Truyện Ngắn Vũ Thanh Lịch: Giăng Chiều Gọi Bạn - Văn Học Sài Gòn

VHSG- “Mọi điều trên thế gian này chẳng có gì mới mẻ, chỉ có cách nhìn của con người là mới. Truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch là như vậy. Nhà văn đã mang lại một cái nhìn mới cho một điều quen thuộc đến bình thường. Và trong cách nhìn mới mẻ ấy, những điều bình thường lại hiện lên như lần đầu làm ta ngỡ ngàng và xúc động khôn nguôi.

Chiến tranh đã kết thúc gần một nửa thế kỷ. Nhưng con đường của người sống đi tìm những vẻ đẹp của sự dâng hiến cho Tổ quốc của những liệt sĩ vẫn mãi mãi mở ra. Sau gần một nửa thế kỷ, những mất mát vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng nó không còn là nỗi đau thương nữa, nó trở thành một vẻ đẹp lạ kỳ hiển hiện như đang thở những hơi thở rực ấm trong đời sống đương đại.

Câu chuyện tựa một giấc mơ u huyền và ám ảnh. Cấu trúc, hình ảnh, ngôn ngữ đã trở thành một khối đồng nhất. Nếu không chọn được cách viết này thì sự hy sinh trong chiến tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc sẽ đậm màu tang thương chứ không phải là một vẻ đẹp ngập tràn sự linh thiêng” – nhà văn Nguyễn Quang Thiều bình luận.

Nhà văn Vũ Thanh Lịch

Đồng chiều oải nắng. Cô Tuynh xách giỏ hoa quả, hương vàng ra phía sông Bình.

Cô Tuynh bảy mốt nhưng không ai gọi là bà. Cả làng, từ trẻ nít đến người già đều gọi là cô. Bảy mốt nhưng cô đi chân đất phăm phăm quanh làng, băng qua cánh đồng mới gặt, khiến Huệ vừa đi vừa chạy mới theo kịp. Đến đám cỏ bằng phẳng gần ngã ba sông, cô Tuynh trải tấm vải vàng, đặt giỏ hoa quả lên thắp nhang. Khói nhang như sợi chỉ, dệt chiều thành lưới. Cô Tuynh giăng chiều đầy mặt sông Bình gọi cô Chinh.

Cây hương ngún lửa. Huệ định hỏi sao cô bảo dẫn con đi thăm mộ dì Chinh mà lại ra đây, nhưng chưa kịp cất lời đã nghe cô Tuynh thì thào. Chị bảo này Chinh, có đứa cháu mày ở xa lắm, nó về thăm chị, mua quà cho chị, chị mang ra cho mày, dậy ăn kẻo đói. Lúc đi chị bảo ăn bát cơm rồi hãy đi thì không nghe. Người gầy như cái tăm tre mà lúc nào cũng lao như tên bắn ấy. Có động là đi, dắt hết người già, trẻ con xuống hầm mới chịu. Mà ai khiến cô nhanh chân vậy, các chị cô còn ngồi cả ở đây, đợi lệnh rồi mới đi cơ mà…

Chiều nhuộm tím ngọn cau cao nhất làng, Huệ đốt thêm một cây nhang nữa. Cô Tuynh đưa cho Huệ cặp nến, bảo châm thêm cho sáng, “trời lom lem tối cô ấy mới ra ngoài con ạ, thiếu ánh lửa, cô ấy không biết đường về đâu”. Nến thắp, lửa nhòe lẫn chiều. Cô Tuynh bảo Huệ ngồi xếp bằng bên cạnh, cách bãi cỏ bày lễ một bước chân, “ngồi im nhé, lúc nào cô bảo nhắm mắt thì con nhắm mắt lại, con nghe được gì thì nghe, còn không thì cũng không sao, nếu hợp duyên, con cho cô Chinh mượn thân để ngồi đây nói chuyện với cô nhé, cô nhớ nó quá, cái con bé này, như con chim chích ấy, cứ lách ta lách tách trước mặt cô từ bấy đến giờ”. Huệ thoáng rùng mình. Hai chữ mượn thân khiến cô toát mồ hôi. Nhưng biết làm sao khi bến sông càng lúc càng tối. Cánh đồng mênh mông chỉ có hai bóng người.

