Truyện Ngắn "Làng" Của Nhà Văn Kim Lân - Lớp Văn Cô Thu
Có thể bạn quan tâm
I. Tìm hiểu chung
- Tác giả
– Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, (1920-2007), quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
– Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo trước Cách mạng tháng Tám 1945. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn. Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm: truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.
b. Khái quát nội dung và nghệ thuật
* Nội dung chính: Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải dời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện “Làng”.
* Nghệ thuật: Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.
c. Tóm tắt
Câu chuyện kể về ông Hai Thu, người làng Chợ Dầu. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, theo lời kêu gọi của cụ Hồ, toàn dân tham gia kháng chiến, kể cả hình thức tản cư. Do hoàn cảnh neo đơn, ông Hai đã cùng vợ con lên tản cư ở Bắc Ninh dù rất muốn ở lại làng chiến đấu. Ở nơi tản cư, tối nào ông cũng sang nhà bác Thứ bên cạnh để khoe về làng mình rằng làng ông có nhà cửa san sát, đường thôn ngõ xóm sạch sẽ. Ông khoe cái phòng thông tin, cái chòi phát thanh và phong trào kháng chiến của làng, khi kể về làng ông say mê, háo hức lạ thường. Ở đây, ngày nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến, ông vui mừng trước những chiến thắng của quân dân ta. Nhưng rồi một hôm, ở quán nước nọ, ông nghe được câu chuyện của một bà dưới xuôi lên tản cư nói rằng làng Dầu của ông theo giặc. Ông vô cùng đau khổ, xấu hổ, cúi gầm mặt đi thẳng về nhà, suốt ngày chẳng dám đi đâu, chẳng dám nói chuyện với ai, chỉ nơm nớp lo mụ chủ nhà đuổi đi. Buồn khổ quá, ông tâm sự với đứa con út cho khuây khoả. Ông chớm có ý định về làng để xác minh sự thật nhưng lại tự mình phản đối vì nghĩ về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ bởi làng ông đã theo Tây mất rồi. Thế rồi một hôm có ông chủ tịch dưới xã lên chơi cải chính tin làng ông theo giặc. Ông lão sung sướng mùa tay đi khoe khắp làng rằng nhà ông đã bị đốt nhẵn. Tối hôm ấy, ông lại sang nhà bác Thứ kể về làng mình.
d. Nhan đề:
Nhan đề tác phẩm chỉ có một từ duy nhất, đó là một danh từ chung “Làng”. Đặt tên truyện là Làng – tên gọi gần gũi, thân mật với bất kì ai đã mang lại tính khái quát cho tác phẩm: tình yêu làng, yêu nước không phải là tình cảm của riêng ông Hai mà còn là tình cảm chung của những người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp . Tên truyện đã thể hiện chủ đề tác phẩm.
e. Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật
– Truyện được kể theo ngôi thứ ba.
Tác dụng:
+ Làm cho câu chuyện có tính khách quan
+ Người kể giấu mình nhưng dường như lại có mặt ở khắp mọi nơi trong văn bản, người kể chuyện có thể biết hết mọi việc, mọi hành động, mọi tâm tư tình cảm của nhân vật.
Điểm nhìn trần thuật: Truyện được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn của ông Hai.
Tác dụng:
+ Tạo sự chân thực, gần gũi, đi vào lòng người
+ Dễ đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật trong những tình huống khác nhau.
+ Đặc biệt, làm nổi bật tâm trạng, tính cách nhân vật qua đối thoại, độc thoại , đấu tranh nội tâm , qua cử chỉ, hành động.
e. Tình huống truyện
– Truyện Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước ở người nông dân. Ông Hai trong truyện là người rất yêu cái làng chợ Dầu của mình, luôn hãnh diện khoe về làng, ấy thế mà ông lại phải nghe cái tin làng ông theo giặc, từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên.
+ Tình huống mụ chủ nhà có ý định đuổi gia đình ông lão đi
+ Tình huống tin làng chợ Dầu theo Tây được cải chính
– Nhận xét: Tình huống ấy khiến ông đau xót, tủi hổ, day dứt trong sự xung đột giữa tình yêu làng quê và tình yêu nước, mà tình cảm nào cũng mãnh liệt, thiết tha. Đặt nhân vật vào tình huống gay gắt ấy, tác giả đã làm bộc lộ sâu sắc cả hai tình cảm nói trên ở nhân vật và cho thấy tình yêu nước, tinh thần kháng chiến lớn rộng bao trùm lên tình yêu làng, nó chi phối và thống nhất, mọi tình cảm khác trong con người Việt Nam thời kháng chiến.
II. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai
a. Trước khi nghe tin dữ:
– Ông Hai là một lão nông chất phác với tình cảm yêu làng rất đặc biệt. Gần cả cuộc đời ông gắn bó với làng Chợ Dầu. Thế rồi vì chiến tranh mà ông phải dời làng đi tản cư nhưng trong ông lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ về làng.
– Xa làng, ông nhớ làng da diết. Nỗi nhớ làng khiến ông thay tâm đổi tính: “Lúc nào ông cũng thấy bực bội, ít cười, cái mặt lúc nào cũng lầm lầm, hơi một tí là gắt, hơi một tý là chửi”.
– Ông rất yêu làng, luôn tự hào về làng . Khi được nói chuyện về làng, ông vui náo nức đến lạ thường “Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển hoạt động”.
– Ông quan tâm đến tình hình chính trị thế giới, đến các tin chiến thắng của quân ta:
+ Tin một em bé trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kỳ trên tháp rùa.
+ Một anh trung đội trưởng sau khi giết được 7 tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng.
+ Đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người mua hàng đã bắt sống được tên quan hai bốt ngay giữa chợ.
Nghe những tin thắng trận mà ruột gan ông lão cứ múa cả lên. Ông vui sướng đến vô bờ, đó là niềm vui của một con người biết gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc, là niềm vui mộc mạc của một tấm lòng yêu nước chân thành.
b. Khi nghe tin làng Dầu theo giặc:
- Lúc ở chợ
Tác giả đã đặt ông Hai vào một tình huống gay cấn để làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước của ông. Tình huống ấy là cái tin làng Dầu theo giặc mà chính ông nghe được từ miệng những người mới tản cư ở dưới xuôi lên.
Tin dữ đến quá đột ngột như sét đánh ngang tai khiến ông Hai sững sờ, bàng hoàng, choáng váng. Ông cảm thấy đắng cay, chua xót, nấc nghẹn đến lặng cả người. Nỗi bất hạnh lớn đã đổ sụp xuống đầu ông, ông sững sờ “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được”.
Khi trấn tĩnh được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy, ông gặng hỏi như để xác minh thêm một lần nữa. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên”, làm ông không thể không tin. Ông vội đánh trống lảng, ra về : “Hà, nắng gớm, về nào”.
Từ lúc ấy, trong tâm trí ông Hai chỉ có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh, day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông “cúi gằm mặt xuống mà đi”.
- Về đến nhà
Về đến nhà, ông “nằm vật ra giường”, rồi tủi thân khi nhìn đàn con, “nước mắt ông lão cứ giàn ra. Đây là dòng nước mắt của tâm trạng đau khổ, tủi nhục đến vô hạn.
Ông Hai cảm nhận rất rõ nỗi tủi nhục của một người dân đi ra từ làng Việt gian bán nước. Nhìn đàn con, ông đau đớn, xót xa và thương con đến quặn thắt gan ruột. Trong ông vang lên những lời độc thoại nội tâm: “ Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…”
Càng nghĩ, ông càng căm giận lũ người theo giặc, làm Việt gian phản bội đất nước, quay lưng lại với cuộc kháng chiến của dân tộc. Lời độc thoại của ông Hai đã bộc lộ rõ niềm căm giận đó : “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!”
Tâm tư ông Hai rối bời. Những câu nghi vấn và câu cảm thán liên tiếp , ngôn ngữ độc thoại nội tâm đã diễn tả bao điều ngổn ngang trong lòng ông mà chưa có câu trả lời xác đáng . Ông Hai đắm chìm trong những suy nghĩ về làng và cái tin dữ. Càng nghĩ, ông Hai càng đau đớn, tủi nhục.
- Mấy ngày hôm sau
Nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra ngoài, chỉ quanh quẩn ở nhà nghe ngóng tình hình. Một đám đông túm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa cũng khiến ông chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ tưởng như người ta đang để ý đến mình. Thoáng nghe thấy những tiếng Việt gian, Cam nhông,…là ông lủi ra một góc nhà, nín thít.
Ông Hai tủi hổ vô cùng. Ông mang nỗi mặc cảm, thấy mình có lỗi trong việc làng chợ Dầu theo giặc.
èTác giả diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông trước cái tin làng mình theo giặc.
- Cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai
Khi nghe tin làng Dầu theo giặc, tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước của ông Hai đã có một cuộc xung đột nội tâm gay gắt. Ông Hai đã dứt khoát chọn lựa theo cách của ông: “Làng thì yêu thật nhưng làng đã theo Tây thì phải thù”, tình yêu đất nước đã rộng lớn hơn bao trùm lên tình cảm với làng quê. Nhưng dù xác định như thế, ông Hai vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng quê, vì thế mà càng đau xót, tủi hổ.
