Truyền Thuyết Cá Chép Hóa Rồng: Không Trầy Da Tróc Vẩy Sao Có Thể ...

Ngày nay, cá chép được nhiều người ưa chuộng để nuôi trong nhà, người ta tin rằng cá chép là biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc, ngoài ra cá chép còn mang nhiều hàm nghĩa sâu sắc, cũng như thể hiện đức tính kiên trì, vượt lên chính mình và là loài cá cao quý. Ngoài ra câu chuyện về cá Chép còn bắt nguồn từ một truyền thuyết rất xa xưa.

Cá Chép hóa rồng.
Cá Chép hóa rồng. (Ảnh qua ĐKN)

Câu chuyện cá Chép hóa Rồng

Tương truyền năm xưa trên mảnh đất Thần Châu, có một con sông linh thiêng tên Hoàng Hà, ở phía trung du Hoàng Hà có một ngọn núi tên Long Môn, nghĩa là ‘‘Cửa rồng’’. 

Ngọn núi này cũng có một câu chuyện về nó, rằng năm xưa khi Đại Vũ trị thủy xẻ núi cho nước chảy xuyên qua khe đá, đã vô tình tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ. Ngọn núi cao chót vót dựng thẳng đứng, nước sông Hoàng Hà mỗi khi đổ xuống tạo thành con thác mạnh mẽ ào ạt, bất kỳ con cá nào cũng khó lòng mà bơi ngược dòng lên được.

Một năm nọ, Thần Châu hạn hán liên miên vì số rồng tạo mưa quá ít. Ngọc Hoàng thượng đế bèn tổ chức một cuộc thi “hóa rồng” cho các loài vật biển, nhằm chọn ra một con vật xứng đáng hóa rồng, cứu người dân thoát khỏi hạn hán.

Rất nhiều sinh vật biển khi đó đều đến tham gia, cuộc thi gồm 3 cửa ải, mỗi cửa là một đợt sóng mạnh mà chỉ con vật nào thật sự có đủ tài sức mới vượt qua được.

Trong một tháng trời, không có một sinh vật biển nào vượt qua nỗi, có con chỉ mới vượt qua 1 cửa, đến cửa thứ 2 thì trượt, có con chỉ mới nhìn thấy Long Môn cao chót vót thì lập tức bỏ cuộc.

Trong đó có một tôm đã vượt được 2 đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi gần như hóa rồng nhưng đến cửa thứ 3 thì rớt xuống, do vậy mà ngày nay người ta thấy con tôm có lưng cong lại.

Đến lượt một con cá chép vào thi, lúc này gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Thế nhưng cá Chép vẫn mạnh mẽ vượt qua, một hồi là qua cả 3 ải, toàn thân cá Chép dần lột xác từ vảy, râu, sừng, đuôi mọc ra, hóa thành con rồng có vóc dáng to lớn oai phong lẫm liệt.

Sau khi hóa Rồng, cá Chép bay lượn trên không.
Sau khi hóa Rồng, cá Chép bay lượn trên không. (Ảnh qua nhadatnhanh.vn)

Sau khi hóa Rồng, cá Chép bay lượn trên không, há miệng phun nước làm cho gió táp mưa sa, nước mưa rải xuống nhân gian tới đâu, vạn vật hồi sinh đến đó, quả thật là một cảnh tượng hùng tráng, muôn loài đều ngưỡng mộ.

Kể từ khi chứng kiến cá Chép hóa rồng, rất nhiều con cá Chép khác cũng đến Vũ Môn để thử sức, thế nhưng dù cố đến trầy da tróc vảy vẫn không thể vượt qua.

Đàn cá Chép thấy bất mãn bèn kéo đến tìm vua Thủy Tề xin hạ thấp Vũ Môn xuống, vua Thủy Tề sau một hồi lắng nghe thì gật đầu đồng ý.

Đàn cá Chép sau khi thấy Vũ Môn được hạ xuống thì dễ dàng vượt qua, toàn bộ đều hóa rồng. Ban đầu chúng rất vui sướng vì đã thỏa ước nguyện, nhưng sau một thời gian, cá Chép cảm thấy tẻ nhạt, chúng tự hỏi rốt cuộc “làm rồng hay làm cá chép có gì khác nhau?”

