Từ Baghdad Tới Thượng Hải - VietNamNet

{keywords}

Năm 1949, cuộc nội chiến Quốc – Cộng trên lục địa Trung Hoa ngã ngũ, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập trên toàn bộ lãnh thổ Đại lục. Giữa cuộc thay đổi lớn lao này, vận mệnh của rất nhiều người đã thay đổi mãi mãi, trong đó có vận mệnh của hai gia tộc đã để lại dấu ấn sâu sắc trong nền kinh tế Trung Quốc trong một thế kỷ trước đó, đặc biệt là tại Thượng Hải, thành phố đã phát triển bùng nổ cũng trong quãng thời gian ấy để từ một hải cảng nhỏ trở thành trung tâm thương mại, kinh tế hàng đầu của không chỉ của Trung Quốc, mà của toàn cầu, vị thế mà nó tiếp tục nắm giữ cho tới tận ngày nay.

Đó là câu chuyện về hai gia tộc Do Thái Sassoon và Kadoorie, về cuộc hành trình để tạo lập vận hội mới đã thúc đẩy một số thành viên của hai gia tộc này cùng khởi đầu cuộc hành trình từ Baghdad để rồi cùng kết thúc cuộc hành trình của họ giống như Moses nhiều nghìn năm trước, tới miền “Đất Hứa” của riêng họ, Thượng Hải. Hơn thế, không như Moses chỉ đứng nhìn miền Đất Hứa từ xa, các nhân vật của hai gia tộc Sassoon và Kadoorie đã đặt tận chân, nhìn tận mắt miền Đất Hứa Thượng Hải của họ, góp dấu ấn không thể phai mờ còn lưu lại tới ngày nay vào lịch sử tạo dựng nên vị thế của thành phố này trong quá khứ cũng như hiện tại.

Câu chuyện đầy kịch tính, đậm chất truyền kỳ về hai gia tộc Sassoon và Kadoorie, vốn đã ít nhiều chìm vào quên lãng từ sau năm 1949, đặc biệt là chương sử liên quan tới Thượng Hải của họ, tác giả Jonathan Kaufman đã dành cho những ai thích tìm hiểu những trang sử thú vị nhưng ít được nhắc tới một món quà đáng ngạc nhiên trong cuốn sách Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải: Hai đế chế kinh tế Do Thái cạnh tranh giúp tạo nên Trung Quốc hiện đại” (The last Kings of Shanghai: The rival Jewish dynasties that help create modern China).

Dòng tường thuật sống động của Johanthan Kaufman được xây dựng một cách có chủ ý thành một vòng lặp. Kaufman mở đầu bằng việc thuật lại cuộc hành trình của những người sẽ tạo dựng nên khởi đầu mới cho hai gia tộc Sassoon và Kadoorie rời khỏi Baghdad, nơi đã là miền Đất Hứa trong quá khứ với tổ tiên họ, để tìm một vận hội mới khi thời thế đổi thay. Để rồi kết thúc cuốn sách, các thành viên cuối cùng cầm chịch cơ đồ của hai gia tộc Sassoon và Kadoorie lại phải xếp vali rời Thượng Hải khi thời vận đổi thay để tìm một chân trời mới.

Giữa hai mốc thời gian cách nhau cỡ một thế kỷ đó, hai gia tộc với xuất thân khác nhau, lối suy nghĩ khác nhau, tất yếu đã có những cách thức, con đường khác nhau để vươn lên, tạo dựng vị thế, xây dựng đế chế kinh tế của riêng họ và dùng những cách thức khác nhau, với mức độ thành công khác nhau, để tạo dựng ảnh hưởng về chính trị, thứ bảo hiểm đáng tin cậy duy nhất cho sự giàu có của họ.

