Trường Sa - Gạc Ma Và Những Người Nằm Lại

"Những người nằm lại phía chân trời" - tên đồ án quần thể tưởng niệm những người lính Việt hy sinh trên vùng biển Gạc Ma ngày 14-3-1988, xây dựng tại Cam Lâm (Khánh Hòa).

Nhưng suốt 47 năm qua, để giữ Trường Sa vững vàng trước sóng gió, "những người nằm lại phía chân trời" không chỉ riêng 64 liệt sĩ Gạc Ma. Chỉ tính từ 1975 tới năm 2010, đã có 166 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa.

Tên tuổi các anh được khắc trên hai tấm bia đá đặt tại Nhà truyền thống huyện đảo Trường Sa.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 1.

Tháng 5-2018, khi vào Lữ đoàn Hải quân 146 (còn gọi là Đoàn Trường Sa) dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập tại Cam Ranh, có một hình ảnh khiến tôi nhớ mãi.

Chúng tôi tìm gặp đại tá Phạm Công Phán - người mà khi xảy ra vụ cưỡng chiếm Gạc Ma, ông là lữ đoàn trưởng. Anh hùng liệt sĩ , trung tá Trần Đức Thông hy sinh trong cuộc chiến ấy là lữ đoàn phó.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 2.

Biên đội gồm 3 tàu 673-674-675 chở quân ra giải phóng Trường Sa. Và trận đánh đảo Song Tử Tây rạng sáng 14-4-1975, hai liệt sĩ đầu tiên hy sinh ở Trường Sa trong trận đánh này là hạ sĩ Tống Văn Quang và hạ sĩ Ngô Văn Quyền.

Anh em chỉ huy đoàn Trường Sa bảo với chúng tôi: "Cụ" Phán từ Thái Bình vào đơn vị từ hôm qua rồi, nay cụ ở nhà khách, để chúng tôi điện thoại cho cụ trước rồi anh em xuống đó gặp cụ". Nhưng điện thoại cả chục cuộc, điện thoại đổ chuông nhưng đầu kia không có ai trả lời.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 3.

Quần thể khu tưởng niệm Gạc Ma

Chúng tôi xin phép lên Nhà truyền thống của huyện đảo Trường Sa để thắp nhang viếng vọng các liệt sĩ.

Khi chúng tôi bước qua cánh cửa nhà truyền thống, giữa căn phòng rộng mênh mông ấy là một người đàn ông mái tóc bạc phơ đứng trước tấm bia cạnh ban thờ, ngón tay cứ miết miết lên những dòng tuổi tên khắc sâu trên mặt đá.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 4.

Đại tá Phạm Công Phán bồi hồi với những hình ảnh Trường Sa và nhiều gương mặt đồng đội còn lưu dấu trên những bức ảnh tư liệu

Anh sĩ quan đưa chúng tôi đi bấm nhẹ vào tay: "Cụ Phán đấy, cứ để cụ như thế một lúc rồi hãy gặp cụ anh ạ".

Hình ảnh người chỉ huy già ngày trở về đơn vị cũ đứng trầm tư, tay miết vào mặt đá của tấm bia lớn như muốn đánh thức linh hồn những người lính dưới quyền đã nằm lại Trường Sa suốt gần nửa thế kỷ qua khiến chúng tôi cũng lặng người xúc động.

Hai tấm bia dựng bên bàn thờ ấy khắc tên tuổi của 166 liệt sĩ hy sinh trên đảo từ năm 1975 đến năm 2010, mỗi tấm bia khắc tên 83 liệt sĩ, khắc ghi theo thời điểm hy sinh.

Trong bản danh sách trên đá ấy, trước khi 64 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma đã có tên của 36 liệt sĩ hy sinh từ ngày 14-4-1975, ngày nổ ra trận đánh trên đảo Song Tử Tây.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 5.

Chân dung Anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông, phó lữ đoàn trưởng 146 hy sinh ngày 14-3-1988 (góc trái, trên cùng) trên bức tường trong Khu tưởng niệm Gạc Ma

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 6.

