[Từ A - Z] 4 Kỹ Thuật Nhảy Cao Giúp Bạn đạt Thành Tích Tốt ! - WikiSport

1. Nhảy cao là gì?

Nhảy cao là một nội dung trong môn điền kinh. Trong nội dung này, vận động viên cần phải nhảy qua một thanh xà ngang ở một độ cao nhất định mà không có sự hỗ trợ của bất kì dụng cụ nào.

Thành tích môn nhảy cao sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố tạo thành như: tốc độ chạy đà, độ chính xác, lực giậm nhảy, tốc độ bay và gốc độ bay chính xác… Ngoài ra VĐV còn phải thực hiện tốt các động tác kỹ thuật nhảy cao.

1.1. Lịch sử phát triển môn nhảy cao

  • Năm 1886 lần đầu tiên môn nhảy cao được tổ chức thi đấu tại Anh.
  • Năm 1893 môn nhảy cao phát triển mạnh và lan rộng ra khắp các nước trên thế giới.
  • Năm 1896 Đại hội Olympic hiện đại đầu tiên tổ chức tại Hy Lạp và nhảy cao là một trong những môn thi đấu chính tại đại hội. Kỷ lục Olympic đầu tiên của môn nhảy cao thuộc về vận động viên E Clac với thành tích 1.81m bằng cách thực hiện kỹ thuật nhảy cao kiểu bước qua.
  • Kỷ lục nhảy cao đầu tiên của thế giới được công nhận vào tháng 5/1912 với thành tích 2.00m của vận động viên O Rin (Mỹ) bằng kiểu nhảy cao nằm nghiêng.
  • 7/1957 vận động viên Stê Pa Nốp (Liên Xô cũ) qua xà 2.16m và cho ra đời Kỹ thuật mới "Nhảy úp bụng". Tại thời điểm khi đó người ta gọi đây là kiểu nhảy cao Stê Pa Nốp.
  • 1968 Đại hội Olympic lần thứ 19 tại Mexico vận động viên Plot (Mỹ) cho ra đời kỹ thuật nhảy cao mới đó chính là nhảy cao kiểu lưng qua xà. Kể từ đó đến nay kỹ thuật nhảy cao lưng qua xà được phát triển mạnh và chiếm ưu thế hơn so với các kỹ thuật nhảy cao trước đó và cho đến nay đây là kỹ thuật được hầu hết các VĐV chuyên nghiệp áp dụng trong các cuộc thi.

Nhảy cao là gì

1.2. Các kỷ lục nhảy cao

  • Kỷ lục nhảy cao thế giới với nam hiện nay là 2.45m thuộc về vận động viên Javier Sotomayor của Cu Ba.
  • Kỷ lục nhảy cao thế giới của nữ hiện nay là 2.08m.
  • Tại Việt Nam thì thành tích nhảy cao tốt nhất của nam là 2.25m thuộc về VĐV Nguyễn Duy Bằng (Bến Tre), còn của nữ là 1.94m thuộc về VĐV Bùi Thị Nhung (Hải Phòng).

1.3. Lợi ích khi tập luyện môn nhảy cao

  • Tập nhảy cao giúp cho con người phát triển sức nhanh, sức mạnh, sự khéo léo và đặc biệt là sức bật (một yếu tố rất cần thiết cho các môn thể thao khác).
  • Tập luyện nhảy cao giúp cho con người rèn luyện ý chí, sự dũng cảm không sợ khó khăn, nguy hiểm và luôn tự tin vào chính bản thân.

Nệm nhảy caoNệm nhảy cao 3,170,000đ

Nệm nhảy cao làm bằng mút chuyên dụng liền khối êm, đàn hồi tốt bên trong và bọc vải bạt bên ngoài, nhiều kích thước khác nhau, phù hợp cho trường học.

Chi tiết

2. Các kiểu nhảy cao

Đối với nhảy cao hiện nay thì có 4 kỹ thuật nhảy đó là:

  • Kỹ thuật nhảy cao kiểu bước qua.
  • Kỹ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng.
  • Kỹ thuật nhảy cao kiểu úp bụng.
  • Kỹ thuật nhảy cao kiểu ưỡn lưng.

3. Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật nhảy cao

Sau khi tìm hiểu khái quát về nhảy cao thì phần tiếp theo đây WikiSport sẽ chia sẻ đến mọi người về các kỹ thuật nhảy cao từ cơ bản đến nâng cao giúp mọi người cải thiện thành tích của bản thân.

