TTWTO VCCI - Tăng Khả Năng Xuất Khẩu Hàng Dệt May Sang Nhật Bản

Là một trong những thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam, thị trường Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng để các DN Việt Nam khai thác mở rộng thị phần. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia để làm được điều này DN dệt may Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí khắt khe.

Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành dệt may Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 12%. Đặc biệt, năm 2010 dưới tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản tăng đột biến đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009 và chiếm 11% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản đạt trên 300 triệu USD, chiếm 11,59% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành tập trung vào các mặt hàng quần áo trẻ em, quần áo bảo hộ lao động, áo sơ mi, quần áo văn phòng, khăn bông...

Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Nhật Bản tăng hàng năm nhưng thị phần ở thị trường Nhật Bản mà DN Việt Nam chiếm lĩnh quả thực rất nhỏ so với 360 tỷ USD tổng giá trị các mặt hàng dệt may Nhật Bản phải nhập khẩu hàng năm. Chỉ tính riêng sản phẩm quần áo, năm 2010 Nhật Bản đã nhập khẩu hơn 3,7 tỷ USD, trong đó, 90% được nhập khẩu từ Trung Quốc, 5% từ Mỹ, EU, Việt Nam và các thị trường khác. Như vậy, nếu có chiến lược hợp lý, đầu tư tốt các DN dệt may Việt Nam hoàn toàn có khả năng mở rộng thị phần, tăng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong tháng 6/2011 đạt 130,2 triệu USD, tăng 12,1% so với tháng 5/2011 và tăng mạnh 64% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta sang thị trường Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 sau Mỹ và EU, đạt 712,4 triệu USD, tăng mạnh 48% so với cùng kỳ năm 2010.

Các mặt hàng dệt may chủ lực xuất khẩu sang thị trường này như quần các loại, áo thun, áo sơ mi, áo jacket, khăn bông… đều có mức tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, xuất khẩu quần các loại tăng mạnh 198% đạt 26,3 triệu USD, áo thun tăng 88,6% đạt 16,3 triệu USD, áo sơ mi tăng 85,5% đạt 9,3 triệu USD, khăn bông tăng 106% đạt 10 triệu USD.

Trong tháng 6/2011, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng cao so với cùng kỳ năm 2010 như áo tăng 436%, quần short tăng 207%, quần áo mưa tăng 123%, áo lễ hội tăng 2.997%, quần áo các loại tăng 169%...

Bên cạnh đó, xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm xuống so với cùng kỳ năm trước như: đồ lót giảm 62%, đạt 9,7 triệu USD, áo kimono giảm 2%, đạt 7,1 triệu USD, màn giảm 84,8%, quần jean giảm 77%, quần áo bơi giảm 18%...

Về đơn giá: Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, giá áo sơ mi đạt trung bình 8,39 USD/chiếc, tăng 7,2%, áo kimono tăng 12,4% so với cùng kỳ, đạt trung bình 124,93 USD/chiếc, áo ghile tăng 38,2% đạt 9 USD/chiếc. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu một số mặt hàng khác giảm, ví dụ như giá áo y tế đạt trung bình 12,14 USD/chiếc, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước, màn giảm 8% xuống 3,27 USD/cái, quần áo trẻ em giảm mạnh 35% xuống trung bình 3,74 USD/bộ.

Chủng loại hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2011

Chủng loại

T6/2011 (USD)

So T5/11 (%)

So T6/10 (%)

6 tháng 2011 (USD)

So 2010 (%)

