Truông Bồn – Từ Cung đường Huyền Thoại đến Trường Học Cách Mạng

Truông Bồn – Từ cung đường huyền thoại đến trường học cách mạng

11:26, 02/11/2018
  • Tweet

Bằng tình cảm và trách nhiệm đối với sự kiện lịch sử Truông Bồn, các tham luận tại Hội thảo "Truông Bồn – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy" đã khẳng định giá trị lịch sử to lớn về chủ nghĩa yêu nước chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và đi lên XHCN được thể hiện một cách sinh động và cụ thể qua chiến thắng Truông Bồn huyền thoại. Và hôm nay, chiến thắng Truông Bồn đã trở thành một trường học giáo dục truyền thống yêu nước và lí tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Sáng nay (2/11/2018), UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo “Truông Bồn – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”. Hội thảo là một trong chuỗi các sự kiện, hoạt động thiết thực và ý nghĩa kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 – 31/10/2018), thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các AHLS đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên mặt trận đảm bảo GTVT, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp nối truyền thống vẻ vang của lịch sử dân tộc trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hào khí Xô Viết anh hùng.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Các đồng chí chủ trì Hội thảo "Truông Bồn - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy"

Dự Hội thảo, về phía TƯ có các đồng chí: GS-TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nhà báo Thuận Hữu – Ủy viên TƯ Đảng, TBT Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: PGS-TS Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thanh Quý - ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Lê Minh Thông - UV Ban thường vụ, Phó chủ tịch UBND Tỉnh; Anh hùng LLVTND, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Nguyên Tư lệnh Quân khu IV; Bà Trần Thị Thông - Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, một nhân chứng lịch sử trên tọa độ lửa Truông Bồn.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Truông Bồn – Một tọa độ lửa, một cung đường huyền thoại.

Bằng tình cảm và trách nhiệm đối với sự kiện lịch sử Truông Bồn, các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định giá trị lịch sử to lớn về chủ nghĩa yêu nước chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và đi lên XHCN được thể hiện một cách sinh động và cụ thể qua chiến thắng Truông Bồn huyền thoại.

hanh niên xung phong Truông Bồn san lấp hố bom năm 1968.
Chiến sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn san lấp hố bom năm 1968.

Truông Bồn được không quân Mỹ coi là một “điểm tắc lý tưởng” ở “vị trí cổ họng” vận tải mặt đất với con đường độc đạo chỉ dài khoảng 5km, bởi khi các tuyến đường khác bị tắc nghẽn thì địch tập trung đánh Truông Bồn.

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có độ dài khoảng 5km, độ cao gần 70m, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, hay còn gọi là đường 30, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo” nối liền mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong tổng số 18.936 quả bom các loại, tên lửa, rốc két mà Mỹ trút xuống huyện Đô Lương thì phần lớn đều tập trung vào tọa độ lửa Truông Bồn, nhằm bóp nghẹt hầu giao thông của Quân khu IV, chặn đứng tuyến đường chi viện cho miền Nam tiền tuyến. Thế nhưng, trong mưa bom bão đạn, các chiến sỹ TNXP vẫn lấy thân mình, tự nguyện làm “Cột tiêu sống” dẫn đường cho cho 94.000 lượt xe cơ giới qua Truông dài 5km ấy.

GS.TS Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh khí phách anh hùng trên tọa độ lửa Truông Bồn: Khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc” trở thành hành động cách mạng của toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân dọc theo tuyến đường huyền thoại
GS.TS Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh: Khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc” trở thành hành động cách mạng của toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân dọc theo tuyến đường huyền thoại Truông Bồn

Tham luận “Vị trí của Truông Bồn trong tầm nhìn chiến lược của Đảng về đường Trường Sơn huyền thoại” của GS.TS Nguyễn Văn Kim và TS Hoàng Hồng Nga (trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội) đã nhấn mạnh khí phách anh hùng trên tọa độ lửa Truông Bồn: Khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc” trở thành hành động cách mạng của toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân dọc theo tuyến đường huyền thoại.

