TTWTO VCCI - Quy Trình Và Thủ Tục Nhập Khẩu Hàng Hóa Vào Đức?

Câu hỏi: Quy trình và thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Đức?

Trả lời:

Là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Đức cơ bản áp dụng chung các quy trình và thủ tục nhập khẩu hàng hóa của EU.

Quy trình nhập khẩu hàng hóa vào EU nói chung được thông tin chi tiết tại Cổng Access2Markets của Ủy ban châu Âu (https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en), với địa chỉ cụ thể theo đường dẫn: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content/guide-import-goods.

Ngoài ra, trang web của Hải quan Đức (https://www.zoll.de/EN) tại đường dẫn: https://www.zoll.de/EN/Businesses/Movement-of-goods/Import/import_node.html cũng quy định về quy trình nhập khẩu này.

(Chú ý các đường dẫn/link được nêu trong mục này chỉ mang tính chất tham khảo, có thể bị thay đổi. Trong mọi trường hợp doanh nghiệp có thể trực tiếp truy cập vào Cổng Access2Markets và trang web của Hải quan Đức để tìm kiếm các thông tin).

Dưới đây là tóm tắt các bước nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia ngoài lãnh thổ EU vào Đức:

Bước 1: Chuẩn bị nhập khẩu

Đăng ký số EORI - Số đăng ký và định danh chủ thể kinh doanh

Để thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa ra vào lãnh thổ EU, cá nhân/doanh nghiệp phía EU bắt buộc phải sử dụng số EORI làm mã số định danh (identification number) trong mọi thủ tục hải quan khi trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan. Mỗi chủ thể chỉ được cấp 01 số EORI, có hiệu lực trên toàn lãnh thổ EU. Như vậy, để có thể nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Đức, nhà nhập khẩu phải đăng ký số EORI và phải trích dẫn số EORI trên tờ khai hải quan của mình.

Số EORI được cấp miễn phí bởi Văn phòng Quản lý Dữ liệu Tổng thể của Tổng cục Hải quan Đức tại Dresden (GZD - DO Dresden - Stammdatenmanagement). Tuy nhiên từ ngày 1/10/2019, nhà nhập khẩu có thể đăng ký hoặc thay đổi dữ liệu đã được lưu trữ thông qua Cổng thông tin dành cho người dân và khách hàng doanh nghiệp tại địa chỉ trang web: www.zoll-portal.de.

Thông tin chi tiết về thủ tục yêu cầu cấp số EORI xem tại đường dẫn: https://www.zoll.de/EN/Businesses/Movement-of-goods/Import/Duties-and-taxes/EORI-number/eori-number_node.html

Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa

Không phải hàng hóa nào cũng được phép nhập khẩu vào Đức, đồng thời cũng không phải tất cả các loại hàng hóa khi nhập khẩu vào Đức đều có chung một cơ chế nhập khẩu. Trên thực tế, vì nhiều lý do, Đức đặt ra yêu cầu cấm/hạn chế nhập khẩu đối với một số quốc gia, cá nhân/tổ chức và hàng hóa.

Do vậy, trước khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Đức, nhà nhập khẩu cần xác định diện nhập khẩu của hàng hóa của mình để xác định thủ tục tương ứng. Một số hàng hóa bị cấm/hạn chế nhập khẩu, hoặc thuộc diện kiểm soát đặc thù nên các nhà xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu Đức cần đặc biệt chú ý.

Hàng hóa nào nhập khẩu vào Đức bị hạn chế nhập khẩu hoặc thuộc diện kiểm soát đặc thù?

Hàng hóa bị cấm nhập khẩu

Tương tự như các quốc gia khác, EU/Đức cũng cấm nhập khẩu một số hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tính mạng sức khỏe con người, môi trường, văn hóa… Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu vào Đức có thể tham khảo tại: https://crossborder.fedex.com/us/assets/prohibited-restricted/germany/index.shtml. Các hàng hóa thuộc danh mục này sẽ không đươc phép nhập khẩu vào thị trường Đức.

