Tứ Bất Tử - Mega Story
Có thể bạn quan tâm
Lời giới thiệu
Lịch sử dân tộc Việt không thể không gắn với những thần tích, mà đôi lúc chúng ta không phân biệt được đâu là huyền sử, đâu là chính sử. Trong đó, bốn vị Thánh được dân gian suy tôn là “Tứ Bất Tử” sẽ sống mãi trong tâm thức của nhân dân, bởi những thần tích về các vị thánh mang theo những khát khao, ước vọng của cả dân tộc.
Người đứng đầu trong Tứ thánh là Đệ nhất Đức Thánh Tản, hay Sơn Tinh, là vị thần núi Tản Viên (ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai; Đệ nhị Đức Thánh Gióng, hay Phù Đổng Thiên Vương, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm; Đệ tam Đức Thánh Chử Đồng Tử, hay còn được gọi là Chử Đạo Tổ, tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu có; Đệ tứ Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng, thơ văn.
Để lý giải về con số 4 (tứ) trong tư duy, tín ngưỡng của người Việt thì chúng ta đi tìm lại các tên gọi lịch sử mang ý nghĩa triết lí như: Tứ trấn, tứ trụ triều đình, tứ phủ, Sơn Tây tứ quý, tứ nguyệt, An Nam tứ đại tài hay bốn phương tám hướng…
Như vậy có thể khẳng định, ông cha ta chọn tên gọi tứ (bốn) là chọn lấy những gì tiêu biểu nhất, độc đáo nhất và có tính thời đại nhất để đặt tên cho bốn vị thần được dân gian tôn vinh, trường sinh bất tử trong các thần điện, nên còn được gọi là ‘Tứ bất tử trong tâm thức Việt Nam’.
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rằng văn hoá tâm linh ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có một điểm chung là suy tôn các vị thần linh biểu tượng cho những đức tính cao quý mà dân tộc đó gìn giữ, hoặc hướng tới. Mặc dù mỗi dân tộc đều có những cách thức biểu đạt riêng của sự tôn kính hoặc ngưỡng mộ, nhưng tựu chung lại thì họ luôn hướng tới cái thiện, cái nhân văn, thông qua việc xây dựng hay truyền thuyết về những vị thần đó.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền giải thích rõ hơn: “Những đức tính được tôn vinh thông qua các vị thần có thể là sự vững vàng trước thiên nhiên hung dữ, là sự mạnh mẽ trước giặc ngoại xâm, là sự bao dung, tình yêu thiên nhiên con người… Lòng nhân ái và lẽ sống vì con người luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Hay sự bất diệt của những truyền thuyết về các vị thánh bất tử chính là sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính đối với tiền nhân và đối với những gì mà họ đã dạy cho hậu thế về lẽ sống làm người. Hình tượng Tứ bất tử chính là sức mạnh tinh thần, luôn hiển hiện trong mỗi con người Việt nam, như một lẽ sống, trường tồn cùng sự phát triển của đất nước.”
Ngược dòng lịch sử, chúng ta ghi nhận được lần đầu tiên và người đầu tiên đưa ra danh sách Tứ bất tử là Danh nhân văn hóa thế giới, là Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (sinh năm 1380-1442). Trong sách ‘Dư địa chí,’ Nguyễn Trái đã liệt kê Tứ bất tử, gồm Thánh Tản Viên Sơn, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, và người thứ tư không phải là Mẫu Liễu Hạnh mà là Từ Đạo Hạnh. Thiền sư thời Lý, hiện được thờ tại Chùa Thầy (Hoài Đức, Hà Nội), là người có công rất lớn trong việc sáng lập nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, trong đó có môn nghệ thuật múa rối nước.
Nhưng sau đó thì danh sách Tứ bất tử đã được thay đổi. Đến thời Hậu Lê, Mẫu Liễu Hạnh, tương truyền là người con gái của Ngọc Hoàng thượng đế, ba lần đầu thai xuống trần, đã bước vào danh sách Tứ bất tử thay thế cho Từ Đạo Hạnh.
Theo chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung: “Bốn vị thánh trong Tứ bất tử Việt Nam là điểm tựa về mặt tinh thần, là biểu tượng cho bốn khía cạnh quan trọng nhất của một dân tộc trong quá trình hình thành và phát triển. Ví dụ như Tản Viên Sơn Thánh là vị thần liên quan đến lao động sản xuất, mà cụ thể ở đây là trị thủy để phát triển nông nghiệp lúa nước. Thánh Gióng là vị thần chiến tranh, chống ngoại xâm để bảo vệ tổ quốc. Chử Đồng Tử, đó là vị thánh về tình yêu, về xây dựng làng xóm, về sản xuất những ngành mỹ nghệ thủ công buôn bán. Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thánh cai quản mặt tâm linh, phong tục tập quán, nếp sống của người Việt. Đây chính là bốn khía cạnh quan trọng nhất của một quốc gia, dân tộc. Nếu như một quốc gia, dân tộc nào mà thiếu đi một trong bốn khía cạnh đó thì không thể nào tồn tại một cách trường tồn. Dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua 4000 năm lịch sử với bao thăng trầm, song vẫn vượt qua được là nhờ ở sự kết tinh của bốn nội dung này trong tâm thức muôn đời.”