13 chiến sỹ TNXP đã anh dũng hy sinh trên cung đường lửa Truông Bồn: Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đoàn Thị Bốn, Thái Thị Văn, Nguyễn Thị Hòa, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa.

Ngày 31/10/1968, trong một ngày đối diện với đạn bom như bao ngày khác, 13 người con trai, con gái của Tiểu đội thép đã ngã xuống vùng đất thép linh thiêng của Tổ quốc. Máu của họ đã thấm vào đất quê hương, vào những trang sử hào hùng của quê hương Nghệ An và cả nước.

Truông Bồn – Dấu ấn nghệ thuật lãnh đạo kháng chiến toàn dân, toàn diện thời đại Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo – Giám đốc Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng, với các luận cứ, luận chứng khoa học một lần nữa khẳng định: Sự cống hiến hy sinh của tiểu đội thép, Đại đội 317 đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là dấu ấn nổi bật trong nghệ thuật lãnh đạo kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng lao động Việt Nam trong gia đoạn cam go của lịch sử dân tộc. Bởi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thời kỳ này không chỉ có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích mà lực lượng TNXP đã được tái thành lập, trở thành một lực lượng quan trọng trong đảm bảo giao thông, vận chuyển hàng hóa, tiếp lương, tải đạn trên các cung đường chiến lượng, góp phần cho những đoàn xe qua, cho những đoàn quân hành quân ra tiền tuyến.

Các nữ thanh niên xung phong vót cọc tiêu dẫn xe qua Truông Bồn. (Ảnh tư liệu)
Các nữ thanh niên xung phong vót cọc tiêu dẫn xe qua Truông Bồn. (Ảnh tư liệu)

Những TNXP tiểu đội 2, Đại đội 317 thực hiện nhiệm vụ ở Truông Bồn trong thời điểm lịch sử ấy đã thực hiện đúng tư tưởng cứu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (tháng 12/1946): “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

AHLLVTND - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Chiến thắng Truông Bồn biểu tượng cho ý chí quả cảm, quyết tâm
AHLLVTND - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Chiến thắng Truông Bồn biểu tượng cho ý chí quả cảm, dám chấp nhận hy sinh để đi đến chiến thắng

Và những chàng trai, cô gái trong Tiểu đội thép đều là con em nông dân, những người chân lấm, tay bùn trên đồng ruộng nhưng do yêu cầu của kháng chiến, họ đã hăng hái lên đường và đã hy sinh anh dũng, góp phần cùng quân và dân tỉnh Nghệ An đánh Mỹ cứu nước, để lại một “huyền tích Truông Bồn” rạng danh lịch sử.

Với AHLLVTND, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Chiến thắng Truông Bồn là biểu tượng cho ý chí của dân tộc, của tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, của tinh thần chiến đấu dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh để đi đến toàn thắng.

