TTWTO VCCI - (Thông Tin Thị Trường) EU - Biện Pháp Phi Thuế Quan
Có thể bạn quan tâm
CÁC BIỆN PHÁP PHI THUẾ QUAN
1. Rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT)
Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà EU áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh… Các biện pháp này phù hợp với các nguyên tác của Hiệp định TBT của WTO.
Một số rào cản kỹ thuật EU thường áp dụng: yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa, yêu cầu đăng ký đối với nhà nhập khẩu, yêu cầu về ủy quyền, yêu cầu về đóng gói, yêu cầu thử nghiệm (testing), các loại giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, hạn chế một số chất trong sản phẩm, cấm nhập khẩu…
Các mặt hàng chính thường bị áp dụng TBT: dệt may, động vật, rau quả, da hoặc da sống, hóa chất, thực phẩm, giày dép, nhựa, cao su, nhiên liệu…
Để tìm hiểu cụ thể quy định của EU cho từng mặt hàng, doanh nghiệp có thể tra cứu tại website: https://trade.ec.europa.eu/tradehelp
2. Các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS)
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một bộ chi tiết về các quy định về SPS để giảm hoặc loại bỏ rủi ro đối với động, thực vật và sức khỏe cộng đồng;
2.1. Quy định về kiểm soát chính thức
- Quy định EC số 882/2004 đưa ra các quy tắc chính cho các biện pháp kiểm soát chính thức đảm bảo tuân thủ luật về thức ăn và thực phẩm, sức khỏe động vật và quy định phúc lợi động vật. Chương V của quy định này (Điều 14 đến Điều 25) đề cập đến các biện pháp kiểm soát thực phẩm đến từ các nước thứ ba;
2.2. Kiểm soát động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc động vật
- Kiểm soát hải quan đảm bảo rằng động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật đã qua kiểm tra vệ sinh thú y theo luật pháp EU trước khi vào lãnh thổ hải quan của EU
2.3. Kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc phi động vật
- Quy định EC số 669/2009 yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường kiểm soát đối với một số mặt hàng thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc phi động vật.
2.4. Kiểm soát thực vật và các sản phẩm thực vật
- Các quy định được thực hiện bởi cơ quan Hải quan theo Chỉ thị số 2000/29/EC về các biện pháp bảo vệ không cho phép đưa vào EU các sinh vật gây hại cho thực vật hoặc các sản phẩm thực vật và ngăn chặn sự lây lan của chúng trong cộng đồng.
Tham khảo chi tiết tại:
https://ec.europa.eu/taxation_customs/business/customs-controls/safety-health-environment-customs-controls/sanitary-phytosanitary-requirements_en
3. Một số ví dụ về hàng rào phi thuế quan của EU đối với sản phẩm của Việt Nam
3.1. Đối với hàng thủy sản
- Các biện pháp hạn chế định lượng: Đây là các biện pháp nhằm trực tiếp giới hạn khối lượng hoặc giá trị hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia. Do đó, có tính chất bảo hộ rất cao, bao gồm cấm nhập khẩu, hạn ngạch và cấp phép nhập khẩu không tự động.
- Các biện pháp quản lý về giá: Các biện pháp quản lý giá nhập khẩu hay giá bán tại thị trường EU thông qua việc quy định giá tối đa, giá tính thuế, các khoản phí và phụ thu có thể có tác động trực tiếp hay gián tiếp tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.
- Hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ: Các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và động thực vật, ngăn ngừa các hành động xấu,... mà EU cho là thích hợp, với điều kiện là các biện pháp đó không được áp dụng theo cách thức tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện, hay hạn chế vô lý đối với thương mại quốc tế. Các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật phổ biến nhất được EU sử dụng gồm: (1) Quy định đối với sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm; (2) Tiêu chuẩn của EU về quản lý chất lượng; (3) Quy định của EU về bảo vệ môi trường và nguồn lợi (ISO 14000, EMAS, IUU, quy định của EU về trách nhiệm xã hội)
- Các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời: Thuộc nhóm này là các biện pháp tự vệ, chống trợ cấp và chống bán phá giá. Xu hướng gần đây cho thấy EU sử dụng khá thường xuyên các biện pháp này trong việc hạn chế nhập thủy sản vào thị trường EU.
- Các biện pháp quản lý hành chính: Qui định về thanh toán, qui định về đặt cọc, qui định về kích cỡ hàng hóa, qui định về quảng cáo, vị trí thông quan.