Nội dung: Hào Nguyễn, Thúy Hằng, Khánh Linh
Ảnh/video: Hào Nguyễn
Đức Thánh Tản
và giấc mơ trị thủy
Từ đền Thượng trên đỉnh núi Ba Vì nhìn xuống, ta có thể nhìn ngắm cả một một vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ, khởi nguyên của nền văn minh lúa nước. Cũng tại nơi đây, xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, Tản Viên Sơn Thánh đã được nhân dân nhân cách hóa và trở thành vị thần đầu tiên trong Bộ Tứ Bất Tử.
Có rất nhiều giả thiết và câu chuyện về nguồn gốc của Đức Thánh Tản được công bố. Nhưng dù xuất thân là một vị thần hay một người có thực thì tất cả đều đại diện cho sức mạnh của nhân dân chống lại thiên tai, bão lũ.
Ở những buổi bình minh của lịch sử, thần núi Tản Viên, cũng như bao vị thần tự nhiên khác, được thờ phụng với mong ước ngài có thể che chở, bảo vệ cho con người. Cho đến khi nền văn minh sông Hồng có sự phát triển rực rỡ, ý thức về tính gắn kết cộng đồng đã được nâng lên một tầm cao mới thì các thần thoại, truyền thuyết mới trở nên điển hình hơn và mang tính biểu tượng với tư cách của vị anh hùng dân tộc. Có thể nói, với nền văn minh nông nghiệp lúa nước làm xương sống cho sự phát triển thời bấy giờ, Đức Thánh Tản Viên Sơn trở thành một thần thoại được nhân dân sùng bái cũng là điều dễ hiểu.
Để làm chủ được vùng đồng bằng rộng lớn ở bán đảo Đông Dương ấy, người Việt phải học cách trị thủy như một lẽ tự nhiên. Bởi trị thủy thành công thì mới có những ruộng đồng tốt tươi để trồng trọt, chăn nuôi và duy trì cuộc sống, cũng như tạo cơ sở hình thành những làng xóm.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, vùng đất phát tích của người Việt cổ là Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, thuộc nền văn minh Đông Sơn. Ở đó, Ba Vì chính là nơi cao nhất, trở thành ngọn núi tổ, là nơi tụ linh-tụ khí của trời và đất.
Chính vì thế ông cha ta đã chọn Ba Vì là nơi thờ tự Tản Viên Sơn Thánh. Cũng từ vị trí đắc địa này mà ông cha ta đã chiến thắng được cái gọi là ‘giặc nước’ để phát triển sản xuất và quần tụ.
Trong những năm qua, các nhà khảo cổ đã khai quật được rất nhiều di chỉ thuộc nền văn minh Đông Sơn, nằm ở trên vùng Phú Thọ, Đông Anh, Gia Lâm hoặc trên những gò đồi, kể cả ra những vùng Hải Phòng, Quảng Ninh cũng phát hiện di chỉ khảo cổ học từ thời Đông Sơn. Đấy chính là nơi cư trú của chủ nhân văn hóa Đông Sơn, gắn liền với huyền sử về thời đại Hùng Vương.
Ngay từ đầu, riêng cái tên Ba Vì cũng đã mang nhiều ý nghĩa. Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng giải thích: “Người Việt Nam quan niệm số 1 là số dương khởi, tức là vạn sự khởi đầu nan, Việt Nam quan trọng nhất là số 3, đó là số dương sinh và đến số 5 là số dương trung hòa, số 7 là dương thái âm và số 9 là dương hoàn mỹ tức là cực dương và số đấy chỉ dành cho các bậc đế vương. Việt Nam dùng hai con số, một là số 3, hai là số 9, số 9 dành cho bậc đế vương cho nên Vua mới ở cửu trùng, cửu đỉnh; cho nên lễ vật mà Vua Hùng yêu cầu mới là voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao; cho nên dân tộc Việt Nam mới chỉ có 54 dân tộc vì 5+4=9 và chúng ta chỉ có 63 tỉnh thành vì 6+3=9.”