Cô Tuynh châm tiếp cây hương thứ ba rồi lầm rầm chuyện. Huệ không phân biệt được cô nói hay hát, chỉ thấy âm thanh khi nhanh khi chậm, khi véo von thánh thót khi rên rỉ tỉ tê. “Long lanh một ánh chiều tà. Sông xanh giăng lưới mượt mà liêu xiêu. Em tôi nhún bước qua chiều. Băng qua khói lửa phiêu diêu cõi trời. Sót rơi còn chị trên đời. Gọi em nghe tiếng dẫn lời chị sang. Đến nơi mây trắng nắng vàng. Chị em ta lại dung dăng đưa đò”.

Chiều sẫm thêm. Sông dập duềnh khói. Khói vẽ sao trên trời. Sao chụm thành chùm rực rỡ. Rồi rơi. Đẹp quá chị ơi. Nằm im, pháo sáng đấy. Sao đang rơi, em phải nhặt một ngôi. Nhặt cái con khỉ, nằm im. Thế thì phí lắm. Con bé lao về phía chùm sao đang rơi. Chinh lao theo, vồ lấy con bé, bế nó xuống hầm. Một đứa, hai đứa… bảy, tám, chín đứa cả lớn cả bé, Chinh vừa bế, vừa quát, vừa nịnh chúng mới chịu chui vào nơi trú ẩn. Pháo sáng vẫn thả xuống thành chùm đỏ rực. Bế đứa cuối cùng vào hầm, Chinh quay lại kéo thuyền đi tiếp, đánh lạc hướng pháo. Thuyền vừa chui ra khỏi tán bần thì cột khói đen thẫm lùng nhùng chui lên cùng tiếng nổ nghiêng trời. Chinh tan vào khói, vạt áo bà ba văng lên trời, một mảnh khăn rằn gói đầy tóc và máu văng xuống sông, nước bắn lên tung tóe.

Nước bắn vào mắt Huệ. Huệ rùng mình sợ hãi, hét lên. Mẹ ơi cứu con. Huệ cố gào nhưng tiếng kêu không thoát khỏi cổ. Con sợ lắm mẹ ơi. Sư cha chị, sao lại sợ dì, dì đang ở cạnh con rồi, con nhìn đằng kia, thấy ngôi nhà trong cột khói không, nhà của dì đấy, nhà dì cũng là nhà con. Mẹ ơi cứu con. Huệ gắng hết sức gọi mẹ. Mẹ nhìn Huệ không nói, đôi mắt sâu hun hút. Nước mắt Huệ giàn giụa, Huệ gắng nhìn theo ánh nhìn của mẹ, ánh nhìn đầy nước, nước vẽ hình cột khói đen thẫm, tiếng mẹ rõ dần. Dì Chinh đẹp lắm, lúc ông cạo đầu bôi vôi đuổi ra khỏi nhà dì vẫn đẹp. Dì quỳ dưới chân ông bảo, con đi thì khuất mắt thầy, nhưng thầy sẽ nhớ con đấy, con để lại giọt máu nhờ chị Minh giữ, khi nào thầy nhớ con thì bảo chị ấy đưa đến, thầy đừng đau lòng vì con, để dành đau cái gì đáng đau cơ. Dì đi theo chú Mấn. Lần cuối mẹ nhận được thư, dì bảo đang mở lối cho người khác đi, mỗi người đi qua, dì đều nói với họ “nếu có gặp anh Mấn, nhắn giúp Chinh đang chờ ở đây nhé, sông Bình, núi Lếnh, chỗ không cần cầu vẫn qua, không cần bước vẫn tới”. Con phải tìm được dì, dì có cái răng khểnh như con ấy, má lúm đồng tiền bên trái, đeo khuyên tai bên phải, khuyên tai hình trăng khuyết, bằng bạc, giống cái khuyên tai con đang đeo bên trái ấy. Mẹ xâu lỗ tai cho dì bằng kim khâu, một bên sưng rồi mưng mủ, khi vết sưng lành, chỗ xâu kim tịt lại, dì không xâu lại nữa, bảo em chỉ làm một lần, không được thì thôi. Tai bấm một bên còn bên kia để mai này xuống âm ti đỉa nó bấm giúp, mà đeo một bên cũng đẹp đấy chứ. Vậy là cái khuyên tai bên trái mẹ giữ lại, sau này mẹ đeo cho con. Con nhớ nhé, một bên khuyên tai của con ở chỗ dì Chinh, con nhớ đi tìm dì, nếu được, con đưa dì về làng, nằm bên cạnh mẹ, hoặc ít ra, dẫn lối dì về thăm quê. Không có con dẫn đường dì không đi qua được gốc đa đầu làng, gốc đa làng mình cấm những người con gái bị gọt đầu bôi vôi trở về, nhưng con là bùa giải của dì, con nghe rõ chưa, chỉ con mới đưa được dì về. Mẹ nói một hơi dài không nghỉ, Huệ ngạt thở, cố gắng chui đầu ra khỏi cột khói, vươn ngực để thở nhưng Huệ vươn lên thì cành đa lại đè xuống.

