Truyện Ngụ Ngôn Là Gì?

601 Mục lục ẩn 1. Khái niệm Truyện ngụ ngôn 2. Nội dung của truyện ngụ ngôn 3. Nghệ thuật truyện ngụ ngôn

1. Khái niệm Truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn là một loại truyện ngụ ý, thường mượn nhân vật loài vật, đồ vật để ám chỉ con người, nhằm nêu lên một bài học luân lí, triết lí hay một kinh nghiệm sống.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng truyện ngụ ngôn hoàn toàn thuộc lĩnh vực văn chương bác học. Một số lại khẳng định nguồn gốc ngoại lai của truyện ngụ ngôn Việt Nam. Bởi thực ra có khá nhiều truyện ngụ ngôn Ấn Độ vào nước ta từ đầu công nguyên cùng với đạo Phật như: Mèo lại hoàn mèo, Bốn anh xẩm sờ voi, Con quạ với đàn tép… Lại có một số truyện đi vào nước ta theo con đường văn học Hán, văn học Chăm và văn học Khơme: Ôm cây đợi thỏ của Hàn Tử Phi, Kéo cây lúa lên cho chóng lớn của Mạnh Tử… Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai thì chúng ta cũng đã tự mình hình thành nên thể loại này từ chính các thể loại của văn học dân gian: cổ tích loài vật, ca dao…

2. Nội dung của truyện ngụ ngôn

a. Truyện ngụ ngôn phản ánh cuộc đấu tranh xã hội:

Truyện ngụ ngôn thường đi vào thế giới loài vật. Nhưng hình ảnh của thế giới thực tại mà truyện muốn thể hiện một cách bóng gió là các quy luật đang ngự trị con người. Cuộc đấu tranh giữa tầng lớp thống trị và bị trị trong xã hội phong kiến thể hiện rất rõ ở truyện ngụ ngôn. Con cọp bị thương, Chèo Bẻo và Ác Là, Con Hổ ăn chay… là những tác phẩm đã thể hiện rõ xung đột mang tính xã hội ấy. Trong truyện Con cọp bị thương, con hổ là hình ảnh ẩn dụ cho bọn thống trị. Nó bị thương, vết thương lở loét, bốc mùi khắp hang. Khi Cò đến thăm, vì không giấu được cảm giác khó chịu thật sự của mình trước mùi thối đó nên nó bị đánh vì xúc phạm đến quân vương. Chuột vào thăm, rút kinh nghiệm đã cố mà khen thơm nhưng vẫn bị đánh vì tội nịnh hót. Con Cáo vào sau cùng, lém lỉnh cho là mình bị ngạt mũi không ngửi thấy gì cả. Nhưng nó cũng bị đánh vì tội giả dối. Kết cục khác nhau của các con vật cho thấy một sự thật của xã hội: chân lí luôn thuộc về kẻ mạnh.

b. Truyện ngụ ngôn nêu những bài học triết lí ứng xử, kinh nghiệm sống sâu sắc:

Đây là nội dung chính của truyện ngụ ngôn. Đằng sau mỗi một câu chuyện là một bài học mang tính triết lí sâu sắc. Truyện đã dẫn con người đi đến nhận thức đúng đắn bằng cách nêu lên những tai hại do nhận thức sai lầm gây ra. Cách chứng minh bằng phản chứng độc đáo ấy đã giúp bài học đến với người nghe thật tự nhiên. Tác phẩm Mèo lại hoàn mèo kể lại thật tự nhiên câu chuyện đổi tên của con mèo. Sau câu chuyện thay tên luẩn quẩn ấy là những nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, hiện tượng và bản chất. Qua câu chuyện, người bình dân muốn gá gửi đến một triết lí: đừng lầm tưởng rằng chỉ cần thay đổi tên gọi mà đánh tráo được bản chất của sự vật hiện tượng

3. Nghệ thuật truyện ngụ ngôn

Nhân vật chính trong truyện ngụ ngôn thường là loài vật nhưng nó không nhằm kể chuyện về loài vật mà chỉ mượn loài vật để nói về con người và xã hội loài người. “Dù thế nào, ngụ ngôn cũng chuyên riêng về những loài cầm thú, côn trùng, lấy các loài ấy làm chủ động cho đóng các vai mà ra trò” (Nguyễn Văn Ngọc, Đông Tây ngụ ngôn).

Trong truyện cổ tích, xung đột tiêu biểu là xung đột giữa cái tốt với cái xấu, thiện với ác thể hiện ở hành động của nhân vật. Xung đột tiêu biểu của truyện ngụ ngôn là xung đột giữa đúng và sai, giữa chân lí và nguỵ lí. Xung đột này biểu hiện ở lí lẽ hành động, ở triết lí ứng xử của nhân vật (tức là xung đột nằm phía sau hành động của nhân vật). Vì vậy những xung đột ở truyện ngụ ngôn chỉ có ở một nhân vật và nhân vật này chẳng gặp trở lực nào của hoàn cảnh. Ngay ở những truyện nhân vật có quan hệ thù nghịch với nhau thì xung đột chủ yếu vẫn là ở lí lẽ hành động. Có lúc xung đột trong truyện ngụ ngôn được biểu hiện ở xung đột giữa tác giả với nhân vật trong truyện.

Kết cấu ngụ ngôn ngắn gọn như một màn kịch. Truyện có nhân vật, có tình huống, hành động và lời thoại… Theo La Phôngten, truyện ngụ ngôn gồm hai phần: phần xác và phần hồn. Phần xác là câu chuyện kể, phần hồn là điều răn dạy. Thường thì điều răn dạy chỉ ngụ vào câu chuyện kể như hồn ngụ vào xác nhưng cũng có khi nó được biểu hiện ra bằng lời. Với truyện Thầy bói xem voi, điều răn dạy được giấu đi chứ không hiển hiện tường minh. Nhưng thông qua hành động của những ông thầy bói, người đọc vẫn nhận ra được một bài học liên quan đến con đường nhận thức, đó là không nên xem xét sự vật một chiều mà nên xem nó trong tính chỉnh thể, trong mối tương quan giữa các yếu tố làm nên sự vật hiện tượng.

(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 1)

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Tục ngữ là gì? Nguồn gốc, nội dung, đặc điểm thi pháp
  2. Văn học dân gian là gì? Khái quát văn học dân gian Việt Nam
  3. Truyện cười là gì? Phân loại, nội dung, đặc điểm thi pháp
  4. Ca dao – Dân ca là gì?
Văn họcVăn học dân gian

Từ khóa » Truyện Ngụ Ngôn Là J