Tsubasa đời Thật: Câu Chuyện đẹp Của Bóng đá Nhật, Bài Học Lớn ...

Lời tòa soạn: Sau chiến tích huy hoàng ở giải U23 châu Á vừa qua, bên cạnh niềm vui nổ trời của cả dân tộc, khi cơn say đã lắng xuống, là lúc nhường chỗ cho nỗi lo, rằng liệu những cầu thủ trẻ bừng sáng ngày hôm nay có thích nghi được với vinh quang quá sớm, cũng như những cám dỗ trước mắt, để rồi đi vào vết bánh xe đầy bùn của những ngôi sao từng lấp lánh, để rồi vụt tắt trong đớn đau.

Vinh quang, tiền bạc đến quá nhanh nhiều khi khiến những cầu thủ trẻ quên mất mình là ai, quên nhanh sự dạy dỗ, chăm bẵm của những người thầy, của CLB, để mơ về một chân trời mới sáng rực rỡ, đầy cám dỗ, với những lời hứa hẹn chẳng thể bùi tai hơn...

Họ quên đi rằng điều quan trọng nhất lúc này không phải là hưởng thụ hay đòi hỏi, mà là luyện tập và cống hiến, rồi sự đền đáp sẽ đến. Hãy soi mình vào tấm gương mang tên Kazu Miura để thấy lòng trung thành, sự tận hiến sẽ được đáp đền xứng đáng, bằng vinh quang mà chẳng bạc tiền nào có thể đo đếm được.

Nhà Vua đâu rồi? Người ta không thấy ông trên sân khi đội bóng ra khởi động. Không ai thấy ngài rời xe bus. Camera trong đường hầm cũng không thấy tăm hơi. Vài ngày trước khi trận đấu tại giải hạng Nhì Nhật Bản (J-League 2) của Yokohama với Nagoya Grampus khởi đầu, phát ngôn viên của giải thông báo với giọng tiếc nuối: "Chúng tôi vui mừng thông báo trận đấu vẫn sẽ diễn ra, nhưng ngài ấy sẽ không hiện diện".

Tsubasa đời thật: Câu chuyện đẹp của bóng đá Nhật, bài học lớn cho U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Ngài ấy chính là "King Kazu", ông Vua của vùng Yokohama nói riêng và Nhật Bản nói chung. Bước ra khỏi ga tàu điện tại Mitsuzawa-kamicho, Yokohama, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh của Kazu đang nhìn từ trên cao xuống từ một poster quá cỡ. Anh mặc chiếc áo xanh của Yokohama FC, nở nụ cười hiền bên cạnh những đồng đội chỉ đáng tuổi con, cháu mình.

Từ ga ấy đi bộ đến sân vận động Mitsuzawa mất tầm 15 phút, bạn sẽ lại nhìn thấy gương mặt ông ở những góc đường, trên những trụ đèn giao thông. Những bức chân dung hiện diện mọi nơi ấy khiến ông không khác gì Che Guevara. Bước vào trong sân, mọi bức ảnh đều gọi ông là "King Kazu". Nói cách khác, Kazu không xuất hiện, nhưng Kazu lại có mặt ở mọi nơi, chí ít là tại thành phố Yokohama lớn thứ nhì Nhật Bản, với hơn 3,7 triệu dân này.

Tsubasa đời thật: Câu chuyện đẹp của bóng đá Nhật, bài học lớn cho U23 Việt Nam - Ảnh 3.

Hôm ấy là một buổi chiều tháng 5, giải J-League 2 (hạng Nhì Nhật Bản, Lê Công Vinh từng thi đấu ở đây trong màu áo CLB Sapporo) đã trôi qua được nửa đường. Yokohama FC đã có một khởi đầu tốt và đang cạnh tranh vị trí đầu bảng. Chỉ cần kết thúc giải trong Top 6, họ sẽ có cơ hội đá play-off để tranh lên J- League 1. Có một câu hỏi len lỏi trong lòng thành phố: chuyện gì sẽ xảy ra nếu Yokohama giành được suất lên hạng? Liệu "King Kazu" có đá thêm một năm nữa hay không? Và bây giờ họ có câu trả lời: chắc chắn có.

Khi thế hệ 8x bắt đầu biết xem bóng đá, King Kazu đã là một lão tướng. Năm 2000, Kazu tuyên bố sẽ chỉ ký hợp đồng từng năm một, để xem sức mình tới đâu. Và ông vừa ký bản hợp đồng thứ 18 kể từ tuyên bố ấy. Suốt 18 năm qua, người ta luôn nghĩ Kazu đang chơi mùa bóng cuối cùng của mình. Nhưng Kazu vẫn cứ ở đó.

