Trung Tâm Điều độ Hệ Thống điện Quốc Gia Những Ngày đầu Thành Lập
Có thể bạn quan tâm
Yêu cầu cấp thiết
Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng cho biết: “Trung tâm Điều độ đầu tiên được thành lập ở nước ta là tại miền Bắc từ năm 1962 trong bối cảnh chiến tranh kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn cực kỳ ác liệt, hệ thống điện miền Trung lúc đó rất nhỏ bé, hệ thống điện miền Nam khi đó đang thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau khi hòa bình thống nhất đất nước, hệ thống điện nước ta chưa hợp nhất mà chia thành ba miền: Bắc, Trung, Nam với quy mô nhỏ bé”.
Năm 1992, cùng với việc khởi công xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, ngày 30/9/1992, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã có quyết định thành lập Ban Chuẩn bị sản xuất Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia trực thuộc Công ty Điện lực 1. Gần một năm sau, Ban Chuẩn bị sản xuất chuyển về trực thuộc Ban quản lý Công trình đường dây 500 kV với nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn bị các điều kiện thành lập Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) và ngày 11/4/1994, NLDC chính thức ra đời theo Quyết định số 180 NL/TCCB-LĐ của Bộ Năng lượng.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt chứng kiến thời khắc đóng điện đường dây 500 kV Bắc - Nam tại NLDC năm 1994 - Ảnh Tư liệu |
“Nhiệm vụ đầu tiên của NLDC sau ngày thành lập là chuẩn bị phương thức đóng điện và vận hành hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam. Trước ngày 27/5/1994, hệ thống điện Việt Nam bao gồm ba hệ thống điện miền Bắc, miền Nam và miền Trung vận hành độc lập, với cấp điện áp truyền tải cao nhất là 220 kV. Do vậy, vận hành đường dây 500 kV để liên kết ba hệ thống điện miền là một bài toán vô cùng mới mẻ, là đề tài bàn luận của rất nhiều nhà khoa học trong nước. Việc thành lập NLDC là để giải đáp bài toán đó”, AHLĐ Thái Phụng Nê cho biết.
Theo ông Trần Minh Khâm - Giám đốc đầu tiên của NLDC cho biết: Vào ngày lịch sử 27/5/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tới phòng điều khiển của NLDC để chỉ đạo công tác đóng điện đường dây 500 kV Bắc - Nam. Trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Bộ Năng lượng, của các Ban ngành và đơn vị, các kỹ sư của Trung tâm đã tiến hành đóng điện thành công đường dây 500 kV Bắc - Nam. Thời điểm đầu tiên hoà điện 4 tổ máy của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình với hệ thống điện quốc gia để cấp điện cho miền Nam đã trở thành mốc lịch sử, đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống điện Việt Nam nói chung và công tác điều độ hệ thống điện ở Việt Nam nói riêng. Đồng thời sự kiện cũng đánh dấu sự đúng đắn trong việc thành lập một trung tâm điều độ thống nhất và chỉ huy vận hành nguồn điện và lưới điện lớn sau này.
Nhiều gian nan thử thách
Trong trí nhớ của mình, ông Trần Minh Khâm cho biết: Để NLDC có thể đóng điện, điều hành hệ thống điện 500 kV thành công, trước đó là rất nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là làm sao có một đội ngũ đủ số lượng và chất lượng để điều hành một hệ thống điện quy mô lớn chưa từng có với hàng loạt thiết bị cũng chưa từng có ở Việt Nam. Cán bộ có kinh nghiệm chỉ có thể điều từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (thuộc Công ty Điện lực 1) nhưng số lượng không đủ. Trung tâm đã xác định phải chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình nên đã tuyển chọn được hơn 30 kỹ sư được tuyển chọn từ các đơn vị thuộc Công ty Điện lực 1, Bộ Năng lượng và cả sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mới ra trường tốt nghiệp loại giỏi để đào tạo các chức danh trong vận hành tại Úc và Bỉ.
