TS. Nguyễn Tùng Lâm: Không Thể Thi Kiểu Cũ

Bộ GD&ĐT vừa có thông báo điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học lần 2 do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó, năm học sẽ kết thúc trước 15/7 và kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ ngày 8/8 đến 11/8.

Điều chỉnh này được cho là phù hợp nếu học sinh nghỉ học hết tháng 3, hoặc thêm 1 tuần của tháng 4. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp như hiện nay thì sang tháng 4, việc trở lại trường của học sinh khó thành hiện thực. Nếu phải lùi tiếp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của năm học tiếp theo.

Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào gần giữa tháng 8, phải mất thêm 1 tháng nữa để chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh ĐH… Điều này đồng nghĩa sang đến ít nhất nửa đầu tháng 9, trong khi khai giảng năm học mới đã được ấn định là ngày 5/9.

Nhưng sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh phải được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay. Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT thì Bộ GD&ĐT cần tính toán mọi phương án kể cả việc đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT trong năm nay.

Bộ cần phải tính đến tất cả tình huống, các kịch bản tương ứng, chứ không nhất thiết phải làm một cách tuần tự như các năm trước. Nếu kịp thi THPT quốc gia trong tháng 8 thì Bộ GD&ĐT cũng nên tính đến việc điều chỉnh nội dung đề thi, không nên quá dàn trải hết chương trình như lâu nay vẫn làm. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ đạo rất đúng về việc này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến như hiện nay, đòi hỏi triển khai chương trình giáo dục như mọi năm là điều không tưởng. Giáo dục cũng có quy luật riêng.

Mục tiêu giáo dục hiện nay là đào tạo cho học sinh có năng lực. Điều quan trọng là rèn cho học sinh tư duy năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống, không nặng kiểm tra học sinh nhớ gì, học thuộc gì.

Không thể tổ chức thi theo kiểu cũ, kiểm tra kiến thức từ đầu đến cuối cuốn SGK rồi cộng thêm kiến thức lớp 11, cộng thêm kiến thức lớp 12. Làm như thế là vẫn chạy theo tư duy cũ. Vì vậy, cần phải để cho các nhà sư phạm làm công việc của họ.

Trong đó tôi đề xuất nên trả việc đánh giá học sinh về cho các trường. Vì họ là người chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo. Các trường sẽ đánh giá học sinh bằng cả quá trình. Nhưng để làm được việc này, cần phải có giải pháp giám sát thật tốt.

Bộ GD&ĐT có ngân hàng câu hỏi để các sở có thước đo chung; Tổ chức hội đồng phải khách quan. Dùng công nghệ giám sát, phòng thi phải có camera theo dõi nghiêm túc. Cần kết hợp con người với công nghệ thì việc giám sát sẽ tốt, khách quan.

Hoàn cảnh cho phép, chúng ta nên thay đổi. Học thật, thi thật để tạo ra những con người thật.

TS.NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, sinh năm 1943. Ông nguyên là Hiệu phó Trường cấp 3 Cao Bá Quát - Hà Nội; Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội. Hiện nay ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội, Đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016. Trên 50 năm gắn bó với ngành giáo dục, ông đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả đối với sự nghiệp GD&ĐT của Thủ đô. Đặc biệt, năm 1989 ông là người sáng lập Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường đã là điểm đến của trên 8.000 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cá nhân yếu kém về học tập và rèn luyện đạo đức. Năm 2015, TS.NGƯT Nguyễn Tùng Lâm là một trong 10 gương mặt công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội.

TS. Nguyễn Tùng Lâm (NGHIÊM HUÊ ghi)

Từ khóa » Nguyễn Tùng Lâm Sinh Năm Bao Nhiêu