Thật thú vị khi được biết bước khởi đầu hoạt động kinh doanh của nhà Sassoon và nhà Kadoorie tại Thượng Hải đều bắt đầu từ một hành động nổi loạn. Elias Sassoon, bất mãn với phần còn lại của gia đình, đã ly khai khỏi đế chế Sassoon để tự lập nghiệp với công ty riêng của mình tại Thượng Hải. Elly Kadoorie, được mẹ gửi từ Baghdad tới học trong một trường học dành cho thiếu niên Do Thái của nhà Sassoon, đã trở thành nhân viên làm công cho gia tộc này, để rồi sau một cuộc cãi vã với quản lý công ty, Elly đã phủi tay ra đi để rồi trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ, không những vượt ra khỏi cái bóng của gia tộc Sassoon mà còn dần làm lu mờ gia tộc này.

Vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện về trăm năm đứng chân, phát triển tại Thượng Hải của hai gia tộc khởi đầu từ Elias Sassoon và Elly Kadoorie, Jonathan Kaufman còn thông qua họ kể lại câu chuyện về cộng đồng Do Thái trên toàn cầu, nhất là mối quan hệ chằng chịt vừa là đồng minh, vừa là đối thủ giữa các gia tộc tài phiệt Do Thái, cũng như những tương tác của họ với tầng lớp thượng lưu nắm quyền lực chính trị tại tất cả những nơi họ đặt chân tới để lập nghiệp. Đó là câu chuyện về những con người thực, với những tính toán thực dụng, chứa đựng cả những tài năng xuất chúng, hành động cao cả lẫn những khía cạnh ám muội không giấu diếm.

Đó là những người đã không chút do dự buôn bán thuốc phiện, thứ hàng hóa chết chóc nhưng siêu lợi nhuận, để xây dựng nên gia tài khổng lồ của mình và dùng mọi ảnh hưởng họ có để kéo dài hết mức việc buôn bán béo bở này. Đó cũng là những người đã không tiếc mọi giá phải trả, dùng mọi phương cách họ có để cứu người Do Thái khỏi nguy cơ bị sát hại ở châu Âu bằng cách đưa họ tị nạn qua Thượng Hải. Với sự hấp dẫn xuất phát từ sự chân thực, sống động và cũng không thiếu kịch tính của những biến cố đã xảy ra với hai gia tộc Do Thái đến từ Trung Đông xa xôi tại Thượng Hải trong khoảng một trăm năm, Kaufman không cần làm gì hơn ngoài sắp xếp những thời khắc then chốt nhất của thời kỳ này lại với nhau để tạo nên một cuốn ký sự còn hấp dẫn hơn tiểu thuyết.

Cùng chọn Trung Quốc, cụ thể là Thượng Hải, làm miền Đất Hứa lập nghiệp của mình, song giữa gia tộc Sassoon và gia tộc Kadoorie đã có những khác biệt vừa sâu sắc, vừa tinh tế trong đặc điểm của mối quan hệ họ tạo dựng với miền đất này. Jonathan Kaufman đã rất khéo léo chỉ ra tác động của khác biệt này đến vận mệnh của hai gia tộc, đến lựa chọn của họ khi biến cố 1949 tới khép lại thời kỳ Thượng Hải của họ. Những lựa chọn đó, với xuất phát điểm là sự khác biệt trong niềm tin và sự gắn bó của nhà Sassoon và nhà Kadoorie với đất nước, con người Trung Quốc, đã dẫn họ đi theo hai con đường khác nhau, để rồi một gia tộc vẫn hiện hữu như một đế chế kinh doanh đáng gờm, còn gia tộc kia dần biến mất, chỉ còn lại ký ức của một thời oanh liệt.

Thành bại, thịnh suy luôn là câu chuyện muôn thuở của con người, luôn có sức hấp dẫn không bao giờ phai nhạt với hậu thế khi nhìn vào quá khứ và nghĩ về tương lai. Một lát cắt đầy màu sắc, cung bậc thăng trầm như thế đã hiện ra thật sống động dưới ngòi bút của Jonathan Kaufman.

Dịch giả Lê Đình Chi

Văn hoá Trà Việt - hành trình tìm về bản thể

Văn hoá Trà Việt - hành trình tìm về bản thể

'Văn hoá Trà Việt - hành trình tìm về bản thể' -  cuốn sách mang khát vọng về một nền công nghiệp trà, góp phần phát triển văn hoá trà Việt.

Từ khóa » Gia Tộc Sassoon