3.1. Kỹ thuật nhảy cao kiểu bước qua

Giai đoạn chạy đà:

  • Cự ly đà: từ 7 – 11 bước chạy đà.
  • Cách đo đà: Từ vị trí giậm nhảy thích hợp đo ngược lại hướng chạy đà để xác định vị trí chạy đà ban đầu (hai bước đi bằng 1 bước chạy).
  • Góc độ chạy đà: Chếch với xà một góc khoảng 25 đền 40 độ và giậm nhảy chân nào thì đứng phía bên đó của xà (theo chiều nhìn vào xà). Đường chạy đà là một hình vòng cung.
  • Tư thế chuẩn bị: Đứng chân lăng phía trước, chạm đất bằng nửa trước bàn chân, mũi chân sát vạch xuất phát, hơi khuỵu gối, trọng tâm dồn về chân trước, chân giậm nhảy phía sau khuỵu gối nhiều hơn, mũi chân chạm đất cách gót chân trước 15 – 20cm, thân ngả ra trước, hai tay buông tự nhiên, tập chung chú ý chuẩn bị chạy đà.
  • Chạy đà bằng cách tăng dần độ dài bước chạy và tốc độ bằng cách tích cực đạp sau kết hợp nâng chân, sau đó duy trì tốc độ đến khi giậm nhảy. Ở các bước chạy đầu thì chạy đà bằng nửa bàn chân trước, riêng đến 3 bước đà cuối đặt chân bằng gót bàn chân.
  • Đối với 3 bước cuối, cố gắng duy trì tốc độ đã đạt được để chuẩn bị chuyển sang giậm nhảy. Ở 3 bước cuối thì bước 1 đưa chân giậm nhảy ra trước dài hơn các bước trước đó và đặt gót chân chậm đất phía trước. Bước 2 đưa nhanh chân lăng ra trước (là bước dài nhất). Bước 3 chủ động đưa chân giậm nhảy và hông cùng vươn nhanh về trước để đặt gót bàn chân vào điểm giậm nhảy.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu bước qua

Giai đoạn giậm nhảy:

  • Bàn chân giậm nhảy bước cuối cùng tiếp đất bằng gót chân, sau đó nhanh chuyển sang cả bàn chân.
  • Chùng gối để tạo thế co cơ khi giậm nhảy.
  • Dùng hết sức của chân đạp mạnh xuống đất để bật người lên cao, đồng thời phối hợp chân lăng đá mạnh về phía trước và lên cao, hai tay đánh từ sau ra trước lên cao hướng khuỷu tay sang hai bên, dừng ở độ cao ngang vai nhằm tạo lực nâng cơ thể bật lên cao.
  • Chú ý: động tác giậm nhảy của kỹ thuật nhảy cao kiểu bước qua phải mạnh, nhanh nhưng phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, chính xác giữa chạy đà và giậm nhảy để giúp thành tích tốt nhất.

Giai đoạn trên không:

Khi chân lăng đang ở trên xà thì nhanh chóng hạ xuống phía bên kia xà, thân trên ngả về phía trước tạo điều kiện thuận lợi cho chân giậm nhảy nâng lên, bàn chân gập tự nhiên mũi bàn chân hơi xoay ra ngoài hai tay giữ tự nhiên ở trên cao.

Giai đoạn tiếp đất:

Sau khi qua xà, chân đá lăng chủ động tiếp đất trước bằng nửa bàn chân hay cả bàn, sau đó đến chân giậm nhảy tiếp đất. Khi chạm đất cả 2 chân cần chùng gối để giảm chấn động.

Chú ý: khi tiếp đất vẫn cần chú ý đến động tác tay và thân trên để tránh chạm xà.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu bước qua

3.2. Kỹ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng

Giai đoạn chạy đà:

Thực hiện giống với nhảy cao kiểu bước qua.

Giai đoạn giậm nhảy:

Thực hiện giống với nhảy cao kiểu bước qua.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng

Giai đoạn trên không:

Giai đoạn trên không của kỹ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng bắt đầu từ khi chân giậm nhảy rời khỏi mặt đất. Lúc này thân người hơi nghiêng về phía xà, chân đá lăng và hai tay ở trên cao, chân giậm nhảy còn đang duỗi thẳng, toàn bộ thân người bay lên cao theo đường vòng cung.

