TS Quy Sơn Linh Hựu - Pháp Thí Hội
Có thể bạn quan tâm
Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu Pháp tự đời thứ ba của Nam Nhạc Hoài Nhượng Pháp tự của Bách Trượng Hoài Hải
(潙山靈祐, Izan Reiyū, 771-853): Thiền sư Quy Sơn (潙山) Linh Hựu ở Đàm Châu là người Trường Khê (長溪), Phước Châu (福州, phía nam huyện Hà Phố, tỉnh Phúc Kiến), họ Triệu (趙), pháp danh Linh Hựu.Sư cùng với đệ tử Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (仰山慧寂) cử xướng Thiền phong rộng rãi, pháp hệ của họ được gọi là Quy Ngưỡng Tông (潙仰宗) và Linh Hựu là vị sơ tổ của tông này, tông phái đầu tiên trong “Ngũ Gia Thất Tông 1năm nhà bảy tông” của Thiền Tông Trung-quốc. Năm 15 tuổi, Sư từ giã cha mẹ xuất gia, xuống tóc nương học với luật sư Pháp Thường ở chùa Kiến Thiện tại bổn quận, sau đó thọ cụ túc giới tại chùa Long Hưng Tự (龍興寺) vùng Hàng Châu (杭州, thuộc Tỉnh Triết Giang), nghiên cứu kinh luật đại tiểu thừa. Sư đến núi Thiên Thai, chú tâm nghiên cứu các bài luận của hai vị Ðại luận sư Ấn Ðộ Vô Trước và Thế Thân với giáo lí Duy thức. Tương truyền Sư cũng có gặp hai dị nhân trong giới Thiền tại đây là Hàn Sơn và Thập Ðắc. Không rõ là những bài luận nói trên có gây ấn tượng nào trong Sư không, nhưng chỉ ba năm sau đó (khoảng 796), Sư rời Thiên Thai và quyết định tham học với một vị Thiền sư. Năm 23 tuổi, sư du hành Giang Tây tham vấn Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海) ở Hồng Châu (洪州, Tỉnh Giang Tây). Bách Trượng vừa thấy sư liền cho vào liền cho vào thất, đứng đầu các người tham học, sau được nối pháp của ngài. Cùng đến tham học với sư lúc bấy giờ có Hoàng Bá Hy Vận (黃檗希運), cả hai đã làm chấn động Thiền giới thời nhà Đường. Một ngày kia, sư đang đứng hầu, Bách Trượng hỏi: - Ai đó ? Sư đáp: - Con. Linh Hựu. Bách Trượng bảo: - Ông hãy khều trong lò coi còn lửa không ? Sư khều rồi đáp: - Không còn lửa. Bách Trượng đứng dậy khều sâu còn chút lửa, gắp đưa sư coi nói: - Cái này không phải lửa thì là gì ? Sư bỗng ngộ, bèn lễ tạ thầy, rồi nêu kiến giải của mình. Bách Trượng nói: - Đây là đường lộ khúc khuỷu tạm thời. Trong Kinh có ghi: Muốn thấy Phật tánh nên quán sát thời tiết nhân duyên. Thời tiết đã đến như mê vụt tỉnh, như quên vụt nhớ, tỉnh ngộ tự thân, không từ cái gì khác mà có được, cho nên Tổ sư mới nói: Khi ngộ rồi cũng giống như chưa ngộ, vô tâm đắc vô pháp. Vô tâm đó là cái tâm không hư vọng phân biệt phàm thánh, bổn lai tâm và pháp vốn cụ bị đầy đủ. Ông nay được ngộ như thế, phải khéo mà hộ trì.
*
Sư theo Bá Trượng làm việc trong núi, Bá Trượng hỏi: - Đem được lửa đến chăng? - Đem được. - Ở chỗ nào? Sư cầm một cành cây thổi vài cái, đem trao cho Bá Trượng. Bá Trượng bảo: - Như trùng đục cây. Nhìn thì như chữ nhưng chẳng có nghĩa gì!