Đàn cá Chép sau khi thấy Vũ Môn được hạ xuống thì dễ dàng vượt qua, toàn bộ đều hóa rồng.
Đàn cá Chép sau khi thấy Vũ Môn được hạ xuống thì dễ dàng vượt qua, toàn bộ đều hóa rồng. (Ảnh qua sackim.com)

Đàn cá Chép một lần nữa tìm đến vua Thủy Tề để than vãn, chúng thắc mắc vì sao chúng phải nhọc sức vượt Vũ Môn để hóa rồng, mà bây giờ thành rồng rồi, có gì sung sướng hơn làm cá Chép đâu.

Vua Thủy Tề khi này cười lớn nói: “Kỳ thực trong các ngươi chưa ai trở thành rồng cả. Vũ Môn các người đã vượt qua là giả. Lẽ ra các người phải nỗ lực một phen gian khó, nâng cao tiêu chuẩn bản thân… vậy mà không những không cố gắng mà còn đến gặp ta kêu ca.

Bởi vậy ta đã che đi Vũ Môn thật và dựng lên Vũ Môn giả để các ngươi thỏa nguyện. Chứ Vũ Môn thật được tạo thành bởi linh khí của trời đất, đừng nói là ta, ngay đến Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng không hạ xuống cho các ngươi được đâu”.

“Nếu tất cả cá chép đều dễ dàng hóa thành rồng, thì ‘rồng’ rốt cuộc cũng chỉ là một tên gọi khác của loài cá chép mà thôi. Nếu các ngươi muốn biết rồng thật sự khác cá chép thế nào, thì chỉ có một cách duy nhất là bằng mọi giá vượt qua Long Môn thật. Khi đó, ai là cá ai là Rồng thì các ngươi sẽ phân biệt ra ngay”.

Ý nghĩa của Cá Chép hóa rồng

Chuyện cá Chép vượt Vũ Môn có thể hiểu theo một ý nghĩa rằng, con người muốn thăng hoa trong sinh mệnh cần phải vượt qua được cửa ải lớn nhất của đời mình chính là bản thân.

Cửa ải lớn nhất của đời người chính là bản thân.
Cửa ải lớn nhất của đời người chính là bản thân. (Ảnh qua zicxaphotos.com)

Vũ Môn ấy tượng trưng cho cánh cổng cách biệt giữa con người và bậc Giác giả, ba cửa ải gian nan mà cá Chép phải vượt qua tượng trưng trong cuộc sống, đối diện với những mất mát, đau khổ, thiệt thòi, hay lợi ích,… con người có thể dùng sự lương Thiện mà đối đãi hay không. Nếu làm được thì sẽ giống như cá Chép một ngày nào đó hóa rồng.

Còn Vũ Môn giả ấy lại tượng trưng cho tiêu chuẩn thăng hoa trong sinh mệnh là không thể hạ thấp, tất cả những vị Thần đều hiểu rõ điều đó nên cả Ngọc Hoàng cũng không thể hạ thấp Vũ Môn vì yêu cầu của đàn cá Chép.

Đàn cá Chép vì sao khi vượt qua Vũ Môn giả, hóa rồng rồi mà vẫn không thấy hạnh phúc, bởi thật sự nó chỉ đứng tại cảnh giới của mình, tâm tính nó không đạt đến như con cá Chép đã hóa rồng kia, do đó không thể cảm thụ được niềm hạnh phúc ấy.

Con cá chép hóa rồng ấy đã phải trải qua một quá trình tu dưỡng tâm tính, nó kiên trì, sẵn sàng vứt bỏ bản thân, một lòng hướng về những người dân chịu hạn hán, cái tâm của nó đã đạt đến cảnh giới đó, nên mới dễ dàng vượt qua được Vũ Môn và hóa rồng.

Tới đây có thể hiểu, vì sao ngày nay cá Chép được rất nhiều người yêu thích, chúng không chỉ là biểu tượng của sự cao quý, may mắn, thịnh vượng, mà còn mang nhiều nội hàm sâu sắc phải không nào.

Từ khóa » Cá Chép Hóa Rồng Vượt Vũ Môn