3.2. Đối với hàng dệt may, da giày
a. Các yêu cầu kỹ thuật chủ yếu đối với hàng dệt may:
- Nhóm yêu cầu về hóa chất trong thành phần sản phẩm (các loại vải, sợi, quần áo và các phụ kiện dệt may đều có chứa nhiều loại hóa chất khác nhau như thuốc nhuộm, thuốc tẩy…);
- Nhóm yêu cầu về quy trình sản xuất (xử lý nguyên liệu và các chất thải độc hại sinh ra từ quá trình trồng nguyên liệu, sản xuất vải, chế biến vải, dệt, nhuộm, in ấn…);
- Nhóm yêu cầu về quy cách đóng gói, bảo quản, ghi nhãn sản phẩm
b. Các yêu cầu kỹ thuật chủ yếu đối với hàng da giày:
- Quy định EC/1907/2006 (REACH) về đăng ký, thông báo, đánh giá và cấp phép hóa chất, liên quan đến sản phẩm dệt may, da giày và phụ kiện;
- Chỉ thị về gắn nhãn cho hàng da giày (94/11/EC);
- Quy định EC/1007/2011 về tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt;
- Chỉ thị 94/62/EC về bao bì và chất thải từ bao bì, trong đó quy định nồng độ tối đa kim loại năng thải ra;
- Chỉ thị về thiết kế thiết bị bảo hộ (89/689/EEC).
3.3. Đối với hàng nông sản
EU có bộ tiêu chuẩn MRLs rất khắt khe và rất rộng. Một số tiêu chuẩn MRLs có thể coi là hàng rào kỹ thuật đối với nông sản của các nước đang phát triển nếu ngành trồng trọt của các nước này còn sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu hay hóa chất bảo quản. Từ năm 2017, EC có kế hoạch rà soát bộ tiêu chuẩn MRLs và muốn sử dụng cách tiếp cận phòng ngừa rủi ro thay cho cách tiếp cận đánh giá nguy cơ gây tác hại của các chất tồn dư trong nông phẩm đối với sức khỏe của con người. Cách tiếp cận mới này cho phép EC mở rộng phạm vi áp dụng MRLs, điều chỉnh một số MRLs xuống mức cực kỳ thấp và ban hành Quy định mới về thuốc trừ sâu. Hiện EC đang thảo luận nội bộ về khả năng bổ sung một số hoạt chất cấm sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu trong khi các công ty sản xuất thuốc bảo vệ cây trồng chưa nghiên cứu phát triển được chất thay thế.
Có thể thấy EU áp dụng rất đa dạng các loại rào cản để kiểm soát luồng hàng hoá nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng nội địa cũng như bảo vệ môi trường. Xu hướng chung trong việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan của EU là chuyển từ các biện pháp mang tính chất hạn chế định lượng trực tiếp sang các biện pháp tinh vi hơn như chống trợ cấp, tự vệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp hạn chế nhập khẩu gắn với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và lao động, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Nguồn: Bộ Công Thương
Từ khóa » Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì
-
Phân Tích Về Thuế Quan Và Các Hạn Chế định Lượng; Xóa Bỏ Thuế Quan
-
Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì? Tác động Của Các ... - Luật Minh Khuê
-
Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì? (Cập Nhật 2022) - Luật ACC
-
Rào Cản Phi Thuế Quan đối Với Doanh Nghiệp Việt Nam Xuất Khẩu ...
-
Bước đầu Tìm Hiểu Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì
-
Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì? Điều Bạn Cần Biết - Luật Kinh Doanh
-
【GIẢI ĐÁP】Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì? - Hiệp Phước Express
-
Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì? Hàng Rào Phi Thuế Quan ở Việt Nam
-
Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì? Đặc điểm Và Tác động Của Nó Lên 1 ...
-
Hàng Rào Phi Thuế Quan Là Gì? Điều Bạn Cần Biết
-
Rào Cản Phi Thuế Quan đối Với Xuất Khẩu Hàng Hóa Của Việt Nam
-
Hàng Rào Phi Thuế Quan- Thách Thức Cho Doanh Nghiệp Tại Thị Trường ...
-
[PDF] Phòng Vệ Thương Mại 1. TPP Có Cấm Việc Sử Dụng Các Biện Pháp ...
-
Tìm Hiểu Phi Thuế Quan Là Gì Và Khu Phi Thuế Là Gì?