*
Lúc ấy có Tư Mã Đầu đà [là một Thiền sư thông cả địa lý và tướng số.] từ Hồ Nam đến yết kiến Bá Trượng, thưa: - Đại Quy Sơn (大潙山, tại Đàm Châu) là thắng cảnh nên lập đại đạo tràng kết tập bạn pháp. Bá Trượng hỏi: - Lão tăng muốn đến Quy Sơn nên chăng? Đầu đà đáp: - Núi Qui kỳ tuyệt có thể chứa được 1.500 người, nhưng không phải chỗ mà Hòa thượng trụ được. Bách Trượng hỏi: - Sao vậy ? Đầu đà đáp: - Hòa thượng là người xương, còn núi ấy là núi thịt, nếu trụ thì đồ chúng không quá một ngàn người. Bách Trượng nói: - Trong đồ chúng của ta đây há chẳng có người trụ được sao ? Đầu đà nói: - Xin để xem xét cái đã. Bách Trượng bèn bảo thị giả gọi đệ nhất tòa Hoa Lâm đến rồi hỏi: - Người này được chăng ? Đầu đà bảo đệ nhất tòa dặng hắng một tiếng, đoạn đi vài bước rồi đáp: - Người này không được. Lại gọi điển tòa đến. Linh Hựu đến. Đầu đà bảo: - Người này đích thị là chủ núi Qui. Ngay đêm đó, Bách Trượng triệu sư vào thất dặn dò: - Ta từng hóa duyên nơi đó, Quy Sơn đúng là thắng cảnh, ông nên đến ở đó, nối dõi pháp ta, độ rộng người học. Lúc đó Hoa Lâm nghe được nói: - Con đây ở ngôi thượng thủ, ông Hựu sao lại được chọn làm trụ trì núi Qui ? Bách Trượng nói: - Nếu ông có thể trước đại chúng hạ một câu xuất cách thì ta sẽ cho ông làm trụ trì. Nói đoạn chỉ tịnh bình nói: - Không được gọi là tịnh bình thì ông gọi là gì ? Thủ tòa Hoa Lâm nói: - Cũng không thể gọi là mộc đốt. Bách Trượng không đồng ý, bèn hỏi sư, sư liền đạp đổ tịnh bình. Bách Trượng cười nói: - Đệ nhất tòa thua mất trái núi rồi. Nói đoạn khiến sư đến trụ núi Qui. Núi Qui cao chớn chở, vách núi sừng sững, mịt mù chẳng có khói người nấu cơm. Lúc sư đến núi chỉ làm bạn với khỉ vượn, hái trái giẻ, trái lật ăn đỡ lòng, Đã bảy năm qua, một hôm Sư tự nghĩ: Đạo cốt tiếp vật lợi sanh, ở một mình chẳng phải. Sư bèn đi lần xuống núi, thấy cọp sói, Sư bảo: “Nếu ta có duyên với núi này, các ngươi nên đi tránh chỗ khác. Nếu ta không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn thịt ta đi.” Sư nói xong, các loài thú dữ đều đi tứ tán, Sư trở về am yên ở như trước. Không bao lâu, dân cư dưới chân núi từ từ hay biết, họ rủ nhau kéo lên núi cất một ngôi chùa cho Sư. Sau này, Liên soái Lý Cảnh Nhượng tâu vua xin ban hiệu chùa, vua ban hiệu là Đồng Khánh. Kế đến, có Thượng tọa Đại An và một số chúng từ Bá Trượng đến phụ tá Sư. Đại An nói: “Tôi sẽ làm điển tọa cho Hòa thượng”. Số chúng lần lần lên đến cả ngàn. Về sau (có thuyết nói là đầu năm Đại Trung), Quan tướng quốc Bùi Hưu cũng từng đến chùa tham vấn Thiền lý áo diệu. Do đó mà tên Quy Sơn Linh Hựu vang rền khắp thiên hạ, người học Thiền bốn phương ùn ùn kéo đến đạo tràng như mây tụ. Trong thời pháp nạn Hội Xương (841-846), sư ẩn mình trong đám dân thương buôn nơi phố phường. Đến niên hiệu Đại Trung năm đầu (847), vua ra lệnh khôi phục Phật Giáo, đồ chúng đón sư về chùa cũ, sư vẫn để tóc mặc áo thế gian mà nói pháp, chứ không cạo tóc, mặc ca sa. Tướng quốc Bùi Hưu nghe tin này, đích thân đến khuyến thỉnh, sư mới chịu cạo tóc và mặc pháp phục. Sư thượng đường khai thị Thiền chúng: - Tâm người tu