Tiếp đến, thu dần chân giậm nhảy để chuẩn bị qua xà, chân đá lăng duỗi thẳng và khi bật nhảy tới gần mức cao nhất thì xoay gót hướng mũi chân về phía xà tạo điều kiện thuận lợi cho hông tiếp tục di chuyển lên cao và thân người dần dần trở thành nằm nghiêng trên xà.

Khi qua xà, tay cùng chiều với chân đá lăng duỗi thẳng, tay kia co lại ép vào thân. Chân giậm nhảy duỗi dần ra, hai tay duỗi ra trước để cùng chân giậm nhảy chuẩn bị tiếp đất.

Chú ý: Động tác xoay gót chân đá lăng ở trên cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp cho người nhảy đạt được tư thế nằm nghiêng trên xà.

Giai đoạn tiếp đất:

Sau khi vượt qua xà, chân giậm nhảy nhanh chóng duỗi ra để tiếp đất, tay cùng bên với chân giậm hoặc cả hai tay duỗi ra để hỗ trợ.

Khi chân bắt đầu chạm đất, nhanh chóng khuỵu gối để giảm chấn động.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu nằm nghiêng

3.3. Kỹ thuật nhảy cao kiểu úp bụng

Giai đoạn chạy đà:

Thực hiện giống với nhảy cao kiểu bước qua.

Giai đoạn giậm nhảy:

Thực hiện giống với nhảy cao kiểu bước qua.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu úp bụng

Giai đoạn trên không:

Giai đoạn trên không bắt đầu khi chân giậm nhảy rời khỏi mặt đất. Mũi chân lăng xoay nhanh về phía xà, trọng tâm cơ thể nâng lên mức cao nhất. Đồng thời lúc này, xoay ngực vào xa để tạo đà để cơ thể nằm trên bề mặt của xà. Trong kỹ thuật nhảy cao kiểu úp bụng, khi ở giai đoạn trên không qua xà có 2 kiểu là: kiểu bằng và kiểu lặn.

  • Đối với kiểu bằng:

Tay cùng bên với chân lăng duỗi dọc theo chân lăng, tay cùng bên với chân giậm co tự nhiên, chân giậm co ở gối bàn chân thu lên gần gối chân lăng. Khi qua xà tay bên chân lăng thả xuống dưới, vai bên chân lăng chủ động ép xuống dưới xoay quanh xà ngang. Chân lăng duỗi thẳng và ép mũi bàn chân vào trong. Chân giậm khi qua xà vừa thực hiện động tác duổi thẳng chân vừa mở hông. Cùng lúc thân trên và hông xoay dọc theo xà tạo điều kiện thuận lợi cho chân giậm qua xà.

  • Đối với kiểu lặn:

Khi thân trên đã cao hơn xà thì tay cùng bên với chân lăng chủ động chúi xuống dưới phía bên kia xà. Cùng lúc chân lăng đang ở cao hơn xà nhanh chóng xoay mũi chân xuống dưới (thân trên và chân lăng không nằm song song trên xà như kiểu bằng), tay cùng bên với chân giậm co tự nhiên và ép vào sát ngực. Đầu và thân trên cũng hạ xuống bên kia xà. Do các chuyển động trên đưa cơ thể nằm úp sấp trên xà ngang.

Giai đoạn tiếp đất:

Đối với việc tiếp đất của kỹ thuật nhảy cao kiểu úp bụng này sẽ tùy thuộc vào VĐV lựa chọn kiểu bằng hay lặn ở giai đoạn trên không.

  • Đối với kiểu bằng: khi tiếp đất bàn tay bên tay lăng và chân lăng phải chạm đất trước, đồng thời vận động viên dùng sức để hoãn xung cho phần hông và lườn để chân lăng chạm đất từ từ.
  • Đối với kiểu lặn: 2 bàn tay phải chạm xuống đất trước sau đó thân rơi xuống sau. Với cách này, chân lăng phải hạ xuống trước sau đó phần thân trên hạ xuống mặt đâu sau cùng.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu úp bụng

3.4. Kỹ thuật nhảy cao kiểu lưng qua xà

Giai đoạn chạy đà:

Thực hiện giống với nhảy cao kiểu bước qua.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu lưng qua xà

Giai đoạn giậm nhảy:

Vị trí đặt chân giậm nhảy lý tưởng của cách nhảy cao này là cách xà từ 90 - 100cm bằng cả bàn chân. Chân giậm sau đó khuỵu gối khoảng tạo thành góc từ 140 - 160 độ. Khi chân lăng sau rời khỏi đất thì hơi gập gối và dùng sức đá đùi chân lăng lên cao để hướng đầu gối hơi ra phía ngoài xà. Đồng thời hai tay đánh tích cực từ sau ra trước và lên trên tương tự như kiểu nhảy cao úp bụng.

