Trung Quốc Tập Trận ở Hoàng Sa: Xâm Phạm Nghiêm Trọng Chủ ...

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 23/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động tập trận của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố, việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

“Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và không tái phạm”- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

“Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và không tái phạm”, bà Hằng nói.

Báo chí Nhật Bản gần đây đưa tin chính quyền Trung Quốc có ý định đưa Biển Đông thành vùng nội thuỷ và Chính phủ Nhật Bản đã kháng nghị lên Ủy ban Ranh giới và thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. Nhật Bản cho biết muốn hợp tác với các nước Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu để chống lại yêu sách của Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, bà Hằng cho biết, lập trường của Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong Công hàm số hàm 22/HC-2020, gửi ngày 30/3/2020 lưu hành tại Liên Hợp Quốc. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Trung Quốc Tập trận ở Hoàng Sa: Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ảnh 1

Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở Biển Đông Ảnh: ap

Việt Nam cho rằng các nước đều chia sẻ nguyện vọng, mục tiêu chung là duy trì ổn định, thúc đẩy hoà bình và hợp tác ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. “Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này”, bà Hằng nói.

Tàu chiến Trung Quốc vào gần Nhật Bản

Ít nhất 8 tàu chiến Trung Quốc và xuất hiện trong vùng biển gần Nhật Bản trong tuần này, một dấu hiệu nữa cho thấy hai đối tác đang gia tăng áp lực lên Tokyo khi quan hệ giữa các bên xấu đi vì Ukraine và Đài Loan (Trung Quốc), CNN đưa tin ngày 22/6.

Trung Quốc Tập trận ở Hoàng Sa: Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ảnh 2

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Ngày 21/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, lực lượng của họ phát hiện ít nhất 2 tàu chiến và một tàu tiếp tế của Trung Quốc ở gần quần đảo Izu, cách thủ đô Tokyo khoảng 500km về phía nam. Một trong những tàu này là tàu khu trục tên lửa Type 55 Lhasa, một trong những tàu mặt nước mạnh nhất của Trung Quốc hiện nay. Phía Nhật Bản cũng phát hiện 5 tàu chiến Nga, dẫn đầu là một tàu khu trục chống ngầm, đi qua eo biển Tsushima, nơi ngăn cách giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Hạm đội Nga hiện diện gần Nhật Bản trong 1 tuần, di chuyển từ khu vực đảo Hokkaido ở phía bắc xuống đảo Okinawa ở phía nam.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng nhóm tàu hoạt động ở khu vực gần Nhật Bản từ ngày 12/6. “Đây rõ ràng là sự phô trương sức mạnh từ cả Nga và Trung Quốc”, ông James Brown, phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Temple ở Tokyo, nhận định. “Những hoạt động này là nỗi lo lớn đối với Nhật Bản. Việc theo dõi các hoạt động của lực lượng quân sự Nga và Trung Quốc cũng gây căng thẳng về nguồn lực cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”, ông Brown nói.

Không có khẳng định nào từ phía Tokyo rằng hai nhóm tàu của Trung Quốc và Nga phối hợp hành động, như họ đã làm vào tháng 10 năm ngoái, khi 10 tàu chiến của Trung Quốc và Nga cùng tập trận gần Nhật Bản.

Gần đây, khi Thủ tướng Nhật Fumio Kishida chủ trì hội nghị thượng đỉnh cùng lãnh đạo Mỹ, Úc và Ấn Độ tại Tokyo, không quân Trung Quốc và Nga tuần tra chung ở khu vực Biển Nhật Bản, Hoa Đông và tây Thái Bình Dương. Ông Brown cho rằng, việc Thủ tướng Kishida chủ trì hội nghị trên chỉ là một lý do khiến Bắc Kinh muốn thể hiện sự khó chịu với Tokyo. “Bắc Kinh giận dữ vì những tuyên bố của Nhật Bản liên quan đến an ninh của đảo Đài Loan mà lãnh đạo Trung Quốc coi là vấn đề nội bộ của họ”, ông Brown nói. Ông cho rằng Mátxcơva khó chịu với sự ủng hộ mà Tokyo dành cho Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay. Sự ủng hộ đó bao gồm việc áp các lệnh trừng phạt và trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Thu Loan

Từ khóa » Việt Nam Tập Trận Biển đông