Từ Bài Bàn Luận Về Phép Học Hãy Nêu Suy Nghĩ Về ... - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Tìm hiểu tóm tắt về bài “Bàn luận về phép học”
  • Từ bài “Bàn luận về phép học” hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành?

“Bàn luận về phép học” là một trong những tác phẩm các em được học trong chương trình ngữ văn lớp 8. Với tác phẩm này, câu hỏi Từ bài “Bàn luận về phép học” hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành? Chắc hẳn sẽ là một trong những câu hỏi mà các em cần tìm hiểu và nghiên cứu.

Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến các em nội dung cần thiết để hoàn thành bài tập một cách tốt nhất.

Tìm hiểu tóm tắt về bài “Bàn luận về phép học”

Trước khi trả lời cho câu hỏi: Từ bài “Bàn luận về phép học” hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tóm tắt về tác phẩm để hiểu và nắm rõ bài.

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả Nguyễn Thiếp

Tên: Nguyễn Thiếp, tự là Khải Xuyên, huyện là Lạp Phong cư Sĩ, người đương thời gọi là La Sơn Phu Tử, (1723- 1804)

Quê quán: Xã Nguyệt Ao, Huyện La Sơn (Hà Tĩnh)

Cuộc đời: Ông là người học rộng, tài cao, đức lớn. Người đương thời thường gọi là La Sơn Phu Tử. Từng giúp triều Tây Sơn, (của Quang Trung) xây dựng đất nước

b. Tác phẩm Bàn luận về phép học

Thể loại: Tấu.

Hoàn cảnh sáng tác: 1791, khi ông vào Phú Xuân hội kiến với vua, bàn quốc sự.

Vị trí đoạn trích: là phần thứ ba của bài tấu

c. Bố cục

Bài văn được chia làm 3 phần. Tóm tắt bài:

Phần 1: Từ đầu…tệ hại ấy: Bàn về mục đích của việc học, phê phán lối học sai trái.

Phần 2: Tiếp …thịnh trị: Phương pháp học và tác dụng của nó.

Phần 3: Còn lại: Kết luận (lời bày tỏ chân thành mong nhà vua xem xét

2. Đọc – hiểu văn bản

a. Mục đích chân chính của việc học

Dùng câu châm ngôn và hình ảnh so sánh: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”, Đạo là lẽ đối cử hằng ngày giữa mọi người. Mục đích chân chính của việc học là: Học để làm người

b. Phê phán lối học lệch, sai trái

+ Lối học hình thức hòng cầu danh lợi. Không biết đến cương ngũ, thường.

+ Học thuộc lòng câu chữ mà không biết nội dung, hữu danh vô thực, học chỉ để có tiếng làm quan, được danh lợi.

Tác hại: Chúa tầm thường, thần nịnh hót, nước mất nhà tan.

c. Những quan điểm và phương pháp học đúng đắn

+ Mở thêm trường học.

+ Mở rộng thành phần đối tượng học.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học.

+ Tuần tự tiến lên, học từ thấp đến cao.

+ Học rộng nghĩ sâu, biết tóm lược những điều cơ bản, cốt yếu nhất.

+ Học phải kết hợp với hành.

Quan điểm, phương pháp đúng đắn, tiến bộ.

d. Tác dụng của việc học chân chính

+ Đất nước có nhiều nhân tài.

+ Triều đại vững mạnh.

+ Quốc gia hưng thịnh.

Việc học chân chính có tác dụng vô cùng to lớn.

Tổng kết:

+ Nội dung: Bằng hình thức lập luận chặt chẽ, sáng rõ, Nguyễn Thiếp đã nêu lên quan niệm tiến bộ của ông về việc học. Mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tri thức, góp phần làm hưng thịnh đất nước, chứ không phải để cầu danh lợi. Muốn học tốt phải có phương pháp, học cho rộng nhưng phải nắm cho gọn, đặc biệt học phải đi đôi với hành.

