Trường Phái Hội Họa Dã Thú - MyThuatMS
Có thể bạn quan tâm
Trường phái Hội họa Dã thú
Chủ nghĩa Dã thú là một trào lưu nghệ thuật tiên phong xuất hiện ở Pháp và chỉ tồn tại vào những năm đầu của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phái Dã thú đối với sự phát triển hội họa hiện đại nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung là rất lớn. Những tìm tòi của các họa sĩ phái Dã thú chính là tiền đề cho sự ra đời của nghệ thuật Lập thể và Trừu tượng sau này.
Sự xuất hiện của chủ nghĩa Dã thú
Các tác phẩm Dã thú xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong triển lãm “Salon mùa thu” lại Paris năm 1905.Những tác phẩm này được sáng tác bởi nhóm họa sĩ trẻ, có cá tính mạnh với quan điểm nghệ thuật táo bạo, mới mẻ chống lại đường lối nghệ thuật kiểu học việc khô cứng. Một số nhà phê bình cho rằng, triển lãm của Van Gogh tại Paris năm 1903 chính là yếu tố thúc đầy sự thay đổi của nhóm họa sĩ trẻ này. Cách biểu hiện dữ dội và có phần thô ráp cùng những tông màu mạnh trong tranh của Van Gogh đã hé lộ con đường sáng tạo cho họ. Ngoài ra còn một danh họa có ảnh hưởng rõ nét đến nhiều họa sĩ phái Dã thú, đó là Paul Gauguin. Ông từng phát biểu: ”Tôi tiến đến một phong cách kết hợp giữa trực cảm và chối bỏ hoàn toàn sự trung thành với tự nhiên bằng việc sử dụng những màu phi biểu tả” (“Những cuộc cách mạng của hội họa thế kỷ XX – Veronique Prat – Tuyển tập các bài viết trên Le Figaro”). Quan điểm đó của Paul Gauguin đã tác động mạnh mẽ đến những sáng tác của các họa sĩ phái Dã thú sau này.
Vincent Van Gogh, "Chân dung", Sơn dầu, 1887
Vincent Van Gogh, "Hoa hướng dương", Sơn dầu, 1888
Paul Gauguin, "Chân dung", Sơn dầu, 1885
Paul Gauguin, "Phụ nữ Tahiti", Sơn dầu, 1891
Đặc điểm nghệ thuật
Đặc trưng hội họa phái Dã thú là ở cách sử dụng màu sắc mạnh bạo và cách tạo hình thoát ly khỏi tư tưởng kinh viện. Về màu sắc, đó là sự nổi loạn với những sắc đỏ, xanh cobalt, xanh lá cây, vàng nguyên chất rực rỡ. Chủ nghĩa Dã thú đẩy mạnh vai trò của màu sắc, dùng màu với cường độ cao nhất để tạo ra sức mạnh biểu cảm. Về tạo hình, hội họa Dã thúkhông còn lệ thuộc triệt để vào nguyên tắc giải phẫu, vào phối cảnh, vào tỉ lệ thực và tả chân, thậm chí đôi khi cả sự hợp lý của ánh sáng mà chủ trương giải phóng hình thức bằng những nét bút mạnh mẽ, kích động và dữ dằn; đơn giản hóa đường nét để tìm kiếm cá tính, bộc lộ tối đa tình cảm của họa sĩ. Những nhân vật chủ chốt của trường phái này bao gồm Henri Matisse (1869-1954), Maurice Vlaminck (1876-1958), André Deran (1880-1954), George Rouault (1871-1958), Albert Marquet (1875-1947), Kees van Dongen (1877-1968)… những người đã cùng nhau đột phá ở “Salon mùa thu” , cùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Van Gogh và Gauguin.