“Trong dân gian, con số 3 cũng xuất hiện khi nói đến 3 miền, có 3 phương thức sản xuất, có 3 đơn vị xã hội, mỗi đơn vị xã hội (gia đình, xã hội…) đều có 3 nguyên lý hình thành. Núi của chúng ta cũng là Tam Đảo, Ba Vì, Phá Tam Giang… Thắp hương lên bàn thờ người ta cũng thắp 3 nén, vái 3 vái, người sống cúng 3 ngày, 49 ngày… tất cả đều số lẻ.”
Tín ngưỡng phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn khu vực Đồng bằng Bắc bộ, trong đó đậm đặc nhất là vùng Xứ Đoài (vùng lõi của huyện Ba Vì). Thực tế cho thấy, chỉ tính trên địa bàn huyện Ba Vì có 300 di tích, trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên.
Điều đó phần nào khẳng định công trạng to lớn của Ngài đối với nhân dân. Ngài không chỉ là Vị Thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà còn được nhân dân suy tôn là Đệ Nhất Phúc Thần, Thượng đẳng tối linh thần và là vị Anh hùng dân tộc, anh hùng khai điền trị thủy, anh hùng khai sáng văn hoá của dân tộc từ thủa dựng nước. Với giá trị di sản văn hóa to lớn đó, ngày 30/1/2018, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL.
Hàng năm, vào ngày mùng 6/11 âm lịch (là ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên), để nhớ tới công lao, ân đức của Ngài, huyện Ba Vì tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm nhằm giáo dục lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ngày nay, theo xu hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nông nghiệp từ lâu đã không còn đóng vai trò then chốt. Vậy nhưng, Đức Thánh Tản Viên vẫn được dân gian tôn thờ và ngưỡng vọng vì giá trị hình tượng của ngài không dừng lại ở sự chở che cho nhân dân, ở sức mạnh chế ngự thiên nhiên mà còn là tinh thần và ý chí quật cường của bao thế hệ người Việt khi phải đối mặt với những cơn giận dữ của đất trời.
Với tinh thần và ý chí kiên cường ấy, trải qua biết bao phong ba bão táp của lịch sử, dân tộc Việt Nam vẫn đứng lên và tiến về phía trước. Chế ngự thiên nhiên trong thời đại mới không chỉ đơn giản là việc đấu tranh chống lại thiên tai mà còn là sức mạnh làm chủ những giá trị khoa học công nghệ.
Thánh Gióng
và khát khao của muôn dân
Sự tích người anh hùng nhỏ tuổi làng Phù Đổng đánh tan giặc Ân đã tạo nên khúc ca hoành tráng, mở đầu trang sử vàng son chống giặc ngoại xâm của dân tộc từ thời các vua Hùng dựng nước.
Thánh Gióng có mẹ, không có bố, cũng chẳng rõ tên gọi. Chỉ biết mẹ Thánh Gióng sống ở một ngôi làng ‘một là trồng lúa, hai là trồng cà’. Như vậy là mô hình sản xuất nông nghiệp lúa nước chính thức được định hình.
Nhưng tại sao Thánh Gióng lại là một đứa bé mà 3 năm không nói không cười. Như đã lý giải ở phần trước, con số 3 có ý nghĩa linh thiêng với người dân Việt, bởi nó biểu trưng cho sự sinh sôi, là số dương sinh.
Trong sự tích Thánh Gióng, ngoài mô hình làng thuần nông, dân gian còn nói đến làng nghề. Đó là khi Thánh Gióng vươn vai và nói với sứ giả là “Đúc cho ta ngựa sắt, áo giáp sắt, nón sắt ta sẽ đi đánh giặc cho.”
Một mô hình làng nữa hiện hữu thông qua một câu chuyện của Tứ bất tử là sự tích Chử Đồng Tử và Tiên Dung, đó là làng Vạn Chài. Như vậy đã có ba phương thức làng-xã đã hình thành.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ: “Trả lời cho câu hỏi tại sao mẹ Thánh Gióng không có tên, là bởi vì người dân Việt Nam muốn nói rằng, Thánh Gióng là một anh hùng và anh hùng đấy là con đẻ của nhân dân, chứ không phải là con đẻ của một vĩ nhân hay nói cách khác nó đề cao tính cộng đồng trong văn hóa lối sống của người Việt.”
“Cho nên nước ta có mẹ Việt Nam anh hùng chứ không có tên một bà mẹ nào cả, tất cả đều được gọi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Câu chuyện của bà mẹ đó lại trùng với nguyên lý mà sau này các bạn đã biết, đó là nguyên lý tính mẫu hoặc tín ngưỡng Thờ Mẫu hoặc là Đạo Mẫu mà đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.”
Truyền thuyết Thánh Gióng là sự khái quát hóa cao nhất, đặc sắc nhất của người anh hùng chống ngoại xâm.
