Truyền Thống Trọng Lão Của Người Việt - Báo Thái Bình điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Thuở trước, theo tục lệ phổ biến, khi bước sang tuổi 50 là lên lão. Con cháu trong gia đình tổ chức lễ mừng thọ tại nhà, sau đó biện lễ ra đình tế thành hoàng rồi chia phần biếu các chức sắc trong làng gọi là lệ khao lão. Người nào đã thực hiện lệ khao lão xong được miễn mọi sự đóng góp và các công việc tạp dịch, được cả làng trọng vọng. Khi làng có đám thì được ngồi theo thứ bậc tuổi tác do làng quy định. Các triều đại phong kiến Việt Nam cũng đặt ra điển lệ yến lão từ rất sớm. Đó là việc vua ban lụa, ban áo cho người già trong cả nước. Hội kỳ lão do các bậc hưu quan có danh cao vọng trọng đứng đầu luôn được triều đình coi trọng. Hội nghị Diên Hồng do triều đình nhà Trần tổ chức để xin ý kiến về việc chống giặc Nguyên - Mông là một trong những minh chứng về ý thức đề cao vị thế người cao tuổi của nhà nước phong kiến. Dưới triều Nguyễn, theo chỉ dụ của triều đình, hàng năm các tỉnh chọn một ngày tốt lành vào dịp đầu xuân để tổ chức một bữa tiệc mừng thọ người cao tuổi. Sử sách lưu truyền, tại kinh thành Thăng Long, đình Yến Lão được xây dựng gần điện Kính Thiên (nằm ở đầu đường Điện Biên Phủ ngày nay). Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng hai âm lịch, triều đình chọn một ngày ban Yến Lão. Vào ngày đó, các bậc phụ lão ở những phủ huyện cận kề kinh thành được quan sở tại đưa vào điện Kính Thiên làm lễ bái mạng. Theo điển lệ quy định, các cụ già không phải quỳ lạy, chỉ cần đứng vái ba vái sau đó quan khâm mạng tuyên đọc sắc chỉ của nhà vua mang ý nghĩa tôn trọng và khẳng định vị thế người già cả. Tiếp đó, các cụ được đưa sang đình Yến Lão để dự tiệc và thụ lộc vua. Theo lệ, cứ bốn cụ cùng tuổi ngồi một chỗ, cùng nhau uống rượu, trò chuyện. Thường thì các cụ chỉ uống rượu suông. Thức ăn, hoa quả, bánh trái cùng tiền, lụa vua ban các cụ chia nhau mang về cho con cháu trong gia đình được chung hưởng. Sau bữa tiệc, các cụ trở lại điện Kính Thiên bái tạ rồi ra về.
Theo tâm thức "họ trọng hàng, làng trọng xỉ" (ở họ tôn trọng thế thứ, ở làng tôn trọng tuổi tác), trong hương ước của các làng xã ở Thái Bình trước năm 1945 thường quy định khá chi tiết về lệ lên lão, khao lão và mừng thọ. Ở mục ngôi thứ trong làng thường quy định những người đã vọng lão ngồi theo thứ tự từ trên xuống dưới theo độ tuổi. Đương nhiên, cũng có làng xếp đặt ngôi thứ theo tâm thức "họ trọng hàng, làng trọng tước" (ở họ tôn trọng thế thứ, ở làng tôn trọng tước vị). Xin nêu một vài ví dụ: Hương ước làng Đông Vinh, nay thuộc xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư quy định ngôi thứ ngồi ở đình được chia làm 3 ban: Ban chức dịch ngồi ở bệ bên Đông; chiếu ngồi dùng chiếu hoa mà ban này chia làm 3 ban chiếu trên nhất thì chức sắc khoa mục và người làm việc hàng tổng trở lên. Chiếu thứ hai thì chánh phó hương hội, nhất nhị trường chí khóa sinh, tân cựu lý trưởng, hương thôn, chưởng bạ, hương bá hương hào. Chiếu thứ ba thì tân cựu phó lý, thư ký, hộ lại, tuyển sinh. Ban kỳ lão ngồi ở ban giữa, chiếu dùng chiếu hoa và cũng chia làm 3 chiếu. Chiếu thứ nhất ông lão chức sắc. Chiếu thứ nhì ông lão hạng chánh phó hương hội đến ông lão hạng tuyển sinh, hễ ông nào 70 tuổi trở lên chiếu nhì. Ông lão dân phu 60 tuổi trở lên ra đình cũng được ngồi chiếu thứ ba. Ban viên dịch, tráng hạng ngồi ở gian bệ bên Tây; chiếu ngồi bằng chiếu thường cũng chia làm 3 chiếu. Chiếu thứ nhất tân cựu binh, tân cựu xã đoàn và phó lý mua. Chiếu thứ hai quan lộ hương nhiêu. Chiếu thứ ba trương tuần, hương xã, khán thủ, người trúng sơ học yếu lược.
Hương ước thôn Trung Kinh, nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương quy định: "Cụ nào đến 60 tuổi thì làng biếu áo là, đến 70 tuổi thì biếu áo lụa, đến 80 tuổi thì biếu áo lương, đến 90 tuổi thì biếu áo vóc, mũ vóc, đến 100 tuổi thì biếu áo gấm mũ gấm, còn cụ nào thọ hơn nữa thì cứ mỗi năm làng biếu thêm 5 đồng. Mỗi năm cứ đến ngày 10 tháng Giêng là ngày tế ký an. Cụ nào được đến tuần biếu áo thì rước các cụ ra đình lễ thần rồi lĩnh áo".