+ Nghệ thuật: Lập luận bằng cách đối lập hai quan niệm về việc học. Có lập luận rõ ràng, lí lẽ chặt chẽ, lời văn khúc chiết, thể hiện tấm lòng của một trí thức chân chính đối với đất nước.

Từ bài “Bàn luận về phép học” hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành?

Dàn bài Gợi ý: Từ bài “Bàn luận về phép học” hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành?

– Mở bài: Từ bài tấu “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử, dẫn dắt đến mối quan hệ giữa học và hành.

– Thân bài:

– Quan điểm về việc học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

+ Học để mở mang kiến thức, sau mang những kiến thức đã học trong sách vở áp dụng vào thực tiễn.

– Giải thích từ ngữ: “học” và “hành” là gì?

+ “Học” là quá trình học hỏi, tiếp thu kiến thức

+ “Hành” là hoạt động thực hành, áp dụng vào thực tiễn

– “Học đi đôi với hành” là biến những kiến thức đã học được thành kĩ năng kĩ xảo, vận dụng vào thực tiễn.

– Tại sao học phải đi đôi với hành?

+ Học để mở rộng hiểu biết, trình độ, kiến thức của bản thân à Giúp cho cuộc sống, công việc thuận lợi, hiệu quả hơn.

– Học mà không vận dụng vào thực tiễn thì cũng trở nên vô nghĩa. Kiến thức đã học trở thành lí thuyết suông không có giá trị.

+ Nếu không có những hiểu biết, không có kiến thức thì hoạt động thực hành cũng không hiệu quả

– Nếu thực hành mà không có cơ sở lí thuyết sẽ chậm chạp, không hiệu quả, đặc biệt là trong thời đại khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển như ngày nay.

– Bàn luận

+ La Sơn Phu Tử đã nhận thức và chỉ ra được mối quan hệ mật thiết giữa học và hành.

+ Học tạo cơ sở nền tảng, là ngọn đèn soi sáng cho mọi hoạt động thực hành, vận dụng vào thực tiễn.

– Kết bài: Khẳng định mối quan hệ của học và hành. Rút ra bài học cho bản thân.

Bài mẫu Từ bài “Bàn luận về phép học” hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành?

Trong bài tấu gửi vua Quang Trung vào tháng 8 năm 1791, ở phần “Bàn luận về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp có viết: “Học rộng rồi tóm lại cho gọn, theo điều học mà làm”. Như vậy, cách chúng ta mấy trăm năm, La Sơn Phu Tử đã nhận ra được tầm quan trọng của phương pháp học tập kết hợp giữa lí thuyết với thực hành. Điều đó cho chúng ta biết rằng giữa hai yếu tố “học” và “hành” có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời.

Vậy, “học” là gì? Học là quá trình tiếp thu tri thức và biến những tri thức được tiếp thu ấy thành vốn hiểu biết của bản thân. Việc học không chỉ đơn thuần thông qua việc hướng dẫn giảng dạy của thầy cô, sự truyền thụ kinh nghiệm của những người lớn tuổi mà còn thông qua sự trao đổi với của bạn bè, qua việc đọc, nghiên cứu tài liệu, sách vở và quan sát từ thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, “học” chỉ dừng lại ở khâu lí thuyết. Muốn biến những điều đã học thành thực tế, nhất thiết phải thông qua lao động thực hành.

“Hành” là những thao tác nhằm vận dụng các kĩ năng, kiến thức đã tiếp thu vào việc giải quyết những tình huống, những vấn đề cụ thể. Không một môn học nào lại không có phần thực hành. Việc thực hành thể hiện qua các bài tập sau khi vừa học lí thuyết, qua các tiết thí nghiệm thực hành các bộ môn Lý, Hóa, Sinh; qua các thao tác vận động ở bộ môn Thể dục. Theo La Sơn Phu Tử trình bày trong phần “bàn luận về phép học” thì “hành” là việc vận dụng đạo lý của thánh hiền vào cuộc sống, biến những triết lý trừu tượng thành việc làm cụ thể nhằm thể hiện nhân cách, phẩm giá của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Lời dạy trên của Bác cũng góp phần khẳng định mối quan hệ mật thiết và tương hỗ giữa hai yếu tố “học” và “hành” trong cuộc sống.