“Bảy nong cơm, ba nong cà
Nước uống một mạch, cạn đà khúc sông”
Từ cậu bé làng Gióng ba năm nằm trên chõng chẳng nói, chẳng cười, nhưng vừa nghe tiếng mõ rao cầu hiền tài đi đánh giặc ngoại xâm đã trở thành tráng sĩ, ăn hết bẩy nong cơm, mấy vại cà và lên đường ra trận. Sau khi đánh tan quân giặc, ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời.
Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đánh giá: “Có rất nhiều anh hùng văn võ song toàn, nhưng hình tượng Thánh Gióng luôn được đề cao và trường tồn. Bởi nó biểu hiện tinh thần chiến đấu bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân cư Việt cổ.”
Nhưng không chỉ có vậy, hình tượng Thánh Gióng còn mang theo khát vọng của người dân về một vị anh hùng không màng lấy danh lợi. Sau khi dẹp xong giặc, Thánh Gióng không cầu chức tước, địa vị, danh vọng mà bay về trời.
Bài học ấy vẫn còn mang nhiều giá trị, cho cả thời đại ngày nay. Thánh đi từ nhân dân và lớn mạnh nhờ nhân dân.
“Sức mạnh của Gióng là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: Tinh thần và vật chất, con người và vũ khí, cá nhân và cộng đồng. Khi nào dân tộc kết hợp được các yếu tố trên thì chúng ta sẽ có sức mạnh vượt trội để chiến thắng ngoại xâm” – Tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ.
Ý nghĩa đó thể hiện qua chi tiết người dân đã hết lòng ủng hộ của cải vật chất cho cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc. Bà con quyên góp gạo cơm, mắm muối, sắt, công sức rèn vũ khí để ông Gióng xuất trận.
Câu chuyện Thánh Gióng một lần nữa tái hiện thật ở rất nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ bờ cõi của dân tộc ta, trong cả thời phong kiến lẫn thời hiện đại.
Có thể thấy, tính cộng đồng của người Việt đã được đúc kết trong tư thế vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Đó là hai mặt cơ bản nhất trong đời sống xã hội của cư dân Việt kể từ ngày lập quốc cho đến ngày nay.
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng.
Đây là cơ hội để diễn xướng hệ thống lễ thức với các thao tác thuần thục, uy nghi, mang tính nghệ thuật và tính biểu tượng cao, nhằm tái hiện mối quan hệ nhiều chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục.
Đấy là lý do giải thích vì sao Thánh Gióng lại trở thành một trong những Tứ bất tử, vì sao hội Gióng lại là lễ hội duy nhất trong số 8887 lễ hội của Việt Nam hiện nay được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Vùng đất Trung Châu có 72 nơi thờ Thánh Gióng mang dấu ấn riêng của từng vùng. Hiện nay, có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội làng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tương truyền là nơi ông Gióng sinh ra; hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, là nơi Thánh Gióng bay về trời. Cả hai lẽ hội đều đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hội Gióng ở đền Sóc được tổ chức từ ngày 6-8 tháng giêng âm lịch hàng năm. Tại đây, nhân dân đã xây dựng Khu di tích đền Sóc bao gồm 6 công trình: đền Hạ (hay còn gọi đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (hay còn gọi đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia.
Ông Ngô Huy Hùng – Trưởng phòng Bảo tồn Đền Sóc chia sẻ: “Giá trị cốt lõi trong câu chuyện Thánh Gióng là nhằm khẳng định sức mạnh của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn có người có thể gánh vác trọng trách bảo vệ đất nước.”
Ngoài lần xuất hiện để chống giặc ngoại xâm, Thánh Gióng sau đó còn giáng trần xuống Đông Bộ Đầu (Thường Tín ngày nay) để đảm nhận sứ mệnh giúp dân làm công tác thủy lợi.
Vậy nên, còn có hơn 10 hội Gióng khác cũng được tổ chức trên địa bàn Hà Nội như: hội Gióng Bộ Đầu xã Bộ Đầu (huyện Thường Tín); lễ hội thờ Thánh Gióng ở các làng Đặng Xá, Lệ Chi (huyện Gia Lâm); các làng Phù Lỗ Đoài, Thanh Nhàn, Xuân Lai (huyện Sóc Sơn); Sơn Du, Cán Khê, Đống Đồ (huyện Đông Anh); thôn Xuân Tảo (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.)
Ngày nay, hình tượng người Anh hùng làng Gióng vừa thực hiện cả hai chức năng chống thiên nhiên và chống xâm lược đã đem lại những nhận thức có được trong hệ thống ý nghĩa của “di sản văn hóa phi vật thể”. Chính những nhận thức này đã mang tính sáng tạo, lễ hội làng Gióng của Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trong cuộc sống hiện tại và mai sau.