Phát huy giá trị lịch sử chiến thắng Truông Bồn.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đ/c Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: Hôm nay, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử cùng ngồi tại đây để nhìn nhận, đánh giá về giá trị lịch sử của chiến thắng Truông Bồn. Trên Cung đường lửa, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ TNXP đã trở thành một biểu tượng thép cho quyết tâm vì miền Nam tiền tuyến.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng mong muốn: Bằng những đóng góp khoa học sâu sắc và giàu ý nghĩa nhân văn, hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin, tư liệu quý giá phục vụ công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh mong muốn: Bằng những đóng góp khoa học sâu sắc và giàu ý nghĩa nhân văn, hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin, tư liệu quý giá phục vụ công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng mong muốn: Bằng những đóng góp khoa học sâu sắc và giàu ý nghĩa nhân văn, hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin, tư liệu quý giá phục vụ công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư TƯ Đảng: Truông Bồn không chỉ là một địa chỉ đỏ của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mà đã trở thành một trường học giáo dục truyền thống yêu nước, lí tưởng cách mạng cao đẹp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư TƯ Đảng: Truông Bồn không chỉ là một địa chỉ đỏ của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mà đã trở thành một trường học giáo dục truyền thống yêu nước, lí tưởng cách mạng cao đẹp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Truông Bồn là một minh chứng sinh động và hùng hồn cho tinh thần kiên cường, sáng tạo của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Chúng ta đến với Truông Bồn không chỉ với tình cảm, trách nhiệm tri ân của thế hệ hôm nay sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước mà chúng ta còn đến với đầy đủ những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện về giá trị lịch sử và sự ghi nhận của Đảng về vị trí của Truông Bồn trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và đối với Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Sự kiện bi tráng ngày 31/10/1968 đã làm cho Truông Bồn trở thành mảnh đất thiêng liêng, nơi khắc ghi đinh ninh lời thề sông núi “Sống bám cầu, bám đường. Chết kiên cường dũng cảm”. Và Truông Bồn không chỉ là một địa chỉ đỏ của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mà đã trở thành một trường học giáo dục truyền thống yêu nước, lí tưởng cách mạng cao đẹp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Bà Trần Thị Thông - Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, một nhân chứng lịch sử trên tọa đổ lửa Truông Bồn.
Bà Trần Thị Thông - Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317, nhân chứng lịch sử trên tọa đổ lửa Truông Bồn ngày 31/10/1968, trao đổi với đại biểu bên lề Hội thảo

Trên cung đường lửa năm xưa, hôm nay, là một địa điểm tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã được tôn tạo xây dựng trên diện tích 217.327 m2 – là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn cho các tầng lớp nhân dân.

Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã được tôn tạo xây dựng trên diện tích 217.327 m2
Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã được tôn tạo xây dựng trên diện tích 217.327 m2 (Ảnh Sỹ Minh)
Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã được tôn tạo xây dựng trên diện tích 217.327 m2 – là  nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn cho các tầng lớp nhân dân.
...và là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn cho các tầng lớp nhân dân

Để phát huy các giá trị lịch sử Truông Bồn, các tham luận cũng đã chỉ ra: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị sự kiện lịch sử và di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các phim tư liệu, tổ chức giao lưu với các nhân chứng lịch sử; Tiếp tục sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện và nhân vật lịch sử trong chiến thắng Truông Bồn. Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách đối với cựu TNXP, quan tâm, chăm sóc thân nhân các AHLS TNXP Truông Bồn. Đồng thời, tỉnh Nghệ An cần hình thành các tour – tuyến du lịch để đưa du khách về với Truông Bồn.

đồng chí Thái Thanh Quý - ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Đồng chí Thái Thanh Quý - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tổng kết Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, đồng chí Thái Thanh Quý - ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Thứ nhất, Hội thảo đã phân tích và khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của BCH TƯ Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng bộ, chính quyền, các LLVT Nghệ An trên mặt trận đảm bảo GTVT trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thứ hai, Hội thảo đã phân tích làm rõ vai trò, vị trí của trọng điểm Truông Bồn trong hệ thống giao thông huyết mạch, chi viện chiến trường miền Nam và những chiến công, đóng góp, hy sinh to lớn của các lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng TNXP, các lực lượng giao thông vận tải tại địa danh Truông Bồn.

Thứ ba, Hội thảo đã phân tích làm sáng rõ ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu của lực lượng đảm bảo giao thông vận tải tại Truông Bồn đối với công cuộc đổi mới hôm nay.

Thứ tư, Hội thảo đã phân tích, đánh giá những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An trong việc thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, chính sách người có công với cách mạng; Tiếp tục phát huy giá trị di sản Truông Bồn và những vấn đề đặt ra trong quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và một số di tích kháng chiến chống Mỹ khác tương xứng với giá trị, tầm vóc to lớn, ý nghĩa của chiến thắng Truông Bồn và sự đóng góp của quân và dân Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ những đánh giá khách quan, toàn diện, các nhà khoa học tham dự hội thảo cũng đã khẳng định: Truông Bồn Tọa độ lửa năm xưa, nay đã trở thành một trường học giáo dục truyền thống yêu nước và lí tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lê Trang – Văn Nhân

Từ khóa » đường Truông Bồn