Việc thực hành có tác dụng củng cố kiến thức, khắc sâu những điều đã học. Người có học mà không biết ứng dụng những điều đã học vào thực tế thì việc học ấy trở thành vô ích. Sau mỗi bài học lí thuyết là bài bài tập để củng cố, sau mỗi tiết thí nghiệm thực hành là kiến thức đã học được khắc sâu hơn. Nếu không có những tiết bài tập và thí nghiệm thì những điều chúng ta đã học sẽ trở thành mớ lý thuyết suông không có tác dụng gì.

Đối với sĩ tử ngày xưa, đi học là để hiểu rõ Đạo. Đó là lẽ đối xử hằng ngày giữa con người với nhau. Người đi học mà không hiểu rõ đạo, không biết vận dụng đạo lý thánh hiền để cư xử với nhau mà chỉ “đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, không còn biết đến tam cương, ngũ thường”. Chắc chắn điều đó sẽ dẫn đến kết quả “chúa tầm thường thần nịnh hót”. Và hậu quả tất yếu sẽ là “nước mất nhà tan “.

Ngược lại, nếu mọi người biết vận dụng lẽ đạo vào trong cuộc sống thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhiều. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã nhấn mạnh “Đạo học thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”.

Tuy nhiên việc thực hành muốn đạt đến thành công cần phải có vai trò khơi gợi dẫn dắt của lí thuyết. Những kiến thức đã học luôn có tác dụng định hướng, dẫn dắt để việc thực hành được tốt hơn. Người thực hành mà không có sự dẫn dắt của học vấn thì khó có hy vọng đạt được mục đích, chẳng khác gì một người đi trong bóng đêm mà không có ánh sáng của ngọn đuốc soi đường. Không một học sinh nào có thể làm được bài tập mà không căn cứ vào những công thức hay định lý đã học. Cũng không một ai thành công ngay ở thí nghiệm đầu tiên mà không có sự hướng dẫn thao tác của thầy cô. Qua bài tấu, để củng cố và phát huy vai trò của việc học, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã thiết tha đề nghị xin vua Quang Trung thay đổi phương pháp học tập sao cho thích hợp: “Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm.”

Có một phương pháp học tập tốt và đúng đắn, kết hợp với những thao tác thực hành bài bản, chắc chắn kết quả học tập sẽ được nâng cao và “nhân tài mới lập được công. Triều đình nhờ thế cũng được vững yên”.

Tóm lại, từ việc tìm hiểu bài tấu “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, em nhận thấy hai yếu tố “học” và “hành” đều có tầm quan trọng như nhau và quan hệ mật thiết cùng nhau. “Học” có vai trò dẫn dắt việc “hành” và “hành” có tác dụng củng cố khắc sâu và hoàn chỉnh việc “học”. Từ đó, em phải thay đổi phương pháp học tập sao cho đúng đắn, biết kết hợp vận dụng tốt cả hai yếu tố “học” và “hành” để nâng cao trình độ học vấn của bản thân và áp dụng linh hoạt vào thực tế.

Mẫu 2

Từ cổ chí kim, trải qua bao đời thì những lời khuyên bảo dạy dỗ của cha ông là đúng đắn và có ý nghĩa với thế hệ sau. Đặc biệt trước tình hình đất nước phát triển không ngừng đổi mới và hội nhập thì nền giáo dục bây giờ cũng ngày càng hiện đại, nâng cao hơn. Ngày càng có nhiều phương pháp học tập hiệu quả, tuy nhiên dù có học như thế nào đi chăng nữa thì trong quá trình học cũng cần phải có cả thực hành. Trong tác phẩm “Bàn luận về phép học” La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã nêu lên phép học đúng đắn cho mọi người dựa trên cơ sở phép dạy học của Chu Tử (Chu Đôn Dư – một danh Nho đời Tống bên Trung Quốc). Học và hành có mối quan hệ gắn bó mật thiết và bổ sung cho nhau.