Thánh Chử Đồng Tử
và câu chuyện tình yêu mang tầm vóc vượt thời đại
Khi nhắc đến Thánh Chử Đồng Tử ta không thể không nhớ đến câu chuyện ‘hiếu nghĩa’, khi hành động chôn cha cùng chiếc khố duy nhất thật bình dị, lớn lao và cao đẹp. Chỉ bằng hành động này thôi, người dân Văn Lang đã suy tôn Chử Đồng Tử là vị thánh trong tâm thức dân gian.
Sự tích Tiên Dung-Chử Đồng Tử đã chuyển tải quan niệm vượt thời đại về sự tự chủ trong tình yêu. Lần gặp gỡ được ví như duyên trời định đã mở ra câu chuyện về một trong những mối tình đẹp nhất của văn hóa dân gian Việt Nam.
Bất chấp mọi rào cản về thân phận giữa một người là con gái Vua Hùng và một người xuất thân là nông dân nghèo, giữa nàng công chúa xinh đẹp với một chàng thanh niên không một manh quần tấm áo, Chử Đồng Tử và Tiên Dung vẫn đến với nhau và cùng nhau gây dựng cuộc sống.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hồng, qua câu chuyện tình yêu của Chử Đồng Tử – Tiên Dung ông cha ta muốn nhắn nhủ: “Người lao động dù nghèo, nhưng chịu thương chịu khó, ăn ở hiền lành, lại chí hiếu như Chử Đồng Tử, ắt phải được lấy con gái nhà vua lá ngọc cành vàng làm vợ. Họ sống hòa thuận, hạnh phúc. Hơn thế nữa, lại được Tiên truyền phép, cho cả điện ngọc nguy nga, lầu son gác tía, địa vị cao sang. Đó chẳng phải là ước mơ đẹp đẽ, chân chính của người bình dân trong xã hội phong kiến quá nhiều bất công hay sao ? Chi tiết này nằm trong môtip truyền thống của văn học dân gian, chẳng những ở nước ta, mà còn có ở khắp mọi nơi trên thế gian đầy rẫy bất công và khổ đau này. Ví như truyện ‘Tấm Cám’ ở nước ta, hay truyện ‘Cô Gái Lọ Lem’ ở nước khác chẳng hạn. Ý nghĩa triết học và ý nghĩa nhân văn của câu chuyện này thật là sâu sắc.”
Tuy nhiên, Chử Đồng Tử trong Tứ bất tử đóng vai trò là Chử Đạo Tổ, tức là người dạy cho dân biết làm nghề để sống, nghề đấy chính là nghề buôn bán. Nghề thứ hai gắn liền với câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung làm thuốc cứu người.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng đánh giá: “Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa thì đúng là câu chuyện của tình yêu và nơi mà Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa gặp nhau bây giờ người ta vẫn giữ và người ta vẫn gọi đó là xã Tự Nhiên. Nhưng nó không chỉ chứa đựng câu chuyện tình yêu đôi lứa, bởi vì khi mà Tiên Dung công chúa gặp gỡ được Chử Đồng Tử trong hình thể Adam và Eva thì hai người đã nghĩ đến đó là duyên trời và họ đã vượt qua sự ngăn cản của cha mẹ. Bây giờ thì người ta vẫn nói là “Áo mặc làm sao qua nổi đầu”, dựng vợ gả chồng đó là chuyện của mẹ cha. Nhưng Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã viết nên một bài ca về Hạnh phúc ngay từ thuở đó với một tuyên ngôn rất rõ, đó là “Dựng vợ gả chồng là chuyện của hai ta chứ không phải là chuyện của mẹ cha.”
Không dừng lại ở câu chuyện tình yêu đôi lứa, sự tích Chử Đồng Tử còn nhấn mạnh việc xây dựng một cuộc sống giàu vật chất trên nền tảng tình yêu đích thực. Thánh Chử Đồng Tử đã cùng công chúa Tiên Dung dạy dân lập làng, lập xóm, dạy cho dân biết trồng lúa, dệt vải, giao thương để phát triển sản xuất và xây dựng nên những xóm làng trù phú.
Qua đó, câu chuyện tình yêu của Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã được dân gian linh thiêng hóa. Tình yêu đó gắn với quá trình hình thành và phát triển của làng xóm Việt Nam, của sản xuất, của sự phát triển dân tộc.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, dân chúng được no ấm, Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng bay lên trời. Đây là những nhân vật vừa phản ảnh cuộc sống thực tế của đời sống người Việt cổ, vừa phản ánh những mơ ước của người dân đó, mong muốn có những người tài và có đức, lo lắng cho dân chúng thay vì tranh quyền đoạt lợi, tham vọng cá nhân. Đấy là lý do giải thích tại sao người dân lại ngưỡng mộ và tôn thờ những người anh hùng dân tộc hay những vị thần linh trong tâm thức của người Việt chúng ta từ xa xưa đến như vậy.”