Ảnh: Thanh Huyền
Hương ước làng Phụng Thượng, nay thuộc xã Vũ An, huyện Kiến Xương quy định về lệ kính lão: "Người trong làng tuổi đã đến lão dân cũng nghị một khoản kính lão để kính tuổi. Ông lão từ 50 tuổi trở lên được trừ tạp dịch, đến 60 tuổi thì có lệ vọng, quan viên hạng nhất mỗi viên 4 đồng; hạng nhì, hạng ba, hạng tư mỗi viên 3 đồng; hạng nhiêu phu tráng đồng. Làng cắt mỗi giáp một ông quan rước lễ viên đến nhà mừng lão, lễ mừng lão hạng xã nhiêu trở lên một bánh pháo, 30 quả cau, hãng nhiêu phu trở xuống 1 bánh pháo, 10 quả cau. Đến 70 tuổi đồng dân hội tề, thứ dân đinh rước lễ một đôi câu đối, một phong pháo, 30 quả cau đến nhà mừng thọ. Đến 80 tuổi dân hội tế huynh, thứ dân đinh rước lễ một câu đối vóc, 1 phong pháo, 50 quả cau đến nhà mừng thọ. Đến 90 tuổi dân mừng 1 câu đối vóc, 3 đồng, 1 bánh pháo, 100 quả cau hội từ kỳ lý đến nhà mừng thọ. Trăm tuổi, cắt mỗi giáp 1 quan viên đến ngày mùng 2 tết đưa lễ đến nhà mừng trước 10,50 đồng; đến ngày mừng lão thời dân biện lễ 5 đồng một câu đối thêu, 1 bánh pháo, 1 buồng cau đến nhà bái tuế. Lão bà đến 80 tuổi, dân có lễ mừng, lão bà xã nhiêu trở lên 1 bánh pháo, 30 quả cau; lão bà nhiêu phu trở xuống 1 bánh pháo, 10 quả cau, tùy nghi cắt cử quan viên đến nhà mừng thọ. Lão bà 90 tuổi theo lễ mừng lão ông 80 tuổi, lão bà 100 tuổi theo lễ mừng lão ông 90 tuổi. Kính lão là như thế, khoáng khiếm thì già không để tuổi cho".
Hương ước thôn Đồng Tỉnh, nay thuộc xã Thăng Long, huyện Đông Hưng quy định ngôi thứ trong đình chia làm 4 bàn: bàn nhất là bàn các cụ lão, chánh phó tổng, chức sắc; bàn nhì là bàn chánh phó hội, Lý trưởng nhất nhị trường khóa sinh tốt nghiệp; bàn ba là thư ký, thủ quỹ, xã đoàn tuyến sinh và các viên tử; bàn bốn là hạng giai.
Hương ước xã Tam Đồng, nay thuộc xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải quy định quân cấp công điền: "Người đến 61 tuổi thì phải giả phần ruộng công điền cho làng và không phải nộp sưu nữa. Người ấy làng sẽ biếu ruộng lão điền. Người nào chưa đến 61 tuổi mà không may quá cố thì làng cũng để nguyên ruộng cho đến hết tang rồi mới lấy ra".
Hương ước làng Phú Lãng Hữu, nay thuộc xã Tây Đô, huyện Hưng Hà hương ước của làng, biên soạn năm 1936 gồm 20 tiểu tiết, nói về các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của làng. trong số đó, quy định về hội lão: "Nguyên từ trước vẫn có hội lão, gọi là Hội Kỳ Anh. Hễ trong làng ai đến 57 tuổi thời vào hội lão phải nộp 1,50 đồng. Người nhất giáp nộp cho nhất giáp, người thất giáp nộp cho thất giáp. Đến 60 tuổi lại phải nộp cho công dân 2 đồng. Cứ 12 tháng Giêng hay 12 tháng Chạp hay 12 tháng 7 phải nộp. Thời từ 60 tuổi trở lên, dân cấp cho mỗi người 3 sào ruộng công điền để mà dưỡng lão, đến khi chết dân mới lấy ra để quân cấp cho đinh…".
Kế thừa và phát huy truyền thống trọng lão của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vị thế của người cao tuổi. Để tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi các cụ phụ lão. Đây là một trong những áng văn xuôi bất hủ của Người, vừa khẳng định vị thế của phụ lão vừa là lời hiệu triệu các bậc cao niên cả nước nêu gương cho muôn dân đoàn kết giữ vững nền độc lập nước nhà.
Càng về những năm gần đây, sự nghiệp chăm sóc người cao tuổi và tục mừng thọ đầu năm càng được toàn xã hội quan tâm, chăm lo. Đó là nét đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thanh(Vũ Quý, Kiến Xương)
Từ khóa » Các Bậc Lão Niên
-
Lễ Mừng Thượng Thọ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đôi điều Về Tục, Lễ Truyền Thống Dành Cho Các Bậc Cao Niên
-
Yến Lão - Mot Tram Dieu Nen Biet Ve Phong Tuc Viet Nam
-
Sự Học ở… Bậc Lão Niên - Báo Phụ Nữ
-
Rộn Ràng Lễ đại Yến Lão Mừng Thọ Các Bậc Cao Niên, Nét đẹp đầu Xuân
-
Mừng Thọ đầu Xuân - Tin Tức Khác - UBND Huyện Thường Tín
-
Lễ Mừng Thọ đầu Xuân - Báo Nghệ An
-
Top 15 Lời Chúc Thọ Người Cao Tuổi Hay Và ý Nghĩa Nhất | VOV2.VN
-
Ấm Lòng Bậc Cao Niên - Báo Yên Bái
-
Tổ Chức Mừng Thọ Cho Các Bậc Cao Niên
-
Giáo Xứ Hà Nội: Chúc Thọ Quý Cụ Cao Niên - TGP SÀI GÒN
-
Mừng Thọ Các Bậc Lão Niên - Nét đẹp Bản Sắc Văn ... - UBND QUẬN 11