Từ Bàn Hội Nghị… đến Hiệp định Paris - Báo Thanh Tra

Cuộc đàm phán đi đến chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức diễn ra từ ngày 13/5/1968 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế Kléber thủ đô Paris nước Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ, đại diện hai nhà nước trực tiếp gặp nhau trên bàn hội nghị. Dẫn đầu Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa là Bộ trưởng ngoại giao Xuân Thủy, Đoàn Hoa Kỳ do Thứ trưởng ngoại giao Averell Herriman làm trưởng đoàn. Bộ trưởng Xuân Thủy bắt tay Trưởng đoàn Averell Herriman với nụ cười tự tin và đôn hậu. Nhiều tờ báo quốc tế đã mô tả “cái bắt tay lịch sử” của hai nhà ngoại giao, khiến sôi động tình hình thời sự thế giới. Trước đó, tối 04/4/1968, Sứ quán Mỹ tại Lào thông báo cho Sứ quán Việt Nam, là Washington đề nghị cuộc họp hai bên sẽ diễn ra tại Geneva Thụy Sĩ. Việt Nam đề nghị lấy Thủ đô Phnom Penh - Campuchia, nhưng Mỹ không chấp nhận. Họ đưa ra bốn địa điểm là: New Delhi - Ấn Độ, Jakarta - Indonesia, Vientian - Lào và Rangoon - Myanmar. Hà Nội không đồng ý và đề nghị lấy Vacsava của Ba Lan làm nơi tiếp xúc. Ban đầu Mỹ chấp nhận, nhưng sau đó họ khó chịu vì tin đó bị lộ ra ngoài và đưa ra danh sách gồm 10 địa điểm khác: Kabul - Afghanistan, Colombo - Sri Lanka, Kathmandu - Nepal, Kuala Lumpur - Malaysia, Rawalpindi - Pakistan, Tokyo - Nhật Bản, Bruxelles - Bỉ, Helsinki - Phần Lan, Vienne - Áo và Rome - Italy. Cuối cùng, gần một tháng trời, ngày 02/5/1968 Việt Nam đề nghị lấy Paris làm nơi đàm phán, và phía Mỹ đã chấp nhận. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Hội nghị Paris đã vấp phải những khó khăn, do trong khi Việt Nam dân chủ cộng hòa gọi Hội nghị Paris là cuộc họp bốn bên, thì phía Mỹ cho đó là cuộc họp hai phía. Đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hà Nội đề nghị họp quanh “chiếc bàn vuông” để bốn đoàn ngồi bốn cạnh đàm phán bình đẳng, còn Washington đưa ra “nhiều kiểu bàn” nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Lúc đầu Mỹ đề nghị “bàn chữ nhật”, để họ và chính quyền Sài Gòn ngồi một bên, Việt Nam dân chủ cộng hòa và MTDTGPMNVN ngồi một bên. Tiếp đó, Mỹ đưa ra ba kiểu bàn khác, là “bàn hình cung” đối diện không tách rời, rồi “bàn hai nửa vòng tròn” đối diện rời nhau, đến “bàn hai nửa vòng tròn giữa có khoảng cách” hai đầu có bàn chữ nhật cho thư ký. Phía VNDCCH đề nghị lấy kiểu bàn thứ hai của Mỹ, nhưng không tách rời mà ghép lại thành một bàn tròn. Cứ thế hai bên tranh cãi từ cuối năm 1968 chưa ngã ngũ, đến tháng Giêng năm 1969 vẫn chưa quyết định được. Cuối cùng, hai bên đã đồng ý với gợi ý ngày 15/01/1969 của đại sứ Liên Xô tại Pháp là: 1/ Về cách sắp xếp chỗ ngồi: Sẽ là một bàn tròn phẳng, có hai bàn chữ nhật đối diện dành cho thư ký. 2/ Không có cờ và biển của các đoàn trên bàn đàm phán. 3/ Thứ tự phát biểu quyết định bằng cách nhờ nước chủ nhà Pháp rút thăm, phía nào thắng sẽ được phát biểu trước. Cuối cùng, để được việc và giải quyết cho xong vấn đề thủ tục, đoàn Việt Nam để Mỹ phát biểu trước, nhưng nói rõ là không chấp nhận quan điểm “hai phía” của Washington.