Trước hết qua nội dung tác phẩm bàn về phép học thì La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã khẳng định việc học ban đầu sẽ nhằm xây dựng gốc rễ, tức học để bồi lấy gốc, sau học đến Tứ thư, Ngũ kinh, Chư sử là những kiến thức cơ bản mở đầu cho quá trình học tập lâu dài. Cũng theo nội dung tác phẩm thì việc học rộng để mở mang kiến thức, theo lời dạy của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp thì: “ Học rộng rồi tóm lược lại cho gọn, theo điều học mà làm”. lấy những điều học được áp dụng vào thực tế (học để hành). Câu nói ấy đã cho thấy việc học cần kết hợp với hành, với thực tế chứ không chỉ học vẹt , học thuộc một cách sáo rỗng. Học cần đi đôi với hành.  Có như vậy thì nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo học có quan hệ tới lòng người, mang lại lợi ích thiết thực cho dân, cho nước.

Trong phép học mà Nguyễn Thiếp đưa ra đã nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa học và hành. “Học” là quá trình dài giúp chúng ta có thể tiếp thu kiến thức, tích lũy, trau dồi tri thức, mở mang trí tuệ, không để tụt lùi, lạc hậu. Học chính là quá trình chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại. Nội dung học là vô cùng bao la rộng lớn, đó là những kiến thức nhân loại đã được chắt lọc hay nó cũng đã được phân loại thành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn; học còn có cả các kĩ năng, kĩ xảo tương ứng. Chúng ta có thể học ở bất kỳ nơi đâu, học bất kỳ ai như từ thầy cô, bạn bè, sách vở cha mẹ,… Học bất kỳ điều hay lẽ phải nào. “Hành” là ứng dụng lí thuyết đã học vào thực tiễn đời sống. Trong thời đại 4.0 là thời đại của máy móc, của khoa học phát triển như vũ bão, việc “học đi đôi với hành” càng được đạt ra một cách nghiêm túc. Học ở đây không chỉ là học trong sách vở, bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà còn phải học trong đời sống, học càng rộng hiểu biết càng sâu. Không chỉ vậy, việc học cũng không hề giới hạn ở bất kỳ độ tuổi, giới tính, tôn giáo, .. nào cả. Bất kỳ ai ở lứa tuổi nào cũng đều cần không ngừng học tập, học mọi lúc mọi nơi. “Học không hành” là lối học hình thức với mục đích là hòng cầu danh lợi. Đó là lối học định hướng đến những mục đích tầm thường.

Học tập vốn là một quá trình lâu dài và nhiều gian nan, vất vả. Bên cạnh sự chăm chỉ, cần cù, có một phương pháp học tập đúng đắn cũng là yếu tố giúp chúng ta đi đến thành công. Học và hành luôn cần kết hợp song hành với nhau. Mỗi người ra sức học tập không ngừng để phục vụ chính bản thân mình, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết cho chính mình. Người có học khác hẳn so với những người thiếu hiểu biết, vô học. Sự khác biệt ấy không phải chỉ ở chữ nghĩa mà còn ở nhiều thứ khác như trình độ nhận thức, khả năng ứng xử trong giao tiếp xã hội, khả năng giải quyết công việc trong những tình huống phức tạp… Mục đích của việc học là để làm cho mọi công việc được thực hiện với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Do đó nếu chỉ học vẹt, học làu làu hôm trước hôm sau quên thì việc học vô nghĩa. Học như vậy chỉ để đối phó, chống đối. Học mà không hành, chỉ nắm lí thuyết mà không vận dụng vào thực tiễn thì việc học trở nên vô ích, mất thời gian, tiền của, công sức mà không mang lại lợi ích thiết thực nào cả. Học cần có sự kết hợp với thực hành. Nếu chỉ học mà không thực hành thì sau thời gian chúng ta sẽ lãng quên kiến thức. Không có lí thuyết soi sáng, khi làm việc chúng ta sẽ gặp khó hoặc làm việc theo thói quen và kinh nghiệm thì tiến trình làm việc sẽ chậm và hiệu quả không cao. Đặc biệt trong thời đại công nghệ khoa học kĩ thuật 4.0 phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như ngày nay thì học và hành càng cần được kết hợp đi đôi với nhau bổ sung và giúp đỡ nhau.