Trận đánh vào đảo Song Tử Tây, liệt sĩ Tống Văn Quang hy sinh ngay trên đảo vào rạng sáng 14-4-1975, còn hạ sĩ Ngô Văn Quyền bị thương, được đưa từ Song Tử Tây về Đà Nẵng theo tàu chở tù binh, tuy nhiên trên hành trình về đất liền anh đã không qua khỏi.

Tàu HQ 604 bị chìm tại Gạc Ma trong trận chiến bảo vệ đảo, trong ảnh là con tàu được chụp vào ngày 10-3-1988 khi xuất bến từ Lữ đoàn 125 đi làm nhiệm vụ. Và Tàu HQ605 chìm ở đảo Len Đao trong cuộc chiến ngày 14-4-1988

Thông tin về hai liệt sĩ Quang và Quyền trên tấm bia đá không có ngày tháng năm sinh và đơn vị cụ thể. Sau này, trong quá trình đi tìm kiếm các tư liệu liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng Trường Sa, các phóng viên Tuổi Trẻ đã tiếp cận được các tư liệu từ trích lục thông tin quân nhân hy sinh tại Cục Chính sách.

Liệt sĩ Tống Văn Quang sinh năm 1949 (còn theo gia đình thì tuổi thật của liệt sĩ Quang là sinh năm 1953). Quê quán xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái. Nhập ngũ tháng 5-1972. Ngày đi B: tháng 8-1972. Đơn vị: C12, D6, E38, F2 (Quân khu 5).

Liệt sĩ Quang là chiến sĩ đặc công Quân khu 5 phối thuộc cùng Lữ đoàn đặc công 126 tham gia giải phóng Trường Sa trong chiến dịch mang mật danh C75.

Liệt sĩ mang số thứ tự 02 trên tấm bia là hạ sĩ Ngô Văn Quyền, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, khi hy sinh anh là tiểu đội trưởng của đoàn đặc công 126.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 8.

Mộ của liệt sĩ trên đảo Sinh Tồn, PV TTXVN Đình Trân chụp năm 1988

Những dòng tên về các liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa kể từ trận đánh ngày 14-4-1975 ấy cứ dài ra mãi cho đến tận hôm nay!

Áp lòng tay lên dòng tên của anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông, đại tá Phán bùi ngùi:

"Đợt đó ta tăng cường bảo vệ và xây dựng cơ sở trên các đảo chìm, tôi theo mũi đi Đá Lát, Thông theo mũi đi Gạc Ma. Sáng 14-3, khi tôi đang cùng lính của mình vác cọc bê tông dựng nhà "cao cẳng" để đóng giữ đảo chìm Đá Lát thì nhận tin Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma.

Lữ phó Thông nhỏ hơn tôi một tuổi (anh hùng Trần Đức Thông sinh năm 1944), cũng là người đồng hương Thái Bình của tôi".

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 9.

Sau hơn 30 năm, thuyền trưởng của 3 chiếc tàu của chiến dịch trên gặp nhau tại Hà Nội nhân kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa (từ trái sang: Nguyễn Xuân Thơm (tàu 673), Nguyễn Văn Đức (tàu 674), Phạm Duy Tam (tàu 675).

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 10.

Sáng 14-3, lữ đoàn phó Trần Đức Thông trên tàu HQ604 chỉ huy anh em làm nhiệm vụ bốc dỡ vật liệu từ tàu lên xây dựng công sự trên đảo chìm. Thấy tàu Trung Quốc có dấu hiệu nổ súng cưỡng chiếm, anh Thông điện báo về chỉ huy sở và xác định quyết tâm "dù địch vây ép, dù mất tàu, chúng tôi quyết không lùi".

Khi nhận ra phía Trung Quốc cho xuồng chở lính có vũ khí lao thẳng về phía Gạc Ma, anh Thông lệnh cho các thủy thủ tàu HQ-604 tiến về bãi đá để hình thành tuyến phòng thủ, đồng thời nhắc nhở bộ đội bình tĩnh, không được nổ súng trước khi chưa có lệnh để tránh sự khiêu khích của địch.

Tàu Trung Quốc đã nã pháo vào HQ-604, làm tàu bị hỏng nặng. Chỉ huy Trần Đức Thông vẫn đứng trên boong tàu chỉ huy cho đến lúc hy sinh và chìm vào lòng biển cùng con tàu.

