TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Ngủ Yên Lúc Này Tốt Hơn Là ăn Ngon”

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Theo ông, ngành ngân hàng cần tập trung thực hiện nhiệm vụ gì trong giai đoạn dịch và cả sau dịch?

Dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng ta đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế năm 2021 giảm chỉ còn 2,58% từ mức 2,91% của năm 2020. Năm 2020, nền kinh tế đã tăng trưởng thấp và năm 2021 còn thấp hơn, trong khi mức tăng năm 2019 trước khi dịch bệnh xảy ra là 7,02%. Đây có thể gọi là một cuộc khủng hoảng. Trong quý I/2022, kinh tế tăng trưởng 5,03% so với quý I/2021, cao hơn mức tăng của cùng kỳ (4,72%). Mặc dù vậy, số doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động trong quý đầu năm nay là 35.700 doanh nghiệp, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một hiện tượng đáng lo ngại.

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch và những khủng hoảng trên thế giới gây ra, nhiệm vụ trọng yếu của ngành ngân hàng là hỗ trợ nền kinh tế, các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vượt qua thách thức thông qua những hợp đồng tín dụng, dịch vụ và sự tư vấn. Các ngân hàng nên xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, chứ không nên quá xem trọng lợi nhuận.

Năm ngoái, các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay, dù ảnh hưởng đến biên lãi ròng (NIM), đây là một điều rất đáng quý. Năm nay, các ngân hàng cần thực hiện tốt hơn nữa, tức là sẵn sàng hy sinh lợi nhuận cho đại cuộc, cho cả nền kinh tế. Hy sinh lợi nhuận là một phần trong việc hỗ trợ nền kinh tế, bởi các ngân hàng cũng đồng thời triển khai các dịch vụ tiện ích, thuận lợi hơn cho khách hàng, hỗ trợ thực hiện một nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Thực tế, ngành ngân hàng luôn phải thực thi 2 nhiệm vụ có nhiều thời điểm ngược chiều nhau là cung ứng vốn cho nền kinh tế và kiềm chế lạm phát. Thời điểm này, doanh nghiệp cần hỗ trợ lãi suất để phục hồi, trong khi sức ép lạm phát từ bên ngoài rất lớn. Quan điểm của ông về ứng xử với câu chuyện này như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Để kiểm soát lạm phát và phát triển kinh tế, tín dụng năm nay có thể cho phép tăng trưởng ở mức 18%, lãi suất cho vay tăng bình quân 2%/năm. Có nghĩa là cho phép các ngân hàng đẩy một lượng tiền vào hệ thống nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi. Khi cho phép tín dụng tăng trưởng nhiều như thế có thể dẫn đến nhiều người đi vay để đổ tiền vào tài sản rủi ro, gây ra bong bóng, chẳng hạn ở thị trường bất động sản, còn tăng lãi suất gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 18% và lãi suất cho vay bình quân tăng 2%/năm cho năm nay là hợp lý. Quan trọng hơn, những chỉ tiêu mang tính định lượng là vấn đề quản trị rủi ro. Đây là vấn đề mà các ngân hàng cần ưu tiên hàng đầu. Lợi nhuận là chuyện sống còn, nhưng việc cho vay một cách an toàn tại thời điểm này còn quan trọng hơn. Giới tài chính của Mỹ có câu “ngủ yên lúc này tốt hơn là ăn ngon” rất phù hợp trong trường hợp này.

Một vấn đề không mới, đó là hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là lãi suất thấp, thưa ông?

Từ trước đến nay, vấn đề cho vay không chỉ là lãi suất, mà là làm sao để có những chương trình cho vay phù hợp. 98% các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số đó, theo tính toán của tôi, chỉ khoảng 25% là có thể vay vốn tại các ngân hàng. Như vậy, các ngân hàng cần có các giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, đồng thời cho vay an toàn.

Năm ngoái, tôi có đưa ra phương án xây dựng một tổ hợp tín dụng, tất cả các ngân hàng đều phải tham gia vào tổ hợp này (với tỷ lệ tham gia tương đương 3 - 3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng) dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Mục tiêu nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với các điều kiện dễ dàng, thậm chí dưới chuẩn, song được một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia bảo lãnh cho các ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó.

Câu chuyện số hoá được đặt ra trong nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, số hoá trên lĩnh vực tài chính đang thua ngay trên chính đất nhà mình?