"Phía Mỹ ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam_Ảnh tư liệu "

Hòa nhịp với thắng lợi ở chiến trường trên cả hai miền Nam - Bắc, chúng ta sử dụng nhiều hình thức tiến công trên mặt trận ngoại giao. Dù không có tiếng súng, nhưng Hội nghị Paris là nơi những người trên hai chiến tuyến “trực diện đối mặt” khi mềm mại, lúc đanh thép, với những cung bậc tình cảm, lý trí, văn hóa, chính trị, quân sự, với tác động nhiều chiều, nhiều lực lượng lên bàn đàm phán. Cùng với những phiên họp công khai, một kênh đàm phán bí mật cấp cao được mở ra từ ngày 21/02/1970, và các cuộc gặp trực tiếp giữa một bên là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với Trợ lý an ninh tổng thống Mỹ Henry Kissinger thực chất là những cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong hồi ký, Henry Kissinger từng nhiều lần nhắc đến đối thủ trên bàn đàm phán tại Paris là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, người có phong cách đàm phán uyển chuyển, sắc sảo. Khi vòng đàm phán bốn bên được nối lại sáng ngày 08/01/1973 sau trận “Điện Biên Phủ trên không”, với tư cách là người chiến thắng, Cố vấn Lê Đức Thọ đề nghị đoàn VNDCCH không ra cửa đón đoàn Mỹ như thông lệ. Và “chưa bao giờ người ta thấy ông Thọ nổi nóng như buổi sáng hôm đó”, khi ông trút hàng loạt những từ như “lừa dối”, “ngu xuẩn”, “tráo trở”, “lật lọng”… lên đầu”, khiến Kissinger không nói được gì. Mãi sau ông ta mới nhỏ nhẹ đề nghị ông Thọ hãy nói khe khẽ thôi, không các nhà báo bên ngoài nghe thấy lại đưa tin là ông đã mắng người Mỹ. Nhưng ông Thọ vẫn không buông tha: “Đó là tôi chỉ mới nói một phần, chứ còn các nhà báo họ còn dùng nhiều từ nặng hơn nữa kia!”. Những lời buộc tội đanh thép, cùng với ứng xử hết sức mềm dẻo và nhân văn, ngoại giao Việt Nam đã chiến thắng trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Ngày 13/01/1973, tại phiên họp cuối cùng của quá trình đàm phán, Lê Đức Thọ và Kissinger bàn vấn đề đóng góp xây dựng lại Bắc Việt Nam, phần lớn thời giờ còn lại hai ông bàn về thời gian biểu triển khai việc ký kết Hiệp định và các công việc tiếp theo. Kissinger đề nghị không đọc diễn văn và chỉ có chúc từng người ở bên ngoài. Ông ta cũng nói rằng, đó sẽ là ngày trang trọng ở Mỹ, và ở Việt Nam lại càng trang trọng hơn nữa. Vì vậy “chúng ta nên khởi đầu với một thái độ hoà giải, quảng đại và nồng nhiệt đối với nhau”. Cố vấn Lê Đức Thọ vui vẻ đồng ý. Kissinger nói thêm: “Chắc các ông sẽ không dùng từ chiến thắng chiến tranh xâm lược...”. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ cũng tỏ vẻ đồng tình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhân dân Hà Nội chào đón Đoàn Việt Nam ký kết Hiệp định Paris thắng lợi_Ảnh tư liệu