Hàng hóa bị cấm/hạn chế nhập khẩu từ một số quốc gia hoặc tổ chức/cá nhân cụ thể

Vì một số lý do như an ninh hay đối ngoại, Đức có thể thực hiện những biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ một số quốc gia nhất định (thường được gọi là cấm vận), hay từ một số tổ chức/cá nhân cụ thể (thường được gọi là biện pháp trừng phạt)

Danh mục các quốc gia bị cấm vận được liệt kê chi tiết tại: https://www.zoll.de/SharedDocs/Boxen/EN/Hintergrund/0016_list_of_embargoed_countries.html?nn=204780&faqCalledDoc=204780. Việt Nam không nằm trong danh sách này.

Danh sách các tổ chức/cá nhân bị áp dụng các biện pháp trừng phạt được quy định chi tiết tại: https://www.zoll.de/SharedDocs/Boxen/EN/Hintergrund/0017_list_of_individuals_and_organisations.html?nn=205762&faqCalledDoc=205762. Hiện tại, không có tổ chức/cá nhân nào của Việt Nam nằm trong danh sách này.

Hàng hóa thuộc diện bị kiểm soát đặc thù (kiểm tra chuyên ngành, giấy phép nhập khẩu…)

Hàng hóa nhập khẩu vào Đức tùy từng loại khác nhau có thể bị kiểm soát dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn:

- Các sản phẩm rau quả: cần kiểm tra việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật và tạp chất, cần có giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn mác…

- Các sản phẩm thủy sản: cần kiểm tra việc tuân thủ mức dư lượng thuốc kháng sinh, dư lượng thuốc diệt khuẩn, dư lượng tạp chất đối với thủy sản, kiểm tra đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn, cần có giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm tra việc thủy sản phải được đánh bắt hợp pháp…

- Các sản phẩm dệt may: cần kiểm tra an toàn sản phẩm đảm bảo đáp ứng Chỉ thị an toàn sản phẩm chung (GPSD), kiểm tra việc đáp ứng quy định về các hóa chất bị hạn chế sử dụng trong sản xuất hàng dệt may, kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn… và với một số nhóm hàng cụ thể (quần áo trẻ em, quần áo bảo hộ…) kiểm tra việc tuân thủ các quy định bổ sung với các nhóm hàng này.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các quy định và yêu cầu nhập khẩu cụ thể đối với hàng hóa của mình để đáp ứng và có các giấy chứng nhận liên quan khi xuất khẩu sang Đức, qua đó nhà nhập khẩu có thể hoàn tất các thủ tục nhập khẩu liên quan.

Bước 2: Phân loại hàng hóa

Xác định phân loại (HS) cho hàng hóa là một bước rất quan trọng để xác định thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa đó. Cần lưu ý, theo Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), các nước sẽ áp đặt thống nhất đến 6 số đầu của một mã HS. Tuy nhiên việc áp đặt các số sau đó trong dãy số mã HS thuộc quyền quyết định riêng của mỗi nước, vì thế các số này có thể khác biệt giữa các nước. Trên thực tế, để phục vụ cho nhu cầu quản lý của riêng mình, các nước có xu hướng quy định thêm các số vào mã HS ngoài 6 số đầu chung theo quy định của WCO. Đa số các nước thường quy định thêm 2 hoặc 4 số chung (tạo thành mã HS 8 số, 10 số).

Việt Nam hiện đang áp dụng hệ thống HS chi tiết đến 8 số theo Hệ thống hài hòa thuế quan của ASEAN (AHTN). Trong khi đó, Đức áp dụng hệ thống HS tích hợp (8 số) của EU (CN) cho mục đích áp dụng thuế quan nhập khẩu, và chi tiết thêm đến 11 số cho mục đích áp thuế VAT và một số biện pháp khác.

Vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức cần xác định mã HS của hàng hóa theo hệ thống HS của Đức (11 số) chứ không phải là theo HS của Việt Nam (08 số). Việc xác định phân loại hàng hóa theo HS của Đức căn cứ vào mô tả của hàng hóa để xác định cho chính xác. Nếu doanh nghiệp không chắc chắn về việc phân loại của mình thì có thể liên hệ với Hải quan Đức để được hỗ trợ xác định trước HS của hàng hóa.

