Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu - Mẹ La Vang

đức mẹ trà kiệu

Menu

  • ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU
    • 1. Đức Mẹ Trà Kiệu ở đâu ?
    • 2. Lịch sử Đức Mẹ Trà Kiệu
    • 3. Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu
    • 4. Nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu
ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU

Đức Mẹ Trà Kiệu là mảnh đất thứ hai ở miền Trung Việt Nam được Đức Mẹ hiện ra sau La Vang. Những lúc giáo dân bị bách hại thì Mẹ lại hiện ra che chở cho con cái Mẹ. Vào tháng 8 năm 1885, Mẹ đã hiện ra ở Trà Kiệu để che chắn những làn đạn của quân Văn Thân bắn vào nhà thờ. Cha xứ lúc đó và giáo dân đều biết chuyện này nên đã hết lòng cảm tạ Thiên Chúa và Đức Mẹ. Chuyện này về sau được loan truyền rộng rãi cho nhiều giáo dân trong cả giáo phận Đà Nẵng.

1. Đức Mẹ Trà Kiệu ở đâu ?

Địa chỉ Đức Mẹ Trà Kiệu ở  Xã Duy Sơn, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam, thuộc giáo phận Đà Nẵng. Cách thành phố Đà Nẵng 44 km về phía nam, nếu thuê xe Đà Nẵng đi Trà Kiệu thì mất khoảng 1h 15p, đi qua QL1A.

Xem thêm: Hành Hương Đức Mẹ La Vang

2. Lịch sử Đức Mẹ Trà Kiệu

Từ thế kỷ IV-VIII, Trà Kiệu xưa là kinh đô đầu tiên của nước Chiêm Thành. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Trà Kiệu trở thành một làng Công Giáo của nhóm người từ miền Bắc miền Trung theo đà Nam tiến vào lập nghiệp.

Từ năm 1596-1602, Trà Kiệu được cha Raphael (dòng Augustinô – Bồ Ðào Nha) đến rao giảng Tin Mừng. Năm 1628, một nhóm người di dân Công Giáo đã xây dựng ở đây ngôi nhà thờ đầu tiên. Năm 1722, giáo xứ Trà Kiệu có tới 300 giáo dân. Năm 1872, cha Louis Marie Garibert Lợi xây một nhà thờ lớn hơn.

Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, phong trào Cần Vương nổi dậy tại nhiều tỉnh miền Trung với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả”.

đức mẹ trà kiệu

Giáo xứ Trà Kiệu bị bao vây vào ngày 01 tháng 9 năm 1885, sau ngày Văn Thân chiếm giữ thủ phủ Quảng Nam. Trà Kiệu lúc bấy giờ chưa có chuẩn bị tự vệ, vì Cố Nhơn (Bruyère) nghĩ rằng : Trận chiến sẽ không khủng khiếp hơn trận chiến ở Trung Sơn, Tư Ngãi. Cố Nhơn một phần hi vọng vào sự cứu viện của Pháp, nhưng phần lớn là Cha hoàn toàn tin cậy vào sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria. Ngày hôm đó, quân Văn Thân khoảng hơn 8,000 người bao vây giáo xứ Trà Kiệu với vũ khí đầy đủ, có cả đại bác thần công và voi chiến. Về phía giáo dân, chỉ có hơn 300 nam, tuổi từ 16 tới 60; và khoảng mấy trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ. Giáo dân khiếp sợ chạy đến nhà thờ cầu xin Ðức Mẹ và đã chống trả quyết liệt trong suốt hơn 10 ngày. Trong lúc chiến đấu, giáo dân cùng hô khẩu hiệu Giê-su – Ma-ri-a – Giu-se.

Sang ngày 10/9, quân Văn Thân bắt đầu nã thần công thật khủng khiếp, vang dội cả tỉnh. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, nhà thờ Trà Kiệu không hề hấn gì, vẫn đứng vững và giáo dân Trà Kiệu vẫn anh dũng kháng cự lại sự điên cuồng của quân Văn Thân. Sau đó, quân Văn Thân tập trung quan sát thành quả những trận đại pháo vừa qua, nhưng họ sững sờ khi trông thấy mọi nơi đều y nguyên, mặc dù họ đã dốc hết sức, nhưng tất cả vẫn còn đứng vững. Một xạ thủ là một quan chức rất quen sử dụng đại bác đã thú nhận sau đó rằng: “muốn nhắm một Bà đẹp mặc đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ, mà tất cả đều đi quá cao, trừ có một quả”.

Suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau, quân Văn Thân trên đồi Kim Sơn không ngừng kêu lên : “Thật lạ lùng, có một người Đàn Bà luôn đứng trên nóc nhà thờ, bà rất đẹp mà ta không sao bắn trúng”.

Phải chăng đó là một phép lạ tỏ tường của Đức Mẹ, phải chăng Đức Mẹ đã che chở cho mọi người đang ẩn náu trong thánh đường được dâng hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ. Cuộc chiến kéo dài đến 21-9-1885 thì quân Cần Vương bỏ chạy, giáo dân được giải thoát.

3. Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu

trung tâm hành hương đức mẹ trà kiệu

Sau khi giáo phận Đà Nẵng được thành lập (18/01/1963), trong Thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu tại Trà Kiệu ngày 31/05/1971, Đức cố Giám Mục P.M Phạm Ngọc Chi long trọng tuyên bố: Trà Kiệu là Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Đà Nẵng. Kể từ đó, hằng năm cứ đến Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu 31/5, con cái của Mẹ không chỉ trong Giáo Phận Đà Nẵng mà trên toàn quốc lại tụ họp quây quần bên Mẹ để cung nghinh, cảm tạ và khấn xin Mẹ. Kể từ biến cố Ất Dậu (1885) đến nay, ơn Mẹ không ngừng tuân đổ trên con cái Mẹ. Vì Mẹ là Đấng “Phù Hộ Các Giáo Hữu”.

4. Nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu

Nhà thờ Trà Kiệu đựơc xây dựng vào năm 1772 ở một vị trí khác và sau đó chuyển đến vị trí như ngày nay vào năm 1865.  Năm 1970, Linh mục Phêrô Lê Như Hảo (quản xứ từ năm 1963 – 1974) đã bắt tay xây dựng lại ngôi nhà thờ chính, theo lối kiến trúc Châu Âu thế kỷ 17, nhà thờ có hai tầng, tầng trên là Thánh đường, tầng dưới là nơi hội họp. Nhà thờ được lấy tước hiệu là “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Nhà thờ này vẫn còn cho đến ngày nay. Ngoài ra cha đã lo công tác trùng tu kiến thiết Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu. Ngài xây dựng ngôi đền Mẹ trên đồi Bữu Châu, xây dựng khán đài, ao sen, nhà thủy tạ và con đường núi sọ quanh nhà thờ núi. Ngài còn đứng ra tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu làn thứ hai.

Từ khi Mẹ hiện ra (1885) đến nay, Đức Mẹ Trà Kiệu nổi tiếng là linh thiêng, kẻ lương người giáo đều đến cầu khẩn và nhiều người đã được ý nguyện như ý. Cỏ cây quanh đền thờ nhờ ơn Đức Mẹ thông ban, đã trở nên công hiệu chữa nhiều bệnh tật.

Hằng năm, vào ngày 31/5 dương lịch, giáo phận Đà Nẵng tổ chức ngày Đại Hội Hành Hương tại Đức Mẹ Trà Kiệu vào ngày Lễ Đức Mẹ Đi Viếng. Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu ngày càng thu hút các đoàn hành hương đến đây, cùng với việc kính viếng Đức Mẹ Trà Kiệu, họ còn có thể tham quan hai Di Sản Văn Hóa Thế Giới là Mỹ Sơn và Hội An tọa lạc khá đều hai bên Đông-Tây của Trà Kiệu, cũng như viếng Đền Thánh kính Chân Phước Anrê Phú Yên gần đó tại Phước Kiều, nơi Ngài đã đổ máu như người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam vào năm 1644. Ngoài ra, mộ phần của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi tại Vườn Nghĩa cạnh Nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu, cũng là nơi được nhiều khách hành hương tìm đến kính viếng.

Từ khóa » Hình đức Mẹ Trà Kiệu