Thế giới từng chứng kiến những trường hợp thi đấu dài hơi. Roger Milla dự World Cup ở tuổi 38, đá cho đội tuyển Cameroon đến năm 42. Thủ thành Sebastiano Rossi vẫn ra sân đều đặn trong màu áo AC Milan ở tuổi 39, tương tự thế là Lothar Matthäus. Nhà vô địch World Cup 2002, Rivaldo, chỉ giã từ sự nghiệp ở tuổi 42 và đã có lúc ông cùng thi đấu với cậu con trai Rivaldinho. Nhưng kỷ lục phải là Stanley Matthews. Huyền thoại Anh quốc nghỉ hưu vào năm 1965, sau khi chơi trận cuối cùng khi đã 50 tuổi 5 ngày. "King Kazu" đã vượt qua kỷ lục ấy từ tận tháng 3 năm ngoái.

Tsubasa đời thật: Câu chuyện đẹp của bóng đá Nhật, bài học lớn cho U23 Việt Nam - Ảnh 4.

Trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp, chưa có ai từng ra sân hoặc từng ghi bàn mà cao tuổi hơn ông. Khi khoác áo Yokohama FC lần đầu vào năm 2005, Kazu đã 37 tuổi. Vậy mà ông đã liên tục 13 năm ở đó không nghỉ.

Trở lại với trận đầu hồi tháng 5 năm ngoái, khi Kazu tuyên bố không thể tham dự trận đấu. "Đầu gối tớ đau quá", nhật báo thể thao Nikkan Sports dẫn lời ông. Cũng không có gì lạ. Mấy năm gần đây, Kazu cứ liên tục ngồi ngoài như thế. Ông thích đá thì đá, thích nghỉ thì chỉ việc thông báo trước mà thôi.

Vấn đề là không có Kazu, Yokohama FC chơi… hay hơn. Họ có thể tự do dùng trung phong người Na Uy Ibba Laajab, cao 1,90 mét, thầu hết những quả bóng bổng. Có Ibba, đội bóng tự do tung ra những đường chuyền dài, thứ vũ khí lợi hại để phản công. Chỉ mất có 8 phút, Ibba đã ghi bàn vào lưới đội khách Nagoya Grampus. Anh chạy đi trong tiếng hô vang "Iba, Iba" từ những khán đài.

Tsubasa đời thật: Câu chuyện đẹp của bóng đá Nhật, bài học lớn cho U23 Việt Nam - Ảnh 5.

Còn khi có "King Kazu" trên sân, họ buộc phải đá chậm lại, chuyền ngắn để ông còn chạy kịp. Không có gì bí mật, thể lực và phong độ đỉnh cao của Kazu đã ở lại đâu đó hơn chục năm về trước. Khi ông hiện diện trên sân, trận đấu bỗng mang một tính chất rất khác. Đội bóng buộc phải đá chậm lại để ông còn đá. Đối phương chả dám vào bóng rát với ông. Kazu như một nhà Vua tập kiếm, ông thoải mái vung hết lực vào những kẻ tập cùng, nhưng chỉ phải đón những đòn nhẹ hều vì kẻ đối diện sợ mạo phạm.

Thế nhưng người ta vẫn muốn thấy Kazu trên sân, vì giá trị biểu tượng của ông. Kazu là siêu sao đầu tiên của bóng đá Nhật Bản. Ông đã chơi bóng tại Serie A, tại Croatia, tại nhiều CLB Brazil và được bầu là cầu thủ hay nhất châu Á vào năm 1993.

Khi J-League chính thức trình làng vào năm 1993, ông là cầu thủ Nhật Bản duy nhất có thể tỏa sáng ngang hàng với những ngôi sao luống tuổi của nước ngoài như Zico, Gary Lineker hay Pierre Littbarski. Kazu vô địch J-League và giành Vua phá lưới liên tục trong những năm đầu. Ông giúp Nhật Bản dẫn đầu hành trình vòng loại World Cup 1994 với 12 bàn sau 14 trận. Nhưng Nhật lỡ hẹn với World Cup năm ấy vì để thua Saudi Arabia trong trận đấu quyết định.

Nhờ danh tiếng của Kazu xuyên qua ba thập niên từ 1980 đến 2000, bóng đá mới có cơ hội trở thành môn thể thao số một tại Nhật. Kazu đã khuyến khích hàng triệu trẻ em tập bóng đá, những sân bóng mọc lên khắp nơi để rồi trong một thời gian ngắn, Nhật Bản trở thành đội bóng số một châu Á. Kazu là một tượng đài, đủ để ông có thể thi đấu đến bất cứ khi nào mình muốn.

Tsubasa đời thật: Câu chuyện đẹp của bóng đá Nhật, bài học lớn cho U23 Việt Nam - Ảnh 6.

