Trung Quốc Chống Tham Nhũng 'thân Hữu' - Tuổi Trẻ Online

Trung Quốc chống tham nhũng thân hữu - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các đại biểu dự Hội nghị quốc gia về công tác giải quyết khiếu nại của người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 25-5-2022 - Ảnh: Tân Hoa xã

Hôm 19-6, Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã ra quy định nhằm quản lý hoạt động kinh doanh của người thân các quan chức chính phủ. Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng tại đất nước tỉ dân.

Cấm lợi dụng chức vụ

Theo quy định mới của Ban Chấp hành Trung ương CPC, các quan chức phải báo cáo hoạt động kinh doanh của vợ/chồng và con cái họ, đồng thời phải giải thích về các hoạt động vi phạm. Những người không báo cáo hoặc tìm cách lách luật hay lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người thân sẽ bị "xử lý nghiêm theo quy định và pháp luật".

Theo Tân Hoa xã, quy định mới nêu rằng vợ/chồng và con cái của các quan chức phải rút khỏi hoạt động kinh doanh vi phạm quy định, nếu không bản thân các quan chức đó phải từ chức và "chấp nhận điều chỉnh công tác" cũng như đối mặt với các hình phạt khác.

Các hoạt động kinh doanh được nêu trong quy định bao gồm: đầu tư vào doanh nghiệp, nắm giữ các vị trí cấp cao trong các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào quỹ tư nhân, tham gia các dịch vụ pháp lý và trung gian xã hội có trả phí. Theo quy định mới, các quan chức nắm giữ vị trí càng cao thì họ và người nhà càng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.

Theo Hãng tin Reuters, gia đình các quan chức Trung Quốc đã trở thành "mặt trận đấu tranh" quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhiều vụ tham nhũng liên quan việc các quan chức đăng ký kinh doanh và tài sản đứng tên người thân - một chiêu thức giúp họ vẫn tuân thủ điều lệ đảng nhưng mặt khác có thể lợi dụng chức vụ để tích lũy tài sản.

Nỗ lực ngăn chặn tham nhũng liên quan gia đình các quan chức đã diễn ra từ nhiều năm trước. Năm 2016, Bắc Kinh tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề người thân của một số quan chức lớn lợi dụng vị thế để tích lũy tài sản kếch xù. Khi đó, truyền thông Trung Quốc cho biết cứ 5 vụ tham nhũng của quan chức bị phanh phui lại có tới 4 vụ liên quan đến người thân.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Năm 2021, Trung Quốc đã xử lý khoảng 627.000 quan chức vì "vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật" - số lượng nhiều nhất trong một năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

Theo ông Tập, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của CPC năm 2012, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đấu tranh chống tham nhũng và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Trước hết, họ thiết lập hệ thống chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo chung của CPC. Thứ hai, họ bắt đầu từ việc giải quyết "các triệu chứng" của tham nhũng và lồng ghép những thành tích đã đạt được vào cuộc chiến xóa bỏ nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng, ngăn chặn đảng viên và cán bộ lạm quyền, ngăn chặn từ khi tham nhũng còn là ý đồ.

Thứ ba, Bắc Kinh duy trì tính nghiêm minh trong kỷ luật và hình phạt áp dụng với những người tham nhũng, không khoan nhượng đối với loại tội phạm này.

Thứ tư, Trung Quốc tạo ra một hệ thống tương đối hoàn chỉnh gồm các quy định trong nội bộ đảng và luật chống tham nhũng. Họ thực thi kỷ luật đảng và pháp luật nghiêm ngặt để ngăn một số người lợi dụng các sơ hở trong hệ thống và đảm bảo tất cả luật, quy định và thể chế hoạt động hiệu quả.

Thứ năm là xây dựng tư tưởng phòng chống tham nhũng. Các đảng viên và cán bộ được trang bị lý tưởng và niềm tin đúng đắn, từ đó đảm bảo có sự liêm chính về đạo đức và có quan điểm chính trị đúng đắn.

Thứ sáu, Trung Quốc tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực thi quyền lực, đổi mới sâu rộng hệ thống kiểm tra kỷ luật Đảng và hệ thống giám sát quốc gia.

Ông Tập nhấn mạnh tham nhũng xảy ra do nhiều yếu tố không lành mạnh trong CPC đã tích tụ suốt một thời gian dài. "Cuộc chiến chống tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, đến mức chúng ta gần như không thể để xảy ra bất cứ sự nhượng bộ hay thỏa hiệp nào dù là nhỏ nhất", ông nói.

Theo ông Tập, dù đất nước tỉ dân đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc chiến chống tham nhũng và tình hình vẫn còn khó khăn và phức tạp, nhưng khẳng định sẽ thực hiện chiến dịch chống tham nhũng đến cùng.

Ông Trương Hi Hiền, giáo sư tại Trường Đảng của Ban Chấp hành Trung ương CPC, cho biết gần đây chính quyền trung ương Trung Quốc bắt đầu tăng cường ngăn chặn tham nhũng trong tài chính vì "chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính trở thành sự kiện chính khi một quốc gia ngày càng phát triển".

Lương của công chức Trung Quốc ra sao?

Tháng 1-2022, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu Chính phủ Trung Quốc cho biết tính tới cuối năm 2015 Trung Quốc có 7,1 triệu công chức.

Theo đánh giá của SCMP, mức lương cơ bản cho công chức Trung Quốc "thấp". Ngay cả các quan chức cấp bộ cao nhất cũng nhận lương chưa đến 9.000 nhân dân tệ (hơn 30 triệu đồng) một tháng, trong khi các quan chức bình thường nhất trong bộ có mức lương khoảng 5.000 nhân dân tệ (17 triệu đồng) mỗi tháng.

Tuy nhiên, bù lại, họ được hưởng các đặc quyền như trợ cấp về nhà ở, đi lại, giáo dục, viễn thông, chăm sóc con cái, trợ cấp y tế và tiền thưởng cuối năm.

Trung Quốc tuyên án tử hình cựu quan chức tham nhũng Trung Quốc tuyên án tử hình cựu quan chức tham nhũng

TTO - Trung Quốc tuyên án tử hình đối với ông Tong Daochi - cựu quan chức cấp cao tỉnh Hải Nam, về tội nhận hối lộ hàng chục triệu USD và giao dịch nội gián, nhưng án được "treo" 2 năm.

Từ khóa » đại án Tham Nhũng Trung Quốc