đạo, chất phác không hoa hòe, ngay thẳng không gian trá, đã không phân biệt trước sau, mà cũng không trá vọng tâm hạnh. Tất cả mọi giờ trong ngày, nghe nhìn bình thường, tâm không quanh quẹo, mà cũng chẳng cần nhắm mắt bịt tai, tình bất nương gá vật. Chư thánh từ xưa đến giờ chỉ nói đến những chỗ dơ bẩn tai hại, chí tại tiêu diệt những vọng niệm ác tri, ác giác vô cùng tận. Ta nay nói thanh tịnh vô vi, bình thường vô sự, như nước thu trong vắt, điềm đạm vô ngại, ta gọi dạng đó là người đắc đạo, cũng gọi là người vô sự. Lúc ấy, có ông tăng hỏi: - Người đốn ngộ có cần tu đạo hay chăng ? Sư đáp: - Nếu chân ngộ được bổn tâm thì người đó tự biết đạo, tu với chẳng tu chỉ là lời nói hai đầu. Còn đối với kẻ mới sơ tâm đốn ngộ mà nói, thì cái tâm sơ khởi của y ta nương theo một loại nhân duyên nào đó mà một niệm đốn ngộ, mà từ vô thỉ cho đến nay, trong muôn ngàn kiếp vẫn còn tích tụ một số tập khí chưa thể thanh tịnh trong phút chốc, thì cần dạy y ta tại thế hiện tiền dần dần tịnh trừ những hành nghiệp và lưu động trong ý thức tư tưởng. Theo điểm đó mà suy xét, kẻ sau khi sơ tâm đốn ngộ, không nên quăng bỏ tu hành, chọn đường lối và chứng ngộ mà chỉ nói là theo nghe nhập lý, nghe lý thâm diệu, tâm tự tròn sáng, không rơi chỗ nghi hoặc. Cho dù có trăm ngàn diệu lý, phô ra trong nhất thời thì cũng đều là để học nhân tự tâm lãnh ngộ, tự mình đứng lên khoác áo sinh hoạt. Nói một cách giản đơn, cần ngộ nhập chân như thật tướng, chẳng chứa một điểm bụi nhơ, mà trong tu hành cụ thể lại cũng nên chẳng bỏ một pháp nào. Cũng cần nói là nếu đơn đao trực nhập tự tâm thì tuy siêu phàm vượt thánh, chân tánh lưu lộ, nhưng hành động ngày thường vẫn nên lý sự không hai, có như vậy mới có thể gọi là Phật Như Như.
*
Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch hỏi: - Trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến, phải làm sao? Sư đáp: - Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn, các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, chẳng can hệ đến việc của ta. Ngưỡng Sơn Huệ Tịch hỏi Sư: - Tổ sư Đạt Ma từ Tây thiên đến Đông độ truyền dương chỉ ý gì ? Quy Sơn nói: - Như cái lồng đèn. Ngưỡng Sơn nói: - Phải chăng chỉ có cái đó thôi sao ? Sư hỏi: - Cái đó là cái gì ? Ngưỡng Sơn nói: - Như cái lồng đèn. Sư nói: - Quả nhiên không biết.
*
Ngày nọ, sư nói với đồ chúng rằng: - Như nay đây có rất nhiều người chỉ có đại cơ mà chẳng có đại dụng. Ngưỡng Sơn đem lời ấy hỏi chủ am dưới chân núi: - Hòa thượng nói như thế là ý chỉ gì ? Chủ am nói: - Nói lại xem. Ngưỡng Sơn vừa định nói bị chủ am đạp nhào. Ngưỡng Sơn về chùa thuật tự sự cùng sư, sư cười to.
*
Sư bỗng hỏi Ngưỡng Sơn: - Mùa xuân ông có lời chưa tròn, nay thử nói xem. Ngưỡng Sơn nói: - Chính lúc đó rất kỵ sự tráo ngược Sư nói: - Ngừng lao tù sinh ra trí.
*
Sư đang ngồi tại pháp đường thì người coi kho gõ mỏ, còn người nấu bếp thì nhịp cây gắp lửa. Vỗ tay cười lớn, sư nói: - Trong chúng cũng có người như thế. Đoạn gọi họ đến hỏi: - Các ông làm gì thế ? Người nấu bếp thưa: - Con đây không ăn cháo bụng đói nên vui mừng. Sư bèn gật đầu đồng tình.