Ý kiến mà qua nội dung bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là đúng đắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Cốt lõi trong phương pháp học của La Sơn Phu Tử là học đi đôi với hành. Giữa học và hành có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Học đóng vai trò chỉ đạo, soi sáng cho hành. Hành giúp cho con người vận dụng, củng cố, bổ sung và hoàn chỉnh lí thuyết đã học được vào thực tế. Thực tế đã chứng minh việc học luôn cần đi đôi với hành. Nếu chỉ học suông, không áp dụng vào thực tiễn thì việc học đó trở nên vô nghĩa. Thực tế có rất nhiều minh chứng chứng minh cho ta thấy tính đúng đắn của việc học đi đôi với hành. Hồ Chí Minh người là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Bác đã từng khẳng định: lí luận phải đi đôi thực tiễn, lí luận mà không có thực tiễn chỉ là lí thuyết suông. Hồ Chí Minh biết rất nhiều ngoại ngữ và sử dụng thành thạo không chỉ trong giao tiếp mà còn viết văn, viết báo bằng ngoại ngữ. Các học sinh sinh viên luôn cần kết hợp giữa quá trình học và học. Ví như sinh viên Báo học báo cần viết bài, cần đưa ra quan điểm trước các vấn đề; sinh viên y học y cần thực tập ra viện trải nhiệm thực tế, nâng cao tay nghề; sinh viên sư phạm học cần đi dạy, đứng lớp để truyền tải kiến thức bản thân cho nhiều thế hệ học sinh; sinh viên xây dựng học cần thiết kế các dự án và bắt tay làm,… Có thể thấy trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có sự kết hợp giưã học và hành. Quả thực, nếu học mà không có hành thì việc học chưa trọn vẹn. Lí thuyết mà không được đem ra thực hành thì đó chỉ là lí thuyết suông. Không có hành, người học dường như chỉ nắm lí thuyết một cách máy móc, nửa vời, dẫn đến kết quả là những kiến thức đó sẽ trở nên mơ hồ, không chắc chắn.

“Học đi đôi với hành” là phương châm, phương pháp giúp học sinh, sinh viên phát huy tinh thần chủ động, năng động trong học tập, sớm xác định được mục tiêu học tập đúng đắn. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường bản thân em luôn nỗ lực học tập không ngừng. Luôn kết hợp học hành và sao cho hiệu quả nhất. Việc kết hợp giữa học và hành giúp lí thuyết được khắc sâu. Bên cạnh đó lí thuyết được thực hành soi sáng nên việc vừa học vừa tập, vừa ôn vừa luyện giúp em thấy dễ hiểu, dễ nhớ.

Dù cách chúng ta hơn ba thế kỉ nhưng lời dạy của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về một phương pháp học đúng đắn vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay. Học là quá trình tích lũy, học cho bản thân để làm việc sao cho tốt. Việc học cần được kết hợp giữa học và hành mới thực sự đạt được hiệu quả cao. Mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề, tránh học vẹt, học suông; chỉ giỏi lý thuyết mà kém thực hành hoặc học đối phó chống đối.

Trên đây là các nội dung liên quan đến Từ bài “Bàn luận về phép học” hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành? Hy vọng các thông tin này hữu ích và giúp bạn giải đáp thắc mắc.

Từ khóa » Dàn ý Từ Bài Bàn Luận Về Phép Học Hãy Nêu Suy Nghĩ Về Mối Quan Hệ Giữa Học Và Hành