Họa sĩ và tác phẩm tiêu biểu
Thủ lĩnh của chủ nghĩa Dã thú là Henri Matisse (1869-1954). Về hình thức thể hiện, Matisse không tìm cách ghi lại hình ảnh vật thể theo thực tế mà chú trọng đến diễn tả tình cảm bộc phát qua các nét bút mạnh, thô, có cảm tưởng như phá vỡ rào cản hình thức. Tranh của ông chỉ biểu hiện một sự sắp xếp các yếu tố hội họa khác nhau. Matisse sử dụng các diện phẳng và dùng hiệu quả tương phản của các tông màu nóng lạnh, của cường độ ánh sáng mạnh giữa các diện để tạo ra cảm giác về không gian, hình khối. Ông cũng học tập được các kỹ thuật từ nghệ thuật Arab vùng Trung Đông và nghệ thuật thổ dân châu Phi – dùng các tuyến đơn tạo hình lẫn tổ hợp tuyến kết hợp với các mảng màu chia thành module để tạo hoa văn, chất cảm vật liệu. Bút pháp của Matisse cũng khác hoàn toàn cách làm cổ điển khi không giấu nét bút hoặc dùng để vờn khối mà phô diễn hẳn ra nét thô mạnh, lộ rõ trên mặt tranh.
Henri Matisse, "Bà Matisse - chân dung với những vạch xanh lá cây", Sơn dầu, 1905
Trong bức "Bà Matisse - chân dung với những vạch xanh lá cây", họa sĩ đã dùng những màu đối chọi nhau, hầu như chẳng liên quan gì đến thực tế tự nhiên, nổi bật là các màu đỏ, xanh lá cây, vàng trên những mảng lớn, riêng biệt không có sự chuyển tiếp tan dần. Có cảm giác ở tác phẩm này, Henri Matisse đã bỏ qua hoàn toàn vai trò của sắc độ trong việc tạo nên hiệu quả về khối và không gian mà thay thế bằng chính sự tác động tương phản màu sắc một cách thành công.
Henri Matisse, "Khung cửa sổ", Sơn dầu, 1905
Henri Matisse, "Phong cảnh Collioure", Sơn dầu, 1905
Vlaminck (1876-1958) căm ghét các quy tắc, công thức thẩm mỹ kinh viện. Ông bộc lộ cảm xúc lên mặt tranh thông qua việc giải phóng năng lượng trong chuyển động của nét bút và sự tương phản rất mạnh giữa các màu nguyên thủy. Một trong những tác phẩm đẹp kinh điển của Vlaminck là “Phong cảnh với những cây đỏ”. Ông đã sử dụng tổ hợp những màu nguyên thủy theo phương châm “nhấn mạnh đến tất cả màu sắc, chuyển đạt bản đồng ca của các màu sắc nguyên bản thân có thể nhận biết”. Những màu đỏ, màu vàng, màu đen như được chuyển thẳng từ tuýp màu xuống mặt toan vẽ trên những mảng lớn mà không hề pha trộn. Tương tự, bức “Les Bateaux – Lavoirs”, Vlaminck cũng dùng bộ màu nguyên bản rất kích thích gồm đỏ, vàng, lam làm căn bản cho hòa sắc. Chất “dã thú” còn được đẩy cao bởi nét vẽ phóng túng, để mặc cho cảm xúc chi phối đến độ gần như nguệch ngoạc. Thậm chí tác giả còn không ngần ngại vẽ bằng ngón tay khi cần thiết.
Maurice de Vlaminck, "Phong cảnh với những cây đỏ", Sơn dầu, 1906-1907
Maurice de Vlaminck, "LesBateaux - Lavoirs", Sơn dầu, 1906
Bên cạnh Matisse và Vlaminck còn có Andre Derain (1880-1954) với chủ đề ưa thích là phong cảnh, với khu vực có mặt nước như cảng, bến sông,… Tuy Derain có hòa sắc khá trữ tình nhưng vẫn sử dụng các màu nguyên rực rỡ. Các màu ông ưa dùng nhất có thể kể đến bao gồm màu lam, xanh lá cây và tím.
Andre Derain, "Những con thuyền ở Coullioure", Sơn dầu, 1905
Andre Derain, "Westminster", Sơn dầu, 1905
Ban đầu Andre Derain dùng kỹ thuật vẽ bằng những mảng màu nhỏ gần như điểm màu, hao hao bút pháp của Signac. Nhưng những điểm màu của ông lớn hơn, đủ kích thước để điểm màu có thể tồn tại tự thân, đúng với ý đồ nhấn mạnh màu sắc và vào sức biểu hiện của màu sắc mà chủ nghĩa Dã thú theo đuổi. Nhưng từ 1906 về sau, cách thể hiện của Derain thay đổi, ông bắt đầu dùng mảng lớn, hình thức tự do ít gò bó vào kỹ thuật nên chất Dã thú bộc lộ rất mạnh. Bảng màu bùng nổ với nhiều mảng đỏ vàng, dù vẫn là khung cảnh quen thuộc trên bến dưới thuyền, không gian trong tranh có một sắc thái khác hẳn, tiềm ẩn một sức mạnh biểu tả qua nét bút mạnh mẽ, phóng khoáng và sắc độ tương phản mạnh.