*
Có một lần đang lao động tập thể hái trà, Quy Sơn nói Ngưỡng Sơn: - Suốt ngày hái trà, chỉ nghe tiếng ông nói mà không thấy hình dáng ông. Xin hiện hình ra để ta xem qua. Ngưỡng Sơn rung lắc cây trà. Quy Sơn nói: - Ông chỉ được cái dụng mà không được cái thể. Ngưỡng Sơn nói: - Chẳng hiểu Hòa thượng thì thế nào ? Quy Sơn nín lặng hồi lâu. Ngưỡng Sơn nói: - Hòa thượng chỉ được cái thể mà không được cái dụng. Sư nói: - Cho con ba chục gậy. Ngưỡng Sơn nói: - Nếu con lãnh ba chục gậy của Hòa Thượng thì ai lãnh ba chục gậy của con đây? Quy Sơn nói: - Vậy tha cho con ba chục gậy.
*
Sư thượng đường, có ông tăng bước ra nói: - Thỉnh Hòa thượng vì chúng nói pháp. Sư nói: - Ta vì ông mà nhọc mệt quá chừng. Vị Tăng lễ bái
*
Lại có một lần, Quy Sơn nói cùng Ngưỡng Sơn: - Huệ Tịch nói chớ vào cõi âm2ấm giới . Ngưỡng Sơn nói: - Huệ Tịch con tín chưa lập. Quy Sơn nói: - Ông đã tín chưa lập; hay không tín chưa lập ? Ngưỡng Sơn nói: - Con trừ Huệ Tịch mình ra còn tin ai đây ? Quy Sơn nói: - Nếu mà như vậy thì cùng lắm là ông chỉ định tánh Thanh văn mà thôi. Ngưỡng Sơn nói: - Huệ Tịch con đến Phật còn chẳng thấy. Sư hỏi Ngưỡng Sơn: - Kinh Niết-bàn 40 quyển, bao nhiêu phần Phật nói, bao nhiêu phần ma nói ? Ngưỡng Sơn đáp: - Tất cả đều là ma nói. Quy Sơn cho rằng đúng nhưng nói: - Chỉ sợ về sau chẳng có ai đối phó nổi ông. Ngưỡng Sơn nói: - Huệ Tịch con chỉ là người khách ghé qua nhất thời, xin hỏi con đang hành hóa tại đâu ? Quy Sơn nói: - Ta chỉ quan tâm ông pháp nhãn có chánh hay không thôi mà chẳng để ý gì đến chuyện ông đang hành hóa tại nơi nào.
*
Ngưỡng Sơn đang giặt giũ quần áo đưa quần áo đang giặt giũ lên hỏi Quy Sơn: - Chính tại lúc này đây thì Hòa thượng làm cái gì ? Sư đáp: - Chính tại lúc này đây thì ta không làm cái gì cả. Ngưỡng Sơn nói: - Hòa thượng có thân mà vô dụng. Một lát sau, sư hỏi Ngưỡng Sơn: - Chính ngay tại lúc này đây ông làm cái gì ? Ngưỡng Sơn hỏi: - Chính tại lúc này đây Hòa thượng thấy hay không thấy cái kia ? Sư nói: - Ông hữu dụng nhưng không có thân.
*
Sư một hôm gọi viện chủ. Sau khi viện chủ tới sư lại nói: - Ta gọi viện chủ, ông đến để làm gì ?3(Tào Sơn đáp thay: Cũng biết Hòa thượng không gọi con). Viện chủ cảm thấy không có từ nào để gọi điều kỳ diệu ấy. Sư lại bảo thị giả đi kêu đệ nhất tòa. Sau khi đệ nhất tòa đến sư cũng nói như trước: - Người mà ta gọi là đệ nhất tòa, ông đến để làm gì ? Đệ nhất tòa cũng không biết phải đối đáp như thế nào.
*
Sư hỏi tăng vừa mới đến: - Ông tên là gì ? Ông ây đáp: - Tên Minh Luân. Sư vẽ một vòng tròn hỏi ông ta: - Phải hay không phải giống cái này ? Ông tăng ấy nói: - Hòa thượng thuyết pháp như kiểu này, người nghiên cứu Thiền các nơi phần đông đều không cho là phải. Sư nói: - Bần đạo thì như thế, chẳng biết xà-lê thì thế nào ? Ông tăng ấy nói: - Có thấy vầng trăng tròn hay không ? Sư nói: - Xà-lê nói như thế, người ở đây cũng đa phần không chấp nhận các nơi.