Chi tiết về cây gậy và cái nón đã giúp xây nên tòa lâu đài mà Chử Đồng Tử được tiên ông ban cho cũng mang nhiều tầng ý nghĩa. Cuộc sống sung túc của họ đã kéo theo những lời sàm tấu đến tai Vua Hùng. Vua Hùng sau đó đã cho binh lính đến để trị tội Chử Đồng Tử. Nhưng rồi đêm ấy, tòa lâu đài đã biến mất. Qua hình ảnh đó, có thể thấy người Việt từ xa xưa xưa đã ý thức được rằng những điều dễ dãi chẳng bao giờ được bền lâu.
Trong quan niệm và lối sống duy tình của người Việt Nam đó là “một trăm cái lý cũng không bằng một tí cái tình”. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng khẳng định chi tiết này đã cho thấy quan niệm sống quý trọng tình nghĩa từ thuở xa xưa của ông cha ta. Vật chất rồi cũng chỉ là ảo ảnh và phù du. Sau tất cả, Chử Đồng Tử và Tiên Dung lại tiếp tục con đường đi cứu nhân độ thế của mình.
Hiện nay, có rất nhiều ngôi đền trên khắp Việt Nam thờ Thánh Chử Đồng Tử, nhưng Đền Dạ Trạch tại vùng Khoái Châu, Hưng Yên vẫn nổi tiếng hơn cả vì đây là nơi ngài cùng hai vị phu nhân của mình đã hóa về trời.
Hai người vợ, một người là Tiên Dung công chúa và người còn lại chính là nàng Tây Nương, một cô gái trong dân gian. Tại đây, người ta lại đọc được một điều nữa đó là tính dân chủ bình đẳng một cách chất phác nhưng giản dị và đầy thiêng liêng trong thời kỳ xa xưa của văn hóa Việt.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Truyền thuyết về việc cắm cây gậy xuống và đặt cái nón lên thì thành quách lâu đài hiện ra ấy chỉ tượng trưng cho việc khi người ta đã có tình yêu thì họ có thể xây dựng những lâu đài tình yêu, đẹp lung linh như trong tưởng tượng, như trong mơ. Đó là ý nghĩa mà tôi nghĩ rằng câu chuyện Chử Đồng Tử – Tiên Dung đã nói lên, răn dạy cho chúng ta rất nhiều điều về giá trị tốt đẹp cho giới trẻ, cho những người mà đang yêu, đã yêu và chưa yêu, để thấy được giá trị đích thực của tình yêu.”
Đến hẹn lại lên, trung tuần tháng 2 âm lịch hằng năm, du khách thập phương lại nô nức về dự lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội tình yêu) diễn ra ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung, một tình yêu đầy lãng mạn giữa chàng trai nghèo họ Chử và con gái Vua Hùng thứ 18.
Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước.
Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là điểm du lịch tham quan không thể thiếu của du khách trong Tour du lịch đồng bằng sông Hồng.
Giống như Sơn Tinh-Thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử cũng là phò mã, là con rể Vua Hùng. Con người đã được người Việt xưa đặt ngang hàng, sánh tựa thần linh, như muốn nói rằng trong nhân gian, con người mới chính là tuyệt tác của tạo hóa. Và tính dân chủ bình đằng còn thể hiện ở chi tiết Tiên Dung công chúa và nàng Tây Nương, mặc cho thân phận đối nghịch đều cùng là vợ của Chử Đồng Tử.
Không phân biệt giàu-nghèo, sang-hèn, ở thuở xa xưa ấy, đời sống của người Việt đã rất hồn hậu, tự nhiên và thuần phác nhưng vẫn giàu giá trị nhân văn như những gì đã được gửi gắm qua hình tượng Thánh Chử Đồng Tử cùng bản thiên tình sử bên nàng công chúa Tiên Dung.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh
và chủ nghĩa nhân văn của người Việt
Liễu Hạnh Công chúa là một trong những vị thần quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu.
Mẫu Liễu Hạnh đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam phủ, Tứ phủ và được nhiều triều đại phong kiến nước ta sắc phong để cảm tạ công ơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ: “Mẫu Liễu Hạnh bước vào danh sách Tứ bất tử thay cho Từ Đạo Hạnh (một vị thiền sư) là sự thay đổi rõ nét trong quan niệm, từ đó cho chúng ta thấy nhu cầu, bối cảnh, môi trường văn hóa của nước ta trong thời kỳ thời kỳ Hậu Lê”.
Thời kì Hậu Lê – thời kì văn hóa Việt Nam đã phải trải 20 năm Minh thuộc, đó là cảnh:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây binh kết oán trải 20 năm”.