Quần

26.305.958

18,86

198,44

129.629.684

146,96

Áo thun

16.330.643

48,57

88,60

94.986.142

42,01

Áo sơ mi

9.301.973

-23,72

85,58

69.853.562

77,77

Áo Jacket

9.984.892

12,81

30,85

55.117.366

46,31

Khăn bông

10.079.825

9,50

106,89

50.325.969

66,84

Đồ lót

9.702.848

24,17

-62,48

46.171.857

-21,91

Áo Kimono

7.147.392

-4,59

-2,29

41.609.996

2,18

Hàng may mặc

7.020.955

-7,15

77,88

32.693.134

109,18

Áo

9.274.272

51,40

436,23

32.537.893

138,40

Quần áo Vest

6.893.717

64,57

37,63

30.633.516

20,96

Váy

3.234.785

30,23

18,68

17.967.601

10,62

Màn

556.706

-37,53

-84,86

16.194.171

-20,82

Quần Short

996.625

-55,97

207,45

13.385.962

97,57

Khăn

1.097.713

-48,72

96,47

10.630.237

333,65

Găng tay

2.001.595

33,36

92,04

9.232.936

14,40

Quần áo BHLĐ

1.625.423

-5,96

98,17

8.327.874

65,79

Quần áo trẻ em

1.130.830

-14,79

66,82

7.665.857

21,44

Vải

1.911.056

40,89

91,20

7.531.841

55,15

Bít tất

830.998

18,13

79,91

6.532.346

61,96

Quần Jean

382.959

-26,29

-77,79

3.998.046

-72,86

Quần áo các loại

421.897

-19,00

169,57

3.912.844

74,09

Áo len

480.824

2,59

78,04

3.598.122

86,19

Quần áo mư­a

512.662

8,56

123,12

3.302.803

60,30

Quần áo ngủ

427.710

-31,28

72,90

3.024.208

-9,56

Quần áo thể thao

237.560

-35,70

19,34

2.862.964

50,21

Quần áo bơi

177.328

-71,00

-18,20

2.421.814

-1,78

Áo y tế

659.523

63,80

25,52

2.223.192

40,76

Tạp dề

353.198

-17,41

49,65

2.005.088

8,02

Áo Ghilê

86.574

-24,55

5,45

510.792

-18,84

Áo lễ hội

136.559

-

2.997,26

136.559

2.997,26

PL may

8.104

-

-49,67

112.035

43,38

Túi

33.574

-

-

33.574

-

Áo gió

3.249

-77,69

-

3.249

-

Theo Chuyên viên cao cấp của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JICA), hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm nhà sản xuất mới thay cho Trung Quốc, bởi khoảng 8 năm trở lại đây chi phí nhân công của Trung Quốc tăng rất nhanh đã đội chi phí cho các nhà sản xuất. Và Việt Nam được coi là "Trung Quốc + 1" (ứng cử viên tốt nhất), không chỉ bởi Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, chi phí nhân công chưa bằng ½ so với Trung Quốc khoảng 70-86 USD/người/tháng mà nền văn hóa của Việt Nam-Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng.

Như vậy, thị trường Nhật Bản hiện còn rất nhiều tiềm năng và DN dệt may Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, Nhật Bản lại nổi tiếng là thị trường khó tính, yêu cầu cao. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác, tiếp xúc với thị trường Nhật Bản, Tùy viên Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Nhật Bản điều quan trọng nhất là đảm bảo được chất lượng sản phẩm, mẫu mã phong phú. Muốn vậy, các DN phải trang bị thiết bị sản xuất hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng may mặc trẻ em.

Không giống như thị trường Mỹ, EU luôn đặt những đơn hàng lớn, đơn giản, thị trường Nhật Bản là thị trường tiên tiến, luôn đòi hỏi sự tinh xảo, phong phú trong kiểu dáng sản phẩm nên đơn đặt hàng thường nhỏ chỉ khoảng 500-1000 sản phẩm/kiểu dáng, nhiều nhất cũng chỉ khoảng 10.000 sản phẩm/kiểu dáng. Do vậy các DN Việt Nam phải linh hoạt trong sản xuất, lựa chọn chất vải và có thể đề xuất mẫu thiết kế. Đặc biệt, thị trường may mặc Nhật Bản thay đổi theo mùa rất mạnh nhất là vào tháng 3, 4 để chuẩn bị cho ngày lễ Golden Week và tháng 9, 10,11 chuẩn bị cho dịp Noel và Tết, vì vậy nhu cầu nhập hàng trong thời gian này rất lớn, các DN Việt Nam nên tận dụng thời điểm này.

Tuy nhiên, để chắc chân ở thị trường Nhật Bản, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành, các DN dệt may Việt Nam nên tạo mối quan hệ hợp tác lâu dài với DN Nhật Bản, bởi văn hóa kinh doanh của Nhật Bản là rất trung thành với các đối tác có mối quan hệ lâu dài, trong trường hợp có sai sót DN Nhật Bản sẽ cố gắng giữ lại phần nhiều nhất lợi nhuận cho đối tác. Bên cạnh đó, DN Việt Nam nên xây dựng và phát triển thương hiệu riêng, tham gia vào sản xuất nguyên liệu, điều này sẽ rất quan trọng cho các DN giảm chi phí sản xuất, khẳng định vị trí trên thị trường dệt may thế giới. Một điểm quan trọng nữa là DN Nhật Bản luôn tìm đối tác thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ chuyên ngành. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 80% các sản phẩm dệt may của thế giới vào thị trường Nhật Bản thông qua hình thức này, các DN Việt Nam nên chú trọng tham gia những hoạt động xúc tiến thương mại này.

Nguồn: Báo Vinanet

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Hàng May Mặc Việt Nam