*
Sư hỏi Vân Nham: - Nghe nói ông trụ lâu ở Dược Sơn phải không ? Vân Nham đáp: - Thưa phải. Sư nói: - Tướng Dược Sơn đại nhân như thế nào ? Vân Nham đáp: - Sau Niết-bàn có4Niết-bàn hậu hữu. Sư hỏi: - Cái gì là sau Niết-bàn có ? Vân Nham đáp: - Nước rảy không thấm. Vân Nham lại hỏi sư: - Tướng Bách Trượng đại nhân như thế nào ? Sư đáp: - Cao lớn ngay ngắn; rực rỡ sáng láng, thanh tiền không thanh, sắc hậu không sắc. Con ruồi đậu trâu sắt.
*
Có lần nọ, sư cầm tịnh bình trao cho Ngưỡng Sơn. Lúc Ngưỡng Sơn đưa tay định nhận thì sư rụt tay lại hỏi: - Ông thấy được cái gì ? Ngưỡng Sơn nói: - Hòa thượng thấy được cái gì ? Sư nói: - Như quả ta nói được thì ta cần gì hỏi ông ? Ngưỡng Sơn nói: - Tuy là như vậy, nhưng trong đạo nhân nghĩa, đệ tử cầm bình múc nước cho thầy là bổn phận thôi. Sư liền cầm bình đưa cho Ngưỡng Sơn.
*
Sư cùng Ngưỡng Sơn đang đi tản bộ. Sư chỉ cây bá thọ tử5cây Bách trước mặt hỏi: - Phía trước mặt là cái gì vậy ? Ngưỡng Sơn nói: - Đó là cây bá thọ tử. Sư bỗng chỉ ông nông phu phía sau ruộng nói: - Ông nông phu này về sau cũng có 500 đồ chúng. Sư hỏi Ngưỡng Sơn: - Từ đâu về đây ? Ngưỡng Sơn đáp: - Từ trong ruộng về. Sư hỏi: - Trong đồng, lúa cắt chưa vậy ? Ngưỡng Sơn nói: - Đã cắt xong rồi. Sư hỏi: - Vừa rồi ông thấy lúa trong đồng xanh hay vàng, hay là không xanh không vàng ? Ngưỡng Sơn hỏi lại: - Sau lưng Hòa thượng là cái gì ? Sư hỏi: - Ông thấy cái gì rồi ? Ngưỡng sơn tước một gié lúa hỏi: - Có phải Hòa thượng hỏi cái này đây không ? Sư nói: - Đó chỉ là ngỗng chúa tìm vú.
*
Một ngày đông lạnh tháng chạp, sư hỏi Ngưỡng Sơn: - Là trời lạnh hay là người lạnh ? Ngưỡng Sơn đáp: - Mọi người đều ở nơi đó. Sư hỏi: - Vì sao lại không trả lời thẳng ? Ngưỡng Sơn nói: - Vừa rồi cũng chẳng phải đáp vòng vo. Sư nói: - Nên theo dòng đời.
*
Có ông tăng đến lễ bái Quy Sơn. Sư ra dáng đứng lên đáp lễ. Ông tăng nói: - Xin Hòa thượng chớ đứng dậy. Sư nói: - Lão tăng chưa từng ngồi. Tăng nói: - Con cũng chưa từng thi lễ. Sư nói: - Ông vì sao mà lại vô lễ ? Ông tăng đớ lưỡi không đối đáp được. (Ðồng An đáp thay: Hòa thượng chẳng làm lạ)
*
Trong hội của thiền sư Thạch Sương, có hai thiền khách đến chỗ Quy Sơn, trong mắt coi chẳng có ai nói: - Nơi đây chẳng có một mống nào hiểu thiền cả. Sau đó trong buổi lao động tập thể dọn củi, Ngưỡng Sơn thấy hai thiền khách đang nghỉ ngơi bên cạnh đó liền chỉ một bó củi hỏi: - Hai vị thiền khách đây đối với bó củi này phát biểu cao kiến thế nào ? Hai vị thiền khách đỏ mặt tía tai, há hốc miệng chẳng nói nên lời. Ngưỡng Sơn nói: - Từ rày về sau chớ có nói nơi đây không ai hiểu thiền nữa nhé. Ngưỡng Sơn sau đó trở về thuật lại sự việc cho sư nghe mà có vẻ đắc ý: - Hôm nay hai thiền khách bị Huệ Tịch này vấn nạn nhào tiều. Sư hỏi: - Bọn họ bị ông vấn nạn nhào tiều ở điểm nào ? Ngưỡng Sơn Huệ Tịch bèn thuật lại những lời lẽ vặn nài lúc nãy. Quy Sơn cười ngất bảo: - Tịch tử lại bị ta vặn nhào rồi.