Tôi đồng quan điểm đó, tuy nhiên, trước tiên hãy nhìn vào điểm tích cực của vấn đề ngân hàng số. Đây là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng thúc đẩy số hoá toàn diện hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các hoạt động tài chính doanh nghiệp đang dần được số hoá khi các giao dịch có thể được thực hiện qua Internet, bên cạnh đó là chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, nhận dạng điện tử…

Để kiểm soát lạm phát và phát triển kinh tế, tín dụng năm nay có thể cho phép tăng trưởng ở mức 18%, lãi suất cho vay tăng bình quân 2%/năm.

Chuyển đổi số cũng đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành ngân hàng. Ngoài sử dụng và đầu tư cho kỹ thuật số, các ngân hàng đã và đang xây dựng hệ sinh thái, trong đó kết nối với cơ quan thuế, hải quan, điện, nước, Internet, viễn thông, các doanh nghiệp và ngay cả bệnh viện, trường học, hay các cơ quan của Chính phủ. Việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng này được gọi là “one stop shopping”, có nghĩa là mua sắm được mọi thứ tại một chỗ.

Các ngân hàng bên cạnh việc cung cấp dịch vụ trên nền tảng số và xây dựng hệ sinh thái còn kết nối với các tổ chức phi ngân hàng như các công ty fintech (công nghệ tài chính) và thực tế cho thấy hệ sinh thái có các fintech là rất hữu dụng. Đặc biệt, trong khâu tín dụng, ngân hàng có thể thông qua công ty fintech để cho vay khách hàng mà trước đó không cho vay được… Rõ ràng, lợi ích mà kỹ thuật số mang lại là không bàn cãi.

Vậy nhưng, chuyển đổi số đang được thực hiện rất chậm. Chẳng hạn, trong khâu tín dụng vẫn còn nhiều ngân hàng yêu cầu khách hàng phải cung cấp báo cáo tài chính bản gốc, có chữ ký đại diện của công ty; hợp đồng tín dụng phải ký tay; nhiều hợp đồng thế chấp phải được công chứng… Những thủ tục này vẫn triển khai thủ công cho thấy, số hoá đang được thực hiện một cách nửa vời, đặc biệt những giấy tờ liên quan quan đến thế chấp bất động sản rất nhiêu khê.

Trong ngành ngân hàng, đã có những ngân hàng dẫn đầu trong việc số hoá. Nhưng chuyển đổi số cần nguồn lực rất lớn nên một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ còn gặp vấn đề về vốn đầu tư. Không chỉ vấn đề chi phí, mà chuyển đổi số còn cần thay đổi toàn bộ quản trị, quản lý, nhân sự, dịch vụ ngân hàng…, nên số hoá đòi hỏi sự đồng bộ, còn chắp vá sẽ không đưa đến hiệu quả.

Theo ông, đâu là vấn đề mà hệ thống ngân hàng cần lưu tâm trong thời gian tới?

Sự tuần hoàn của nền kinh tế nằm ở các ngân hàng. Ngân hàng luôn là huyết mạch lưu thông của nền kinh tế và cơ quan đứng đầu điều hành hệ thống đó là Ngân hàng Nhà nước. Nền kinh tế có 2 phân khúc là nền kinh tế hàng hoá và nền kinh tế tiền tệ. Nền kinh tế hàng hoá bao gồm sản xuất, xuất nhập khẩu, buôn bán, giao dịch hàng hoá và luôn phải đi liền với nền kinh tế tiền tệ.

Trong nền kinh tế tiền tệ, cần có cung tiền bơm vào thị trường để có thể giao dịch, buôn bán hàng hoá. Nền kinh tế tiền tệ nằm trong tay hệ thống ngân hàng, vì thế, ngân hàng luôn đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng hàng cần phải được cải tổ, cải cách mạnh mẽ, toàn diện từ câu chuyện quản trị rủi ro đến những vấn đề tiêu cực, đặc biệt khi những câu chuyện không vui gần đây liên quan đến trái phiếu… Cho vay luôn đối mặt nhiều rủi ro và khi hệ thống ngân hàng gặp khủng hoảng thì cần có nền tảng vững chắc để đối diện.

Từ khóa » Ts Nguyễn Trí Hiếu