Theo đó, ngày 15/01/1973: 12 giờ Washington (24 giờ Hà Nội) Mỹ ngừng ném bom và thả mìn ở toàn miền Bắc Việt Nam. Ngày 19/01/1973: Thông báo cho chủ nhà Pháp biết. Ngày 23/01/1973: Gặp chính thức Lê Đức Thọ - Xuân Thuỷ - Kissinger để hoàn thành đàm phán và ký tắt Hiệp định. Ngày 24/01/1973: Công bố tin và toàn văn Hiệp định đã được ký và các Nghị định thư. Ngày 27/01/1973: Lễ ký chính thức tại Trung tâm Kléber. Ngày 27/01/1973: 24 giờ giờ GMT ngừng bắn có hiệu lực trên toàn miền Nam Việt Nam. Ngày 29/01/1973: Ban Liên hợp quân sự bốn bên họp tại Sài Gòn, thành lập Ban Liên hợp quân sự hai bên, Ủy ban Quốc tế bắt đầu hoạt động. Ngày 30/01/1973: Tổng thống Hoa Kỳ gửi công hàm cho Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngày 31/01/1973: Đưa tin Kissinger sẽ vào Hà Nội. Ngày 07 hoặc 08/02/1973: Tiến sĩ Kissinger vào Hà Nội. Ngày 26/02/1973: Họp Hội nghị Quốc tế. Đúng 9 giờ 35 phút ngày 23/01/1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Trợ lý an ninh Henry Kisinger, cùng các thành viên có mặt đông đủ tại Hội trường Klébe, Thủ đô Paris nước Pháp. Sau khi trao đổi thêm một số vấn đề trong các văn kiện, hai bên đã ký tắt bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khi ký xong hiệp định, Trợ lý an ninh Henry Kessinger tặng Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ cây bút ông ta vừa ký và nói: “Tôi xin tặng ông cây bút để nhớ mãi ngày lịch sử này”. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tươi cười đón nhận, đồng thời tặng lại Trợ lý an ninh Tổng thống Mỹ Henry Kessingger cây bút vừa ký và nói: “Tôi xin tặng lại ông cây bút này và xin ông nhớ cho, ký rồi phải giữ lời đấy nhé”. Trải qua 4 năm 8 tháng 16 ngày, sáng 27/01/1973, Lễ ký kết Hiệp định Paris giữa bốn bên tham dự được tiến hành. Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ William P.Rogers, Tổng trưởng ngoại giao Việt Nam cộng hòa Trần Văn Lắm đã ký vào Hiệp định. Hiệp định Paris gồm 9 chương với 23 điều, là một giải pháp toàn diện về Việt Nam và Lào cùng Campuchia. Điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định là: “Quân đội các nước ngoài phải rút khỏi ba nước Đông Dương. Quá trình hòa hợp dân tộc ở mỗi nước là do chính nhân dân các nước tự quyết định”.

Toàn cảnh đàm phán tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam_Ảnh tư liệu

Chiều ngày 27/01/1973, Lễ ký các Nghị định thư giữa hai bên cũng được tiến hành tại Hội trường Kléber. Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Ngoại trưởng William P.Rogers thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ đã ký vào các văn kiện. Chứng kiến lễ ký có đại diện nước chủ nhà Pháp và các nước, cùng đông đảo phóng viên báo chí quốc tế. Tổng cộng, Hội nghị Paris đã có 202 phiên họp công khai, 36 cuộc gặp cấp cao, 500 cuộc họp báo và xấp xỉ 1.000 lần trả lời phỏng vấn. Lịch sử ngoại giao Việt Nam và thế giới thế kỷ 20 đã có nhiều cuộc đàm phán quan trọng, nhưng đến Hội nghị Paris thì tầm vóc và mức độ tác động đã vượt ra khỏi một cuộc đàm phán thông thường. Cả thế giới đứng về phía Việt Nam hồi hộp theo dõi tiến trình Hiệp định Paris. Cuộc đàm phán trên bàn Hội nghị Paris thực sự là một phần của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là một cuộc chiến trên cơ sở của pháp lý quốc tế, hiện thực lịch sử, lợi ích của đất nước, con người, về quyền độc lập tự chủ của mỗi quốc gia dân tộc trên thế giới. Đó cũng là cuộc chiến giữa một nền ngoại giao nhân văn chính nghĩa, với một kiểu ngoại giao phi nghĩa dùng sức mạnh để đàm phán. Bằng Hiệp định Paris, nhân dân ta đã “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề quyết định “đánh cho Ngụy nhào” và ngày 30/4/1975, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó thực sự là cuộc chiến trí tuệ, bản lĩnh, khoa học, sáng ngời chủ nghĩa nhân văn Việt Nam vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Đình Cả - Trúc Lâm

Từ khóa » Hội Nghị Pari Diễn Ra Trong Khoảng Thời Gian Nào