Nhờ có Kazu, sân vận động bé nhỏ xây theo model từ những năm 1950 mới luôn đầy khán giả. Người ta đến xem Yokohama FC thì ít, mà xem một huyền thoại sống thì nhiều. Kazu không phải là một Maradona của Nhật Bản. Ông không tài năng đến mức khiến tất cả bật khỏi chỗ ngồi hay phải trầm trồ. Ông không dùng ma túy, không thừa cân và không suýt chết như một ngôi sao nhạc rock. Sự nghiệp dài hơi của ông cũng không giống Matthäus, ông không có thể chất phi thường lẫn sự kiêu ngạo đã thành thương hiệu của huyền thoại người Đức.

Điều làm nên sự vĩ đại của Kazu chính là sự dấn thân, vào một thời điểm mà bóng đá hãy còn rất nguyên sơ ở Nhật Bản. 15 tuổi bỏ nhà sang Brazil học đá bóng và thi đấu đá bóng. Một thân một mình ở xứ người, ông làm đủ mọi nghề để kiếm sống, phải ở cùng với những đồng hương làm gái điếm và giang hồ trên xứ người.

Giữa thập niên 1990, khi đang sống đời vương giả ở Nhật Bản, Kazu không ngại sang Serie A, đá ở giải đấu khó khăn nhất thế giới vào lúc đó. Ông thất bại, trở về, rồi lại khăn gói sang Croatia đá cho Dinamo Zagreb. Ông mang thế giới trở lại Nhật Bản, rồi lại mang Nhật Bản ra đến thế giới.

Tsubasa đời thật: Câu chuyện đẹp của bóng đá Nhật, bài học lớn cho U23 Việt Nam - Ảnh 7.

Kazu nổi tiếng ở hải ngoại hơn cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Tư tưởng chính trị của vị Thủ tướng chia rẽ Nhật Bản, còn Kazu thì thống nhất họ lại. Với người Nhật, hành trình vươn lên của Kazu chính là hành trình vươn lên của Nhật Bản, từ con số 0 và trở nên rực rỡ.

Bộ truyện tranh nổi tiếng nhất của Nhật Bản không phải Doraemon mà là Tsubasa, đã bán hơn 80 triệu bản, được dân Đức, Tây Ban Nha và Italia đón nhận nhiệt liệt. Nhân vật chính của truyện ấy - Tsubasa - đích thị lấy hình mẫu từ Kazu.

Trong truyện tranh, Tsubasa Oozora cũng lớn lên cạnh ngọn núi Phú Sĩ. Sau khi vô địch nhiều giải trẻ, anh rời gia đình sang Brazil học bóng đá cùng ông chú Robert. Ông chú ấy, một cựu cầu thủ lừng danh và đang nghiện rượu, lấy từ nguyên mẫu ngoài đời của Socrates.

Sau khi vô địch Brazil cùng với Sao Paulo, Tsubasa chuyển sang Barcelona. Phải thi đấu dưới sự hà khắc của HLV Louis van Gaal và cạnh tranh vị trí với Rivaldo, Tsubasa vẫn tỏa sáng và giúp Barcelona vô địch La Liga trước mũi đại kình địch Real Madrid.

Ngày 20/1/2018 vừa qua, Kazu Miura đã cùng CLB Yokohama sang Việt Nam để tham gia trận giao hữu với CLB SHB Đà Nẵng trên sân Hòa Xuân. Trận giao hữu kết thúc tốt đẹp với tỷ số 0-0

Truyện rõ hư cấu, những truyền cảm hứng khủng khiếp. Leo Messi, Andres Iniesta, Del Piero, Fernando Torres, Lukas Podolski… đều thừa nhận Tsubasa đã ảnh hưởng đến họ. Anh em nhà Torres thuở nhỏ rất nghèo, TV chả mấy khi bắt được tín hiệu. Nên khi hình ảnh của phim hoạt hình Tsubasa hiện lên, họ có cảm tưởng như vừa… trúng số.

Ảnh hưởng của Kazu lên những đàn em trong nước còn khủng khiếp hơn thế. Họ ngưỡng vọng ông tuyệt đối, họ xem việc được đứng chung sân với ông, được chạm vào ông đã là một vinh dự. Khi ông tuyên bố sẽ ký hợp đồng thêm một năm, thành phố Yokohama vui mừng như vừa trúng số. Họ không cần ông ghi bàn, họ không cần lên hạng nốt. Họ chỉ cần ông tiếp tục ở đó, thích đá thì đá, thích nghỉ thì nghỉ. Ông cứ làm việc mà mình làm tốt nhất trong hơn chục năm qua: làm Vua!

Cuối năm cùng Quang Hải: "Công Phượng đã thay đổi và tốt hơn rất nhiều"

Từ khóa » Tsubasa Ngoài đời Thật