Từ 1-1-2020: Đã Uống Rượu Bia, Không Lái Xe - PLO

Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Mong chờ pháp luật được thực thi

Như vậy, kể từ ngày 1-1-2020, câu cửa miệng “đã uống rượu bia, không lái xe” sẽ chính thức được luật hóa.

Khi chúng tôi thử khảo sát, ghi nhận ý kiến của người dân, các chuyên gia luật, chuyên gia văn hóa… thì tất cả ý kiến đều đồng tình ủng hộ quy định trên, mong chờ pháp luật được thực thi.

“những quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 thì có phần nghiêm hơn những quy định được đưa ra trước đây. Thay đổi này rất phù hợp và sẽ giảm thiểu các vụ gây tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, đồng thời hướng đến một xã hội văn minh, hiện đại hơn” - TS Cao Vũ Minh, Thư ký tòa soạn tạp chí Khoa Học Pháp Lý Việt Nam, Trường ĐH Luật TP.HCM, nói.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại khi đã cận ngày quy định nêu trên có hiệu lực nhưng vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành xử phạt.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị định 46/2016 hiện nay chia ra hai trường hợp đối với người điều khiển xe máy và ô tô. Đối với xe máy thì người lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép mới bị xử phạt nhưng riêng ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ nên chỉ cần có nồng độ cồn thì đã bị xử phạt.

Trong khi đó, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 thì cả người điều khiển xe máy và người điều khiển ô tô có nồng độ cồn đều bị cấm.

“Vì thế, sắp tới đây Nghị định 46 và cả Luật Giao thông đường bộ phải được sửa đổi theo hướng phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019” - TS Cao Vũ Minh nhận xét.

Kể từ ngày 1-1-2020, kể cả người đi xe máy cũng không được uống rượu bia dù chỉ một giọt. Ảnh: Hữu Tâm

Chờ có nghị định hướng dẫn để áp dụng xử phạt

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho biết có nắm bắt thông tin này qua truyền thông báo chí nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai.

Theo vị này, từ trước đến nay lực lượng CSGT vẫn căn cứ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46 để xử phạt các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. “Tuy nhiên, lúc đó người điều khiển xe máy vẫn được phép lưu thông khi có nồng độ cồn dưới 0,25 ml/lít khí thở, ô tô thì tuyệt đối không. Còn hiện nay theo luật mới không được sử dụng rượu bia khi điều khiển tất cả loại phương tiện, kể cả xe máy. Luật ra nhưng phải chờ văn bản, thông tư hướng dẫn” - vị này nói.

Vị cán bộ này nhìn nhận số đông người dân đồng tình ủng hộ quy định cấm cả người điều khiển xe máy uống rượu bia dù chỉ một giọt, bởi hậu quả của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông rất lớn và ai cũng thấy.

Vị cán bộ này cho biết thêm thực tế việc sử dụng rượu bia trong giao tiếp của người dân Việt Nam vẫn còn tồn tại nhưng phải có một cơ chế pháp luật, cơ sở xử phạt đủ sức răn đe.

Theo nghiên cứu của tạp chí y khoa Lancet (Anh), trong giai đoạn 1990-2017, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tiêu thụ đồ uống có cồn lớn nhất thế giới (89,4%), tiếp đó là Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc...

“Muốn người dân đồng thuận thì phải có công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phải có văn bản pháp luật chế tài cụ thể. Từ đó người dân cũng nhìn vào đó để thay đổi nhận thức dần dần. Giống như quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trước đây, nếu chỉ tuyên truyền, kêu gọi thì không ăn thua, khi Chính phủ bắt buộc ai cũng phải đội và có chế tài rõ ràng thì người dân mới chấp hành. Về máy móc, trang thiết bị, con người là không thiếu. Bây giờ quan trọng là còn cơ chế, quy định chế tài cụ thể để triển khai trên thực tế” - vị này nói.

Trả lời về việc trong khi chưa có nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì việc xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn như thế nào, Thiếu tướng Đỗ Xuân Đức, Cục phó Cục CSGT, cho biết sau khi luật được thông qua, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo lực lượng CSGT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trước mắt là tuyên truyền, sau đó là thực thi pháp luật để làm sao đi vào cuộc sống.

Theo cục phó Cục CSGT, trong năm 2019 lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 182.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Số liệu này tuy còn khiêm tốn nhưng là cả một sự cố gắng rất lớn của lực lượng. Cục phó Cục CSGT cũng cho rằng việc xử phạt mới chỉ là phần ngọn của vấn đề, phần gốc là phải tuyên truyền pháp luật tới người điều khiển phương tiện, công tác quản lý tài xế…

Được biết từ tháng 5-2019, Bộ GTVT đã lấy ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự thảo nói trên hiện nay đã được bộ trình lên Chính phủ và sắp được thông qua trong những ngày tới.