Andre Derain, "Cầu London", Sơn dầu, 1906
Một nét chấm phá khác trong phái Dã thú chính là Georges Rouault (1871-1958). Tranh của ông mang phong cách khác hẳn, phần nhiều thuộc thể loại chân dung liên quan đến chủ đề sinh hoạt xã hội, tôn giáo và lịch sử. Georges Rouault thường lấy cảm hứng từ Kinh thánh và mỹ thuật nhà thờ để sáng tác. Tranh của ông thường có bố cục chặt chẽ, chính xác, nghiêm trang. Ông cũng không dùng những màu sắc chói gắt như phần lớn nghệ sĩ phái Dã thú khác mà lại ưa chuộng màu đen, một chút đỏ tối và màu lam sẫm.
Georges Rouault, "Gương mặt thần thánh", Sơn dầu, 1933
Georges Rouault, "Vị vua già", Sơn dầu, 1937
Bức chân dung "Vị vua già", bên cạnh "Gương mặt thần thánh" vẽ chúa Jesus, cho thấy thêm về ảnh hưởng của tôn giáo và mỹ thuật Thiên chúa giáo đến quan điểm hội họa của Georges Rouault. Ông dùng nét và phương pháp vẽ như vẽ tranh kính trong các nhà thờ thời Trung cổ, nhất là những màu đỏ trầm và màu lam có ánh tím. Về tạo hình, Rouault miêu tả vị vua già bằng nhiều mảng phẳng chắc khỏe, tĩnh tại, sắp xếp ngay ngắn, tạo ra một không khí cổ kính và nghiêm trang cho bức tranh.
Tạm kết
Chủ nghĩa Dã thú xuất hiện như một ngôi sao băng trong bầu trời nghệ thuật, hiện lên rực rỡ rồi nhanh chóng lụi tàn trong một khoảng thời gian ngắn. Chủ nghĩa Dã thú ra đời năm 1905, thu hút dư luận để đạt đến đỉnh cao năm 1907, 1908 rồi dần thoái trào và gần như không còn tồn tại từ sau năm 1920. Khi mới xuất hiện và phát triển bước đầu, hội họa Dã thú không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới sưu tập, bị các nhà phê bình và công chúng xa lánh. Nhưng giới họa sĩ lại nhìn thấy ở đó nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới. Hội họa Dã thú chính là một trong những trường phái đầu tiên đưa đến sự tiếp cận hiện đại của nghệ thuật tạo hình. Bằng việc từ bỏ các nguyên tắc cổ điển một cách thành công, chủ nghĩa Dã thú đã góp phần mở ra một con đường mới cho nghệ thuật thế kỷ XX.
Từ khóa » Họa Sĩ Dã Thú
-
Trường Phái Dã Thú - Sắc Màu Thể Hiện Cảm Xúc | Mỹ Thuật Bụi
-
Dấu ấn Của Dã Thú (Fauvism) Lên Nghệ Thuật đương đại - IDesign
-
Dã Thú (Phần 1) - IDesign
-
Trường Phái Dã Thú: Hoang Dã Như Chính Cái Tên - RedBrick Art Space
-
Khám Phá Nghệ Thuật Hội Họa Trường Phái Dã Thú độc đáo
-
Họa Sĩ Nổi Tiếng Nghệ Thuật Hội Họa Dã Thú - Tranh Sơn Dầu
-
Trình Bày Trường Phái Hội Họa Dã Thú - Tài Liệu Text - 123doc
-
Những Tác Phẩm Dã Thú đặc Trưng Của Henri Manguin - VnExpress
-
Trường Phái Tranh Dã Thú - Trải Nghiệm Sống