Cô Tuynh vừa nhảy chung quanh Huệ vừa hát, tiếng hát trong vắt. Này em gái, này em gái, cầm chắc mái chèo, ngược chiều gió thổi, ngược dòng nước trôi, nhiều người đang đợi, ở ngay chân núi, cúi xuống là hoa, ngẩng lên là lá, sau lá là đường, đường ra chiến trường, có người em thương, có người em thương, có người thương em, thương em… Tiếng hát đầy nước, mặn và chát. Nến lập lòe. Trăng chui ra khỏi đám mây đen. Cô Tuynh ném về phía Huệ một vốc muối, vài hạt văng vào môi Huệ, mặn thắt lưỡi. Lưỡi gắng cuộn thành tiếng kêu cứu.

– Cứu con với, mẹ ơi.

– Con gái ơi, cô canh giữ cho cả làng Bình Di qua cơn bão lửa được, sao mà không che chở con được, ngốc ơi.

Có ai ở đây không. Cứu tôi với. Huệ cố nhớ lại trước khi đến nhà cô Tuynh, mình có thông tin cho ai biết không. Nghề của Huệ đầy bất trắc nên trước khi đi đâu cô thường báo cho ai đó. Cô cố gắng nhớ. Cái điện thoại trong túi xách, túi xách ở đâu Huệ không thấy. Cô cố nhớ trước khi đi, có nói với bạn chung phòng là đi công tác ở miền nam, xong việc sẽ đi thăm người quen. Mình không nói với ai về người quen này, về cô Tuynh, vì mình chưa gặp bao giờ, chỉ là dòng địa chỉ mẹ để lại. Mẹ bảo cách đây hơn chục năm mẹ có dò la được tin tức, biết dì Chinh cùng đội cô Tuynh, cả đội mười tám người chỉ mình cô Tuynh sống sót, cô không về quê, không lấy chồng, ở lại làng Bình Di, gần bến sông nơi các cô làm giao liên. Mẹ đã hẹn thu xếp vào thăm cô, nghe cô kể về những ngày cuối của dì, nếu có thể, tìm chỗ dì yên nghỉ để đón về quê, hoặc ít ra cũng ghi dấu để con cháu biết lối tìm, nhưng mẹ không đủ sức đi. Với mẹ, dì Chinh là em gái, là khúc ruột kế tiếp mẹ trong bụng bà ngoại. Còn với Huệ, dì chỉ có trong ý nghĩ, trong những câu chuyện mẹ kể không đầu không cuối. Đôi lúc Huệ thấy phiền toái, những câu chuyện về dì Chinh khiến Huệ điên đầu, nhất là những khi Huệ đang cần yên tĩnh. Đôi khi Huệ mắc lỗi, ai chẳng mắc lỗi, nhưng lần nào mẹ cũng mang dì Chinh ra ne nẹt Huệ, “cái chôn bát này, dì mày rửa không bao giờ còn tí ngờn mỡ nào”, “phơi cái khăn mặt thì phơi cho tử tế, dì mày phơi là còn túm hai đầu khăn so cho bằng chằn chặn cơ”, “dì mày trải chiếu thì chả bao giờ có sợi cói nào bị vẹo”, có lần Huệ đã thét lên, “mẹ hoang tưởng đấy à, suốt ngày mang một hồn ma ra bắt con theo, còn lâu con mới bắt chước những thứ con chưa từng nhìn thấy”. Sau này lớn lên rồi đi làm, mỗi lần nghĩ đến mẹ, Huệ lại tự nhủ, chẳng lẽ vì câu nói ấy mà sau này, mẹ thắc thỏm không yên, nhất định đòi Huệ hứa cho bằng được là sẽ đi tìm dì Chinh, sẽ tìm cô Tuynh để hỏi chuyện về dì rồi chép lại đặt lên ban thờ cho mẹ đọc dần. Chỉ đến khi mẹ nghe Huệ hứa rành rọt “con sẽ gặp cô Tuynh, con sẽ đi tìm dì Chinh, con hứa, nhất định con sẽ đi tìm”, mẹ mới chịu nhắm mắt, giải thoát mình khỏi những cơn đau vật vã vì những tế bào ung thư hành hạ khắp cơ thể. “Con hứa…” Huệ nghe thấy tiếng nói của chính mình từ đâu đó vẳng đến, cô khóc nấc lên, buông xuôi. Tiếng mẹ vẳng lại yếu ớt, con nói với dì là ông rất đau lòng, đó là nỗi đau lớn nhất đời ông. Tiếng mẹ lẫn vào tiếng sóng chìm sâu xuống đáy sông. Chung quanh Huệ là kén nước trong suốt, kén nước bện bằng vô số sợi trăng, ám mùi khói trầm ngan ngát. Huệ đi theo mẹ, chân trần gót hồng bước nhẹ trên vô số búp đa nhọn, vài búp non châm vào chân Huệ đau nhói nhưng cô không dừng lại.