5 điểm mới đáng lưu ý

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 là một trong những luật chứa những quy định tác động mạnh tới đông đảo người dân. Dưới đây là năm điểm mới đáng lưu ý dành cho số đông người dân được quy định trong luật này.

1. Đã uống rượu bia thì không được lái xe

Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Điều đó nghĩa là đã uống rượu bia thì không được lái xe dù là ô tô hay xe máy.

2. Quán nhậu hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia

Các chủ quán nhậu phải có trách nhiệm hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia. Cụ thể, khoản 6 Điều 32 quy định: “Cơ sở bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu bia”.

Từ 1-1-2020: Đã uống rượu bia, không lái xe ảnh 3 Kể từ ngày 1-1-2020, các quán nhậu hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia, không để họ đi xe máy về. Ảnh: Hữu Tâm

3. Phải dán thông báo không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi

Tất cả cơ sở bán rượu bia phải thực hiện yêu cầu này. Cụ thể, khoản 5 Điều 32 của luật chỉ rõ: “Cơ sở bán rượu bia phải niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.

4. Thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu bia

Điều 34 quy định các gia đình có trách nhiệm “Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu bia trong gia đình cai nghiện rượu bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu bia…”.

5. Không mở mới điểm bán rượu bia gần trường học, bệnh viện

Khoản 7 Điều 32 nêu rõ: “Kể từ ngày luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông”.

N.HIỀN

Không cấm mời rượu, chỉ cấm ép rượu

Từ 1-1-2020: Đã uống rượu bia, không lái xe ảnh 4 TS CAO VŨ MINH

Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.

Những ngày qua trên mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về quy định mới này, có nhiều ý kiến cho rằng mời người khác uống rượu bia cũng bị cấm. Cách hiểu như vậy là chưa đúng.

Cần hiểu rằng uống rượu, uống bia không phải là một hành vi bị cấm và theo tập quán của người Việt Nam lâu nay “khách đến nhà không trà thì rượu”. Do đó việc mời nhau một, hai ly rượu là việc hết sức bình thường.

Hành vi cấm ở đây cần xác định là xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Kích động có nghĩa là anh gièm pha và có những hành vi ép người ta, đưa người ta vào trong trạng thái mất tự chủ. Ví dụ, nhiều người có quan niệm “nam vô tửu như kỳ vô phong”, nam mà không uống rượu bia xem như là đàn bà, mặc váy… rồi gièm pha thì đây mới chính là hành vi bị cấm.

Ví dụ, khi sếp mời lính uống mà cứ dụ: “Vô đi, uống đi, không uống sẽ không lên lương, không thăng chức” thì đó là lôi kéo, ép buộc, là hành vi bị cấm.

Còn nếu hai người quý mến nhau, mời nhau một ly bia và người được mời (trên 18 tuổi) tự nguyện uống tùy vào khả năng của mình là chuyện hết sức bình thường, không bị cấm.

TS CAO VŨ MINH, Thư ký tòa soạn tạp chí Khoa Học Pháp Lý Việt Nam,Trường ĐH Luật TP.HCM

Cha mẹ phải làm gương

Từ 1-1-2020: Đã uống rượu bia, không lái xe ảnh 5 TS NGUYỄN THÀNH NHÂN

Luật Phòng, chống tác hại rượu bia 2019 nêu cao trách nhiệm, vai trò của gia đình trong việc phòng, chống tác hại của rượu bia. Tôi nghĩ vấn đề này cha mẹ phải đặc biệt làm gương.

Trên thực tế, tôi nhận được rất nhiều lá thư có những đứa trẻ giận mẹ vì mẹ cứ mỗi buổi chiều về đều ngồi trên ghế sofa chửi do đã quá say. Có những trường hợp những đứa trẻ bắt đầu uống rượu bia từ rất sớm bởi xuất phát từ việc cha của chúng thường xuyên say xỉn. Thường thì các ông bố hay dẫn các con mình đi tham gia những bữa tiệc và cứ nghĩ đó là vinh dự. Dần dần những đứa trẻ thấy những bữa nhậu và cách nói trong bữa nhậu đó trở thành thói quen, điều này không tốt chút nào. Do đó cha mẹ phải làm gương từ việc không uống rượu trước mặt con hoặc những bữa tiệc tùng không cho con cùng tham gia, cùng uống rượu chung với cha mẹ.