Lưu ý, tay cùng bên với chân lăng đánh tích cực hơn so với tay còn lại và hơi hướng phần khuỷu tay ra ngoài xà nhằm tạo điều kiện lý tưởng nhất giúp cho lưng hướng vào xà.

Khác với kiểu nhảy úp bụng, đối với kỹ thuật nhảy cao lưng qua xà thì trọng tâm không hạ thấp nhiều bởi vậy quãng thời gian để hoàn thành giai đoạn giậm nhảy rất nhanh hơn.

Giai đoạn tiếp đất:

Với cách nhảy cao lưng qua xà thì tư thế tiếp đất các VĐV chú ý cần phải điều chỉnh cơ thể sao cho thân người thẳng, đầu gối phải hơi cong một chút và chân sẵn sàng tiếp đất.

Kỹ thuật nhảy cao kiểu lưng qua xà

4. Một số luật thi đấu môn nhảy cao cơ bản cần biết

Cũng giống như tất cả các nội dung thi đấu điền kinh khác thì nhảy cao cũng có những luật thi đấu, quy định riêng để tạo tính công bằng dành cho tất cả các VĐV tham gia. Cụ thể, luật nhảy cao có những quy định như:

  • Các mức xà khởi điểm và các mức xà nâng lên cao sẽ tùy thuộc theo điều lệ thi đấu do ban trọng tài quy định và phải thông báo trước cho VĐV biết.
  • Vận động viên có quyền bắt đầu nhảy ở bất kỳ mức xà nào theo điều lệ thi đấu qui định và lúc trọng tài gọi tên VĐV phải thông báo mức xà khởi điểm của mình.
  • Trong thi đấu cá nhân khi số VĐV tham dự còn 4 người thì mức xà nâng lên tiếp do sự thoả thuận của các VĐV (mức xà nâng tối thiểu là 1cm). Khi còn 2 - 4 VĐV thì tiếp tục nhảy đến khi chọn một VĐV vô địch, lúc này mức xà nâng lên tối thiểu là 2 cm. Nếu chỉ còn 1 VĐV (VĐV dành chiến thắng) thì mức xà được nâng lên theo yêu cầu của vận động viên và cho đến khi VĐV không qua được mức xà đã chọn nữa thì thôi.
  • Mỗi mức xà VĐV có quyền nhảy 3 lần theo thứ tự thi đấu. VĐV không nhảy mức xà đầu có quyền nhảy mức xà sau. Nếu lần nhảy thứ nhất và thứ hai không qua xà mà vận động viên không nhảy tiếp mức xà đó mà tăng độ cao xà lên thì ở mức xà sau VĐV chỉ có quyền nhảy tiếp bằng số lần còn lại ở mức xà trước. Nếu nhảy không qua VĐV đó bị loại.
  • Nếu có hai VĐV cùng đạt một thành tích thì xác định thứ hạng tuần tự theo các điểm sau: Tiêu chí đầu tiên, VĐV xếp thứ nhất là người nhảy ít lần nhất ở mức xà cuối cùng. Nếu theo cách tính điểm trên mà số lần nhảy vẩn bằng nhau thì VĐV nào có số lần nhảy hỏng ít nhất trong toàn bộ cuộc thi thì xếp thứ hạng cao hơn. Trường hợp nếu cả 2 tiêu chí trên vẫn chưa xác định được người chiến thắng thì trọng tài cho nhảy lại, VĐV qua mức xà mà các VĐV khác không qua xếp hạng trên.
  • Thành tích nhảy cao không được công nhận khi giậm nhảy bằng hai chân.
  • Lần nhảy coi như bị hỏng khi bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể chạm làm rơi xà, hay chưa qua xà.

Như vậy bài viết chia sẻ về các kỹ thuật nhảy cao của WikiSport đến đây là kết thúc. Hi vọng rằng với những thông tin có trong bài viết sẽ giúp bạn đó có thêm những kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tế để cải thiện thành tích cá nhân đạt kết quả tốt nhất. Xin chào và hẹn gặp lại ở các chủ đề tiếp theo!

Từ khóa » Các Giai đoạn Trong Nhảy Cao