Sau dòng tên của người chỉ huy cao nhất hy sinh trong trận chiến là tên của các anh em đã nằm lại Gạc Ma trong buổi sáng bi tráng tháng 3 năm 1988.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 11.

Trong các chuyến ra Trường Sa, mỗi khi đến các đảo nổi, gặp mộ bia các liệt sĩ tôi vẫn cẩn thận ghi chép.

Như năm 2009, khi lên đảo Trường Sa Đông, ngay bến cho ca nô cập đảo là ngôi mộ của ba liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, Vương Viết Mão và Quách Hoàng Lâm. Những mộ bia liệt sĩ ấy, nếu quan sát kỹ vẫn có thể nhận ra nhiều câu chuyện xúc động.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 12.

Mộ của 3 liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, Vương Viết Mão và Quách Hoàng Lâm ở đảo Trường Sa Đông, để ý thông tin trên mỗi tấm bia sẽ thấy có nhiều câu chuyện xúc động trong đó

Tôi ghi chép thông tin liệt sĩ trên tấm bia đầu tiên: "Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi sinh ngày 15-4-1975, hy sinh 14-4-2001, quê quán Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa". Một dòng chữ như bao dòng chữ vẫn thường khắc trên bia, nhưng tôi ngờ ngợ, có điều gì đó lạ lắm. Và chợt òa vỡ trong tôi. Thì ra liệt sĩ Thi đã ngã xuống đúng vào đêm trước sinh nhật của anh!

Thi sinh ngày 15 tháng 4 và hy sinh vào ngày 14 tháng 4. Có lẽ nếu hôm đó Thi không ngã xuống thì đêm ấy, sinh nhật đón tuổi 26 của Thi sẽ ngập tràn yêu thương cùng đồng đội anh trên đảo. Và ngày Thi hy sinh cũng là ngày mà liệt sĩ Tống Văn Quang - liệt sĩ đầu tiên hy sinh ở Trường Sa: ngày 14-4-1975 !

Nằm kề Thi là liệt sĩ Vương Viết Mão, quê ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Cũng sinh năm 1975 như Thi, nhưng ngày liệt sĩ Mão hy sinh cũng là một ngày đặc biệt: ngày 17-1-2004 nhằm ngày 26 Tết năm Quý Mùi!

Nghĩa là khi đất liền đang rộn ràng niềm vui đón Xuân, những gia đình náo nức dịp sum vầy đoàn tụ, thì ở đảo xa này, một người lính trẻ đã ngã xuống ngay trước thềm Xuân.

Một thành viên đoàn công tác Trường Sa viếng mộ liệt sĩ đảo ở Nam Yết. Và mộ của quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa hy sinh khi công tác ở Trạm khí tượng thủy văn Trường Sa. Ở đây, dù không mang áo lính nhưng sự hy sinh nào cũng xứng đáng được tôn vinh.

Cả hai liệt sĩ Thi và Mão đều sinh năm 1975, dù vậy, hai anh là những "liệt sĩ lớn tuổi" ở Trường Sa Đông bởi nấm mộ ngoài cùng trên đảo là của một chiến sĩ quê TP.HCM: Quách Hoàng Lâm, sinh tháng 9 năm 1984, ở phường 16, quận 11, hy sinh tháng 8-2006, còn quá trẻ - khi ấy Lâm chưa tròn 22 tuổi.

Phải đến khi đọc tấm bia lớn ở Nhà văn hóa huyện đảo Trường Sa gần 10 năm sau, tôi mới biết thêm những thông tin mà tấm bia ở Trường Sa Đông không ghi hết, đó là Quách Hoàng Lâm hy sinh trên đảo chìm Đá Tây và được đưa về Trường Sa Đông mai táng.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 14.

Di vật của các liệt sĩ được vớt lên từ đáy biển Gạc Ma trong con tàu HQ 604 được cất giữ ở phòng truyền thống Lữ đoàn Hải quân 125 - “Đoàn tàu không số”.

