Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội | KenhTuyenSinh

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (tên tiếng Anh Hanoi university of science and technology – viết tắt HUST) được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ ngày 6-3-1956 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký. Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài khoa học, công nghệ; định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các đại học có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Địa điểm trường và cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu

Sau hơn 2 tháng tìm kiếm, lựa chọn, Đông Dương học xá chính thức được chọn làm địa điểm xây dựng trường ĐHBK Hà Nội. Cơ sở này nguyên là ký túc xá của sinh viên 3 nước Đông Dương được xây dựng từ năm 1938, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đổi tên thành Việt Nam học xá. Khi tái chiếm Hà Nội, thực dân Pháp biến Việt Nam học xá thành trại lính, trại giam và gọi là "Bốt Đông Dương học xá". Bốt này, sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô, bộ đội ta đã rà phá mìn, dỡ hết dây thép gai và bàn giao lại cho Bộ Giáo dục.

Quy mô mặt bằng khi đó cũng chỉ được xác định đại thể là lấy khu nội trú Đông Dương học xá làm trung tâm rồi phát triển mở rộng ra vùng đất trống trong khu vực bao quanh bởi 4 đường Bạch Mai (phía Đông), Đại Cồ Việt (phía Bắc), Nam Bộ cũ - tức Giải phóng ngày nay (phía Tây) và Đại La (phía Nam).

Đồng thời với việc gấp rút tập trung cải tạo, sửa sang và trang bị cho các nhà đã có để biến chúng thành hội trường, lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, Tổ công tác còn chỉ đạo xây dựng hội trường lớn hình con ốc có sức chứa 2000 người phục vụ các nghi lễ, hội họp, sinh hoạt chính trị, văn hoá của Trường. Tháng 8 năm 1956 Trường còn hoàn thành thêm một số dãy nhà cấp 4 tăng cường cho lớp học, phòng thí nghiệm, phòng làm việc. Ngoài ra, còn chuẩn bị chỗ ăn, ở cho gần 300 cán bộ công nhân viên và ký túc xá cho gần 800 sinh viên nội trú khoá 1.

Hình thành bộ máy quản lý hành chính và đội ngũ cán bộ giảng dạy, phục vụ giảng dạy

Cũng như các trường đại học mới thành lập, trường ĐHBK Hà Nội được Nhà nước ưu tiên bố trí những nhà trí thức có uy tín về lãnh đạo nhà trường. Giám đốc đầu tiên của trường ĐHBK Hà Nội là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, sau này trở thành giáo sư, viện sỹ. Cuối năm 1956, thầy Tạ Quang Bửu giữ trọng trách Giám đốc và lãnh đạo Nhà trường cho đến năm 1960.

Đội ngũ cán bộ quản lý được xây dựng gấp rút từ nhiều nguồn. Cán bộ phụ trách công tác tổ chức phần lớn là anh em bộ đội chuyển ngành. Khối hành chính quản trị được chọn lọc từ số cán bộ miền Nam tập kết. Ngoài ra, Trường còn được tăng cường thêm một số cán bộ công nhân viên từ các cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy được hình thành bởi những cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và những công nhân có tay nghề cao. Lực lượng này sau đó được bổ sung thêm những sinh viên tốt nghiệp, chủ yếu từ các trường trung cấp kỹ thuật. Nhà trường còn tự tổ chức đào tạo tại chỗ nhiều lớp công nhân Cơ khí, Điện, Vô tuyến điện, Hoá-Thực phẩm...

Mặc dù công tác chuẩn bị tiến hành trong thời gian gấp rút (chỉ 5 đến 6 tháng), nhưng đến ngày khai giảng, bộ máy quản lý, điều hành, giảng dạy, phục vụ giảng dạy đã được hình thành tương đối đồng bộ gồm gần 300 người.

Một sự kiện quan trọng, ngày 20 tháng 8 năm 1956 Đảng uỷ Giáo dục đã ra Quyết định số 967/ĐBGD thành lập Chi bộ lâm thời Đại học Bách khoa và chỉ định đồng chí Lê Cấp làm Bí thư.

Nhiệm vụ cơ bản của Chi bộ lâm thời là nhanh chóng tập hợp số đảng viên mới về trường, phát huy tác dụng tiền phong gương mẫu, làm nòng cốt trong việc phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ công tác, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị thành lập Trường, đồng thời chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức Đảng chính thức của Trường.

Các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cũng được nhanh chóng hình thành nhằm đẩy mạnh các sinh hoạt tập thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân viên.

Xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo

Dưới sự giúp đỡ chuyên gia Liên Xô Trifônốp (sau này là Tổng chuyên gia), từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1956 Tổ trưởng Hoàng Xuân Tuỳ được Chính phủ cử sang Liên Xô nghiên cứu, học tập kinh nghiệm đào tạo, tổ chức và quản lý, đồng thời đặt vấn đề nhờ Liên Xô giúp đỡ xây dựng khu trường mới ngày nay.

Trong thời gian công tác tại nước bạn, Tổ trưởng Hoàng Xuân Tuỳ đã đến thăm và làm việc tại một số trường đại học có bề dày truyền thống ở Matxcơva như đại học Năng lượng, đại học Hoá Menđêlêep, đại học Xây dựng và ở các thành phố khác như đại học Bách Khoa Lêningrat...

Trong khi đó, tại Trường, các cán bộ của chúng ta cùng chuyên gia Liên Xô, một mặt tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, mặt khác nghiên cứu cơ cấu ngành nghề đào tạo, các khoa, các bộ môn và chuẩn bị nội dung, chương trình đào tạo dựa trên các tài liệu nước ngoài chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc.

Với tinh thần làm việc tập thể, hăng say quên mình kết hợp với phương thức vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy còn non trẻ về nghiệp vụ, chuyên môn, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "khai sơn, phá thạch", đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học ở nước ta.

Trường gồm các khoa

Khoa Giáo dục Quốc phòng - An ninh

Khoa Giáo dục Thể chất

Khoa Lý luận Chính trị

Viện Cơ khí

Viện Cơ khí Động lực

Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang

Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường

Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh

Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu

Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu

Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường

Viện Kỹ thuật Hóa học

Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa

Viện Ngoại ngữ

Viện Sư phạm Kỹ thuật

Viện Toán ứng dụng và Tin học

Viện Vật lý Kỹ thuật

Viện Điện

Viện Điện tử - Viễn thông

Từ khóa » Tiếng Anh Bách Khoa Hà Nội