TS Nguyễn Viết Chức: Cần Xây Dựng Hệ Giá Trị Con Người đáp ứng ...

TS Nguyễn Viết Chức: Cần xây dựng hệ giá trị con người đáp ứng với tình hình mới - Ảnh 1.

TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2021, ông suy nghĩ gì về việc tổ chức Hội nghị này?

- Việc tổ chức Hội nghị vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Bởi, các văn kiện tại Đại hội Đảng khóa XIII đã đề cao vai trò, vị trí của văn hóa. Trong kiểm điểm, đánh giá tại Đại hội cũng chỉ rất rõ đó là quan tâm đến văn hóa chưa tương xứng so với chính trị và kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, cần phải đầu tư vào văn hóa, đầu tư ở đây không chỉ là tài chính mà còn là nhận thức, cách thức để toàn quốc thực hiện được các chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa.

Có thể thấy rằng, vị trí, vai trò của văn hóa cũng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong chiến lược của Đảng qua các thời kỳ. Trước đây, Bác Hồ từng nói " Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XIII lần này đã dành sự quan tâm rất lớn đến văn hóa, kế thừa nhận thức có tính chiến lược coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Trong phát triển văn hóa, văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII cũng nhấn mạnh đến việc tập trung xây dựng phát triển con người, phát triển công nghiệp văn hóa, văn hóa trong chính trị, kinh tế. Với chiến lược như vậy, sau Đại hội, muốn triển khai tinh thần đó đến toàn quốc thì việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc là rất kịp thời, hoàn toàn đúng đắn.

Mặt khác, trong xã hội hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực như tham nhũng, suy thoái, đạo đức, lối sống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, suy thoái đạo đức lối sống dẫn đến việc phai nhạt lý tưởng, tham nhũng, tham ô tiêu cực…Nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ văn hóa. Bởi, nếu có văn hóa thì tại sao trong thời kỳ xây dựng đất nước, trong dịch bệnh khó khăn lại xuất hiện tiêu cực, tham nhũng được. Do đó, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng là dịp để chúng ta có thể nhìn nhận lại một cách sâu sắc những vấn đề này.

Ông có kỳ vọng gì về Hội nghị Văn hóa toán quốc sắp tới?

- Tôi hy vọng, tại hội nghị quan trọng lần này, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ không chỉ đơn thuẩn là nhắc lại những vẫn đề cũ mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, yêu cầu xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, chỉnh đốn Đảng để đóng góp những ý kiến sâu sắc hơn, cụ thể hơn. Ví dụ như đầu tư cho văn hóa là đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào, Trung ương làm gì, địa phương hay cơ sở làm gì để văn hóa trong thời kỳ này được đầu tư bài bản hơn, dài hơi hơn.

Hội nghị cũng bàn đến việc xây dựng văn hóa, hệ giá trị con người trong thời kỳ mới. Nếu làm được những điều này, tôi nghĩ rằng sẽ góp phấn lớn cho việc "chữa trị" được những "căn bệnh" của cán bộ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đó là vô cảm, vô trách nhiệm, mất dân chủ, tham nhũng, cửa quyền. Qua đó, sẽ giúp cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa đặt ra. Năng lực, phẩm chất, uy tín suy cho cùng chính là văn hóa. Tất cả những điều đó đều liên quan, gắn kết đến nhau vì cán bộ sống trong môi trường văn hóa, mà môi trường văn hóa là do con người tạo ra. Nếu như không có môi trường tốt sẽ không thể nuôi dưỡng được con người tốt.

Tôi cho rằng, thành phần tham dự hội nghị lần ngoài những nhà quản lý về lĩnh vực văn hóa cần phải có sự tham gia của các chuyên gia hiểu biết, có kinh nghiệm về quản lý văn hóa và có sự uy tín trong nhân dân để từ đó có được sự trao đổi kỹ lưỡng, tìm ra được những chương trình kế hoạch mang tính chiến lược, 5 năm tới làm gì, 10 năm làm gì? Những kế hoạch đó không chạy theo những việc làm phù phiếm, hình thức, phong trào. Văn hóa phong trào không thể đảm nhận được vai trò vị trí nền tảng xã hội, động lực thúc đẩy phát triển xã hội như văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đã đề ra.