Cấu trúc Hệ thống HS của Đức

Đức quy định Hệ thống HS chi tiết đến 11 số trong đó:

- 6 số đầu tiên: Tuân theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Harmonised System – HS) của WCO. Hệ thống HS của WCO được sử dụng thống nhất bởi 183 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức này, trong đó có Việt Nam và EU.

- Số thứ 7 và 8: Tuân theo Hệ thống HS của EU, gọi là Danh pháp kết hợp (Combined Nomenclature – CN), được công bố trên Tạp chí chính thức của EU vào tháng 10 hàng năm. Đây là hệ thống HS 8 số, được áp dụng thống nhất trong toàn EU để các thành viên làm cơ sở xây dựng Biểu HS quốc gia của mình (chi tiết hơn đến 10-11 số). EU cũng sử dụng Hệ thống CN này trong các đàm phán thương mại quốc tế về thuế quan.

- Số thứ 9 và 10: Hai số này được quy định theo Biểu thuế tích hợp của EU (Integrated Tariff of the European Communities – TARIC) với mục đích mã hóa hàng hóa phục vụ các biện pháp quản lý nhập khẩu của EU như các biện pháp chống bán phá giá, đình chỉ thuế, hạn ngạch thuế quan…

- Số thứ 11: Đây là số dùng để phân loại hàng hóa chi tiết hơn cho mục đích quốc gia, chẳng hạn như mã để xác định thuế VAT hoặc lệnh cấm và hạn chế nhập khẩu của Đức.

Ví dụ cấu trúc hệ thống HS của Đức đối với sản phẩm Sách cho trẻ em có mã HS 4901 9900 00 9:

Mã số Cấu trúc chính thức
49 Chương – Hệ thống hài hòa
4901 Nhóm – Hệ thống hài hòa
4901 99 Phân nhóm – Hệ thống hài hòa
4901 9900 Phân nhóm – Danh pháp kết hợp (CN)
4901 9900 00 Phân nhóm – TARIC
4901 9900 00 9 Mã số hàng hóa - Biểu thuế hải quan điện tử/sử dụng cho mục đích quốc gia

Doanh nghiệp có thể tìm hiểu chi tiết về Hệ thống HS của Đức tại trang web của Hải quan Đức (https://www.zoll.de/EN) theo đường dẫn: https://www.zoll.de/EN/Businesses/Movement-of-goods/Import/Duties-and-taxes/Normal-customs-clearance/Customs-Tariff/customs-tariff_node.html

Lưu ý, mặc dù Hệ thống HS của Đức chi tiết đến 11 số, việc xác định thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu vào Đức chỉ cần căn cứ vào 8 số đầu. Lý do là EU áp dụng hệ thống thuế quan thống nhất trên toàn EU và hệ thống này chỉ chi tiết đến 8 số (theo Hệ thống HS CN). Cam kết thuế quan trong EVFTA của EU cũng theo HS 8 số. Việc chi tiết HS đến 10 số theo TARIC hay 11 số của Đức không nhằm phân loại thuế quan mà cho các mục đích khác. Vì vậy, khi khai báo Hải quan thì doanh nghiệp nhập khẩu Đức vẫn khai báo đến 11 số, nhưng xác định thuế quan theo 8 số đầu.

Ngoài ra, đối với giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (trong trường hợp hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA) thì chỉ cần ghi 06 số đầu của mã HS hàng hóa vì Quy tắc xuất xứ trong EVFTA chỉ chi tiết đến 06 số. Hiện tại, do Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận trong EVFTA, Giấy chứng nhận xuất xứ EVFTA cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ do nhà xuất khẩu Việt Nam xin tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và gửi cho nhà nhập khẩu Đức để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA cho lô hàng liên quan.

Bước 3: Xác định các loại thuế phí

Thuế quan nhập khẩu

Sau khi xác định được mã HS của hàng hóa theo Danh pháp kết hợp – CN của EU (cấp 8 số), nhà nhập khẩu có thể biết được mức thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa đó.

Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Đức, hiện có 03 lựa chọn về thuế quan, mỗi lựa chọn tương ứng với một mức thuế và các điều kiện cụ thể. Nhà nhập khẩu sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của hàng hóa để lựa chọn thuế quan phù hợp và có lợi nhất cho mình. Cụ thể:

- Thuế MFN: Đây là mức thuế mà Đức áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO. Mức thuế này do EU quyết định nhưng phải đảm bảo tuân thủ mức cam kết trong WTO và không có điều kiện nào kèm theo. Việt Nam là thành viên WTO, do đó hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi theo cơ chế này mà không cần đáp ứng điều kiện gì.

- Thuế GSP: Đây là mức thuế ưu đãi mà EU (trong đó có Đức) đơn phương dành cho một số nước đang và kém phát triển (trong đó có Việt Nam). Không phải hàng hóa nào của Việt Nam cũng được hưởng thuế ưu đãi GSP của EU. Đồng thời, hàng hóa muốn hưởng thuế GSP phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ GSP mà EU quy định. Tuy nhiên cần lưu ý là Cơ chế thuế GSP sẽ chỉ được tiếp tục áp dụng trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tức là từ 1/8/2022 trở đi hàng hóa Việt Nam sẽ không được áp dụng thuế GSP của EU nữa.

- Thuế ưu đãi EVFTA: Đây là mức thuế ưu đãi mà các nước thành viên EU dành cho hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam (kể từ khi EVFTA có hiệu lực 01/08/2020). Mức thuế ưu đãi do EU xác định, nhưng trong mọi trường hợp không được cao hơn mức đã cam kết trong EVFTA. Để được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được quy tắc và có chứng nhận xuất xứ theo thủ tục xuất xứ của Hiệp định.

Doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan áp dụng đối hàng hóa của mình tại trang web của Cổng thông tin Access2Markets của Ủy ban châu Âu theo đường dẫn: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/home

Các loại thuế khác

Ngoài thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu vào Đức có thể bị áp các loại thuế khác như:

- Thuế tiêu thụ đặc biệt (Excise tax): Một số loại hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi vào thị trường Đức, ví dụ như thuốc lá, đồ uống có cồn (rượu mạnh, bia, rượu vang sủi bọt), dầu khoáng, sản phẩm năng lượng…Đây là loại thuế áp dụng riêng cho hàng hóa nhập khẩu vào Đức, không phải thuế chung của EU.

- Thuế giá trị gia tăng (VAT): Hàng hóa nhập khẩu vào Đức phải chịu thuế VAT - thường là 19%, một số hàng hóa được giảm thuế VAT, ví dụ như các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm… có VAT là 7%. Đây là loại thuế áp dụng riêng cho hàng hóa nhập khẩu vào Đức, không phải thuế chung của EU.

- Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ: Một số hàng hóa nhập khẩu bị EU điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ. Đây là loại thuế chung của EU, hàng hóa là đối tượng của biện pháp thuế dù nhập khẩu vào Đức hay bất kỳ thị trường EU nào cũng sẽ bị áp dụng thuế này.

Bước 4: Vận chuyển, làm thủ tục Hải quan và thông quan cho lô hàng

Tất cả hàng hóa thương mại vận chuyển từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam, sang Đức sẽ phải thực hiện khai báo cho Cơ quan Hải quan Đức – Cơ quan có thẩm quyền về thủ tục giải phóng hàng hóa đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào EU mà cửa khẩu đầu tiên là thuộc lãnh thổ Đức.

Thủ tục Hải quan nhập khẩu vào Đức bao gồm các bước sau:

- Khai báo Tờ khai tóm tắt nhập cảnh (Entry Summary Declaration - ENS): Tờ khai ENS phải nộp cho Văn phòng hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên. Thời hạn nộp ENS tùy thuộc vào phương thức vận chuyển hàng hóa, ví dụ ít nhất 01 giờ trước khi hàng đến nếu vận chuyển bằng đường bộ, ít nhất 24 giờ trước khi bắt đầu xếp hàng tại cảng nước ngoài nếu vận chuyển bằng đường biển container, ít nhất 4 giờ trước khi hàng đến sân bay đầu tiên nếu vận chuyển bằng đường hàng không với chuyến bay đường dài từ 4 tiếng trở lên...;