Theo thống kê thì tỉ lệ dùng rượu bia của nước ta khá cao. Sử dụng quá nhiều rượu bia sẽ tác động đến não bộ, cơ thể con người, đặc biệt là tác động đến nòi giống sau này. Mỗi người cứ thường xem uống rượu bia là vì mối quan hệ xã hội nhưng khi rượu bia vào thì mình sẽ thiếu tỉnh táo, nói những lời thiếu chuẩn mực, mất quan hệ xã hội lúc nào không hay.

TS NGUYỄN THÀNH NHÂN, cố vấn cao cấp về kỹ năng thực hành xã hội của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương

Vận động người dân đăng ký hạn chế sử dụng rượu bia

Từ 1-1-2020: Đã uống rượu bia, không lái xe ảnh 6 Ông LÊ XUÂN KHƯƠNG

Luật Phòng, chống tác hại rượu bia quy định rất rõ về nhiệm vụ của những người đứng đầu khu phố như chúng tôi trong việc tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia. Đã là quy định thì chúng tôi sẽ phải chấp hành. Hơn nữa bản thân tôi và nhiều người đều thấy rõ tác hại của rượu bia gây ra không những khi lái xe mà còn về mặt an ninh xã hội. Một gia đình mà có người thường xuyên say xỉn thì chắc chắn không nhiều thì ít cũng xảy ra xào xáo ảnh hưởng đến người xung quanh. Chưa kể khi rượu vào thì nhiều người không kiềm chế, tự chủ được hành vi rồi xảy ra đánh nhau gây mất trật tự công cộng. Những người gần dân nhất đó là khu phố, tổ khu phố thì trách nhiệm vận động, tuyên truyền là rất hợp lý và có hiệu quả nhất.

Đầu năm tới, các hộ gia đình trong khu phố sẽ đăng ký gia đình văn hóa chúng tôi sẽ lồng ghép vào để người dân đăng ký luôn về việc hạn chế rượu bia, tổ chức nhậu nhẹt. Ngoài ra, tại các cuộc họp ở khu phố chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân về những quy định trên để người dân nêu cao ý thức về tác hại của rượu bia.

Ông LÊ XUÂN KHƯƠNG, Bí thư chi bộ khu phố 12, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM

Để các tài xế không còn ám ảnh ma men

Từ 1-1-2020: Đã uống rượu bia, không lái xe ảnh 7 TRƯƠNG MINH LUẬN

Khi quyết định chọn nghề tài xế mà là tài xế đường dài thì chúng tôi có nguyên tắc khi lái xe thì không được uống rượu bia. Nhiều người cứ sợ các tài xế xe tải như chúng tôi lái ẩu hoặc sử dụng rượu bia lái xe mới xảy ra tai nạn nhưng “những con sâu làm rầu nồi canh” đó là số ít. Đối với những tài xế yêu nghề thì chúng tôi luôn nói không với rượu bia khi lái xe.

Khi biết những quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia thì những tài xế ô tô, xe tải là người mừng nhất bởi chúng tôi luôn ám ảnh những ma men.

Tôi nói ma men ở đây chính là những người điều khiển xe máy, nhậu vài ly thì muốn chạy sao thì chạy, khi có những tình huống bất ngờ làm sao tránh kịp. Việc cấm những người chạy xe máy uống rượu bia là rất hợp lý và công bằng.

TRƯƠNG MINH LUẬN, tài xế xe tải tuyến Trà Vinh - Bạc Liêu

Doanh nghiệp mừng vì quy định siết chặt

Công ty chúng tôi luôn hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông để giảm thiểu những tai nạn không đáng có, đồng thời xây dựng một môi trường giao thông văn minh, an toàn.

Sau khi gia nhập vào công ty, tài xế sẽ được tham gia nhiều buổi đào tạo chuyên sâu để nâng cao kỹ năng và chất lượng dịch vụ. Đồng thời công ty cũng luôn tuyên truyền kiến thức các quy định của pháp luật để các tài xế nắm rõ đã lái xe thì không uống rượu bia.

Chúng tôi rất vui mừng khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Đây sẽ là tiền đề để cộng đồng ý thức hơn nữa trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Riêng với beGroup, chúng tôi sẽ cập nhật những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đến đội ngũ tài xế be...

Ông NGUYỄN VIỆT LINH, Giám đốc truyền thông Công ty CP Be Group

N.HIỀN ghi

N.HIỀN - N.TÂN - T.PHAN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » đã Lái Xe Thì Không Uống Rượu Bia