Hay năm 2010, khi lên đảo Nam Yết, chúng tôi dâng hương ở ngôi mộ liệt sĩ duy nhất trên đảo, liệt sĩ Hoàng Đăng Hùng, quê Thủy Nguyên (Hải Phòng) sinh năm 1980, hy sinh ngày 25-7- 2004, khi anh mới 24 tuổi.

Trên tấm bia ở huyện đảo Trường Sa, chúng tôi biết thêm cũng trong ngày 25-7-2004 đó, ở đảo Đá Lớn có một chiến sĩ hy sinh khi vừa tròn tuổi 20, đó là liệt sĩ Hoàng Thế Anh, quê Thanh Hà (Hải Dương), sinh năm 1984.

Và không chỉ có những chiến sĩ hải quân hy sinh được công nhận liệt sĩ. Trong danh sách liệt sĩ trên tấm bia này, tôi nhận ra tên của một người cán bộ khí tượng thủy văn đã hy sinh ở Trường Sa vào cuối tháng 3-2010.

Khi chúng tôi trở lại Trường Sa Lớn vào đầu tháng 5-2010, có một lệnh được quán triệt trong toàn đoàn công tác là khi đi quanh đảo không được xuống bờ biển, bởi hơn một tháng trước đó có một cán bộ khí tượng hy sinh vì một cơn sóng bất ngờ cuốn đi khi đang quan trắc bờ biển, anh là Hoàng Văn Nghĩa.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 15.

Năm 2020, sau 10 năm nằm trên đảo, hài cốt của liệt sĩ Nghĩa đã được đưa về nghĩa trang quê nhà tại Nam Định.

Hoàng Văn Nghĩa, sinh năm 1986 là quan trắc viên tại Trạm khí tượng hải văn Trường Sa thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ. Ra công tác tại Trường Sa được 16 tháng thì anh hy sinh.

Đúng mười năm sau, theo nguyện vọng của gia đình, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã đề xuất với Bộ tư lệnh Hải quân về việc quy tập mộ liệt sĩ về quê hương tại xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Tháng 7-2020, hài cốt liệt sĩ Nghĩa được tàu hải quân đưa về Quân cảng Cam Ranh. Lễ truy điệu liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa được tổ chức tại UBND huyện đảo Trường Sa, sau đó đưa về an táng tại quê nhà. Trên tấm bia ở ban thờ huyện đảo Trường Sa, liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa có số thứ tự 159.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 16.

Danh sách 166 liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa từ 1975 đến 2010 khắc kín trên mặt hai tấm bia đá ở Nhà truyền thống huyện đảo Trường Sa

Danh sách liệt sĩ trên tấm bia dừng lại ở con số 166. Người cuối cùng trên tấm bia mang số thứ tự 166 là liệt sĩ Lê Văn Tuấn - chuẩn úy, nhân viên máy nổ của đảo Trường Sa - hy sinh ngày 26-10-2010 khi mới 22 tuổi. Liệt sĩ Tuấn sinh năm 1988, quê Quảng Xương (Thanh Hóa).

Khi Lê Văn Tuấn chào đời, năm 1988 là năm xảy ra trận chiến bảo vệ Gạc Ma với 64 liệt sĩ hy sinh. Và 22 năm sau, cậu bé chào đời năm 1988 đã trở thành một người lính.

Anh lại nằm xuống giữa Trường Sa như cha anh mình. Trên tấm bia ấy, tên tuổi của anh lại được khắc lên như dấu mốc của sự hy sinh tiếp nối để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa trùng dương…

Tấm bia ở Nhà văn hóa huyện đảo Trường Sa chỉ mới khắc tên những người hy sinh đến thời điểm 2010. Và chắc chắn sẽ còn thêm vào danh sách ấy tuổi tên những người hy sinh từ 2010 cho đến hôm nay.

Bởi không ai quên rằng, lịch sử của Tổ quốc luôn được viết ra và gìn giữ bằng cuộc đời những người đã nằm xuống!

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại - Ảnh 17.

Quần thể khu tưởng niệm Gạc Ma

Nội dung: LÊ ĐỨC DỤC Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC - TƯ LIỆU Thiết kế: NGỌC THÀNH

Từ khóa » Gạc Ma Năm 88