TTWTO VCCI - Các Loại Thuế Phí Khi Nhập Khẩu Vào Đức

Thuế quan nhập khẩu

Sau khi xác định được mã HS của hàng hóa theo Danh pháp kết hợp – CN của EU (cấp 8 số), nhà nhập khẩu có thể biết được mức thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa đó.

Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Đức, hiện có 03 lựa chọn về thuế quan, mỗi lựa chọn tương ứng với một mức thuế và các điều kiện cụ thể. Nhà nhập khẩu sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của hàng hóa để lựa chọn thuế quan phù hợp và có lợi nhất cho mình. Cụ thể:

  • Thuế MFN: Đây là mức thuế mà Đức áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO. Mức thuế này do EU quyết định nhưng phải đảm bảo tuân thủ mức cam kết trong WTO và không có điều kiện nào kèm theo. Việt Nam là thành viên WTO, do đó hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi theo cơ chế này mà không cần đáp ứng điều kiện gì.
  • Thuế GSP: Đây là mức thuế ưu đãi mà EU (trong đó có Đức) đơn phương dành cho một số nước đang và kém phát triển (trong đó có Việt Nam). Không phải hàng hóa nào của Việt Nam cũng được hưởng thuế ưu đãi GSP của EU. Đồng thời, hàng hóa muốn hưởng thuế GSP phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ GSP mà EU quy định. Tuy nhiên cần lưu ý là Cơ chế thuế GSP sẽ chỉ được tiếp tục áp dụng trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tức là từ 1/8/2022 trở đi hàng hóa Việt Nam sẽ không được áp dụng thuế GSP của EU nữa.
  • Thuế ưu đãi EVFTA: Đây là mức thuế ưu đãi mà các nước thành viên EU dành cho hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam (kể từ khi EVFTA có hiệu lực 01/08/2020). Mức thuế ưu đãi do EU xác định, nhưng trong mọi trường hợp không được cao hơn mức đã cam kết trong EVFTA. Để được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được quy tắc và có chứng nhận xuất xứ theo thủ tục xuất xứ của Hiệp định.

Doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan áp dụng đối hàng hóa của mình tại trang web của Cổng thông tin Access2Markets của Ủy ban châu Âu theo đường dẫn: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/home

Các loại thuế khác

Ngoài thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu vào Đức có thể bị áp các loại thuế khác như:

  • Thuế tiêu thụ đặc biệt (Excise tax): Một số loại hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi vào thị trường Đức, ví dụ như thuốc lá, đồ uống có cồn (rượu mạnh, bia, rượu vang sủi bọt), dầu khoáng, sản phẩm năng lượng…Đây là loại thuế áp dụng riêng cho hàng hóa nhập khẩu vào Đức, không phải thuế chung của EU.
  • Thuế giá trị gia tăng (VAT): Hàng hóa nhập khẩu vào Đức phải chịu thuế VAT - thường là 19%, một số hàng hóa được giảm thuế VAT, ví dụ như các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm… có VAT là 7%. Đây là loại thuế áp dụng riêng cho hàng hóa nhập khẩu vào Đức, không phải thuế chung của EU.
  • Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ: Một số hàng hóa nhập khẩu bị EU điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ. Đây là loại thuế chung của EU, hàng hóa là đối tượng của biện pháp thuế dù nhập khẩu vào Đức hay bất kỳ thị trường EU nào cũng sẽ bị áp dụng thuế này.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập

Từ khóa » Các Loại Thuế Phải Nộp Khi Nhập Khẩu Hàng Hóa