Trung Quốc đưa 3 Nhà Du Hành Lên Trạm Vũ Trụ - VietNamNet

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, tàu vũ trụ Thần Châu đã rời Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, phía bắc Trung Quốc và dự kiến kết nối với khoang chính của trạm Thiên Hòa, nằm cách mặt đất 400km, sau hành trình chưa đầy 7h.

Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc thông báo tàu Thần Châu 14 đã tách khỏi tên lửa đẩy và đi vào quỹ đạo đã định trước khoảng 577 giây sau khi phóng và đội bay đều trong tình trạng tốt, vụ phóng tàu đã thành công.

Theo kế hoạch, 3 nhà du hành này sẽ phối hợp với trung tâm kiểm soát trên mặt đất để hoàn thành việc lắp ráp và xây dựng Thiên Cung từ trạm vũ trụ chỉ có một module thành một phòng thí nghiệm vũ trụ quốc gia gồm 3 module: module lõi Thiên Hoà và 2 module thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên.

Module Thiên Hòa, nơi sinh sống của các phi hành gia, được phóng đầu tiên và là module lớn nhất. Các module Vấn Thiên và Mộng Thiên sẽ được phóng lần lượt vào tháng 7 và tháng 10. Chỉ huy sứ mệnh Thần Châu 14 Chen Dong, 43 tuổi và các đồng đội Liu Yang, 43 tuổi và Cai Xuzhe, 46 tuổi, đều là phi hành gia thế hệ 2 của Trung Quốc, sẽ sống và làm việc trên trạm vũ trụ trong 180 ngày rồi trở về trái đất vào tháng 12 năm nay.

Tờ Trung Quốc nhật báo đưa tin, khi nhiệm vụ của các phi hành gia hoàn thành vào cuối năm nay, trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ hoạt động đầy đủ. Trạm vũ trụ này được thiết kế để hoạt động tới 15 năm và mở cửa với cả các phi hành gia nước ngoài.

Trạm vũ trụ Thiên Cung gồm 3 module có thể được mở rộng thành 4 module trong tương lai, phó thiết kế gia trạm vũ trụ nói với giới truyền thông Trung Quốc.

Trước Thiên Cung, trạm vũ trụ duy nhất hoạt động là Trạm vũ trụ quốc tế, vốn là nỗ lực chung của vài cơ quan hàng không quốc gia, gồm cả NASA của Mỹ và Roscosmos của Nga.

Lê Phan

Từ khóa » Nhà Du Hành Vũ Trụ đầu Tiên Của Trung Quốc