Trung Tâm Anh Ngữ Mỏi Mòn đợi Học Viên - Tuổi Trẻ Online

Trung tâm Anh ngữ mỏi mòn đợi học viên - Ảnh 1.

Một tiết học tại H123 trước mùa dịch - Ảnh: KHÁNH VĨNH

Đại diện hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cho biết VUS đang lên nhiều kịch bản cho việc mở cửa trong thời gian tới khi TP.HCM cho phép học sinh trở lại trường.

Dù vậy, kế hoạch cụ thể vẫn chỉ có thể "chốt" sau khi có quyết định và hướng dẫn chính thức từ TP.HCM.

Chờ

Theo đại diện của APAX Leaders, ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung đã chuyển về tình trạng "bình thường mới" sớm hơn, một số trung tâm đã được đón các học viên trở lại theo số lượng và quy định của từng tỉnh thành.

Ở khu vực phía Nam, các trung tâm vẫn đang duy trì hai hình thức, một là tổ chức khóa 100% online, hai là học viên sẽ học online cho đến khi được phép học trực tiếp sẽ chuyển sang offline.

Tại Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), học viên hiện tại vẫn có thể đăng ký hầu hết các khóa học và được làm các bài kiểm tra đầu vào bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, một số khóa học thay vì diễn ra online sẽ được chờ đến khi TP cho phép mở cửa lại trường học để dạy trực tiếp.

Bà Đoan Nguyễn Vân Khanh, đại diện Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam, chia sẻ đến thời điểm này các kỳ thi TOEIC hay TOEFL iBT do IIG triển khai đã được diễn ra trở lại tại một số địa phương trong đó có TP.HCM.

Thí sinh sẽ phải tuân thủ theo các quy định trong giai đoạn "bình thường mới" như phải tiêm vắc xin đủ 2 mũi. Ngoài ra, phòng thi sẽ phải tuân theo các yêu cầu về số lượng người, khoảng cách giữa các thí sinh, do đó số lượng các bạn tham gia mỗi đợt thi hiện không quá lớn.

Trong khi đó bà Trần Thị Vân Anh, phó giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - tin học (thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết trung tâm đã tạm dừng tổ chức các kỳ thi tiếng Anh do trung tâm liên kết với các đối tác tổ chức. Thời gian "tái" khởi động sẽ vào đầu năm 2022.

Bài toán "hụt" giáo viên sau dịch

Hệ thống giáo dục H123 sở hữu một trong những chuỗi trung tâm Anh ngữ đông đảo tại Bình Dương với tổng hiện có khoảng 8 trung tâm.

Hơn nửa năm "gồng" mình vì dịch COVID-19, ông Ngô Lê Khánh Vĩnh, phó giám đốc trung tâm, cho biết số lượng học sinh chọn học online chỉ khoảng 30% trong khi các khoản lương cho giáo viên dù có cắt giảm ít nhiều nhưng vẫn giữ chân 70% nhân sự.

Tuy nhiên hiện nay hầu hết các hoạt động trong những lĩnh vực khác đều đã hoạt động trở lại, các giáo viên của trung tâm có thể "nhảy" việc để tìm kiếm cơ hội ổn định hơn.

Chưa kể, mức đãi ngộ từ phía trung tâm sau 6 tháng cầm cự với dịch có thể cũng sẽ khó bằng như trước do đó rất khó giữ chân giáo viên nếu trường vẫn tiếp tục chưa thể mở cửa. "Tôi phải dùng khoản tài chính tích lũy trong 8 năm qua của trung tâm để cầm cự, đến giờ cũng bào mòn hết rồi. Tôi có vay thêm một ít để xoay xở vì mất giáo viên là mất hết" - ông Vĩnh nói.

TS Nguyễn Quốc Toàn, giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Equest, cho biết nguồn cung giáo viên, đặc biệt là các giáo viên nước ngoài, khi chuyển online sang offline sau khi được cho phép mở cửa học trực tiếp thiếu trầm trọng.

Nguyên do là vì suốt nhiều tháng qua, không ít trung tâm đã giảm bớt nhân sự, nhiều giáo viên nước ngoài trở về nước. Trong khi đó, những thủ tục về nhập cảnh hay những đãi ngộ đủ sức cho họ trở lại Việt Nam là không đơn giản.

Bên cạnh đó, một chuyên gia tư vấn chiến lược cho hệ thống Ngoại ngữ Cambridge Bến Tre, đơn vị có khoảng 10.000 học viên trước dịch, chia sẻ tâm lý của chính phụ huynh cũng là một trở ngại không nhỏ.

Vị này phân tích trong trường hợp tỉnh cho học sinh đến trường trong thời gian tới nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn lo ngại tình hình dịch bệnh khi nhiều em chưa được tiêm vắc xin. Theo vị này, chỉ khi các học sinh được tiêm ngừa đầy đủ thì tình hình các trung tâm Anh ngữ mới thật sự chuyển biến tích cực.

Tăng cường online

TS Nguyễn Quốc Toàn, giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Equest, chia sẻ hiện tại có một xu hướng với các đơn vị dạy ngoại ngữ thuộc tập đoàn là số phụ huynh "chuộng" hình thức học online đã tăng lên đáng kể.

70% khách hàng cũ cho rằng họ thích những khóa học online mới do tiết kiệm được nhiều thời gian, chất lượng giảng dạy cũng không thua gì học trực tiếp.

Ông Toàn cho rằng đó là cơ sở để tập đoàn thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm sang các hình thức dạy ngoại ngữ online sau mùa dịch. Các trung tâm offline sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho học online. Chẳng hạn trong một khóa học, các em sẽ được học chính là những tiết online và bổ sung thêm một số tiết offline để tăng các hoạt động tương tác.

"Tôi nghĩ học online nếu có nặng là phần kiến thức chính khóa ở trường. Chương trình online tại các trung tâm thường được thiết kế rất kỹ lưỡng và gọn gàng, tạo thêm được sự linh hoạt cho người học nên dần dần nhiều học sinh và phụ huynh sẽ cảm thấy thích" - ông Toàn nói.

Gần 500 Trung tâm ngoại ngữ Gần 500 Trung tâm ngoại ngữ 'không phép': Chấn chỉnh nghiêm về thủ tục

TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố danh sách 494 trung tâm ngoại ngữ - tin học chưa được cấp phép hoạt động giáo dục và hết hạn hoạt động giáo dục khiến phụ huynh có con đang học tại những trung tâm này lo lắng.

Từ khóa » Học Anh Văn ở Seameo Có Tốt Không