Đi đi em, chị đốt đuốc cho em rồi đây, em nhìn được đường không. Cô Tuynh cầm nắm hương cháy bùng bùng và nhảy múa, những vệt lửa vẽ lên trời vô số hình thù kỳ dị. Quãng sông này sâu nhưng hai bên nhiều cây rậm, chẳng ai nhìn thấy được dù có rọi cả trời pháo sáng. Ai liều mới dám đi. Chị trót hẹn với anh Cầm, em đổi chuyến cho chị nhé, rồi chị sẽ bù cho. Gì chứ cắt cánh hoa khô thành tên người yêu ép vào sổ thì chị làm thừa sức, dán cả vào mặt trong của chai thuỷ tinh chị cũng dán được nhé. Cánh hoa này to, chị cắt tên hai đứa trên một cánh hoa nhé, rồi dán trong ruột chai này nhé, chai sáu lăm trắng tinh như này thì ai mà không nhìn rõ. Rồi chàng đang hành quân đâu đó, dừng chân uống nước ở một bến sông nào, nhìn thấy mà vớt lên, ôi, chỉ tưởng tượng thôi chị đã thấy ngất ngây lắm rồi. Chị mong cái ngày hai đứa gặp nhau quá, còn chị thì hên lắm rồi, chị đã tìm được anh ấy, lại chọn được chỗ dừng chân không xa anh ấy bao nhiêu, hôm nay nhất định chị sẽ kiếm gì bỏ bụng cho mà xem, rồi mấy đứa sau này làm mẹ chung với chị nhá. Em bảo, chả cho chung chồng lại xui chung con, rồi cười ngất ngư. Chị bảo chung gì thì chung nhất định không chung chồng, thế mà cũng dỗi cơ chứ, còn nhảy tùm xuống sông bơi một hồi mang về cho chị mớ củ sen, bảo hầm lên đêm mà ăn cho lại sức. Em chỉ đùa chị thôi, hôm sau anh nhà em về, nhất định chị phải nhường góc buồng này cho em. Ừ thì chị nhường hết. Nhường cả cái đêm ấy, anh có về với chị đâu, lúc em đi ngược thì anh đi xuôi, rồi bom nó dội ở quãng sông này, dòng sông đỏ ngầu như ngọn lửa này, lửa chảy trên sông này. Em nhìn thấy không, lửa chảy trên sông Bình đây này, chảy đi đâu không biết, em đi theo xem sao nhé, có con bé dẫn đường xinh lắm, mà giống em y hệt cơ. Cháu gái giống dì như đúc kìa, cái mắt này, cái môi này, cái lúm đống tiền này, em đi cùng nó mà xem lửa sông Bình cháy đến đâu.