Khi mụ chủ nhà biết chuyện, có ý muốn đuổi khéo gia đình ông đi, ông đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bế tắc hoàn toàn. Đi đâu bây giờ? Không ai muốn chứa chấp dân của cái làng Việt gian. Ông thoáng có ý nghĩa “Hay là trở về làng”. Tuy nhiên ông đã gạt bỏ ý nghĩ ấy bởi “Làng đã theo Tây, về làng nghĩa là rời bỏ Kháng chiến, bỏ cụ Hồ, là cam chịu trở về kiếp sống nô lệ”. Mối mâu thuẫn trong nội tâm và tình thế của nhân vật như đã thành sự bế tắc, đòi hỏi phải được giải quyết.
Đau khổ, ông không biết tâm sự cùng ai ngoài đứa con bé bỏng. Yêu làng Dầu, ông muốn khắc sâu vào trái tim bé nhỏ của con tình cảm với làng, với kháng chiến, với Cụ Hồ, đó cũng chính là tấm lòng thuỷ chung “trước sau như một” với cách mạng của ông. Đây là một đoạn văn diễn tả rất cảm động và sinh động nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai – một người nông dân – với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến. Ngần ấy tuổi đầu mà nước mắt ông cứ ròng ròng khi nghĩ về làng. Nỗi đau ấy mới đáng trân trọng làm sao bởi đó là nỗi đau của một con người coi danh dự của làng như chính bản thân mình.
èTình yêu làng quê ở nhân vật ông Hai thống nhất, hòa làm một với tình yêu đất nước, sự trung thành với kháng chiến và cách mạng.
c. Khi tin đồn được cải chính:
– Thái độ của ông thay đổi hẳn “Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Ông lại chạy đi khoe khắp nơi “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ, đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên đây cải chính cái tin làng Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”.
– Nội dung lời khoe của ông có vẻ vô lí bởi không ai có thể vui mừng trước cảnh làng mình, nhà mình bị giặc tàn phá. Nhưng trong tình huống này thì điều vô lí ấy lại dễ hiểu: Sự mất mát về vật chất ấy chẳng thấm vào đâu so với niềm vui tinh thần mà ông đang được đón nhận. Trong sự cháy rụi của làng chợ Dầu ấy là sự hồi sinh của một làng chợ Dầu mới và ông lại được tiếp tục tự hào về làng của mình, ngôi làng mà ông yêu quý gắn bó như máu thịt.
è Nhà văn Kim Lân đã tỏ ra rất sắc sảo trong việc nắm bắt và miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai đã trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất, hòa quyện nhưng tình yêu nước được đặt cao hơn, rộng lớn hơn tình yêu làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại . Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
d. Đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Truyện khắc hoạ thành công nhân vật ông Hai, một người nông dân yêu làng, yêu nước tha thiết.
+ Đặc biệt, việc đặt nhân vật vào tình huống cụ thể góp phần thể hiện tính cách, diễn biến tâm trạng nhân vật.
+ Ngôn ngữ nhân vật lúc đối thoại, lúc độc thoại mang đậm chất nông thôn, nhuần nhuỵ mà đặc sắc, gợi cảm.
Ông Hai chính chân dung sống động, đẹp đẽ của người nông dân thời kỳ đầu kháng chiến.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
No related posts.
Từ khóa » Truyện Ngắn Làng
-
Truyện Ngắn: Làng - Kim Lân - Đọc Sách Miễn Phí
-
Truyện Ngắn Làng - Tác Giả: Kim Lân
-
Làng - Kim Lân # Mobile
-
Phân Tích Truyện Ngắn Làng Của Kim Lân
-
Văn 9: Truyện Ngắn Làng Của Kim Lân - Tìm Hiểu Tác Giả Tác Phẩm
-
Truyện Ngắn "Làng" (Kim Lân), SGK Ngữ Văn 9, Tập 1
-
Truyện Ngắn Làng - Tác Giả Tác Phẩm (mới 2022) | Ngữ Văn Lớp 9
-
Top 10 Mẫu Phân Tích Làng Kim Lân đầy đủ Và Chọn Lọc
-
Top 10 Bài Văn Phân Tích Truyện Ngắn "Làng" Của Kim Lân Hay Nhất
-
Truyện Ngắn Làng Của Kim Lân Gợi Cho Em Những Suy Nghĩ Gì?
-
Đóng Vai ông Hai Kể Lại Truyện Ngắn Làng Của Kim Lân - Thủ Thuật
-
Phân Tích Truyện Ngắn Làng Của Kim Lân | Văn Mẫu 9 - YouTube
-
Top 18 Bài Tóm Tắt Truyện Ngắn Làng Của Kim Lân Mới Nhất