*
Thấy Trí Nhàn, Huệ Tịch làm bánh, Sư bảo: - Bá Trượng Tiên sư đương thời thân được đạo lý này. Huệ Tịch, Trí Nhàn nhìn nhau nói: - Người nào đáp được lời này? Sư bảo: - Có một người đáp được. Huệ Tịch thưa: - Người nào? Sư chỉ con trâu bảo: - Nói! nói! Huệ Tịch chạy lấy một bó cỏ đem lại. Trí Nhàn lấy thùng múc một thùng nước đem lại để trước con trâu. Con trâu đang ăn, Sư bảo: - Cho gì? cho gì? Chẳng cho gì? chẳng cho gì? Huệ Tịch, Trí Nhàn đồng lễ Sư. Sư bảo: - Hoặc khi sáng, hoặc khi tối.
*
Một hôm, Sư thúc chúng trình ngữ, bảo: - Ngoài thanh sắc cho ta cùng thấy. Thượng tọa Giám Huyền trình ngữ: - Chẳng từ ra đây, người ấy không mắt. Sư chẳng nhận. Huệ Tịch ba phen trình ngữ: Lần đầu: - Thấy lấy, chẳng thấy lấy. Sư bảo: - Nhỏ như chót lông, lạnh tợ sương tuyết. Lần thứ hai: - Ngoài thanh sắc, ai cầu thấy nhau? Sư bảo: - Chỉ kẹt Thanh văn, bên ngoài giường hẹp. Lần thứ ba: - Như hai gương chiếu nhau, ở trong không hình tượng. Sư bảo: - Ngữ này chánh, ta phải ngươi chẳng phải, sớm lập hình tượng rồi vậy. Huệ Tịch hỏi lại Sư: - Con tinh thần tối tăm, đối đáp vụng về, chẳng biết Hòa thượng hồi còn ở với Sư ông Bá Trượng trình ngữ thế nào? Sư bảo: - Ta hồi ở với Tiên sư Bá Trượng trình ngữ như vầy: “Như trăm ngàn gương sáng soi sáng hình bóng, chiếu nhau cõi cõi bụi bụi mỗi mỗi chẳng lầm lẫn.” Huệ Tịch lễ bái.
*
Tăng nói: - Chẳng làm một chiếc nón mê Quy Sơn thì không đến được thôn Mặc Diêu. Thế nào là một chiếc nón mê Quy Sơn ?. Sư liền đạp một cái.
*
Quy Sơn thượng đường khai thị Thiền chúng: - Lão tăng sau khi qua đời sẽ xuống dưới chân núi làm con trâu tơ, bên hông trái có viết năm chữ “Quy Sơn Tăng Linh Hựu” (tăng Quy Sơn kia). Lúc bấy giờ nếu cho là con trâu tơ thì lại là Linh Hựu, mà nếu cho là Linh Hựu thì lại là con trâu tơ. Cuối cùng thì gọi là gì mới ổn ?
*
Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm đang thị lập, sư nói: - Quá khứ, hiện tại và vị lai, đạo pháp các đức Phật đều giống nhau, người người đều tìm thấy con đường giải thoát. Ngưỡng Sơn nói: - Thế nào là con đường giải thoát của mọi người ? Sư quay qua nhìn Hương Nghiêm nói: - Tịch tử nêu câu hỏi, sao ông không hồi đáp vậy ? Hương Nghiêm nói: - Như quả nói về quá khứ, vị lai và hiện tại thì con có câu trả lời. Sư hỏi: - Ông trả lời như thế nào ? Hương Nghiêm thốt lời cáo biệt rồi đi ra. Sư lại hỏi Ngưỡng Sơn: - Trí Nhàn (Hương Nghiêm) đối đáp như thế có hợp với tư tưởng Tịch tử (Ngưỡng Sơn) ông không ? Ngưỡng Sơn nói: - Không khế hợp. Sư hỏi: - Nếu theo ý ông thì đối đáp thế nào ? Ngưỡng Sơn cũng thốt lời cáo biệt rồi đi ra. Sư cười ha hả nói: - Như nước và sữa dung hợp nhau vậy.
