Trường PTDTNT Tỉnh Cao Bằng Không Ngừng Nâng Cao Chất Lượng ...

Là trường chuyên biệt duy nhất của Tỉnh Cao Bằng thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo học sinh dân tộc nội trú bậc THPT là con em các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, nhằm tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng cũng như các địa phương vùng miền núi phía Bắc của đất nước.

Năm học 2019-2020, nhà trường có 55 cán bộ, giáo viên, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (06 giáo viên có trình độ thạc sỹ, 03 giáo viên đang theo học cao học), nhiều giáo viên dạy giỏi các cấp, đảm nhiệm giáo dục, giảng dạy, nuôi dưỡng 400 học sinh là con em đồng bào các DTTS gồm Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Quý Châu và 02 dân tộc thiểu số rất ít người là dân tộc Lô Lô và dân tộc Ngái.

Theo tinh thần Nghị quyết số 29 /NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường đã đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc rèn luyện “mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; đổi mới trong công tác quản lý và giảng dạy, kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Đồng thời, Nhà trường chú trọng giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp, lý tưởng sống, khát khao học tập, khát vọng cống hiến cho học sinh, tạo môi trường thuận lợi để học sinh rèn đức, luyện tài.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, chú trọng giáo dục mũi nhọn và đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số rất ít người.

Năm học 2019 - 2020, Nhà trường xác định trọng tâm trong công tác đổi mới là: dạy học theo chủ đề, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Nhà trường đã thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức hiệu quả dạy học 02 buổi/ngày. Nội dung chương trình bám sát kế hoạch dạy học thực hiện dạy học tự chọn bám sát, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, học sinh dân tộc thiểu số rất ít người và thực hiện các hoạt động giáo dục khác.

Đối với giáo dục đại trà: Triển khai văn bản hướng dẫn việc đổi mới  trong dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, giáo viên thực hiện đăng kí nội dung và biện pháp thực hiện đổi mới phù hợp với nhiệm vụ được phân công và đặc trưng môn học, biên soạn hệ thống câu hỏi, dạy học theo chủ đề đăng tải trên “Trường học kết nối”. Đổi mới hình thức kiểm tra linh hoạt, phù hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan, bám sát đề thi THPT quốc gia hiện hành. Thực hiện nhận xét, đánh giá học sinh theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại HS trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Việc ra đề kiểm tra học kì theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Đối với các môn văn hóa xây dựng mỗi môn 01 bộ đề, bao gồm 1 đề chính thức và 1 đề dự phòng, thực hiện chọn lựa kỹ giáo viên ra đề, quản lý chặt chẽ quy trình ra đề theo hướng dẫn chung của Sở GD&ĐT và kế hoạch của Nhà trường. Tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm 03 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh đối với học sinh lớp 10 nhằm nắm tình hình thực trạng chất lượng và phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp phụ đạo kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Quan tâm tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, sân chơi trí tuệ đầu tuần, hướng nghề, hướng nghiệp…nhằm tuyền truyền, giáo dục pháp luật; bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; khuyến khích, động viên học sinh tự tin tham gia học tập ở bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp THPT.

Đối với việc giáo dục học sinh dân tộc rất ít người: Năm học 2019 - 2020, Nhà trường có 14 học sinh dân tộc thiểu số rất ít người (12 học sinh dân tộc Lô Lô, 02 học sinh dân tộc Ngái) là đối tượng được tuyển thẳng vào học tại trường và hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP. Do điều kiện các em đến từ các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn, không qua thi tuyển nên chất lượng đầu vào thấp, học sinh dân tộc rất ít người còn hạn chế trong tiếp thu kiến thức; rụt rè, nhút nhát và thiếu kĩ năng trong sinh hoạt tập thể cũng như các hoạt động giáo dục chung. Nhà trường đã phân công giáo viên các bộ môn thực hiện phụ đạo kiến thức cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm quan tâm, giúp đỡ các em hòa nhập với môi trường nội trú và thành lập các nhóm hỗ trợ học tập giữa các học sinh trong lớp, trong trường để giúp đỡ tạo điều kiện để các em theo kịp chương trình và từng bước nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện. Đến giữa học kỳ II năm học 2019 - 2020, 14/14 học sinh dân tộc rất ít người đã đạt học lực trung bình và hạnh kiểm tốt.

Đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi: Nhà trường thực hiện rà soát, phân loại học sinh thông qua bài kiểm tra khảo sát đầu năm học và theo dõi, phát hiện trong quá trình học tập của học sinh, thành lập các đội tuyển học sinh giỏi cho các bộ môn ngay từ đầu cấp học, qua kỳ thi Olympic dành cho khối 10, 11 hàng năm; lập kế hoạch ôn tập hợp lí, chọn tuyển kỹ lưỡng qua quá trình ôn luyện, tham gia thi cùng các trường trên địa bàn thành phố.

Với tâm huyết của đội ngũ nhà giáo và sự nỗ lực vượt khó trong học tập và rèn luyện của học sinh, trong những năm học qua, 100% học sinh lên lớp; trên 80% đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến, có từ 40-70 giải Học sinh giỏi cấp tỉnh/năm; 100% tốt nghiệp THPT; trên 90% đỗ đại học, cao đẳng, dự bị đại học. Đặc biệt, tính đến nay nhà trường đã có 34 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên qua từng năm học. Bên cạnh đó học sinh của Nhà trường còn giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi như: cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học đạt 01 giải cấp Quốc gia, cuộc thi Tự hào Việt Nam đạt 01 giải cấp Quốc gia, 01 tham gia thi cấp quốc gia, cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai: 02 giải Quốc gia, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng: 08 giải cấp tỉnh, dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật: 07 giải cấp tỉnh; Kết quả tham gia Hội thao QP&AN học sinh cấp trung học phổ thông, giải điền kinh - bóng rổ, Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh luôn được xếp hạng Nhất, Nhì, Ba (năm học 2018 - 2019: Giải Nhất toàn đoàn, 06 giải cá nhân, 06 giải đồng đội trong Hội thao QP-AN cấp tỉnh)... Trong Hội thi văn hóa thể thao các trường PTDTNT toàn quốc, nhà trường luôn nằm trong tốp 10 đơn vị có thành tích cao nhất với hơn 120 huy chương các loại.

Ghi nhận đóng góp của nhà trường, nhiều thầy giáo, cô giáo tâm huyết, cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục dân tộc được phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo Ưu tú”. Nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng cán bộ, giáo viên Nhà trường có thành tích cao trong công tác giảng dạy; 09 năm liền được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh về thành tích xuất sắc dẫn dầu phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Mai Nguyên, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về những kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tập thể sư phạm và định hướng phát triển nhà trường trong thời gian tới: “Chi bộ nhà trường nêu cao và phát huy tốt vai trò hạt nhân, vai trò lãnh đạo, đề ra các chủ trương, với những giải pháp thiết thực, phù hợp để lãnh đạo toàn diện các mặt hoạt động của nhà trường, tập thể sư phạm khắc phục khó khăn, mạnh dạn đổi mới sáng tạo trong quản lí, giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm học sinh dân tộc thiểu số, Ban giám hiệu chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị Quyết 29/NQ-TW. Trong thời gian tới với sở vật chất đang được đầu tư xây dựng và hoàn thiện tại cơ sở mới, nhà trường định hướng phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, coi trọng giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh, chú trọng giáo dục mũi nhọn và đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số rất ít người”.

Với quyết tâm của Ban giám hiệu, sự đồng thuận và tâm huyết của tập thể sư phạm đã kiên trì, sáng tạo, nỗ lực không ngừng, đóng góp công sức, trí tuệ trong sự nghiệp GD&ĐT nhân lực, nhân tài cho quê hương, đất nước; sự nỗ lực vượt khó trong học tập rèn luyện của học sinh, Trường PTDTNT tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào hơn nữa trong thời gian tới, là “địa chỉ đỏ”, niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc địa phương trong tỉnh.

Từ khóa » Trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú Tỉnh Cao Bằng