Cô Tuynh vừa nhảy vừa nói, ngọn lửa trên tay cô không ngừng vẽ vào đêm, càng lúc càng nhanh và dữ dội hơn, ghé sát đến Huệ hơn. Khuôn mặt cô Tuynh đỏ rực như lửa. Các ngọn lửa trong tay cô Tuynh tách ra, đan vào các kẽ ngón rồi chụm lại, tách ra, chụm lại, toàn thân cô thành một ngọn lửa rực rỡ, những đường nét người loang nhòe, vẹo vọ, chụm vào, giãn ra thành một ô cửa, ô cửa mở rộng thành khuôn vừa khít hình vóc Huệ. Huệ nhìn đăm đắm vào đó, cánh cổng đi về phía Huệ, trùm lên Huệ, lướt qua Huệ. Huệ nhìn ngọn lửa bập bùng trước mặt, ngọn lửa cháy trên dòng sông, chìm xuống đáy sông, loang về phía núi, dồn thành cột khói đen thẫm, cột khói chìm dần, người con gái ngồi ở mui thuyền, gập mình chèo, hay tay vung ra rồi chụm lại, con thuyền trôi đi, tiếng nói cười rì rầm loang ra chụm lại. Thuyền chui dưới những hàng cây bần, tiếng mái chèo gạt nước, tiếng cô Tuynh lanh lảnh: Thẳng đường này nhé, cứ dưới tán bần mà đi, đằng kia có cây cổ thụ nghiêng ra quá nửa sông, chỉ mất vài phút lướt qua khoảng trống, bờ bên kia lại có cây to che bóng rồi, cẩn trọng nhé. Nhớ để ý bầu trời, nhiều sao đang rơi thì đừng bơi ra khoảng trống, nhớ không. Em đi chị nhé, chị yên tâm, em biết cách mà. Thuyền trôi đi, những người lính đeo đầy người các thứ lô nhô khấp khểnh khiến con thuyền trĩu xuống, cô gái trẻ đổ rạp người đẩy mái chèo. Nước vỗ mạn thuyền óc ách, vài cụm lục bình nghiêng mình chào đón. Cô gái buông mái chèo nhìn trời nước mênh mông, gỡ cái nón đội đầu ra múc nước sông lên uống, nước sông thơm mùi sữa mẹ. Huệ rút cái khăn mầu đỏ thấm vào nước, lau vệt vôi trắng trên đầu cô gái, lau đến đâu, tóc cô dài đến đó, dài và xanh như cánh niềng niễng.

Huệ nhận ra ngã ba sông Đáy nhờ con chim chả hóa đá, cô khẽ reo, con về rồi mẹ ơi, con về rồi. Vừa nói cô vừa quăng lên trời tấm khăn đỏ còn lấm vết vôi, gió cuốn tấm khăn lên trời, mắc vào ngọn đa. Huệ không nhìn thấy tấm khăn nữa, con thuyền vun vút lao đi, Huệ gắng sức đuổi theo nhưng không kịp, cô hét lên “Đợi con với”, tiếng hét chạm vào núi, chạm vào nước, chạm vào lửa, vẳng lại, xoáy vào tai Huệ.

Cô Tuynh khoanh chân nhìn những đốm lửa tàn dần trên bó hương cắm giữa bãi sông, vài tàn hương không rụng, cuộn tròn trên đầu đốm lửa. Huệ nhìn thấy trán cô lấm tấm mồ hôi, cô tung đĩa muối gạo xuống sông rồi bảo Huệ:

– Về đi con, tối nay ngủ lại đây với cô nhá, nhớ đường sau này vào đây công tác thì cứ về nhà cô mà ở, nhá.

– Con cảm ơn cô!

Hai cô cháu bước thấp, bước cao qua cánh đồng rộng mênh mông. Vừa đi, cô Tuynh vừa ngoái đầu nhìn lại. Huệ đi vài bước lại phải dừng đợi. Cô Tuynh bước chậm chạp vẹo vọ, qua vũng nước cô trượt chân suýt ngã dúi xuống. Huệ tháo giày bỏ vào túi xách, đeo lên vai, chùng chân xuống bảo “cô để con cõng cô về”. Nghe tiếng thở yếu ớt trên vai mình, Huệ nhớ đến hơi thở của mẹ những ngày cuối cùng. Nước mắt trào ra, nóng hổi. Trăng rải xuống sông Bình những mắt lưới hình sóng nước.

VŨ THANH LỊCH

Xem thêm:
  • Chùm thơ Hồ Hữu Tuấn ở Đắk Nông
  • Báo chí – Mạng xã hội & Sự thật
  • Thơ Đỗ Trung Lai và những cảm thức về mùa thu…
  • Bản mệnh thơ Bùi Giáng
  • Dịch văn học là cống hiến thẳm sâu

Từ khóa » Con Giang Chiều Là Con Gì