*
Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu hoằng dương Thiền tông khoảng 40 năm, trong hội của ngài người thông đạt Thiền lý không kể xiết, riêng đệ tử ruột 6Vào thất có 41 người như: Hương Nghiêm Trí Nhàn (香嚴智閑), Diên Khánh Pháp Đoan (延慶法端), Kính Sơn Hồng Nhân (徑山洪諲), Linh Vân Chí Cần (靈雲志勤), Vương Kính Sơ Thường Thị (王敬初常侍), v.v. Trong đó, ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch kế thừa môn phong của sư, tập đại thành mà lập nên tông Qui Ngưỡng. Năm thứ bảy đời Đường Đại Trung (大中,853) ngày mùng 9 tháng giêng, sư tắm gội sạch sẽ, ngồi kiết già an nhiên mà qua đời, thọ 83 tuổi, tuổi lạp là 64, thụy hiệu Đại Viên Thiền Sư (大圓禪師), tháp tên Thanh Tịnh. Sư có trước tác: Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư Ngữ Lục (潭州潙山靈祐禪師語錄) 1 quyển Cảnh Sách (大圓禪師) 1 quyển rất được lưu hành trong thiền môn. Quy Sơn xuất hiện trong tắc 40 của Vô Môn Quan, và trong các tắc 4, 24 và 70 của Bích Nham Lục. [X. Tống Cao Tăng Truyện Q.11; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục Q.9; Ngũ Đăng Hội Nguyên Q.9; Tông Môn Thống Yếu Tục Tập Q.7; Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải Q.23; Thích Thị Kê Cổ Lược Q.3; Thiền Tông Chính Mạch Q.9].
---o0o---
Công Án 1) Quy Sơn: Dược Đảo Tịnh Bình: Quy Sơn đá đổ tịnh bình, thí dụ thứ 40 của Vô Môn Quan. Hòa Thượng Quy Sơn trước ở với ngài Bách Trượng, giữ chức điển tòa. Bách trượng sắp chọn người đến núi Đại Quy làm chủ trì, bèn dạy sư cùng ông thủ tòa ra đối đáp trước chúng, xem ai đối đáp giỏi sẽ được phái đi. Bách trượng cầm tịnh bình đặt xuống đất hỏi: - Không được gọi là tịnh bình thì gọi là gì? Ông thủ tòa đáp: - Không thể gọi là khúc cây Bách Trượng quay sang hỏi Quy Sơn, Quy Sơn bèn đá đổ tịnh bình mà đi. Bách Trượng cười nói: - Ông đệ nhất tòa thua mất hòn núi rồi vậy Nói xong bèn phái Quy Sơn đi làm Tổ khai sơn Đại Quy.
2) Quy Sơn: Quán Thủy Lai, Điểm Trà Lai: Đem cái chậu rửa mặt và mang trà lại. Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển IX, Quy Sơn đang nằm ngủ trên giường, Ngưỡng Sơn bước đến vấn an, Quy Sơn quay mặt vô vách tường mà ngủ. Ngưỡng Sơn nói: - Hòa thượng sao lại đối xử với con như thế ? Quy Sơn nói: - Vừa rồi ta nằm mộng, vậy ông hãy đoán mộng cho ta. Ngưỡng Sơn bưng lại một thau nước mời Hòa thượng rửa mặt. Lát sau đó Hương Nghiêm cũng đến vấn an, nói rằng mình đã "Hạ diện liễu tri". Quy Sơn nói: - Vừa rồi ta nằm mộng. Tịch tử đã đoán cho ta rồi, nay ông cũng thử đoán xem. - Hương Nghiêm bưng lại một chén trà mời Hòa thượng uống trà. Quy Sơn nói: - Hai người các ông kiến giải hơn cả chim Thu (tức Xá-lợi-phất) và Mục Kiền Liên
3) Quy Sơn Thỉnh Bách Trượng: Theo thí dụ thứ 70 của Bích Nham Lục. Quy Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đồng đứng hầu Bách Trượng. Bách Trượng hỏi Quy Sơn: - Dẹp hết cổ họng môi mép, làm sao nói? Quy Sơn thưa: - Thỉnh Hòa Thượng nói Bách Trượng bảo: - Ta chẳng từng nói với ông, chỉ e về sau mất hết con cháu.7Theo Viên Ngộ trong Bích Nham Lục, tuy Bách Trượng nói như thế, cái nồi đã bị người kẻ khác cướp mất rồi. Bách Trượng lại hỏi Ngũ Phong. Ngũ Phong thưa: - Hòa Thượng cũng phải dẹp hết Bách Trượng nói: - Chỗ không người vạch trán nhìn ông Bách Trượng hỏi Vân Nham. Vân Nham thưa: - Hòa Thượng có hay chưa? Bách Trượng nói: - Mất hết con cháu của ta. Ba người mỗi vị một nhà.
