TTWTO VCCI - (Tin Tức) Xu Hướng Toàn Cầu Hóa Có Bị đảo Ngược?

Mô hình toàn cầu hóa đang chuyển đổi sau những biến động toàn cầu 2 năm qua.

Mô hình toàn cầu hóa kinh tế, thương mại tự do từ hàng chục năm qua đã tận dụng thế mạnh riêng của từng khu vực, từng quốc gia, tạo nên những công xưởng toàn cầu, đưa chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất có thể. Hiểu đơn giản ai có thế mạnh gì thì sản xuất theo thế mạnh đó và cùng tạo nên một chuỗi cung ứng xuyên suốt nhằm tối ưu hóa sản xuất, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên trong 2 năm gián đoạn vừa qua, thế giới đã chứng kiến những biến động lớn diễn ra, tạo nghi ngại về mô hình toàn cầu hóa kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu tự mỗi quốc gia tự chủ sẽ tốt hơn?

Đó cũng là vấn đề nóng giữa các quốc gia, các định chế tài chính bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay diễn ra tại Thụy Sĩ. Nhiều quốc gia, khu vực đều đang tìm cách củng cố quyền tự chủ chiến lược của riêng mình, không còn ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại một cách vô điều kiện như trước, mà có xu hướng co cụm hợp tác trong từng khối lớn.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới tìm mô hình toàn cầu hóa mới

Công nghiệp xe hơi là ví dụ điển hình của mô hình sản xuất dựa trên nền tảng toàn cầu hóa kinh tế. Quy trình chế tạo được chẻ nhỏ, cái gì làm được ở nước nào rẻ nhất thì thuê gia công tại nước đó. Hãng Renault của Pháp thuê tới 17.000 nhà cung cấp trên toàn thế giới chế tạo các linh kiện khác nhau.

Khi đại dịch bùng nổ, chip bán dẫn từ châu Á không thể tới được các nhà máy lắp ráp xe hơi châu Âu.

"Thiếu hụt chip bán dẫn đã khiến hàng trăm nghìn chiếc xe ô tô không thể lắp ráp xong. Trong một chiếc xe có 6 - 7 chip bán dẫn quan trọng, chỉ cần thiếu 1 chiếc là không thể hoàn thành chiếc xe, không thể giao xe", ông Peter Altmaier, Bộ trưởng Kinh tế Đức, cho biết.

Linh kiện xe hơi được chế tạo tại bất cứ nơi nào trên thế giới có chi phí sản xuất thấp nhất, với điều kiện phải giao hàng đúng hạn. Còn nếu đường biển tắc nghẽn, thì dù chỉ một tuần, mô hình sản xuất đó sẽ rối loạn.

"Vấn đề lớn là dây chuyền lắp ráp. Nếu nhà máy BMW ở Đức phải nhập khẩu linh kiện từ châu Á, vận chuyển đường biển rối loạn, có nghĩa là nhà máy phải ngưng hoạt động", ông Salvatore Mercogliano, Giáo sư Đại học Campbell, cho hay.

Chiến sự tại Ukraine, thêm một tai họa với ngành sản xuất xe hơi châu Âu. Ukraine gia công các bó dây điện, thường được ví như hệ nơ-ron thần kinh điều khiển chiếc xe. Mọi khi vận chuyển linh kiện từ Ukraine sang Tây Âu theo đường bộ rất dễ dàng. Tuy nhiên, bom đạn làm tê liệt nhiều nhà máy chế tạo linh kiện xe hơi tại Ukraine.

"Cú sốc từ sự kiện Nga và Ukraine đang rung chuyển thế giới, tác động trực tiếp đến sự sụp đổ hoạt động thương mại tại khu vực tiếp giáp phía đông Liên minh châu Âu. Những tác động tiêu cực gián tiếp đến nhu cầu của toàn thế giới là giá cả hàng hóa tăng cao, nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào bị gián đoạn", ông Paolo Gentiloni, Cao ủy châu Âu về Kinh tế, đánh giá.

Âu Mỹ và Nga cấm vận lẫn nhau càng làm cho câu chuyện thêm phức tạp. Trừng phạt kinh tế, chiến tranh thương mại…, thêm những hàng rào vô hình, ngăn cách các thị trường. Sửa đổi mô hình toàn cầu hóa kinh tế sao cho phù hợp với bối cảnh mới đang trở thành chủ đề chính của các cuộc thảo luận diễn ra tại đây.

Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Với Việt Nam, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia là những cánh cửa lớn, đa chiều.

Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục kể từ năm 2016 đến nay.

Theo Tổng cục Thống kê, nếu năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD, thì đến năm 2021 đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng hơn 7 lần.

Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009, lọt vào top 20 năm 2021.

Trong năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định, tăng trưởng nhanh tốp đầu khu vực và thế giới; được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu.

Theo bảng xếp hạng về chỉ số tự do kinh tế năm 2021 của tổ chức giáo dục và nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ), Việt Nam đạt 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới). Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo việc nền kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ dự trữ khác nhau, sẽ gây ra nhiều biến động và khiến kinh tế toàn cầu bị tổn thất lớn về mặt hiệu quả trong dài hạn. Quá trình toàn cầu hóa cũng chuyển mạnh sang xu hướng ưu tiên hợp tác sản xuất và kinh doanh hàng thiết yếu giữa các quốc gia thân thiện với nhau, nhằm tránh yếu tố chính trị tác động tới kinh doanh.

Những biến động toàn cầu 2 năm qua khiến các quốc gia phải cân nhắc đến "sự phụ thuộc" vào nhau, thậm chí các tờ báo quốc tế có nhắc đến 2 từ "tự chủ". Liệu xu hướng toàn cầu hóa có bị đảo ngược hay đây chỉ là thời điểm để định hình lại?

Việt Nam được đánh giá là có độ mở lớn, so với khu vực là chỉ đứng sau Singapore. Vị trí và vai trò của Việt Nam được định hình như thế nào trong xu thế toàn cầu hóa và liệu có đứng trước nguy cơ bị lung lay hay không?

Nguồn: Báo VTV News

Từ khóa » Ví Dụ Về Toàn Cầu Hóa Trên The Giới