TS Sái Công Hồng Tư Vấn ôn Thi THPT Quốc Gia 2020 - VnExpress

Ngày 3/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề minh họa thi THPT quốc gia năm 2020. TS Sái Công Hồng, Trưởng ban điều hành xây dựng đề minh họa THPT quốc gia năm 2020, cho biết đề thi đều không ra vào kiến thức đã tinh giản thuộc chương trình học kỳ II lớp 12. Câu hỏi thuộc kiến thức của học kỳ II chỉ còn ở cấp độ nhận biết và thông hiểu, giảm toàn bộ câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Định dạng và cấu trúc đề minh họa thi THPT quốc gia 2020 có độ khó "nhẹ nhàng" hơn so với đề minh họa và cả đề thi chính thức năm 2019. Trong đó, khoảng 70% câu hỏi thuộc nội dung kiến thức cơ bản; 20% câu mức độ vận dụng và 10% câu hỏi mức vận dụng cao. Nội dung đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, có một phần nhỏ chương trình lớp 11.

Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết môn được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và lần lượt từ dễ đến khó. Càng về cuối mỗi đề thi, các câu hỏi càng có tính phân loại ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.

Ông Hồng lưu ý trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ "không kiểm tra, đánh giá đối với nội dung kiến thức đã tinh giản và nội dung không dạy, không làm, không thực hiện, khuyến khích học sinh tự học". Đề thi THPT quốc gia 2020 tới đây cũng tuân thủ đúng quy định này. Tuy nhiên, phần tự học có hướng dẫn vẫn có thể kiểm tra, hoặc ra trong đề thi, giáo viên và học sinh cần lưu ý.

Ông Sái Công Hồng là trưởng ban điều hành xây dựng đề tham khảo THPT quốc gia năm 2020. Ảnh: MOET.

Ông Sái Công Hồng là Trưởng ban điều hành xây dựng đề minh họa THPT quốc gia năm 2020. Ảnh: MOET.

Với sự điều chỉnh về định dạng, cấu trúc giảm độ khó của đề minh họa thi THPT quốc gia 2020, ông Hồng khuyên học sinh lớp 12 tận dụng tối đa thời gian để ôn luyện thật chắc kiến thức cơ bản, từ đó "ăn điểm" tối đa 70% câu hỏi toàn bài.

"Từ chương trình tinh giản và đề thi minh họa cho thấy nội dung còn lại trong chương trình học kỳ II lớp 12 hầu hết là kiến thức cơ bản, học sinh có thể tự tin tiếp thu, ôn luyện qua Internet, trên truyền hình", ông Hồng nói và khuyên học sinh vừa tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung vào nội dung lớp 12.

Vụ phó Giáo dục Trung học cũng lưu ý học sinh xây dựng kế hoạch ôn tập với chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11, từ đó xâu chuỗi các mạch kiến thức, giúp bao quát và dễ hình dung.

Với giáo viên, theo ông Hồng, thầy cô nên tư vấn hoặc tổ chức cho học sinh thi thử đề tham khảo thi THPT quốc gia qua Intrernet để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện tâm lý thi cử.

Khoảng 900.000 học sinh lớp 12 sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, năm học 2019-2020 học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.

Dương Tâm

Từ khóa » Ts Sái Công Hồng