---o0o---
Quy Sơn
潙 山. Còn gọi: Đại Quy Sơn. Núi nằm cách Tây thành 70km thuộc huyện Ninh Hương,Đào Giang và An Hóa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Là một nhánh trong dãy Hành Sơn, là đầu nguồn của sông Quy. Ngọn cao nhất có tên là Linh Phong. Trên núi phần lớn là đất bằng. Nguồn sông rất nhiều nước, từ xưa đến nay, người xuất gia canh tác ở đây, nên có tên là La Hán điền (Ruộng La Hán). Ngài Quy Sơn Linh Hựu (771-853) là đệ tử nối pháp của tổ Bách Trượng Hoài Hải. Ngài Linh Hựu xuất gia năm mười lăm tuổi, mười tám tuổi thọ Cụ Túc Giới tại chùa Long Hưng ở Hàng Châu. Năm hai mươi ba tuổi đến Giang Tây bái yết tổ Bách Trượng, trở thành thủ tọa đệ tử. Trong niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường Hiến Tông, Ngài vâng Lệnh Tổ Bách Trượng đến núi Quy Ngưỡng thuộc Đàm Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Nam), trụ trì chùa Đồng Khánh. Đệ Tử nối pháp của ngài Quy Sơn có đến bốn mươi mốt vị, nổi tiếng nhất là các vị Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Kính Sơn Hồng Ân, Hương Nghiêm Trí Nhàn v.v… Trên núi có chùa Mật ấn, chùa Đồng Khánh, am Liên Hoa.
---o0o---
Quy Ngưỡng Tông Ngũ Gia Thiền chỉ giáo pháp riêng biệt được giảng dạy từ những truyền thống có liên hệ tới những vị Thiền sư đặc biệt. Ba trong số năm truyền thống này: Tào Động, Vân Môn, và Pháp Nhãn, đi xuống từ dòng truyền thừa được truy nguyên ngược về Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Đầu Hy Thiên. Hai truyền thống kia: Lâm tế và Quy Ngưỡng, được tiếp nối từ Mã Tổ Đạo Nhất và Bách Trượng Hoài Hải. Tông Lâm Tế về sau này lại sản sanh ra hai nhánh Dương Kỳ và Hoàng Long. Khi mà hai phái sau này được thêm vào Ngũ Gia thì người ta gọi đó là Thất Tông. Quy Ngưỡng tông là một dòng Thiền được sáng lập bởi hai đệ tử của ngài Bách Trượng Hoài Hải. Quy là chữ đầu của Quy Sơn Linh Hựu (đệ tử của ngài Bách Trượng). Ngưỡng là chữ đầu của Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (đệ tử của ngài Quy Sơn). Vào giữa thế kỷ thứ mười, tông phái nầy sáp nhập vào tông Lâm Tế nên từ đó nó không còn tồn tại như một tông phái độc lập nữa
Từ khóa » Tiểu Sử Tổ Quy Sơn
-
Quy Sơn Linh Hựu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quy Sơn Cảnh Sách Dịch Giảng - Lược Sử Tổ Quy Sơn
-
Hành Trạng Tổ Quy Sơn Linh Hựu - Luật - THƯ VIỆN HOA SEN
-
HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền Sư Linh Hựu
-
Thiền Sư Linh Hựu, Núi Qui Sơn (771-853)
-
Lời Cảnh Giác Và Khích Lệ Của Thiền Sư Quy Sơn - Làng Mai
-
Quy Sơn Cảnh Sách Dịch Giảng - Tạng Thư Phật Học
-
Qui Sơn Cảnh Sách - Trường Trung Cấp Phật Học Khánh Hòa
-
QUY SƠN CẢNH SÁCH: BÀI 1- GIỚI THIỆU VÀ TIỂU SỬ THIỀN SƯ ...
-
Quy Sơn Cảnh Sách – Dĩa 1 - Thiền Viện Tuệ Viên
-
Quy Sơn Cảnh Sách (Thiền Sư Linh Hựu - HT Thanh Từ Dịch)
-
Bai Van Canh Sach Cua Ngai Quy Son (Vietnamese Edition)
-
Quy Sơn Cảnh Sách - Thích Phước Tịnh - Mắt Thương Nhìn Đời