung Thiên Trường • Hành cung Vũ Lâm  • Tháp Bình Sơn • Chùa Phổ Minh • Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều • Khu lăng mộ các vua Trần ở Thái Bình • Đền Cao An Phụ • Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc • Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử • Khu di tích lịch sử Bạch Đằng
Hiện vật An Nam tứ đại khí (Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm • Vạc Phổ Minh)  • Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ
  • Hồng Bàng
  • An Dương Vương
  • Triệu
  • Tự chủ
  • Đinh
  • Tiền Lê
  • Trần
  • Hồ
  • Lê sơ
  • Lê trung hưng
  • Mạc
  • Tây Sơn
  • Nguyễn

Từ khóa » Tổ ấn Trùng Quang