(TTTP) Chuyện Kể Về Bác: Tấm Lòng Của Bác Hồ Với Chiến Sĩ

 

 

     

      Hàng năm, ngày 22-12 cả nước kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN để ghi nhớ công ơn các chiến sĩ đã hết lòng chiến đấu vì độc lập, tự do, sự an bình và hạnh phúc cho dân tộc. Là Chủ tịch nước, Bác Hồ luôn dành cho các chiến sĩ VN sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất. Bác thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!”. “Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!” xin gửi đến các đ/c một trong những mẩu chuyện kể về câu chuyện của Bác như sau, theo lời kể của đ/c Ma Văn Trường.

       Năm 1952, khi vùng tự do đã được mở rộng sau nhiều chiến dịch lớn, các đại đoàn chủ lực đã được thành lập. Chính sách thuế nông nghiệp được ban hành, nhân dân nhiều vùng ra sức đóng góp thuế nông nghiệp để nuôi quân.

Bác đề nghị tăng gấp đôi tiêu chuẩn cho bộ đội (lúc đó chiến sĩ được tiêu chuẩn 1kg gạo/ngày, kể cả ăn và tiêu vặt), cán bộ thì được hơn.

Chủ trương đó được phổ biến tới Tổng cục Hậu cần và Cục Quân lương. Các đồng chí quân lương nhiều lần làm đề án trình Bác, căn cứ vào thực tế thóc có trong kho và tính toán cân đối với Bộ Tài chính, thì tăng gấp đôi cho cán bộ từ trung đội phó trở lên, còn chiến sĩ chỉ thêm hai lạng tức là mỗi ngày được tiêu chuẩn 1,2kg gạo.

Tôi thấy nhiều đêm Bác thao thức về vấn đề này. Có lần đến phiên tôi trực, Bác hỏi: “Sức trai như chú mỗi bữa ăn mấy bát cơm thì no?”. Lúc ấy ăn uống thức ăn chẳng có gì, chủ yếu là ăn cơm. Tôi hiểu tâm trạng Bác hỏi là có ý, nên đã thưa thực:

- Thưa Bác, như cháu mỗi bữa ăn 5 bát mới no.

- 5 bát cơm phải một bơ bò đầy gạo là 0,33kg, ngày ba bữa, riêng ăn đã là 1kg rồi

Vào một đêm tháng Chạp năm đó, trời rét như cắt thịt. Tôi thu mình trong chiếc áo dạ chiến lợi phẩm đứng dưới sàn nhà của Bác. Ánh đèn trên nhà sàn vẫn sáng. Khoảng 1giờ sáng lại có tiếng lẹp xẹp trên sàn nứa, tôi đoán Bác lại suy tư điều gì, xuống hỏi tôi đây.

Đúng như dự đoán, chỉ hơn một phút sau Bác đã đứng cạnh tôi, Bác đưa cho tôi một điếu thuốc lá hút cho đỡ rét rồi hỏi:

- Chú ăn cơm chiều lúc mấy giờ?

- Thưa Bác lúc 5 giờ rưỡi ạ!

- Chú đã đói chưa?

Biết là không thể nói dối Bác được, tôi thú thật:

- Thưa Bác đói rồi ạ!

Bác vui hẳn lên như tìm ra một vật quý và nói - giọng nói đầy yêu thương.

- Đúng rồi, chú bảo vệ ở hậu phương mà lúc này đói, thì các chiến sĩ công đồn, phục kích quân địch, vào lúc này chắc sẽ đói gấp đôi. Vậy mỗi chú chỉ có 1,2 kg gạo thì đánh giặc sao nổi.

Bác lên sàn rồi quay lại rất nhanh đưa cho tôi một bắp ngô nếp luộc rất to.

- Phần của chú đây, chú ăn đi cho đỡ đói để làm nhiệm vụ.

Tôi biết không thể từ chối, nên cầm bắp ngô ăn, trong bụng vẫn băn khoăn không biết đêm nay Bác đã ăn gì chưa?

Khi nhà sàn tắt đèn, tôi liếc nhìn đồng hồ thì đã 2 giờ sáng. Những gì diễn ra tiếp đó thì tôi không rõ, chỉ biết rằng đầu tháng sau các chiến sĩ bảo vệ chúng tôi cũng được tăng tiêu chuẩn 2kg gạo/ngày.          

       Cả cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí minh đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân. Là một Chủ tịch nước nhưng cuộc sống của Bác vô cùng giản dị và tiết kiệm, Bác không đặt ra một quyền lợi đặc biệt nào cho bản thân mà lại luôn ân cần quan tâm đến những điều rất nhỏ nhoi, bình dị của mọi người; ngay cả lúc sắp ra đi, Bác cũng đã dặn dò trong Di chúc: “ Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Tấm lòng của Bác dành cho nhân dân VN là vô bờ bến, là sự hiếm thấy ở một vị lãnh đạo cấp cao nhất nên dù bao năm nay và dù có những ai chưa từng một lần gặp Bác nhưng toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn luôn kính trọng và dành những tình cảm đặc biệt đối với Bác. Những lời dạy và tư cách đạo đức của Bác mãi mãi là kim chỉ nam, là tấm gương cho tất cả chúng ta, dân tộc Việt Nam và cả thế giới học tập và làm theo.

Lê Thị Hương Nga

Trưởng phòng TT, GQ KN, TC số 3

 

Từ khóa » Câu Chuyện Về Ngày 22 12