Ông vừa nói đến hệ giá trị con người trong thời kỳ mới, xin ông phân tích kỹ hơn về vấn đề này?

- Chúng ta có thể thấy, thời gian qua, xã hội xuất hiện nhiều vấn đề nhức nhối như hiếp dâm trẻ em, bạo lực học đường, cán bộ tham nhũng, tham ô…những vấn đề đó sâu xa đều liên quan đến văn hóa, chuẩn mực của con người. Đã từ lâu, chúng ta quên đi việc xây dựng một hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam để đáp ứng với tính hình mới.

Ở thời phong kiến, giá trị của người phụ nữ được gắn bởi "Công - Dung - Ngôn - Hạnh", đàn ông thì "Tam cương, ngũ thường". Vậy ở thời kỳ hiện đại, khi mà đất nước đang hội nhập sâu rộng, hệ giá trị này sẽ như thế nào.

Khi con người không có hệ giá trị riêng để hướng tới sẽ khiến cho xã hội không có những chuẩn mực, dẫn đến những hành vi sai trái. Điều đó càng nguy hiểm hơn với đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp chiến lược, hệ lụy của những việc này rất lớn và lâu dài.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.

Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tôi cho rằng, xây dựng được hệ giá trị này sẽ giúp con người có thang để bấu víu, giúp con người không còn chơi vơi giữa xã hội, hủ hóa với những tiêu cực, tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, ngành Văn hóa cần phân tích, nghiên cứu từ thực tiễn để đề xuất những hệ giá trị phù hợp với tình hình mới. Tôi xin nhấn mạnh tinh thần cầu thị chứ không cầu toàn thì việc này mới có thể hoàn thành. Không cá nhân, tổ chức nào có thể đưa ra hệ chuẩn hoàn hảo cả, yêu cầu của cuộc sống và nhân dân sẽ hoàn thiện nó.

Trong bản Đề cương văn hóa năm 1943 nêu 3 nguyên tắc của văn hóa Việt Nam đó là "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng", trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta nên có cách tiếp cận như thế nào để vừa phù hợp với tình hình mới nhưng vẫn giữ được nguyên tắc đó thưa ông?

Những quan điểm của Đảng về Văn hóa đã đề ra từ hàng chục năm trước vẫn đúng cho đến tận bây giờ. Ở những văn kiện tại các kỳ Đại hội Đảng sau này, những nguyên tắc đó vẫn in sâu trong các quan điểm, chiến lược phát triển về văn hóa.

Vấn đề ở chỗ trong thời buổi đất nước mở cửa kinh tế, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa, hợp tác, là bạn bè, đối tác với tin cậy với nhiều quốc gia thì văn hóa phải mở cửa thế nào.

Chúng ta xác định, phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa thế giới. Câu chuyện phòng chống dịch vừa qua tôi cho đó là một minh chứng hùng hồn nhất cho cách tiếp cận các tinh hoa thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Cụ thể, chúng ta đã giữ gìn và phát huy được truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của con người Việt Nam để cùng nhau vượt qua các đợt bùng phát của dịch bệnh vừa qua. Về tiếp thu tinh hoa thế giới, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều bộ ngành, doanh nghiệp cũng đã tích cực trong chiến lược ngoại giao vắc xin để giúp người dân hạn chế tối đa rủi ro trong đại dịch. Cái ta chưa có mà thế giới có lại có lợi cho chúng ta thì phải tiếp thu ngay.

Tôi xin nhắc lại yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất khi chúng ta tiếp cận với những văn hóa mới. Muốn xây dựng được con người có văn hóa, trước tiên phải xây dựng đội ngũ những con người làm văn hóa thật chuẩn mực từ Trung ương đến địa phương. Văn hóa là nghề nên bắt buộc người làm nghề phải có nghề. Bác Hồ đã nhấn mạnh đến "hồng" và "chuyên" khi nói đến yêu cầu của cán bộ, hồng mà không chuyên thì vô dụng, chuyên mà không hồng thì rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn ông!

Từ khóa » Ts Nguyễn Viết Chức