Sau khóa học trở về, suốt 5 tháng, không khí làm việc sôi nổi và khẩn trương bao trùm toàn Trung tâm để hoàn thành các công việc cần thiết cho việc hoà điện đường dây 500 kV. Cùng với các chuyên gia nước ngoài đặc biệt là các chuyên gia Úc, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã kiểm tra, tính toán các phương án đóng điện và hoà điện đường dây 500 kV, phương án vận hành hệ thống điện hợp nhất Việt Nam sau khi hoà điện, kiểm tra tính toán các trị số chỉnh định rơ-le, bảo vệ, viết các phiếu thao tác đóng điện,.. nhằm đảm bảo việc hoà lưới điện đường dây 500 kV Bắc-Nam và vận hành hệ thống điện quốc gia được an toàn và ổn định nhất.
“Đặc biệt, trong thời gian thử nghiệm 3 tháng trước khi đóng điện, kỹ sư NLDC phải làm việc căng thẳng, miệt mài không có ngày nghỉ, hàng ngày trung bình từ 7h30 sáng cho đến 12h đêm”, ông Khâm nhớ lại.
Một khó khăn khác lúc bấy giờ là tính ngoài nghi về kết quả của công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam. NLDC là một hạng mục quan trọng của công trình đường dây 500 kV, trong thời gian lắp đặt, thử nghiệm thiết bị đã được rất nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm đến thăm và động viên. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nhấn mạnh trong giao ban công trình vào ngày 30/3/1994 rằng: “Chất lượng và an toàn công trình là trên hết, Chính phủ sẵn sàng cho thêm 3 tháng nữa để hoàn thành công trình”. Tuy nhiên, vượt lên tất cả thách thức đó, công trình đã được đóng điện thành công và an toàn.
“Tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh của ngày 27/5/1994 - ngày đóng điện đường dây 500 kV mạch 1, bản thân tôi và các cán bộ, kỹ sư của NLDC đều rất hồi hộp, mặc dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Và cho đến khi chuông tín hiệu của Trung tâm vang lên, tín hiệu máy cắt từ Trạm 500 kV Đà Nẵng khẳng định hòa điện đường dây 500 kV thành công, tất cả đã òa lên trong tiếng vỗ tay, niềm vui, còn tôi thì hạnh phúc tràn ngập”, ông Khâm nhớ lại.
Từ khóa » Mục đích Ra đời Hệ Thống điện Quốc Gia
-
Vài Nét Về Lịch Sử Của Hệ Thống Truyền Tải điện Quốc Gia
-
Giúp Mình Câu 1 Mục đích Ra đời Của Hệ Thống điện Quốc Gia
-
[Giải đáp] Vì Sao Cần Phải Có Hệ Thống điện Quốc Gia? - MarvelVietnam
-
Vì Sao Cần Phải Có Hệ Thống điện Quốc Gia - TopLoigiai
-
Công Nghệ 12 Bài 22: Hệ Thống điện Quốc Gia - HOC247
-
Lý Thuyết Công Nghệ 12 Bài 22: Hệ Thống điện Quốc Gia Hay, Ngắn Gọn
-
25 Năm Phát Triển Hệ Thống Truyền Tải điện 500kV
-
[DOC] Tìm Hiểu Vai Trò Của Hệ Thống điện Quốc Gia
-
Trung Tâm Điều độ Hệ Thống điện Quốc Gia: Giữ Vững Vai Trò đầu Não
-
Mục Tiêu Cơ Bản Của điều độ Hệ Thống điện Quốc Gia
-
Đường Dây 500 KV Bắc - Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giải Bài Tập Công Nghệ 12 - Bài 22: Hệ Thống điện Quốc Gia
-
Những Bước Ngoặt Lịch Sử Của Ngành Điện Lực Việt Nam
-
Điện Mặt Trời Mái Nhà: Hiểu đúng để Không Làm Sai - Bộ Công Thương