(Trích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi)
Thời kỳ đó, nguyên lý tính mẫu và vai trò người phụ nữ bị coi thường. Chủ trương của nhà Lê là “bãi truất bách gia, độc tôn nho thuật,” Minh Nho của nhà Lê không coi trọng vị trí của người phụ nữ. Vì thế, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của hệ tư tưởng Minh Nho đã bám rễ vào đời sống Việt Nam qua 20 năm Minh thuộc. Để chống lại tư tưởng đó, người Việt đã linh thiêng hóa, nâng cao vị trí của người qua hình tượng Thánh Mẫu.
Năm 1553, một tôn giáo rất mới đã du nhập vào Việt Nam đó là cơ đốc giáo. Chủ trương của Cơ đốc giáo là “nhất thần” (tức là chỉ thờ Chúa thôi), tôn giáo này thời đó không cho phép người Việt được kính chúa và thờ cúng tổ tiên cùng lúc.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ánh Hồng, hình tượng của Mẫu Liễu Hạnh đã chứa đựng hai phản đề rất quan trọng, mang tính tư tưởng chính trị rất lớn. Một là, chống lại sự đồng hóa của Minh Nho. Hai là, chống lại sự đồng hóa văn hóa của phương Tây.
Ngày 5/6/2012, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Ngày 1/12/2016 – đến lượt “Nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ” được vinh danh. Phục dựng lại tín ngưỡng thờ thần nữ vốn được coi là một đặc trưng gắn liền với văn hóa sản xuất nông nghiệp lúa nước của người Việt Nam.
Chính vì thế, nguyên lý tính mẫu và Đạo Mẫu ra đời đáp ứng mấy những nhu cầu như bảo vệ được đặc trưng, bản sắc văn hóa Việt Nam, gắn liền với phương thức sản xuất, với vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong đời sống văn hóa và phục dựng lại cái phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước. Thánh Mẫu hiện thân cho sự bao dung, hiện thân cho sự che chở. Đó cũng chính là yếu tố nhân từ trong văn hóa Việt Nam mà người ta gọi là chủ nghĩa nhân văn.
Chế độ phong kiến Việt Nam đã có một thời kỳ rất hà khắc và coi thường người phụ nữ. Nhưng đi ngược dòng lịch sử, từ thời đại đồ đồng, thậm chí thời đại đồ đá, con người đã gọi là có tín ngưỡng thờ phụ nữ. Loài người đã trải qua chế độ mẫu hệ đầu tiên và vai trò của người phụ nữ, người mẹ là rất quan trọng đối với thị tộc mẫu hệ, gia đình mẫu hệ rồi sau đó mới chuyển sang phụ hệ.
Dù bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, Đạo giáo, thế nhưng vị trí của người phụ nữ Việt Nam vẫn được đề cao và kết tinh lại trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu có từ rất sớm và nó ghi lại dấu ấn rất đậm nét trong kí ức các dân tộc.
Đó chính là động lực, niềm tin và tình cảm mà người Việt gửi gắm để thể hiện lòng biết ơn đối với người mẹ sinh ra mình, với bà mẹ tự nhiên, là đất, là nước, là nơi mà đã nảy sinh ra sự sống, ươm mầm sự sống và nuôi dưỡng sự sống đó phát triển trường tồn.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ: “Mỗi địa phương có cái sắc thái riêng nhưng tựu trung lại, những nơi thờ Mẫu là những nơi có truyền thuyết thần thoại gắn với sự xuất hiện, sự tham gia vào quá trình xây dựng làng xóm sản xuất, sinh con đẻ cái, dạy cho con người những cái lễ nghi văn hóa của Thánh Mẫu. Ở Huế trên Điện Hòn Chén thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na là mẫu của người Chàm, ở Tây Ninh cũng có đền thờ thánh mẫu. Vậy nên, không khó để nhận định rằng, tín ngưỡng thờ mẫu được lan truyền rất rộng rãi ở vùng Đông Nam Á, gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng dân cư làng xã.”