- Khai báo Tờ khai nhập khẩu: Sau khi hàng đến, nhà nhập khẩu phải tiến hành khai báo Tờ khai nhập khẩu, còn gọi là Tài liệu hành chính duy nhất (Single Administrative Document - SAD) – được sử dụng thống nhất ở tất cả các quốc gia thành viên của EU. SAD có thể được nộp bằng cách: (i) nộp tại trụ sở Văn phòng hải quan được chỉ định; hoặc (ii) sử dụng hệ thống máy tính được chỉ định liên kết với cơ quan hải quan. Khi thực hiện các thủ tục hải quan, nhà nhập khẩu phải sử dụng số EORI của mình;

- Kiểm tra chứng từ nhập khẩu: Hải quan Đức sẽ tiến hành kiểm tra các chứng từ nhập khẩu bắt buộc xem có đầy đủ và hợp lệ hay không (xem chi tiết ở bên dưới);

- Kiểm tra thực tế phương tiện vận tải và hàng hóa, nếu cần;

- Thu thuế nhập khẩu, các loại thuế, phí khác.

Các chứng từ nhập khẩu bắt buộc

Đối với hàng hóa thuộc diện nhập khẩu thông thường, các chứng từ mà nhà nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan hải quan Đức bao gồm:

- Hóa đơn thương mại (Commercial invoice);

- Phiếu đóng gói (Packing List);

- Vận đơn (Vận đơn đường biển – B/L, vận đơn đường đường hàng không – AWB…);

- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): Nếu hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan GSP hay EVFTA thì phải nộp C/O tương ứng (với GSP là tự chứng nhận xuất xứ theo Cơ chế REX của EU, với EVFTA là C/O mẫu EVFTA (mẫu EUR.1) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp).

Đối với các loại hàng hóa thuộc diện kiểm soát đặc thù, ngoài các chứng từ kể trên, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm cho Hải quan Đức một số chứng từ bắt buộc tùy từng loại hàng hóa, chẳng hạn:

- Chứng nhận CE-marking đối với một số loại hàng hóa như đồ chơi cho trẻ em dưới 14 tuổi; tủ lạnh, tủ đông trong gia đình; thiết bị đốt nhiên liệu khí; máy móc; thiết bị y tế; dụng cụ đo lường; thiết bị điện…;

- Chứng nhận CITES đối với việc nhập khẩu mẫu động vật (còn sống hoặc không), mẫu thực vật và các bộ phận khác của chúng, hoặc mẫu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật;

- Giấy chứng nhận hun trùng do cơ quan kiểm dịch thực vật nước xuất khẩu cấp, áp dụng đối với một số hàng hóa có nhiều nguy cơ chứa các vi trùng có hại (mối, mọt, nấm mốc…) như các mặt hàng có nguồn gốc từ gỗ (hàng mây tre đan, thủ công mỹ nghệ…), một số mặt hàng có nguồn gốc hữu cơ (cà phê, tiêu, điều…) hoặc bao bì đóng gói hàng hóa có nguồn gốc từ gỗ (pallet)…;

- Chứng nhận kiểm dịch động thực vật với một số sản phẩm như rau quả, thủy sản…

Sau khi hàng nhập khẩu được nộp đầy đủ các chứng từ, thuế phí theo yêu cầu và kiểm tra hàng hóa không có vấn đề gì (nếu hàng hóa được yêu cầu kiểm tra thực tế), Hải quan Đức sẽ tiến hành thông quan cho lô hàng và giải phóng hàng hóa. Trong quá trình làm thủ tục Hải quan, hàng hóa nhập khẩu sẽ được đưa vào Kho tạm thời (Temporary storage) dưới sự giám sát của Hải quan (không quá 90 ngày) cho đến khi hàng hóa được thông quan.

Sau khi được thông quan và giải phóng, hàng hóa nhập khẩu sẽ được lưu hành tự do tại Đức và toàn bộ lãnh thổ các thành viên EU.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Từ khóa » Eu Hạn Chế Nhập Khẩu đối Với Các Mặt Hàng Nào