Văn hóa Việt Nam có một truyền thống đó là tôn trọng phụ nữ. Trong tâm thức của người Việt Nam, họ gọi Tổ quốc này là mẹ, lòng mẹ bao dung mà và tổ quốc được gọi là mẹ, đó là đấng sinh thành. Đặc biệt, chỉ có người Việt mới có những nghi lễ hay nói cách khác là một cách rất đặc biệt đối với người phụ nữ. Đó chính là những ngày lễ tôn vinh họ như ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ…
Trong văn hóa giao tiếp bằng ngôn từ, có thể thấy những gì mà có sức dung chứa, sức sinh sôi bao giờ cũng gắn liền với từ cái. Dòng sông lớn nhất người ta gọi là ‘sông cái’, con thuyền lớn nhất người ta gọi là ‘con thuyền cái’ , đôi đũa lớn nhất người ta gọi là ‘đôi đũa cái’, cái thúng lớn nhất cũng là ‘cái thúng cái’, thậm chí những từ được coi là số từ đếm người ta cũng gọi là cái như: ‘cái áo, cái quần,…’
Tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ: “Sở dĩ, văn hóa Việt Nam có cái đặc điểm trọng tĩnh, trọng tình, hướng nội, trọng nữ và cân bằng hài hòa. Yếu tố này một phần rất lớn là có nguyên nhân từ cái môi trường tự nhiên, từ phương thức sản xuất lúa nước. Nếu như ở Trung Quốc cũng là trồng lúa nhưng mà là lúa khô, là du mục, là thương mại thì họ sẽ tôn thờ thần Nông còn chúng ta thì tôn thờ Mẹ Lúa, Mẹ Đất, Mẹ Nước. Sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam, sự nhẫn nhịn của người phụ nữ Việt Nam chính là bệ phóng để đất nước này vươn lên tới tương lai và đó là lí do tại sao Đạo Mẫu đã hình thành và trở thành một đạo lý của người Việt.”
Trong “Tứ bất tử”, Thánh mẫu Liễu Hạnh là hình ảnh được dân gian kể lại nhiều câu chuyện nhất, vì vậy các đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh được xây dựng ở khắp các nơi, nhưng nổi tiếng nhất là Nam Định, Quảng Bình và Hà Nội. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ-Mẹ của muôn dân” và cuối cùng quy y cửa Phật.
Từ Phủ Dầy-Nam Định đến Bắc Lệ-Lạng Sơn, Tây Hồ-Hà Nội, Phố Cát, Sòng Sơn-Thanh Hóa, Ngọc Trọng-Cố đô Huế và nhiều nơi khác, đâu đâu cũng có di tích đền, phủ nổi tiếng thờ bà và nhiều lễ hội được tổ chức để suy tôn bà hàng năm.
Trong tiềm thức của người Việt Nam, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một vị thần biểu tượng cho khát vọng tự do, phóng khoáng, thoát khỏi những quy tắc ràng buộc của xã hội dành cho người phụ nữ. Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ, thờ đạo Mẫu.
Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh có ở khắp mọi nơi nhưng các nơi chính vẫn là những nơi Mẫu giáng trần hoặc hiển linh lưu dấu thánh tích. Phủ Dầy gắn liền với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nổi tiếng với nghi lễ chầu văn hầu đồng, một nghi thức thực hành tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Hàng năm, khách thập phương về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu.
Bà Trần Kim Huệ (thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương-Phủ Dầy) cho biết: “Thánh Mẫu Liễu Hạnh thường xuất hành ngao du thêm nhiều nơi khác ở phía Bắc Việt Nam. Theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh và trạng nguyên Phùng Khắc Khoan. Trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi”.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là hiện thân của sức mạnh nữ quyền, đi ngược lại với giáo lý Nho Khổng, với đạo Tam tòng, Tứ đức. Cuộc đời trần thế của bà chính là sự thể hiện ý nghĩa nhất tình yêu cuộc sống với đầy đủ sướng, vui, đau, khổ; sự tự do trong hành động với tư duy phóng khoáng, độc lập. Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh sẽ mãi trường tồn trong tâm thức của người dân Việt Nam.
Có thể thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu là nơi gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến. Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh được xem là dấu ấn của đạo Mẫu và chế độ Mẫu hệ, qua đó cho ta thấy được vị trí quan trọng của người phụ nữ trong tâm thức của người Việt.
Chia sẻ:
- Tweet
Có liên quan
Từ khóa » Tứ Bất Tượng Wiki
-
Tứ Tượng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sinh Vật Huyền Thoại – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tứ Bất Tượng Là Gì? Ý Nghĩa Tứ Bất Tượng Trong ... - Bách Hóa XANH
-
Tứ Bất Tượng Và Ý Nghĩa Của Tứ Bất Tượng Trong Dân ... - Meeyland
-
Tứ Bất Tượng Gồm Những Ai Tại Sao Nó Lại Quan Trọng?
-
Tứ Bất Tượng Và Ý Nghĩa Của Tứ Bất Tượng ...
-
4 Thần Thú "bá đạo" Trong Tây Du Ký: Bất Ngờ Với Vị Trí Số 1
-
Tứ Bất Tượng Là Gì ? Cùng Tìm Hiểu ý Nghĩa Phong Thủy Của Tứ Bất ...
-
四不像 - Wiktionary
-
Tứ Bất Tượng Là Gì? Ý Nghĩa Tứ Bất Tượng Trong Dân ... - SHARINGDO
-
Vua Minh Mạng Và Những Bất Ngờ Xung Quanh Lệ “Tứ Bất Lập”